Thứ Sáu, 23/08/2019 08:02

50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhiều tư liệu quý

Hơn 700 tư liệu tiêu biểu giới thiệu toàn diện về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được trưng bày theo 4 nội dung.

Sáng 22.8, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã khai mạc triển lãm tư liệu “50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh”, nhằm khẳng định giá trị lý luận và thực tiễn của bản Di chúc, đồng thời thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hơn 700 tư liệu tiêu biểu giới thiệu toàn diện về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được trưng bày theo 4 nội dung.


Cắt băng khai mạc triển lãm

Ở nội dung Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cuộc đời - Sự nghiệp, giới thiệu các tư liệu phản ánh chân thực và đầy đủ về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là những ngày Người còn niên thiếu sinh sống tại quê nhà và kinh thành Huế. Sau đó là hành trình Người bôn ba đi tìm đường cứu nước, trở thành thành viên của Quốc tế Cộng sản và quá trình Người vận động thành lập Đảng, trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua khó khăn, thử thách, đấu tranh giành chính quyền, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam...

Triển lãm cũng đặc biệt nhấn mạnh phần nội dung trọng tâm Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nội dung, ý nghĩa và giá trị lịch sử, với các tư liệu liên quan đến những nội dung cốt lõi trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đảng, về đoàn viên và thanh niên, về nhân dân lao động, về phong trào cộng sản thế giới. Tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng; kế hoạch, chương trình hành động của toàn Đảng, toàn dân về công cuộc xây dựng và phát triển đất nước…


Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cùng các đại biểu tham quan triển lãm

Bên cạnh đó, triển lãm cũng giới thiệu bút tích chỉnh sửa, bổ sung của Người trong bản Di chúc, gồm: bản Di chúc đầu tiên Người viết với tiêu đề “Tuyệt đối bí mật” gồm 3 trang, do chính Người đánh máy, ở cuối đề ngày 15.5.1965. Bản Di chúc có chữ ký của Người, bên cạnh có chữ ký của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng; bản bút tích Người viết năm 1968, bổ sung một số đoạn, trong đó Người viết lại đoạn mở đầu và đoạn nói “về việc riêng” đã viết trong bản năm 1965 và viết thêm một số đoạn…


Triển lãm nhằm thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh

Triển lãm chọn lọc giới thiệu các tư liệu, ấn phẩm về Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Những nội dung về Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cùng những thành tựu mà Đảng và nhân dân ta đã đạt được trong quá trình bảo vệ và thống nhất Tổ quốc, xây dựng kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội sau 50 năm thực hiện Di chúc của Người cũng được chọn lọc và thể hiện tại triển lãm.


Nhiều cuốn sách về thành tựu xây dựng đất nước sau 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Kiều Thúy Nga khẳng định, tuy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng di sản Người để lại cho đời là “Thời đại Hồ Chí Minh” với tinh thần độc lập, tự cường. Bản Di chúc trường tồn cùng lịch sử, luôn là nguồn cảm hứng cho chúng ta phấn đấu hoàn thành sự nghiệp cách mạng trong từng hoàn cảnh cụ thể, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đất nước ngày càng phát triển, phồn vinh.

Nguồn: Đại biểu nhân dân (Hương Sen)