Thứ Ba, 25/08/2020 00:21

Bạn sẽ ứng xử thế nào khi có một tuổi thơ nhiều thương tổn?

Cả hai tác giả, giờ đây đã trở thành những người bà, cùng xuất thân trong những gia đình giàu có, dư dả về tài chính nhưng họ đã trải qua một tuổi thơ đầy tổn thương.

“Phần lớn chúng ta đã dành cả cuộc đời mình để nghe theo những gì cha mẹ sắp đặt”. (Philip Larkin). Trong hai cuốn hồi kí đầu tay khác nhau - The Erratics (Tạm dịch: Những kẻ dị thường) của Vicki Laveau-Harvie và Poetic License (Tạm dịch: Môn bài của thi ca) của Gretchen Cherington – cả hai tác giả, giờ đây đã trở thành những người bà, cùng xuất thân trong những gia đình giàu có, dư dả về tài chính và cùng có những ông bố bà mẹ mang hội chứng “ái kỉ” tột cùng. Họ đã ứng xử với tuổi thơ nhiều thương tổn của mình thế nào?

Vicki Laveau-Harvie, người chiến thắng giải thưởng Stella danh giá của Úc, đã được nuôi lớn trong một ngôi nhà dưới chân dãy núi Rockies của Canada bởi một bà mẹ xinh đẹp, lôi cuốn nhưng mắc chứng rối loạn tâm thần và đầy bạo lực, người đã tước đi quyền thừa kế hợp pháp của cả hai đứa con mình hàng thập kỉ trước khi qua đời, và thao túng người chồng thành đạt nhưng nhu nhược của mình làm điều tương tự.

Vicki Laveau-Harvie, 12 tuổi, cạnh một hồ nước gần dãy núi Rocky.

Sau hơn 15 năm bị “trục xuất”, Vicki và em gái trở về ngôi nhà thời thơ ấu khi biết rằng mẹ già của họ đang nằm trong bệnh viện, bị ngã và gãy xương hông. Họ phát hiện ra, mẹ của họ đã không chỉ giam cầm chính mình và cha trong căn nhà nơi đồng cỏ hẻo lánh suốt nhiều năm liền, mà bà còn chủ ý lên kế hoạch bỏ đói chồng mình khiến ông lâm vào tình trạng suy giảm tinh thần và thể chất nghiêm trọng. Hai chị em đã tranh thủ thời điểm người mẹ mất khả năng chống cự để có thể tiến hành đánh giá sức khỏe tâm thần của bà, và kết quả: bà thực sự bị điên.

Khi được đưa vào khu điều trị, mẹ của họ ngay lập tức cố gắng thuyết phục những nhân viên điều dưỡng tin vào ý định xấu xa của hai chị em. (Bà nói với một số người rằng bà không hể có con, rằng họ là kẻ chuyên đi đào mỏ; bà nói với những người khác bà có tổng cộng 18 đứa con, tất cả đều đã bỏ rơi bà; vẫn là bà nhưng với một số người khác nữa, bà kể, con gái lớn của bà đã trốn sang Venezuela và đang bị Interpol săn lùng tìm kiếm...). Nhìn những hành động của mẹ, Vicki phải thốt lên rằng: “Bà đã trở thành một Ponzi thứ hai bằng xương bằng thịt – một mô hình đa cấp lừa đảo. Bạn chạm vào, và bạn mắc câu”.

Nhiều tháng liền, Vicki và chị gái cuối cùng cũng có thể chứng minh được những hành vi bất hợp pháp của mẹ để có thể đảm bảo rằng bà sẽ phải ở trong viện điều trị vĩnh viễn và giải cứu người cha già khỏi cái chết gần như là chắc chắn dưới tay vợ mình.

The Erratics của Vicki Laveau-Harvie.

Đó là một câu chuyện nghe thật khủng khiếp, đáng sợ, nhưng Laveau-Harvie đã kể lại bằng sự hài hước cùng trái tim và sự thấu cảm to lớn. Bà có thứ năng khiếu về ngôn ngữ của một nhà thơ, có trực cảm về tính bi, tính cao trào của một nhà viết kịch và khả năng phân bố thời gian của một diễn viên hài trên sân khấu. Nhưng, có lẽ đáng chú ý nhất là thứ tâm hồn hào phóng mà bà đã dành để viết về những chấn thương trong chính cuộc sống gia đình mình.

Cuốn hồi kí tập trung kể câu chuyện vào khoảng thời gian sáu năm cuối cuộc đời của cha mẹ bà, Laveau-Harvie hầu như không đề cập đến cơn ác mộng thời thơ ấu của mình. Bà so sánh phần kí ức đã mất của mình với khung cảnh xung quanh những ngọn núi lửa đang hoạt động: “Nếu bạn dừng lại để nhìn xa hơn những gì có thể, ngước mắt lên cao, bạn sẽ thấy, ở khoảng cách xa nhất từ ngọn núi lửa, bề mặt đã bị cứng lại. Nó có màu đen và sáng lên, khiến bạn không thể chạm vào được hết những mảnh vỡ từ thời thơ ấu của mình. Nhưng bạn nhận ra rằng, ngay từ sớm, bạn đã có một quá trình tôi luyện để phân biệt được đâu là thật, đâu là sự lừa dối để giờ có thể đứng vững trong hiện tại, thận trọng từng bước trong mỗi lựa chọn của cuộc đời mình. Và đó chắc chắn không chỉ là một ngọn khói đã tắt ngúm hay một một mảnh kí ức sâu hoắm bị carbon hóa”.

Không giống như em gái của mình, người vẫn chọn sống ở ven Vancouver gần căn nhà cũ, Laveau-Harvie đã cố gắng “bỏ trốn” từ Canada đến Úc, nơi bà có lí do để cảm thấy “an toàn bởi không còn mang nặng quá khứ của mình trên vai”. “Em gái tôi đã mang nó cho tôi, bàn chân của cô ấy bị mắc lại trong cái bẫy gấu tuổi thơ của chúng tôi, cô đã không thể tự thoát ra khỏi nó cho dù có cố gắng thế nào”.

Nhưng bất chấp mọi điều tồi tệ đã xảy ra, Laveau-Harvie chưa từng cố gắng biến mình trở thành nạn nhân hay nghiêm trọng hóa những chấn thương của mình. Và bằng việc nhẹ nắm dây cương của cuộc đời mình, bà đã dẫn đường để tất cả chúng ta cùng lần theo, nhìn lại cuộc đời của chính chúng ta. Cuốn sách cứ thế bước đi bằng một thứ năng lượng tích cực, với sự thông minh và chất trí tuệ của người viết. Đến tận trang cuối cùng, tôi thật sự đã phải lật lại từ đầu để bắt đầu thêm một lần nữa. Tôi không muốn nó kết thúc.

Poetic License của Cherington.

Ngược lại, Poetic License của Cherington đầy nhọn nhằn và khó khăn, cuốn hồi kí khiến chúng ta nhận thức được một nỗ lực khổng lồ để kiềm chế hay kiểm soát cảm xúc khi một tác giả quyết định viết ra một thứ quá đỗi thân thuộc với chính mình. Thay vì cứ men dọc theo câu chuyện, người đọc lại cảm nhận được tiếng rên rỉ đau đớn của những bánh răng mỏi mòn quay, những cố gắng phi thường để bà có thể ngồi xuống viết ra những trải nghiệm của chính mình.

Là con gái của nhà thơ Mĩ nổi tiếng Richard Eberhart, Cherington được lớn lên giữa những vị thánh của văn chương. Cha mẹ bà đều là những “nghệ sĩ tuyệt vời” và ngôi nhà của họ là nơi tới lui của hàng loạt những trí thức nổi tiếng của thời đại, bao gồm Robert Frost, W. H. Auden, Dylan Thomas, T. S. Eliot và Allen Ginsberg. Và người ở vị trí trung tâm chính là Eberhart, cha bà, "một ngôi sao sáng với hết giải thưởng này đến danh hiệu khác”. Những người bạn luôn vây xung quanh ông và “tụ họp tại phòng khách của chúng tôi như thể ông là vị minh chủ của họ. Mọi ánh mắt của chúng tôi đều đổ dồn vào ông, và chỉ cần giọng nói của ông thôi đã là quá đủ”. Trong thứ men say luôn chảy đó, cảm thức về cái tôi luôn được bung nở, và trong một căn phòng đầy rặt những tay nhà thơ ái kỉ đó, Eberhart “luôn là chủ đề yêu thích của chính ông”.

Mẹ của Cherington là một người bạn đời lí tưởng của cha cô, hoạt bát, lanh lợi và luôn sẵn sàng tham gia các bữa tiệc. Nhưng không may, bà bị rối loạn co giật, và một đứa trẻ như Gretchen phải “đảm nhận vai trò của một người bảo vệ, luôn luôn để mắt trước sau để đề phòng những nguy hiểm có thể xảy ra, và là người phát ngôn với nhiệm vụ diễn giải với những người lạ về căn bệnh động kinh của mẹ mình”.

Như phần lớn những đứa con được sinh ra từ những ông bố bà mẹ nổi tiếng, Cherington luôn phải vật lộn để chiếm được ánh nhìn và sự nể trọng từ mọi người. Cherington luôn tự chơi ngoài sân vườn, đứa trẻ đó đứng ở phía bên ngoài của khu rừng đầy những những ngôi sao lấp lánh kia và ghen tị với sự chú ý luôn được đổ dồn vào phía người cha danh tiếng. Làm sao cô có thể tỏa sáng trong một căn nhà đã quá nhiều ánh sáng như vậy?

“Không có nhiều căn phòng dành cho một đứa trẻ, nhất là căn phòng cùng với cha,” Cherington đã nói với người bạn thời thơ ấu của mình khi họ đọc những bức thư cũ của cha cô. “Ông ấy từng rất thích khoe về tôi và chiều chuộng tôi trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng ông luôn giữ bên mình một vòng vây chật ních các nhà thơ và học giả xung quanh, họ hút hết sạch không khí. Tôi nghĩ cô gái nhỏ đó đến giờ vẫn còn buồn”.

Gretchen Cherington tại căn nhà ở New Hampshire, 1974.

Cherington đưa chúng ta đi qua nhiều năm của cuộc đời bà, từ những ngôi nhà khác nhau của gia đình bà dọc theo Bờ Đông cho đến năm bà theo học tại một trường nội trú ở Lausanne, nơi bà đã không chỉ học tiếng Pháp mà còn học cách trang điểm, làm tóc và hẹn hò với các chàng trai. Khi cô bé Cherington ngày nào lớn lên và trở thành một thiếu nữ đầy đặn, nở nang, cô bất ngờ lại lọt vào mắt của cha mình và đó là một điều thật khủng khiếp. Vào một đêm khi đã ngà ngà say xỉn, ông bước lên lầu sau khi dự một bữa tiệc cocktail dưới nhà, vào phòng cô con gái 17 tuổi đang ngủ của mình, ngồi bên giường, luồn tay vào dưới lớp áo sơ mi và vuốt ve cô. Không thể thốt ra thành lời, cô đẩy ông ra xa; và ông lui ra phía cửa trong tiếng cười khúc khích đầy khoái trái. Sự im lặng đã diễn ra nhiều năm sau đó, một sự im lặng đã ăn mòn Cherington trong nửa thế kỉ. Bà viết: “Những bí mật càng cố chôn sâu lại càng nối dài nỗi đau của tôi. Im lặng thật ra là sự tự cô lập, và nó khủng khiếp, tệ hại như chính sự lạm dụng”.

Cherington đã bỏ học Đại học Washington, nơi Eberhart từng giảng dạy, và trở thành một người vợ, một người mẹ trẻ ở New Hampshire, nơi mà Eberhart cũng từng được trao tặng giải thưởng về thơ ca của mình. Bà làm việc trên mảnh đất trong trang trại của chồng và cuối cùng thành lập công ty tư vấn của riêng mình cho các giám đốc điều hành các công ty. Bà tự hào vì trở thành một chuyên gia và được chính những người đàn ông đầy quyền lực như cha mình công nhận, kính nể. Một kết cục như phim.

Ở tuổi 40, Cherington quyết định đi sâu vào các kho lưu trữ tại Dartmouth để tìm kiếm những ghi chép của cha mình. Sau khi đọc nhật kí và thư từ của ông, bà có thêm một góc nhìn về những tổn thương thời thơ ấu mà chính ông cũng từng phải chịu đựng, khi phải chăm sóc người mẹ thân yêu của mình trong giai đoạn cuối của căn bệnh ung thư. Cherington cuối cùng đã tha thứ cho cha mình, trên giường bệnh của ông. Mười hai năm sau, bà đúng trên bục tại lễ kỉ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ ở Hanover, N.H. và nói ra sự thật về chính mình.

Cả Cherington và Laveau-Harvie đều phải vật lộn để đối phó với hành vi tệ hại, thậm chí là ngược đãi của chính cha mẹ mình. Nhưng có lẽ cuốn sách của Laveau-Harvie sẽ thực sự ở lại với người đọc lâu hơn bởi chất lượng của một giọng kể chuyện chân thật và đầy mạnh mẽ của bà.

-------

KIỀU CHINH dịch theo Helen Fremont, The New York Times

Về tác giả: Helen Fremont là tác giả của hai cuốn sách After Long Silence (tạm dịch: Phía sau im lặng) và The Escape Artist (tạm dịch: Người nghệ sĩ biến mất).