Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về tầm quan trọng, giá trị của tài liệu lưu trữ, công tác lưu trữ và ngành lưu trữ Việt Nam.

Bảo vệ tài liệu lưu trữ quốc gia là góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia
Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước.

Phóng viên (PV): Ông có thể cho biết đôi điều về giá trị của tài liệu lưu trữ?

Ông Đặng Thanh Tùng: Đúng là hiện nay còn khá nhiều người chưa hiểu hết giá trị của tài liệu lưu trữ trong đời sống hiện tại và cả tương lai sau này. Xin lấy một ví dụ 990 năm danh xưng Thanh Hóa. Để khẳng định danh xưng này có từ năm nào, đã có một hội thảo khoa học về vấn đề này với quy mô khá lớn và thu hút nhiều nhà nghiên cứu. Điều này sẽ không cần phải bàn cãi nếu có bằng chứng lịch sử, pháp lý thuyết phục. Với ngành lưu trữ, chỉ cần "trưng" ra một mộc bản thì tự nó đã nói lên tất cả.

Có thể nói một cách tổng quan, lưu trữ có hai nhiệm vụ cơ bản: Thứ nhất, bảo quản tài liệu, tức là giữ lại ở trạng thái tốt nhất, kéo dài tuổi thọ của các di sản tư liệu lịch sử dân tộc theo các giai đoạn khác nhau... càng lâu càng tốt. Những di sản, tài liệu này chỉ có nghĩa và phát huy được giá trị khi nó thực hiện chức năng thứ hai là phát huy giá trị để thế hệ sau hiểu về văn hóa, lịch sử các giá trị truyền thống, lịch sử, văn minh... cho "tường gốc tích" mà tự hào về ông cha, hun đúc lòng yêu nước, yêu quê hương và quyết tâm bảo vệ Tổ quốc.

Cán bộ, công chức, viên chức ngành lưu trữ hiện nay đang thực hiện một sứ mệnh, như Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình từng nhấn mạnh: "Gìn giữ hồn phách của dân tộc".

Bảo vệ tài liệu lưu trữ quốc gia là góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia
Triển lãm "Hồ Chí Minh: Cuộc đời và sự nghiệp từ tài liệu lưu trữ Việt Nam và quốc tế" đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, học giả trong nước và quốc tế. Ảnh: Vương Hà.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về các tài liệu lưu trữ đặc biệt quan trọng?

Ông Đặng Thanh Tùng: Trong khối di sản tài liệu lưu trữ của cha ông để lại có khối tài liệu đặc biệt quan trọng về chủ quyền quốc gia. Nước nào cũng phải quan tâm, lưu giữ đặc biệt cẩn thận. Đây cũng là cách để tự bảo vệ từ góc độ pháp lý. Vì khi đưa ra các định chế về tài phán trên thế giới thì phải là tài liệu lưu trữ của quốc gia mới có giá trị và có tính thuyết phục. Những tài liệu ở cấp độ khác cũng chỉ có tính tham khảo. Khối tài liệu đặc biệt về biển, đảo luôn được bảo quản đặc biệt cẩn thận, phát huy giá trị của khối tài liệu quan trọng này là công việc của ngành lưu trữ.

Xác định rõ tầm quan trọng như vậy, ngược dòng lịch sử sẽ thấy, chỉ chưa đầy một tuần sau khi tuyến bố thành lập nước, ngày 8-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao đồng chí Võ Nguyên Giáp ký sắc lệnh về việc bổ nhiệm cán bộ phụ trách công tác lưu trữ. Điều này cho thấy tầm nhìn và sự sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một công việc mà với nhiều người tưởng như không quan trọng, nhất là trong bối cảnh nước ta phải lo vô vàn công việc quan trọng khác, như chống thù trong giặc ngoài, nạn đói, nạn mù chữ... Ngày nay, nhiệm vụ ngành lưu trữ cũng được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội quan tâm đặc biệt. Lãnh đạo cao nhất của Chính phủ, Quốc hội đã có các chỉ đạo, cỗ vũ, động viên cán bộ nhân viên tiếp tục làm tốt hơn nữa việc bảo quản và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ.

PV: Vậy, chúng ta phải làm gì để phát huy hết giá trị tài liệu lưu trữ, thưa ông?

Ông Đặng Thanh Tùng: Trước hết phải tìm cách để đông đảo người dân được tiếp cận một cách dễ dàng đối với tài liệu lưu trữ. Phải bằng mọi phương thức để có thể đưa thông tin của tài liệu lưu trữ đến với người dân, như thông qua truyền thông, đưa thông tin qua các trang mạng xã hội, tổ chức các cuộc triển lãm... Định hướng lớn về phát huy giá trị tài liệu này đã được lãnh đạo Chính phủ quan tâm, ủng hộ, chỉ đạo sát sao. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, hiện ta đang thực hiện chính phủ điện tử, Cách mạng khoa học công nghệ 4.0, vì vậy mọi tài liệu phải được số hóa, phải được đưa lên internet, mới tiện lợi phục vụ nhân dân tìm hiểu, học tập.

Giai đoạn tiếp theo của lưu trữ sẽ là lưu trữ điện tử. Có nghĩa là các loại tài liệu được sinh ra và về nguyên tắc phải lưu trữ theo quy định của pháp luật giờ đây sẽ là các file điện tử. Có nghĩa là phương thức tiếp cận sẽ khác, bảo quản khác, luân chuyển, khai thác và phát huy cũng khác. Chúng ta về cơ bản đang ở giai đoạn đầu của lưu trữ điện tử. Đây là xu hướng tất yếu.

PV: Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, theo ông, chúng ta cần ứng xử như thế nào với các tài liệu truyền thống?

Ông Đặng Thanh Tùng: Công nghệ lưu trữ thay đổi hằng ngày theo sự thay đổi của công nghệ thông tin, cho nên, ngành lưu trữ cũng phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho sự thay đổi. Bên cạnh đó, bao giờ cũng phải giữ lưu trữ truyền thống. Đây là yêu cầu bắt buộc. Bởi vì giấy cũng có yếu tố tích cực. Với một tài liệu giấy, giấy bình thường, in ở chế độ bình thường, mực bình thường có thể 50 năm sau tài liệu này vẫn bình thường. Nhưng cách này cũng có hạn chế là không thể chia sẻ cho nhiều người cùng lúc. Đổi lại nó lại được bảo quản, bảo mật theo cách tốt nhất.

Nói tóm lại cái gì cũng có thách thức và thời cơ đi cùng nhau, việc tiếp tục duy trì lưu trữ truyền thống đối với những tài liệu đã có là việc phải làm, nghĩa là vẫn phải có hệ thống kho tốt, bảo đảm các trang thiết bị tiên tiến để bảo quản nó tốt nhất, trong đó, từng bước số hóa dần dần những khối tài liệu ưu tiên trước phục vụ cho công chúng, đất nước.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

NGUYỄN HÒA (thực hiện)