Hơn nữa, chị cũng muốn thể hiện trọn vẹn giá trị “đạo làm người” mà Nguyễn Du gửi gắm trong “Kiều” thông qua nghệ thuật múa ballet.

Phóng viên (PV): Tại sao chị lại chọn “Truyện Kiều” để chuyển thể thành tác phẩm ballet?

Biên đạo múa Tuyết Minh: Tôi chọn tác phẩm “Truyện Kiều” với tâm niệm để tri ân Đại thi hào Nguyễn Du và thể hiện sự ái mộ của mình với tuyệt tác nghệ thuật văn chương này. Vì thế, ngay từ khi đặt bút chuyển thể sang kịch bản múa, tôi đã đặt mình trong sự tiếp nhận văn học hiện đại mà chủ động làm giàu hơn cho tác phẩm này thông qua ngôn ngữ hình thể của nghệ thuật múa.

Khi tôi bắt đầu triển khai dàn dựng vở ballet Kiều, thì ngay từ tư duy, tôi đã lọc những gì mà đặc trưng ngôn ngữ cơ thể sẽ thể hiện tốt nhất và những gì không phải là thế mạnh của nghệ thuật múa. Nhiều chuyên gia e dè với “Truyện Kiều”, nhất là khi kiệt tác này đã quá đồ sộ về thi ca và ngôn từ. Hơn nữa, do đặc thù của các bộ môn nghệ thuật như kịch nói, múa rối… khi chuyển thể “Truyện Kiều” lên sân khấu thì không thể xa rời lời thoại, hoặc diễn xướng, ca, lối sử dụng các câu thơ theo nguyên tác.

Trong vở ballet Kiều, tôi tin là múa sẽ không làm khán giả thất vọng khi “vẽ” nên không gian đượm chất thơ, trữ tình và hình tượng nhân vật Thúy Kiều, Đạm Tiên, Kim Trọng, tú bà, Sở Khanh, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Từ Hải, sư Giác Duyên thật điển hình mà lại hàm ý được tư tưởng của Nguyễn Du trong những mối quan hệ ấy với tất cả hỉ, nộ, ái, ố để mỗi người xem suy ngẫm đến đời sống tinh thần và nắm giữ, trân trọng vận mệnh của mình ngay ở thời hiện tại.

Biên đạo múa Tuyết Minh
Tổng đạo diễn, biên đạo múa Tuyết Minh đang chỉ đạo diễn xuất trong vở ballet Kiều. Ảnh nhân vật cung cấp.

PV: Ballet Kiều được đặc biệt chú ý những điểm nào khi dàn dựng?

Biên đạo múa Tuyết Minh: Khi chọn ballet để dàn dựng trước hết phải hình thành phong cách xuyên suốt của kết cấu ngôn ngữ múa. Diễn viên nữ phải thể hiện trên giày mũi cứng, và diễn viên nam phải thể hiện được những kỹ thuật nền tảng của cổ điển châu Âu, có nghĩa tiêu chí kỹ thuật, kỹ xảo phải đạt được niêm luật của bộ môn múa ballet. Mặt khác, để thể hiện được tâm hồn Việt, khắc họa được những nét tính cách nhân vật điển hình thì các diễn viên phải thấm nhuần văn hóa phương Đông, cốt cách, tinh thần và bản sắc văn hóa của người Việt nên mỗi cử chỉ, động tác hay tổ hợp múa đều phải chắt lọc, thủ pháp mang tính sáng tạo cao thì mới đủ chuyển tải hết tinh, khí, thần của các lớp diễn.

Đối với nghệ thuật biên đạo, nếu không có nghề hoặc không có kinh nghiệm trong dàn dựng các vở diễn lớn sẽ dễ bị sa đà vào múa trang trí tức là không bật ra được tính cách nhân vật, không toát lên được tinh thần của vở diễn với các lớp triết lý của từng cảnh diễn và thách thức lớn nhất là phải hòa hợp ballet văn hóa phương Tây với phong cách múa dân gian, múa truyền thống và văn hóa phương Đông đậm bản sắc Việt.

PV: Được biết, vở ballet Kiều có 15 lớp cảnh, vở diễn sẽ sử dụng những thủ pháp nghệ thuật nào để tạo nên nét đặc trưng nghệ thuật của tác phẩm?

Biên đạo múa Tuyết Minh: Tôi nghĩ điều làm nên sự thu hút của ballet Kiều trước hết là lối đặt vấn đề khá ấn tượng bằng sự kết hợp giữa ballet và hiệu ứng kỹ thuật hologame (trình chiếu). Các cảnh múa ballet dưới nước được thực hiện khá kỳ công và 2 nữ nghệ sĩ Trần Hoàng Yến và Kim Tuyền quyết tâm thể hiện cảnh này thật xuất sắc. Trong quá trình tập luyện, chúng tôi phải ghi hình thành 2 phần và ngâm mình dưới nước 7 đến 8 tiếng đúng vào thời điểm Hà Nội đang rất lạnh. Hơn nữa, diễn viên phải nhịn thở rất lâu để lặn xuống thì mới có thể múa được và đủ thời gian để ghi hình. Phần biểu diễn này đã tạo được hiệu quả nghệ thuật tương tác và chuyển tải ý đồ của vở diễn rất tốt.

Tôi tin vào cách tìm kiếm, sáng tạo của mình và biên đạo múa Phúc Hùng khi tìm ra phong cách kết hợp giữa kỹ thuật nền tảng của ballet đương đại với nét đặc trưng của nghệ thuật tuồng, chèo để chuyển tải được linh hồn cho toàn bộ vở diễn.

Điểm mấu chốt làm nên tác phẩm này chính là tôi đã có một dàn diễn viên hùng hậu và đang ở phong độ cao về kỹ thuật, kỹ xảo và dạn dày kinh nghiệm sân khấu của Nhà hát nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh. Vở ballet Kiều có nhiều tuyến nhân vật chính diện và phản diện, mà nhân vật nào cũng cần phải rất xuất sắc thì mới làm nên được Kiều “made in Việt Nam”.

PV: Lớp cảnh nào được xem là quan trọng, ảnh hưởng đến toàn bộ nội dung xuyên suốt của ballet Kiều?

Biên đạo múa Tuyết Minh: 4 cảnh diễn có nội dung mang chủ đề xuyên suốt của ballet Kiều đó là: Khai từ, Sông Tiền Đường, Bóng ma Đạm Tiên và Đường Tịnh hóa, bởi 4 cảnh này đều xoay quanh cuộc gặp gỡ giữa Thúy Kiều và Đạm Tiên là đối thoại của nhân vật Kiều và chính tác giả thông qua nhân vật Đạm Tiên, sư Giác Duyên để chuyên chở nội dung chủ đề và ý tưởng của tác giả gửi gắm đến khán giả.

Biên đạo múa Tuyết Minh
Cảnh trong vở ballet Kiều. Ảnh nhân vật cung cấp.

PV: Tại sao chị lại sử dụng âm nhạc live trong một số trường đoạn của vở?

Biên đạo múa Tuyết Minh: Trong ballet Kiều sẽ có một số trường đoạn sử dụng âm nhạc live do nhạc sĩ Chinh Ba đảm nhiệm, đó là những trường đoạn kết nối 3 hồi của vở diễn và một số cảnh diễn quan trọng, đặc tả chiều sâu tâm trạng nhân vật, tạo không gian nối giữa các cảnh diễn để khán giả ngưng nghỉ, nuôi dưỡng dòng cảm xúc và có thời gian để liên tưởng… đó là một trong những thủ pháp từ sân khấu kịch hát dân tộc mà tôi rất thích.

PV: Mục tiêu của chị khi thực hiện ballet Kiều là gì?

Biên đạo múa Tuyết Minh: Ballet Kiều được đầu tư sáng tác cho Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Thành phố Hồ Chí Minh, sau buổi công diễn ra mắt đầu tiên vào ngày 20-6, tại Nhà hát Lớn Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi sẽ biểu diễn vào tháng 8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Với vai trò tổng đạo diễn, biên đạo múa của vở, tôi cùng biên đạo múa Phúc Hùng, Phúc Hải đã nhận được sự ủng hộ của Ban giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Thành phố Hồ Chí Minh và cũng là mong mỏi của các nghệ sĩ múa phía Nam muốn được mang vở diễn ra Bắc. Hơn nữa, vở diễn này để công chúng và giới hoạt động nghệ thuật thấy rằng ngành múa có sự tiếp nối, chuyển giao giữa các thế hệ rất tốt.

Nguồn: QĐND (Khánh Huyền)