Thời cơ chín muồi

Với chiều dài lịch sử hàng nghìn năm, lại nằm ở vị trí giao điểm của các nền văn minh nên nước ta có số lượng di sản vật thể vô cùng phong phú, đa dạng với hơn 3 triệu hiện vật trong các bảo tàng, hơn 4.000 di tích cấp quốc gia... Trước năm 1945, một số nhà khoa học nước ngoài và Việt Nam đã tiến hành những bước đầu tiên trong việc sưu tầm, nghiên cứu các di sản vật thể. Công việc này tiếp tục ở các giai đoạn sau trong điều kiện không thuận lợi, chủ yếu để thực hiện các công trình, dự án, đề án riêng lẻ; không phải từ một chiến lược riêng bảo tồn phát huy giá trị di sản. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình (Tạp chí Mỹ thuật và Nhiếp ảnh, Trưởng nhóm “Đình làng Việt”) cho biết: “Trong thời bình và khi kinh tế đã khấm khá hơn trước, công việc số hóa các di sản vật thể cũng đã nhiều lên. Tuy nhiên, tình trạng vẫn đang là “mạnh ai nấy làm”, chưa có một chiến lược, kế hoạch rõ ràng để huy động nhân lực, tài lực cùng tham gia hiệu quả”.

Cần sớm có kế hoạch số hóa di sản vật thể
Trình diễn các trang phục phỏng cổ do Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên thực hiện. Ảnh: ĐỨC LỘC

Di sản phi vật thể cần được ưu tiên số hóa hơn vì số phận loại hình này quá đỗi “mong manh”. Tri thức văn hóa dân gian (sử thi, trường ca của các dân tộc thiểu số, những lễ hội dân gian…) nằm trong ký ức nhân dân, nhất là những người cao tuổi. Thế nên cần phải gấp rút điền dã để quay phim, ghi âm, chụp ảnh, ký họa… góp phần bảo đảm những tri thức quý báu ngàn đời không mất đi cùng những người lưu giữ.

So với di sản phi vật thể, di sản vật thể có sức hút trực tiếp, có khả năng cao thu hút khách du lịch, giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới… Cho nên, để phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể cần bảo tồn mà số hóa dưới dạng ảnh, phim, công nghệ thực tế ảo 3D… sẽ mang lại giá trị ứng dụng lâu dài. Vì vậy, cần sớm có một kế hoạch nhất quán cụ thể, một đầu mối điều phối công việc, huy động nguồn lực xã hội hóa và ngân sách Nhà nước để thực hiện khoa học, bài bản, có tính ứng dụng cao. Đây là việc làm cấp thiết bởi các di sản vật thể đang dần xuống cấp theo thời gian và bị xâm hại ngày càng nhiều.

Tìm tòi, chọn lọc cách bảo tồn

Trong quá trình tìm hiểu lĩnh vực công nghiệp văn hóa ở một số nước trong khu vực, chúng tôi mới hiểu vì sao Trung Quốc, Hàn Quốc lại sản xuất được nhiều phim cổ trang chất lượng. Một trong những bí quyết là nền điện ảnh các nước này đã mạnh dạn đầu tư số hóa các di sản văn hóa vật thể như nhà cửa, đình, đền, chùa, bàn ghế, kiệu võng, trang phục, bát đũa, món ăn… Phim lấy bối cảnh thời đại nào, chỉ cần tìm dữ liệu số hóa, sau đó chế tác, mô phỏng hiện vật gốc để sử dụng.

Ở Việt Nam, Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên ra đời năm 2018, là đơn vị tiên phong kinh doanh trang phục, đồ dùng phỏng cổ rất hiệu quả. Gần đây, công ty đã góp vốn sản xuất phim truyền hình “Phượng khấu” về cuộc đời Từ Dụ Hoàng thái hậu (1810-1902) bằng hiện vật là các bộ trang phục y như thời nhà Nguyễn. Thành công nói trên minh chứng nhu cầu của thị trường về các di sản vật thể là khá lớn; hoàn toàn có thể mang lại giá trị kinh tế, hiện hữu trong đời sống hiện đại chứ không phải chỉ trưng bày trong bảo tàng.

Hiện nay, đa phần các di sản văn hóa vật thể đang được bảo tồn số hóa dưới dạng ảnh, video. Sản phẩm ra đời hiệu quả chủ yếu qua những trang sách như về đình làng Việt, văn bia Hán Nôm... sức lan tỏa không cao. Giải pháp tiên tiến nhất vẫn là số hóa 3D để có ứng dụng rộng khắp, lâu dài với độ phân giải, sự chính xác cao. Bên cạnh một số dự án nước ngoài đầu tư, các bảo tàng như: Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Hà Nội... tiên phong số hóa một số hiện vật tiêu biểu.

Để số hóa 3D di sản vật thể, chú thích, sắp xếp kho dữ liệu là công việc khoa học tốn sức và tốn kém. Chẳng hạn, một thiết bị quét ở mức dùng được chi phí xấp xỉ 50.000USD (hơn 1,1 tỷ đồng), chưa kể đầu tư nền tảng công nghệ để lưu trữ, để công chúng sử dụng, khai thác dễ dàng… Vấn đề đặt ra là với những di sản vật thể ít có khả năng ứng dụng, thương mại hóa, khó huy động nguồn vốn xã hội hóa thì chắc chắn phải sử dụng ngân sách nhà nước. Ông Nguyễn Trí Dũng, phụ trách kinh doanh Công ty Thực tế ảo 3D (VR3D) cho biết: “Mấy năm gần đây, VR3D ít quan tâm đến số hóa di tích bởi nhu cầu thị trường rất thấp. Chúng tôi hiện tập trung chuyển hướng sang thực hiện các dự án thiết thực hơn để có thể phát triển công ty. Nếu trong tương lai có sự đầu tư của Nhà nước, có kế hoạch dài hạn nghiêm túc, VR3D sẵn sàng hỗ trợ nền tảng công nghệ, tư vấn đào tạo để cùng chung tay số hóa bảo tồn di sản văn hóa dân tộc”.

Hướng đi đã có, để tránh trùng lặp, tiết kiệm nguồn lực, các cơ quan chức năng cần sớm kiến tạo chính sách, sắp xếp kinh phí, huy động nguồn lực xã hội để việc số hóa di sản vật thể không còn manh mún, thiếu chiều sâu.

Nguồn: QĐND (Hàm Đan)