Thứ Hai, 25/03/2019 16:48

Câu chuyện về người tị nạn giành giải thưởng sách thiếu nhi Waterstones

Cuốn tiểu thuyết đầu tay có tên The Boy at the Back of the Class đã giúp Onjali Q Raúf giành giải thưởng sách thiếu nhi Waterstones.

Cuốn tiểu thuyết đầu tay có tên The Boy at the Back of the Class đã giúp Onjali Q Raúf giành giải thưởng sách thiếu nhi Waterstones.

Chân dung nhà văn Onjali Q Raúf

Onjali Q Raúf là người sáng lập tổ chức từ thiện Making Herstory, nơi chống lại nạn buôn bán và nô lệ của phụ nữ. Trước khi viết cuốn sách này, cô mắc bệnh về nội mạc tử cung, khiến cô nôn liên tục, sức khỏe suy kiệt, đau đớn, cô buộc phải phẫu thuật nhưng nếu không thành công thì cô chỉ có thể sống thêm ba tuần.

May mắn rằng, mọi việc diễn ra suôn sẻ song cô phải mất ba tháng để tĩnh dưỡng, phục hồi.

Trong thời gian đó, mọi chú ý của cô đều hướng về những người phụ nữ mà mình đã gặp trong thời gian làm việc tại các trại tị nạn ở Calais và Dunkirk. Một số họ đang mang thai, một số phải chịu những nỗi đau thể xác và tinh thần. Người gây ấn tượng với cô nhất là Zainab - một người phụ nữ Syria và cậu bé Raehan.

Cô không ngừng nghĩ về họ và cuối cùng hoàn thành cuốn sách về những con người này trong vòng hai tháng. The Boy at the Back of the Class (Cậu bé đứng sau lớp học) kể câu chuyện của một người tị nạn tên Ahmet, người đã chạy trốn khỏi cuộc chiến ở Syria. Khi những đứa trẻ bạn cậu bé phát hiện cậu bị tách khỏi gia đình, chúng đã đưa ra một kế hoạch để giúp đỡ cậu.

Cuốn sách Cậu bé đứng sau lớp học.

Florentyna Martin, đại diện ban giám khảo cho rằng: The Boy at the Back of the Class có thể trở thành tác phẩm kinh điển trong tương lai.

“Onjali Q Raúf đã viết nên một câu chuyện lấp lánh của lòng tốt, sự hài hước và tò mò. Các nhân vật của cô bước ra khỏi cuốn sách với một nụ cười ấm áp, như một hình mẫu của cuộc sống hàng ngày, sẵn sàng đưa bạn vào một cuộc phiêu lưu vừa tham vọng, vừa hấp dẫn. Sách thiếu nhi có một số chủ đề khó truyền tải tới độc giả trẻ, Raúf chấp nhận điều này với cách tiếp cận hài hước, lạc quan và cởi mở”, Florentyna Martin nói.

Raúf muốn dành tặng cuốn sách cho Raehanm, Zainab và hàng triệu trẻ em tị nạn trên thế giới đang cần một ngôi nhà an toàn và yêu thương. Tuy vậy, cô cũng bày tỏ sự buồn bã khi mất liên lạc với Raehanm, Zainab, hiện giờ cô không biết họ đang ở đâu, sống có ổn không.

Nhà văn cũng đang viết một cuốn tiểu thuyết khác có tựa The Star Outside My Window (Ngôi sao bên ngoài cửa sổ) về mong ước của một cô gái trong bối cảnh bạo lực gia đình.

Với giải thưởng sách thiếu nhi lớn nhất nước Anh, cuốn tiểu thuyết của Raúf nhận phần thưởng trị giá 5.000 bảng. Trong khuôn khổ giải, The Children of Blood and Bone (Những đứa trẻ của máu và xương) của Tomi Adeyemi giành giải tiểu thuyết tuổi teen hay nhất và The Girls (Những cô gái) của Lauren Ace và Jenny Lovlie giành giải thưởng sách minh họa hay nhất.

NGỌC HIÊN theo The Guardian