Thứ Ba, 21/07/2020 07:00

Những dự án nghệ thuật công cộng làm thay đổi bộ mặt Hà Nội

Một buổi giới thiệu về hai công trình, hai dự án nghệ thuật công cộng là Phố bích họa Phùng Hưng và Bức tường nghệ thuật Phúc Tân đã được tổ chức.

Nghệ thuật công cộng những năm gần đây không còn xa lạ với cộng đồng cư dân đô thị tại Việt Nam. Ở đó, những không gian công cộng đã được các nghệ sĩ thổi hồn để mang lại những giá trị, những cảm nhận bất ngờ về cuộc sống. Tại Hà Nội, một số dự án nghệ thuật công cộng đã và đang được thực hiện không những làm biến đổi không gian sống của cư dân sở tại mà còn góp phần làm thay đổi gương mặt của Thành phố.

Bài liên quan:
“Người chở” - made in Vietnam và hành trình tới xứ sở bảy ngọn đồi
Kết nối nghệ thuật đương đại và cộng đồng
Chân trời biến cố

Dự án Phố bích họa Phùng Hưng vừa ra mắt công chúng Thủ đô năm qua đã thu hút sự quan tâm lớn của người dân. Trước đó là công trình con đường gốm sứ dọc đê sông Hồng do họa sĩ Nguyễn Thu Thủy khởi xướng cũng đã tạo ra những đột phá về cảnh quan ở khu vực vốn được coi là “sân sau” của Hà Nội. Và mới đây nhất là Dự án nghệ thuật Phúc Tân được thực hiện tại nơi có thể coi là “khu bãi rác của Hà Nội”, tiếp giáp giữa hai khu dân cư phường Phúc Tân, hướng ra bãi sông Hồng. Sau khi hoàn thành, có thể nói các nghệ sĩ tham gia dự án đã làm “biến hình” khu vực này, tạo ra một cái nhìn khác về khu vực ngoài đê của Hà Nội, nơi chỉ cách Bờ Hồ Hoàn Kiếm vài trăm mét nhưng lại luôn bị nhìn nhận như “một thế giới khác”. Một buổi giới thiệu về hai công trình, hai dự án nghệ thuật công cộng là Phố bích họa Phùng Hưng và Dự án nghệ thuật Phúc Tân đã được tổ chức giữa các nghệ sĩ và khách nước ngoài tại Trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, 51 – Trần Hưng Đạo, Hà Nội.

Các vị khách tham gia xem phim và nghe các nghệ sĩ giới thiệu về Dự án Nghệ thuật công cộng Phúc Tân - Ảnh: Hoành Sơn

Gọi những không gian công cộng bị bỏ bê nơi các dự án triển khai là “không thuộc về ai nhưng lại là của tất cả mọi người”, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giám tuyển của hai dự án Phố bích họa Phùng Hưng và Bức tường nghệ thuật Phúc Tân, đồng thời cũng là một nghệ sĩ có tác phẩm tham gia, nêu khát vọng làm biến đổi bộ mặt của những nơi này, biến nó thành nơi lưu giữ những kí ức về Hà Nội, tạo nên những đối thoại văn hóa trong một không gian mở có tính tương tác cao.

Với con phố bích họa Phùng Hưng, một dự án phối hợp với các nghệ sĩ đương đại Hàn Quốc đã tái tạo lại nhiều kí ức gắn bó với những thế hệ người Hà Nội, như những kí ức về thời bao cấp, tàu điện, hát xẩm, hàng rong, phương tiện giao thông… Dự án như một chìa khóa để thăm dò phản ứng từ công chúng, và cả nhà quản lí, thử nghiệm một giả định khác cho con phố vốn mang nhiều giá trị kiến trúc và thẩm mĩ nhưng lại bị “đối xử” khá tệ, vừa xập xệ vừa mất vệ sinh và luộm thuộm suốt một thời gian dài là Phùng Hưng. Một đoạn của con phố này sau khi các nghệ sĩ vào cuộc đã được lột xác, mang một hình hài mới, đem lại những giá trị thẩm mĩ cao. Ngay lập tức, "con phố bích họa" đã trở thành địa chỉ văn hóa, nơi tìm đến của nhiều thế hệ người Hà Nội và du khách khi muốn tìm lại cảm giác một “Hà Nội xưa” qua một công trình nghệ thuật có tính tương tác cao với ngữ cảnh. Chẳng hạn, ngôi nhà số 63 - Phùng Hưng với những biến đổi thăng trầm qua thời gian đã được tái tạo lại dưới một vòm đá do nghệ sĩ Trần Hậu Yên Thế thể hiện, người xem có thể chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật rồi có thể đối sánh với “nguyên mẫu” ở cách đó không xa, trên chính con phố này. Hay như cây cầu Long Biên trên một trăm tuổi gần đó cũng được thể hiện trong một bức họa mang lại một cảm giác khá mạnh cho người xem.

Một đoạn của con phố Phùng Hưng, nơi có những vòm đá đỡ đường tàu hỏa đã được "lột xác" từ Dự án nghệ thuật công cộng Phố bích họa Phùng Hưng - Ảnh: TL

Tương tác cao với ngữ cảnh là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu được họa sĩ Nguyễn Thế Sơn - Người có ý tưởng, hiện thực hóa ý tưởng cũng như tổ chức các hoạt động để dự án đi vào thực tế quan tâm. Nếu như dự án Con phố bích họa Phùng Hưng là những bích họa khổ lớn được các nghệ sĩ Việt – Hàn sáng tạo trong khuôn khổ các vòm đá đỡ đường tàu hỏa thì ở dự án Bức tường nghệ thuật Phúc Tân lại là những tác phẩm mang cảm hứng từ chính vùng đất ven sông này gắn với những biến đổi, những vấn đề nó phải đối mặt, nó đã đánh mất, nó đã vượt qua để mang một hình hài, diện mạo như hôm nay.

Nghệ thuật đương đại trong bảo tàng quan trọng nhưng nghệ thuật công cộng sẽ đem lại nhiều cái mà bảo tàng không làm được cho người xem, ví dụ như: sự trực tiếp và lâu dài với người thưởng ngoạn, không gian mở, kích thước lớn, ánh sáng mặt trời thay đổi tạo nên vẻ đẹp sáng, chiều và tối. Khác với nghệ thuật trong bảo tàng (white box), nghệ thuật công cộng đứng giữa dòng đời, người xem không cần vé và sự cho phép, họ có thể dễ dàng thưởng ngoạn bất cứ lúc nào họ muốn.

                                                                            Nghệ sĩ Nguyễn Trần Ưu Đàm

Tác phẩm “Nhà nổi” của nghệ sĩ Trương Đăng Ninh có cảm hứng từ cảnh vật "đặc trưng số một" của bãi giữa sông Hồng, đó là những căn nhà nổi được lắp ghép trên những thùng phuy ráp nối lại làm phao. Anh đã dùng chính vật dụng là những chiếc thùng phuy này áp dụng phương pháp cắt laze và chiếu sáng bên trong làm nổi bật những hình họa tinh tế. Những thùng phuy được gắn lên một tấm gương alu giống như mặt nước tượng trưng. Ban đêm, tác phẩm thực sự là tỏa sáng, trên mặt mỗi thùng phuy là một phác họa về cảnh quan Phúc Tân xưa. Những chiếc lò xo có tác dụng khiến cả khu “nhà nổi” rung rinh như thể đang nổi nênh trên mặt nước. Cũng từ chất liệu là những chiếc thùng phuy nhưng nghệ sĩ Nguyễn Văn Lâm lại tái tạo một góc nhìn về những khu chung cư cao tầng của Hà Nội khi anh dựng cao chúng, sơn các màu sắc khác nhau và đục những ô cửa sổ chiếu sáng. “Trên bến dưới thuyền” của Đỗ Đức Thuận lại tái hiện một Phúc Tân xưa tấp nập như một địa chỉ giao thương, từng là hướng “mặt tiền” của Hà Nội những năm tháng cũ. “Thuyền” của Vũ Xuân Đông hay “Thánh Gióng ngày nay” của Nguyễn Trần Ưu Đàm lại mang những thông điệp về môi trường, có tính đối thoại cao với cảnh quan và các vấn đề lịch sử, văn hóa và thực tại của khu vực là vấn nạn rác thải và ô nhiễm môi trường, khi dùng vật liệu là các vỏ chai nhựa do người dân đóng góp kết thành 4 chiếc thuyền lớn hay phản ánh áp lực xả thải từ những chú "ngựa sắt dùng động cơ" thời nay trong sự tương tác với cây cầu Long Biên.

Tác phẩm "Nhà nổi" của nghệ sĩ Trương Đăng Ninh tham gia Dự án Nghệ thuật công cộng Phúc Tân. - Ảnh: Nguyễn Thế Sơn

Nghệ sĩ Trần Hậu Yên Thế tiếp tục niềm cảm hứng với những ô cửa của những biệt thự sang trọng mang dấu ấn một thời vàng son đã biến đổi theo thời gian, không còn những huy hoàng qua tác phẩm mang cái tên khá to tát “Con đường danh vọng”. “Xẩm tàu điện” của Phạm Khắc Quang cũng áp dụng phương pháp cắt laze trên sắt tái tạo hình ảnh hai toa tàu điện gắn với kí ức về hoạt động hát xẩm, một loại hình nghệ thuật đường phố quen thuộc ở Hà Nội. “Phản chiếu và song hành” của Cấn Văn Ân lại tạo nên những điểm ảnh trên một mô hình con thuyền - vật dụng quen thuộc gắn với sông nước để mỗi người xem tự vấn chính mình, xem mỗi cá nhân đã làm gì trước những biến đổi, những mất mát về kí ức, và việc có cần lưu giữ chúng lại trong cộng đồng hay không. 

Nghệ sĩ Nguyễn Văn Lâm đã tái hiện một khu chung cư bằng vật dụng là những chiếc thùng phuy cũ thắp sáng. - Ảnh: Nguyễn Thế Sơn

Những tác phẩm nghệ thuật ấy tạo nên những suy ngẫm, nhìn nhận về những hiện tượng xã hội, những ứng xử của cộng đồng, gợi mở nhiều vấn đề của hôm qua, của hôm nay và của cả ngày mai với khát vọng, một ngày, mặt sau của thành phố sẽ được coi là “mặt tiền” khi kiến tạo Hà Nội thành một thành phố hai bờ sông như cách ứng xử và chọn lựa của nhiều Thủ đô trên thế giới.

Hai bộ phim giới thiệu về dự án, phản ánh quá trình lao động nghệ thuật của các nghệ sĩ từ ý tưởng đến hiện thực đã được trình chiếu để các nghệ sĩ và khách mời cùng chia sẻ. Ngoài các nghệ sĩ Việt Nam còn có sự tham gia của một số nghệ sĩ đến từ các nước khác nhau nhưng có chung một mối quan tâm là Hà Nội và có những kí ức, những kỉ niệm với Hà Nội như Del Valle Cortizas Diego, một kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia và nhà thiết kế thời trang đã dùng những chiếc loa úp gà, vật dụng quen thuộc của những người dân buôn bán trong chợ đầu mối Long Biên làm đèn treo kết hợp với tranh tường và ghép kính vụn thành một con rồng dài 15 mét sặc sỡ trên tường.

Tiếp nối những dự án, công trình này, tới đây, Hà Nội sẽ tiếp tục mở rộng, triển khai công trình lớn, đục thông 131 vòm đá dưới cầu cạn đường sắt nối lên cầu Long Biên. Hiện công trình đã được Sở Văn hóa Thành phố cũng như ngành Đường sắt thông qua về chủ trương và cách thức tiến hành. Người dân Thủ đô có quyền kì vọng đoạn đường sắt dọc phố Phùng Hưng với tiếng tàu hỏa quen thuộc vang lên mỗi ngày từ hàng trăm năm nay sẽ được thổi hồn đầy sức sống, tạo nên một điểm nhấn nghệ thuật trong không gian công cộng đô thị.

HOÀNH SƠN