Thứ Ba, 15/09/2020 07:30

Cùng chiêm ngưỡng các nhân vật thần thoại và lịch sử Hàn Quốc

Triển lãm của họa sĩ Choi Min-hwa có tên Once Upon a Time (tạm dịch: Ngày xửa ngày xưa), diễn ra đến hết ngày 11/10/2020 tại Gallery Hyundai, trung tâm Seoul, Hàn Quốc.

Họa sĩ Choi Min-hwa, người được biết đến với những bức tranh nghệ thuật Minjung rực rỡ và sinh động, đã dành sự quan tâm của mình tới các nhân vật thần thoại qua  loạt tranh mới nhất của mình tại triển lãm cá nhân có tên Once Upon a Time (tạm dịch: Ngày xửa ngày xưa), ở Gallery Hyundai, trung tâm Seoul, Hàn Quốc.

Choi Min-hwa, 66 tuổi, được biết đến như một nhân vật quan trọng của Nghệ thuật Minjung, một phong trào nghệ thuật chính trị xã hội nổi lên vào những năm 1980. Ông cũng đóng góp vào sự phát triển của hội họa tượng hình vào cuối thế kỉ 20 qua loạt tranh "Vagrancy" (1976-1988) và "Pink" (1989 - 1999).

Đối với công chúng quen thuộc với các tác phẩm Minjung mang tính biểu tượng của Choi, câu chuyện mới mà ông đem lại có thể gây bất ngờ cho người xem, khi ông miêu tả các nhân vật thần thoại và lịch sử Hàn Quốc qua tranh vẽ từ nhiều nguồn tài liệu tham khảo về lịch sử nghệ thuật.

Ý tưởng cho bộ sưu tập Once Upon a Time được hình thành vào cuối những năm 1990 khi nghệ sĩ nhận ra sự thiếu vắng của những hình ảnh thần thoại và truyện cổ Hàn Quốc so với các nước khác. Dựa trên Samguk yusa (tạm dịch: Kí ức về Tam Quốc), cùng các truyền thuyết, truyện dân gian và các câu chuyện lịch sử do nhà sư Iryeon biên soạn vào năm 1281, Choi đã diễn giải về sự ra đời các quốc gia cổ đại của Hàn Quốc như Gojoseon, Goguryeo, Baekje và Silla cũng như những chiến tích của các vị anh hùng.

Các bức họa này còn được lấy cảm hứng từ nhiều nguồn từ lịch sử nghệ thuật thế giới: các bức tranh tường tại khu lăng mộ của Vương quốc Goguryeo, các bức tranh dân gian từ thời đại Joseon; đến nghệ thuật Phục hưng và nghệ thuật Hindu và Hồi giáo…

Không gian triển lãm Once Upon a Time của Choi Min-hwa tại Gallery Hyundai ở trung tâm Seoul.

Triển lãm trưng bày 60 bức tranh hoàn thiện và 40 phác thảo thô. Thoạt nhìn, các nhân vật thần thoại có vẻ xa vời với cuộc sống của con người hiện đại, nhưng họa sĩ Choi Min-hwa cho biết, việc thể hiện các bức vẽ mang tinh thần thần thoại cũng tương tự như khi xử lí các tác phẩm nghệ thuật đương đại gồm những cảm xúc, niềm vui và nỗi buồn của cuộc sống từ thời cổ đại cho đến ngày nay.

Ông nói: “Để hiểu lịch sử cổ đại một cách đúng đắn, chúng ta phải thoát khỏi khái niệm lịch sử hiện đại bị chia cắt bởi biên giới, dân tộc, chủng tộc và tôn giáo”. “Mục đích của loạt tác phẩm nghệ thuật này là thể hiện tính biểu tượng phong phú, di sản văn hóa sâu sắc, ngôn ngữ nghệ thuật đương đại và cuộc sống hàng ngày của chúng ta".

Những bức tranh thể hiện các vấn đề phổ quát như sự sống và cái chết; sợ hãi và thế tục; niềm vui và nỗi buồn; lối sống du canh du cư bị xáo trộn bởi phong tục thời đại là những câu chuyện được họa sĩ kể bằng trí tưởng tượng của mình, dựa trên những hiểu biết về văn hóa – lịch sử.

Nghệ sĩ Choi Min-hwa tạo dáng bên bức tranh Bear Woman (Người phụ nữ gấu) được trưng bày tại Gallery Hyundai.

Bear WomanTiger Woman được lấy cảm hứng từ thần thoại sự thành lập Gojoseon - nhà nước đầu tiên xuất hiện trên bán đảo Triều Tiên. 

Hyeokgeose of Alyoung dựa trên truyền thuyết về Park Hyeokgeose, người sáng lập Vương quốc Silla được sinh ra trong một quả trứng lớn; và khoảnh khắc nhân vật chui ra khỏi quả trứng được tái hiện theo phong cách nghệ thuật thời Phục hưng như The Creation of Adam (tạm dịch: Sự sáng tạo của Adam) của Michelangelo.

Jumong, người sáng lập Vương quốc Goguryeo, từng được biết đến qua phim bộ truyền hình năm 2006 mang tên Truyền thuyết Jumong, được miêu tả là một người đàn ông lực lưỡng đang nâng cung trên ngựa theo phong cách phương Tây.

Nhân vật Jumong trong tranh.

Bức tranh Two Lovers Under the Moon (tạm dịch: Hai người tình dưới ánh trăng) của họa sĩ Joseon Shin Yun-bok thông qua bài hát dân gian Seodong-yo, kể về Seodong, một thanh niên ở Bách Tế, kết hôn với Công chúa Seonhwa từ lãnh thổ Silla của kẻ thù.

Bức tranh Trận chiến của Haemosu.

Đại diện của Gallery Hyundai nhận định: “Qua không gian và thời gian cổ đại trên những sáng tạo của họa sĩ Choi Min-hwa, người xem sẽ trải nghiệm về cả lịch sử lẫn hội họa đương đại”.

Triển lãm kéo dài đến hết ngày 11/10/2020.

BÌNH NGUYÊN theo koreatimes