Thứ Năm, 18/02/2021 15:50

Chống lại biến đổi khí hậu có thể giải quyết vấn đề Covid?

Người đồng sáng lập Microsoft trông đợi khoa học và công nghệ có thể chấm dứt khủng hoảng khí hậu... Nhưng liệu thành tựu từ khoa học công nghệ có đủ không?

Cuốn How to avoid a climate disaster: The solutions we have and the breakthroughs we need (tạm dịch: Làm thế nào để tránh thảm họa khí hậu: Những giải pháp chúng ta có và những bước đột phá chúng ta cần) ra mắt sau một năm cả thế giới phải hứng chịu nhiều biến động. Chúng ta đang cần những giải pháp cho cuộc khủng hoảng lớn nhất mà loài người chưa từng phải đối mặt.

Người đồng sáng lập Microsoft trông đợi khoa học và công nghệ có thể chấm dứt khủng hoảng khí hậu... Từ đó giải quyết được nhiều vấn đề mà nhân loại đang phải đối mặt, kể cả đại dịch Covid.  Nhưng dường như chỉ khoa học công nghệ thôi thì chưa đủ...

'Hãy chỉ cho tôi một vấn đề và tôi sẽ tìm kiếm một công nghệ để khắc phục nó'… Bill Gates tại hội nghị thượng đỉnh về hành động khí hậu của Liên Hợp Quốc vào tháng 9 năm 2019. Ảnh: Jason DeCrow/ AP

Bill Gates đã thay đổi cuộc sống của chúng ta nhờ phần mềm Microsoft mà ông và Paul Allen đồng sáng lập. Ông đã cải thiện sức khỏe đời sống của cộng đồng thông qua quỹ Bill Gates để loại trừ hoàn toàn bệnh bại liệt, giảm bệnh lao và sốt rét; và giờ ông mong muốn cải thiện cuộc sống của nhân loại bằng việc đề xuất phương cách chống lại biến đổi khí hậu.

Cuốn How to avoid a climate disaster: The solutions we have and the breakthroughs we need (tạm dịch: Làm thế nào để tránh thảm họa khí hậu: Những giải pháp chúng ta có và những bước đột phá chúng ta cần) ra mắt sau một năm cả thế giới phải hứng chịu nhiều biến động, một phần do đại dịch Covid, và phần nữa đến từ những thảm họa từ biến đổi khí hậu: hỏa hoạn ở Australia, California, Mỹ, hoặc những cơn bão lớn,… Chúng ta đang cần những giải pháp cho cuộc khủng hoảng lớn nhất mà loài người chưa từng phải đối mặt.

How to avoid a climate disaster nêu ra chi tiết sự chuyển đổi cần thiết để đảo ngược tác động của nhiều thập kỉ mà con người đã tạo ra. Gates tính toán rằng chúng ta cần loại bỏ 51 tỉ tấn khí nhà kính khỏi bầu khí quyển mỗi năm. Nếu không làm như vậy sẽ khiến Covid-19 gây thiệt hại hơn 1,5 triệu sinh mạng và có thể gây ra số người chết nhiều hơn gấp 5 lần so với dịch cúm Tây Ban Nha một thế kỉ trước.

Từng là một nhà công nghệ, Gates đã đặt ra một bảng tính để loại bỏ 51 tỉ tấn khí nhà kính đó và đạt được mức phát thải ròng bằng không carbon vào năm 2050. Chúng ta sẽ cần sử dụng nhiều năng lượng tái tạo hơn và ít nhiên liệu hóa thạch hơn (chiếm khoảng 27% mức giảm cần thiết về lượng khí thải) và thay đổi cách sản xuất hàng hóa (31%), trồng thực phẩm (18%), du lịch (16%) và giữ cho các tòa nhà của chúng ta ấm áp hoặc mát mẻ (6%).

Sông băng Unterer Theodulgletscher phía trên Zermatt đang tan chảy với tốc độ tăng rõ rệt. Ảnh: Fabrice Coffrini/ AFP

Để đạt được điều này, Gates đưa ra một loạt các biện pháp mà, nếu chính phủ Vương quốc Anh lắng nghe, có thể được chuyển từng điểm vào chương trình nghị sự chính thức cho Hội nghị Biến đổi Khí hậu Liên hợp quốc lần thứ 26 năm nay tại Glasgow, Vương quốc Anh. Ông ủng hộ một thỏa thuận mới đề cao tính chất xanh, định mức carbon và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp. Nhưng những đề xuất quan trọng nhất của Gates liên quan đến công nghệ mới.

Cũng giống như các sáng kiến ​​y tế toàn cầu của ông chuyên về các giải pháp khoa học để chống lại bệnh tật - “Hãy chỉ cho tôi một vấn đề và tôi sẽ tìm kiếm một công nghệ để khắc phục nó”, ông viết - mối quan tâm chính của ông là một bước đột phá về công nghệ, môi trường tương đương với Dự án Manhattan (một dự án nghiên cứu và phát triển bom nguyên tử đầu tiên trong Thế chiến II, chủ yếu do Hoa Kì thực hiện với sự giúp đỡ của Anh và Canada) hoặc cuộc đổ bộ lên mặt trăng.

Gates đã nhận định về quy mô và mức độ khẩn cấp của vấn đề. Lượng khí thải carbon toàn cầu hiện cao hơn 65% so với năm 1990, và thuật ngữ “sự nóng lên toàn cầu”, đi cùng với cường độ ngày càng mạnh của bão, cuồng phong, lũ lụt và những đợt hạn hán nghiêm trọng đang khiến hành tinh của chúng ta có thể đạt đến nhiệt độ chưa từng thấy trong hàng triệu năm.

Với việc thừa nhận rằng chúng ta không thể tiếp tục từ chối điện cho 800 triệu người nghèo nhất thế giới, xuất phát điểm của ông là kế hoạch phát triển năng lượng sạch và cắt giảm chi phí. Hiện nay, tiến bộ khoa học đã làm giảm đáng kinh ngạc giá năng lượng mặt trời, năng lượng gió và sóng, pin lưu trữ, xe điện, giám sát viễn thám và lưới điện thông minh. Nhưng nếu muốn cung cấp năng lượng sạch với giá cả phải chăng, chúng ta phải tiến xa hơn nữa. Gates yêu cầu những điều ông gọi là “tiêu chuẩn danh mục đầu tư tái tạo” về định giá năng lượng và phân chia nhóm nghiên cứu và phát triển liên quan đến khí hậu. Điều này sẽ bao gồm đầu tư vào phản ứng tổng hợp hạt nhân cũng như phân hạch hạt nhân; nhiệt năng (tạo năng lượng từ đá nóng dưới lòng đất); khoáng hóa carbon; loại bỏ carbon khử axit hóa các đại dương; và chụp không khí trực tiếp…

Nhưng chúng ta cũng phải làm nhiều hơn nữa để thu giữ lượng khí thải trên toàn bộ lĩnh vực năng lượng, vận tải và sản xuất trước khi chúng được thải trở lại bầu khí quyển: lưu trữ chúng sâu dưới lòng đất hoặc trong các sản phẩm tồn tại lâu dài như bê tông, hoặc thậm chí bằng cách kết hợp CO2 với canxi để sản xuất đá vôi có thể thay thế bê tông.

Kết hợp các biện pháp này với nhau có thể đáp ứng mục tiêu của thế giới là không carbon ròng. Nhưng chỉ đơn giản là ứng dụng thành tựu của khoa học vào những thách thức đương đại, chúng ta có thể không chỉ giải quyết được cuộc khủng hoảng khí hậu mà còn dễ dàng chữa khỏi Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác. Vậy thì, chúng ta phải hỏi tại sao, khi những gì cần làm dường như hiển nhiên, chúng ta lại hành động chậm chạp như vậy? Và tại sao, khi các nền kinh tế tiên tiến tài trợ nhiều chi phí hỗ trợ các nước nghèo hơn, thay vì để họ phải hứng chịu ô nhiễm ngày càng trầm trọng trong nhiều thập kỉ, thì thế giới lại không xích gần nhau?

Gates đứng trên lập trường của khoa học hơn là chính trị - “Tôi tư duy giống như một kĩ sư hơn là một nhà khoa học chính trị” - và niềm tin cảm động, đáng ngưỡng mộ của ông vào khoa học và lí trí nhắc nhở tôi về một niềm tin tương tự, đó tính hợp lí kinh tế, do nhà kinh tế học vĩ đại John Maynard Keynes. Sự đột phá trong tư duy kinh tế của ông đã đưa ra một lối thoát cho thế giới suy thoái và thất nghiệp hàng loạt vào những năm 1930. Nhưng ông đã không thể thuyết phục các nhà lãnh đạo chính trị thời đó, và thất vọng khi chê bai chính trị là “sự sống còn của những kẻ kém cỏi nhất”. Ông kết luận: “Khó khăn nằm ở việc phát triển những ý tưởng mới mà không nằm ở việc thoát khỏi những ý tưởng cũ”.

Gates đủ khiêm tốn để nói: “Tôi không có giải pháp cho chính trị của biến đổi khí hậu,” nhưng ông hiểu rằng giải pháp mà ông tìm kiếm gắn bó chặt chẽ với các quyết định chính trị. Các tiến bộ khoa học sẽ không thể kiểm chứng hoặc có thể bị tấn công bởi lợi ích của các phe phái, sự thờ ơ quan liêu, hoặc sự phá hoại của những lãnh đạo yếu kém về phẩm chất và năng lực. Hoặc đơn giản bởi các quốc gia bám vào quan điểm cổ hủ và chuyên chế về chủ quyền quốc gia. Kết quả là, sự hợp tác đa phương cần thiết để giải quyết một vấn đề toàn cầu không xuất hiện, và những căng thẳng rất thực tế giữa các ưu tiên kinh tế và môi trường, cũng như giữa thế giới phát triển và đang phát triển, vẫn chưa được giải quyết sẽ luôn là vấn đề nhức nhối.

How to avoid a climate disaster đã nêu ra đầy đủ và cấp thiết về vấn đề quan trọng đối với nhân loại hiện nay: mối đe dọa và phương cách chống lại biến đổi khí hậu dựa trên những phát triển của khoa học, công nghệ. Tuy vậy, mong muốn tốt đẹp này không dễ dàng được thực hiện nếu chỉ dựa trên nỗ lực của một người, một nhóm người, mà cần sự nỗ lực của tất cả chúng ta, ở tất cả các quốc gia trên thế giới.

BÌNH NGUYÊN lược dịch theo Gordon Brown (The Guardian)