Thứ Ba, 11/08/2020 10:26

Đại tá, Nghệ sĩ ưu tú Phạm Cường, Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân:

"Chúng ta càng trả càng thấy mắc nợ đối với đề tài chiến tranh"

Với một dân tộc trải qua quá nhiều đau thương mất mát sau mấy cuộc kháng chiến vệ quốc mới thực sự sống trong hòa bình được vài chục năm nay, đề tài chiến tranh cách mạng chưa thể là cũ được...

Ngày 17/8/1960, tại thủ đô Hà Nội, Đoàn Điện ảnh Quân đội thuộc Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập đánh dấu bước phát triển mới của Quân đội nhân dân Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, tuyên truyền. Trải qua 60 năm, Điện ảnh Quân đội đã ghi dấu với hàng ngàn thước phim tư liệu quý giá về người lính được quay từ chiến trường ác liệt trong chiến tranh đến những nơi thiên tai địch họa hung hiểm giữa thời bình, từ đèo cao suối sâu nơi biên giới đến mênh mông trời nước nơi hải đảo xa xôi…

Cùng với đó, rất nhiều bộ phim nhựa về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính đã được sản xuất, phục vụ bộ đội sau những trận chiến ác liệt, những giờ huấn luyện nhọc nhằn trên thao trường, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân và cả những người quan tâm đến chiến tranh Việt Nam trên toàn thế giới.

Để độc giả hiểu rõ hơn những người lính - nghệ sĩ của Điện ảnh Quân đội nhân dân, phóng viên VNQĐ đã có cuộc trò chuyện với Đại tá, Nghệ sĩ ưu tú Phạm Cường về chặng đường 60 năm đồng hành cùng người lính qua những khuôn hình nghệ thuật.

Trân trọng giới thiệu.

PV: Xin được chúc mừng Điện ảnh Quân đội tròn 60 tuổi. Với con người, tuổi 60 là mốc dấu tròn vòng hoa giáp - một chu kì để con người ta chuyển sang giai đoạn khác. Với một tổ chức, ở góc độ nào đó, là mốc son của một giai đoạn để ta nhìn lại, ghi nhận những giá trị đã làm được nhằm tiếp tục phát triển nó lên một tầm cao mới. Với ý nghĩa đó, đồng chí Giám đốc có thể cho độc giả VNQĐ một vài phác thảo về quá trình phát triển của Điện ảnh Quân đội trong 60 năm qua?

NSƯT Phạm Cường

NSƯT Phạm Cường: Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng tôi nghĩ, mốc sáu mươi năm của một con người sẽ là góc nhìn từ những thăng trầm cuộc đời, còn với một tổ chức, có lẽ là sự đóng góp của các thế hệ để làm nên diện mạo của tổ chức ấy như nó đang có. Điện ảnh Quân đội những ngày đầu thành lập là một binh chủng được giao nhiệm vụ sản xuất các tác phẩm điện ảnh về đề tài quân đội, các bộ phim thời sự, tài liệu, phim giáo khoa quân sự để giáo dục chính trị tư tưởng và bổ trợ huấn luyện kĩ - chiến thuật cho bộ đội góp phần xây dựng Quân đội ngày một chính quy, tinh nhuệ.

Với chiếc máy quay phim và khẩu súng, đội ngũ phóng viên chiến trường của Điện ảnh Quân đội đã có mặt ở mọi chiến hào, trên khắp các mặt trận miền Bắc, miền Nam, sát cánh cùng Quân tình nguyện Việt Nam ở hai nước bạn Lào, Campuchia thực hiện những thước phim chân thực, sống động, phản ánh tinh thần chiến đấu anh dũng của quân dân ta trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Nhiều bộ phim tài liệu ra đời mang hơi thở nóng bỏng của mặt trận phản ánh sự anh dũng chiến đấu của quân dân ta ngoài mặt trận đã góp phần cổ vũ, động viên tinh thần bộ đội và nhân dân vượt qua mọi khó khăn gian khổ, chiến đấu và chiến thắng giặc ngoại xâm, thống nhất nước nhà.

Và sau này, không ít bộ phim của Điện ảnh Quân đội đã giành được những giải thưởng cao trong các kì Liên hoan phim trong nước và quốc tế. Đó là những thước phim được đánh đổi bằng mồ hôi, công sức, trí tuệ, bằng cả sinh mạng của các thế hệ nghệ sĩ, chiến sĩ Điện ảnh Quân đội qua các cuộc chiến tranh giành độc lập tự do và bảo vệ Tổ quốc.

Đã có 38 phóng viên của Điện ảnh Quân đội ngã xuống trên các mặt trận để có được những thước phim vô giá và nhiều đồng chí khác bị thương hoặc vẫn mang trong cơ thể di chứng của chiến tranh. 38 liệt sĩ điện ảnh là những nhắc nhở để chúng tôi sống và làm việc sao cho xứng đáng với sự cống hiến hi sinh ấy. Nó vừa là vinh dự vừa là thách thức với thế hệ kế tục sự nghiệp ở Điện ảnh Quân đội hôm nay.

PV: Với nền móng của những ngày đầu đầy tự hào ấy, đến bây giờ Điện ảnh Quân đội đã phát triển thế nào, thưa đồng chí Giám đốc?

NSƯT Phạm Cường: Từ ngày đầu với một lực lượng chưa có nhiều kinh nghiệm trong chuyên môn nghiệp vụ, máy móc phương tiện thiếu thốn, thô sơ, trình độ kĩ thuật non trẻ, đến nay, Điện ảnh Quân đội đã trở thành một đơn vị sản xuất phim chuyên nghiệp, khép kín (từ tiền kì đến hậu kì) với đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ sáng tác, kĩ thuật, hành chính được đào tạo bài bản. Đây có thể coi là sự trưởng thành vượt bậc, sự phấn đấu nỗ lực không ngừng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Điện ảnh Quân đội suốt 60 năm qua mà nền tảng là sự kế thừa phẩm chất cao quý của một quân đội anh hùng, một dân tộc anh hùng.

Trong 60 năm xây dựng và trưởng thành, Điện ảnh Quân đội đã sản xuất gần 1.400 bộ phim các thể loại (tài liệu, khoa học, phim truyện, phóng sự). Quay hàng chục vạn mét phim tư liệu nhựa và hàng ngàn phút phim tư liệu số. Sự trưởng thành của Điện ảnh Quân đội được ghi nhận bằng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và rất nhiều huân chương, huy chương khác của nhà nước.

Các giải thưởng của Điện ảnh Quân đội: 15 giải quốc tế như giải Liên hoan phim Leipzig, Liên hoan phim thế giới Bulgaria năm 1968, Liên hoan phim Quốc tế Salemo, Italia năm 1984, Liên hoan phim Quân đội xã hội chủ nghĩa Bulgaria năm 1988,...

Các kì Liên hoan phim Việt Nam là 31 giải Bông sen Vàng, 47 Bông sen Bạc, 13 giải thưởng cá nhân xuất sắc, 26 giải Khuyến khích và Bằng khen.

Năm 2019: 1 giải Cánh diều Vàng phim Chư Tan Kra; 01 Cánh diều Bạc phim Ghép tạng. Giải Báo chí Quốc gia là 01 giải A, 08 giải B, 05 giải C, 05 giải Khuyến khích và Bằng khen. Giải Bộ Quốc phòng là 01 giải xuất sắc, 10 giải A, 16 giải B, 09 giải C, 08 giải Khuyến khích và Bằng khen. Liên hoan Truyền hình toàn quốc là 05 giải Bạc, 01 Bằng khen.

Giải thưởng Sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của Ban Tuyên giáo Trung ương là 01 giải Xuất sắc, 01 giải A, 04 giải B, 02 giải C, 06 giải Khuyến khích và Bằng khen.

Rất nhiều giải thưởng khác như giải Báo chí Đề tài Quốc phòng, giải thưởng của Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hoan Quốc gia An toàn giao thông, giải thưởng của Bộ Tài nguyên Môi trường, giải thưởng của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội...

05 đồng chí được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, 30 đồng chí được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

PV: Những thành tựu mà Điện ảnh Quân đội đạt được trong những năm qua là hết sức tự hào. Điện ảnh Quân đội đã góp phần tạo nên hình tượng anh Bộ đội Cụ Hồ trong chiến tranh cũng như thời bình rất rõ nét. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, khi mà các phương tiện giải trí quá nhiều, vấn đề làm thế nào để khán giả không quay lưng lại với các thể loại phim có đề tài về chiến tranh và người lính không thể không đặt ra…

NSƯT Phạm Cường: Thời chiến tranh, tâm thế của cả dân tộc khi ấy là tâm thế hướng về chiến trường, người lính. Tất cả mọi người đều mong chờ các tin tức, các thước phim tài liệu từ chiến trường của Điện ảnh Quân đội gửi về. Đó là món ăn tinh thần không thể thiếu của cán bộ chiến sĩ và đồng bào cả nước. Thế nhưng thời bình, có thể cơ sở vật chất, điều kiện làm phim rồi việc đào tạo con người tốt hơn nhưng thách thức chính là khán giả có quá nhiều lựa chọn trong việc xem gì, nghe gì. Vì thế, để tạo được sức hút cho một bộ phim về đề tài chiến tranh và người lính là điều không hề dễ dàng.

Với một dân tộc trải qua quá nhiều đau thương mất mát sau mấy cuộc kháng chiến vệ quốc mới thực sự sống trong hòa bình được vài chục năm nay, đề tài chiến tranh cách mạng chưa thể là cũ được. Nhưng có một điều chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng, nó đã được khai thác quá nhiều. Rất nhiều nghệ sĩ tài năng đã thành công và ghi dấu ấn trong lòng khán giả với những kịch bản, vai diễn của mình. Góc nhìn cả trong chiến tranh lẫn hậu chiến cũng được khai thác không ít. Làm thế nào để không bị lặp lại?

Không có cách nào khác ngoài việc phải tìm tòi, suy nghĩ những hướng khai thác mới mẻ. Cái mới mẻ ấy là góc nhìn, là cách thể hiện. Ví dụ như bộ phim Ngày về thuộc đề tài thương binh liệt sĩ của chúng tôi chẳng hạn. Chúng tôi ngồi với nhau và đặt vấn đề, mọi sự mất mát hi sinh đều là vô giá, không có gì có thể bù đắp được. Với các liệt sĩ, sự hi sinh ấy được Tổ quốc ghi công, gia đình, dòng họ tự hào,...

Vậy một người thương binh tỉ lệ thương tật đến 85% sẽ ra sao? Trong tiềm thức của họ, chiến tranh không bao giờ kết thúc! Những người ruột thịt thân thiết không còn nhận ra người thương binh ấy mặc dù anh vẫn tồn tại bằng xương bằng thịt. Sự đau đớn mất mát ấy là vô chừng. Phát hiện là thế, tư liệu là thế, nhân vật là thế, nhưng sắp xếp, dàn dựng, xử lí ra sao để người xem nhận thức được hiện thực đau thương mất mát đó lại cần có một quá trình dày công sáng tạo nữa của người làm phim.

Đoàn Điện ảnh QĐND nhận thành tích cao trong cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: TL.

PV: Vấn đề mà đồng chí vừa đề cập có lẽ không chỉ riêng Điện ảnh Quân đội mà còn là của hầu hết các lĩnh vực nghệ thuật khác của Quân đội như văn học, kịch nói... Quả thực, để tìm ra những góc nhìn riêng, không trùng lặp ở một đề tài không hề mới là chiến tranh không thể không có tâm huyết và say mê. Thời gian vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng có nhắc nhiều đến bộ phim tài liệu Chư Tan Kra của Điện ảnh Quân đội. Đồng chí có thể chia sẻ một chút về công việc bếp núc xung quanh việc làm bộ phim này?

NSƯT Phạm Cường: Với Điện ảnh Quân đội, quãng từ tháng 3 đến tháng 6 hằng năm là khoảng thời gian đi tìm đề tài. Cũng vào một dịp như thế của năm 2019, tình cờ chúng tôi gặp được một trong số những cựu chiến binh Hà nội tham gia trận chiến ở Chư Tan Kra nhân ngày giỗ trận 26/3 đang chuẩn bị cho hành trình đi tìm mộ đồng đội, một công việc mà họ đã lặng lẽ làm trong suốt mười năm qua. Trong trận chiến ấy, hơn 200 người lính quê Hà Nội của Trung đoàn 209 và các đơn vị phối thuộc đã nằm lại quanh các cao điểm và cánh rừng bên dãy Chư Tan Kra.

Bộ phim là hành trình theo dấu chân những người cựu chiến binh ấy - một sự kết nối nghĩa tình tuyệt vời của hiện tại và quá khứ, của các thế hệ, hôm qua và hôm nay, của hai chiến tuyến thông qua những tình nguyện viên đặc biệt là những cựu chiến binh Hoa Kì như Deryle Perryman, Steve Edmunds, Ronald Reddy. Giá trị phim Chư Tan Kra của đạo diễn Vũ Minh Phương đã được ghi nhận bằng các giải thưởng: Cánh diều vàng 2019 của Hội Điện ảnh Việt Nam, Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 và giải A, giải thưởng 5 năm Bộ Quốc phòng (2014-2019).

Sự thành công của Chư Tan Kra cho ta thấy một điều, rất nhiều vấn đề liên quan đến các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta còn đang khuất lấp, hoặc lộ thiên nhưng chúng ta mới biết một phần. Và trách nhiệm của chúng ta là phải áp sát vào hiện thực đời sống để phát hiện ra, kết hợp với tìm hướng khai thác mới lạ nhưng vẫn giữ lại được những giá trị thực làm sao để giữa hình thức và nội dung phải theo kịp với xu hướng nghe nhìn hiện nay. Các bộ phim làm sao phải chật căng những giá trị. Không phải tường thuật, mà phải tranh biện, tham gia giải quyết những xung đột trong cuộc sống.

Điện ảnh Quân đội thực hiện cảnh quay bộ phim tài liệu Danh tướng - quyết tử quân. Ảnh: TL.

PV: Nói đến Điện ảnh Quân đội, không thể không nhắc đến kho phim tư liệu. Đồng chí giám đốc có thể chia sẻ một chút về kho phim này?

NSƯT Phạm Cường: Nếu như tư liệu truyền thống của các ngành khác là trên văn bản giấy tờ thì với Điện ảnh Quân đội là ở hơn 35 ngàn cuốn phim nhựa trong kho tư liệu. Kho phim tư liệu là sức sống mãnh liệt của Điện ảnh Quân đội. Tư liệu hình ảnh quý giá về những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc chúng ta. Vì thế, không quá khi nói rằng kho phim tư liệu là trái tim của Điện ảnh quân đội nhân dân.

Nhờ có nó, thế hệ trẻ hôm nay được sống trong bối cảnh không gian, thời gian, những hiện thực lịch sử sống động của các cuộc chiến tranh. Những thước phim ấy được bắt đầu từ sự hi sinh trong chiến trường, là xương máu của liệt sĩ, dòng máu nóng nghệ sĩ. Có tư liệu ấy, chúng ta mới có điều kiện tái hiện các hiện thực sử, tôn vinh các vĩ nhân, những anh hùng dân tộc...

Nếu có một sự so sánh thì có thể nói kho phim tư liệu của Điện ảnh Quân đội giống như một “Ngân hàng máu” với các “nhóm máu” khác nhau cung cấp, điều dưỡng cho cơ thể.

PV: Với Điện ảnh Quân đội, dường như đang hình thành một đội ngũ mới đã bắt kịp và đảm đương được những công việc mà thế hệ những nghệ sĩ thời kì trước chuyển giao lại?

NSƯT Phạm Cường: Khi tôi về đây năm 2015, có một lớp thế hệ đến tuổi về hưu khá đông, còn một số người trẻ mới về thậm chí chưa biết làm phim, có những người bảy năm rồi mà vẫn chưa có kịch bản. Khoảng cách thế hệ trước và thế hệ hiện tại chênh lệch quá xa về tuổi đời và tuổi nghề!

Chúng tôi xác định, phải tranh thủ tận dụng những người đi trước để đào tạo theo cách cầm tay chỉ việc bằng phương pháp giao việc đan xen giữa người cũ và người mới, đặc biệt là những công việc liên quan đến kho tư liệu phim. Ở Điện ảnh Quân đội, nếu ta không kiểm soát được kho tư liệu này thì rất khó khăn trong công tác sáng tác. Mà kho tư liệu này, nếu chỉ mày mò tự xem, nghiên cứu thì phải mất… 50 năm mới xong.

Thông qua việc đan cài nhân sự như thế, những người có kinh nghiệm nắm được kho tư liệu phim ấy sẽ giúp lớp trẻ đi tắt đón đầu, biết được tư liệu nào nằm ở chỗ nào, khu vực nào, nếu làm phim về nhân vật này, sự kiện này thì liên quan tới không gian, thời gian, địa điểm nào, nhân vật nào… Nhờ thế, sau một thời gian, khi các thế hệ trước nghỉ hưu, lớp trẻ đã tiếp cận và có được vốn sáng tạo ở các thể loại phim.

Một vấn đề nữa trong việc làm sao để hình thành một lớp thế hệ trẻ tài năng để thay thế lớp đàn anh đi trước đến tuổi nghỉ hưu của Điện ảnh Quân đội chính là việc giữ và thu hút nhân tài. Chúng tôi có một lợi thế so với một số đơn vị điện ảnh bên ngoài đó là thường xuyên nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng mà trực tiếp là Tổng cục Chính trị nên luôn có sự ổn định, có cơ sở vật chất, có dự án phim để làm nghề, để thể hiện sự sáng tạo, để khẳng định mình.

Đó là nền móng để Điện ảnh Quân đội xây dựng một thế hệ có tâm huyết với nghề, đặc biệt là với đề tài chiến tranh cách mạng và người lính.

PV: Đối với đội ngũ làm nghệ thuật của lực lượng vũ trang, các đơn vị đều có những thế mạnh, vùng riêng của mình. Chẳng hạn như với công an, họ có những đề tài về mặt trái của xã hội, rồi tội phạm để khai thác. Vậy thế mạnh, vùng riêng của Điện ảnh Quân đội là gì và thời gian tới, các đồng chí có dự định gì?

NSƯT Phạm Cường: Đối tượng, mục đích làm phim của Điện ảnh Quân đội là xây dựng hình ảnh đẹp về Bộ đội Cụ Hồ, về Quân đội. Thế mạnh của chúng tôi là những hiện thực chiến tranh. Đất nước chúng ta đã đi qua mấy cuộc chiến tranh, không biết bao nhiêu xương máu đã đổ, không biết bao nhiêu đau thương mất mát và những di chứng của nó vẫn hiện hiển hàng ngày hàng giờ. Đó là món nợ lớn mà những người làm nghệ thuật nói chung, làm nghệ thuật trong quân đội nói riêng vẫn chưa và có lẽ, sẽ không bao giờ trả hết được.

Thời gian tới, chúng tôi có dự án làm bộ phim Mưa đỏ chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Chu Lai. Hi vọng đó sẽ là một bộ phim nói được nhiều nhất về chiến tranh, nhất là cuộc chiến đấu ở thành cổ Quảng Trị năm 1972.

PV: Với tư cách là một nghệ sĩ, theo anh, những phim về chiến tranh được làm trong thời gian qua, kể cả của Điện ảnh Quân đội và các hãng phim bên ngoài, anh cảm thấy tâm đắc bộ phim nào nhất?

NSƯT Phạm Cường: Với những phim do Điện ảnh Quân đội làm, phim nào tôi cũng tâm đắc. Tôi quan niệm, trong cuộc sống ta nên cởi mở nhưng làm nghệ thuật phải kĩ. Những tác phẩm của người nghệ sĩ phải đáp ứng được nhu cầu của khán giả khó tính nhất. Đối với chúng tôi, không bộ phim nào là không tâm huyết, nhưng sự thành công của nghệ thuật nói chung và mỗi tác phẩm điện ảnh nói riêng là quá trình tiệm cận. Ta cũng nên đặt “thành công” đã qua sang một bên để tiến tới một “thành công” khác. Sáng tạo là không ngừng. Khi ta hài lòng với những kết quả đã đạt được là khi đó ta đã bất lực với sáng tạo.

Giai đoạn trong chiến tranh, chúng ta có những bộ phim để lại rất ấn tượng. Trong thời bình, thị trường sản xuất phim cũng có những phim tốt nhưng quả thực có cảm giác nó chưa làm thỏa mãn được người xem. Những phim về đề tài chiến tranh cũng vậy, rất tiếc chưa có một tác phẩm nào để người xem cảm nhận đầy đủ bộ mặt tàn khốc của chiến tranh và hành động quyết không để nó xuất hiện trên hành tinh của chúng ta.

PV: Cảm ơn đồng chí Giám đốc về cuộc trò chuyện thú vị này!

PV