Thứ Sáu, 09/08/2019 21:49

Chuyện Ghế chuyện của cái đẹp

Lê Thiết Cương đặt người xem vào giữa lằn ranh của giá trị sử dụng và giá trị nghệ thuật. Từ đó mỗi người sẽ có những suy tư riêng.

 Chiều 9/8 tại Hà Nội, họa sĩ Lê Thiết Cương đã tổ chức triển lãm cá nhân mang tên Chuyện Ghế. Đây là triển lãm họa sĩ đã ấp ủ suốt 18 năm, đó là sự kết hợp giữa điêu khắc và thiết kế. Cũng dịp này, họa sĩ Lê Thiết Cương cho ra mắt cuốn sách mang tên Chuyện Ghế với mong muốn các tác phẩm của mình sẽ tiếp cận được với đông đảo công chúng.

Họa sĩ Lê Thiết Cương cùng các khách mời, đồng nghiệp tại buổi khai mạc triển lãm

Sau hơn 30 năm làm nghệ thuật, triển lãm thêm một lần khẳng định về quan niệm thiết kế tối giản mà Lê Thiết Cương theo đuổi. Các tác phẩm của anh dù là tranh hay gốm, điêu khắc hoặc thiết kế cũng đều giản dị, cô đọng, súc tích. Họa sĩ cố gắng thật ít lời mà vẫn diễn tả được nhiều nhất. Cố gắng nói ít nhất, nói bằng cách không nói, bằng vô ngôn.

Với 30 tác phẩm ghế được thiết kế bằng chất liệu sắt, họa sĩ đã cho thấy một ngôn ngữ tạo hình khúc chiết. Sự kết hợp khéo léo những sắc thái đối lập của mảng đặc và mảng rỗng, đầy ắp và trống rỗng, cân bằng và nghiêng lệch, hiện đại và truyền thống… để tạo ra những sản phẩm ấn tượng.

Phát biểu tại triển lãm, họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết: Là ghế nhưng đây là những chiếc ghế đặc biệt, nó cũng là những tác phẩm điêu khắc. Trong kiến trúc và đặc biệt kiến trúc hiện đại thì ghế không chỉ để ngồi. Nó là một yếu tố trang trí, song hành cùng kiến trúc. Không nên bó hẹp ghế trong nghĩa đen của nó. Làm bằng sắt hoặc bằng gì, để dùng vào khi nào, phong cách này hay kia, cũ hay mới vẫn là ghế. Nếu chỉ để ngồi thì hẳn không cần nhiều loại như thế. Phải đẹp nữa chứ. Dù là ngồi, chả nhẽ ngồi thì không được đẹp, ngay cả ngồi chơi cũng cần đẹp, chơi cũng phải đẹp. Không ngồi cũng vẫn phải đẹp.

Lê Thiết Cương đặt người xem vào giữa lằn ranh của giá trị sử dụng và giá trị nghệ thuật. Từ đó mỗi người sẽ có những suy tư riêng. Ghế có thể vẫn là ghế với giá trị sự dụng vốn dĩ, nhưng ghế cũng có thể đã mang một ý niệm khác từ hình dáng, màu sắc hay cách sắp đặt.

Từ năm 1990 Chuyện Ghế đã được bắt đầu khi họa sĩ Lê Thiết Cương quan tâm đến và sưu tập đồ gỗ cổ Việt Nam, nhất là ghế gỗ. Ghế của người Việt nhiều loại, nhiều chất liệu, nhiều chuyện. Mỹ thuật truyền thống của người Việt nằm ở đồ thủ công mỹ nghệ và đồ gốm, trong đó có đồ gỗ. Họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, bộ sưu tập ghế cổ vừa là đam mê, vừa là “thầy” của anh vì đã gợi ý và tạo cảm hứng cho anh trong những thiết kế của Chuyện Ghế.

Triển lãm Chuyện Ghế kéo dài đến ngày 19/8/2019 tại Gallery39 Lý Quốc Sư, Hà Nội và được trưng bày tại Đại Nội Huế từ ngày 28/8 đến 29/9/2019 nhân sự kiện ra mắt không gian văn hóa Đông Khuyết Đài - Cửa Hiển Nhơn, đường Đoàn Thị Điểm, TP Huế. Sau khi kết thúc tại Huế, triển lãm sẽ tiếp tục tại thành phố Hồ Chí Minh (tháng 10/2019) và Đà Lạt (tháng 12/2019).

DUY QUANG