Thứ Tư, 09/01/2019 14:58

Có một cuộc chiến khác

Có một cuộc chiến khác mà các nghệ sĩ và công chúng đang thực sự đương đầu. Đó là tư tưởng, là thẩm mĩ. Không chiến tranh, không Việt Nam sau cùng vẫn mong muốn hướng đến một thế giới của tự do và nhân văn thông qua nghệ thuật.

 Chiều 8/1/2019 tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, nghệ sĩ, giảng viên người Đức Veronika Radulovic có buổi nói chuyện về triển lãm Không chiến tranh, không Việt Nam đã diễn ra tại Berlin, Đức trong năm 2018. Triển lãm này khép lại nhưng đã mở ra những câu chuyện khác mà giới nghệ thuật và công chúng trên thế giới quan tâm.

“Ở Đức, nếu bạn ra đường, gặp một bạn trẻ và hỏi: Việt Nam là đất nước như thế nào? Đừng ngạc nhiên nếu câu trả lời là: Nơi đó có chiến tranh”. Bà Veronika Radulovic đã bắt đầu buổi nói chuyện bằng câu chuyện như vậy.

Ảnh Veronika Radulovic tại triển lãm Không chiến tranh, không Việt Nam (tháng 8/2018 tại Berlin)

Triển lãm Không chiến tranh, không Việt Nam được thực hiện nhân dịp kỉ niệm 50 năm phong trào Dân chủ châu Âu trong đó có làn sóng phản đối chiến tranh tại Việt Nam của “Thế hệ 1968”. Lâu nay, với không ít người nước ngoài, khi nói đến Việt Nam là họ nghĩ đến chiến tranh. Thậm chí, họ biết đến Việt Nam chỉ vì chiến tranh đã xảy ra trên dải đất hình chữ S này. Nhằm thay đổi suy nghĩ, cũng như quan niệm đó, các nghệ sĩ Đức đã phối hợp với các nghệ sĩ Việt Nam hiện đang sinh sống ở nước ngoài tổ chức triển lãm mang tên Không chiến tranh, không Việt Nam. Triển lãm hướng cái nhìn của nhân loại đến Việt Nam của đời sống hôm nay và của nghệ thuật đương đại.

Những bức ảnh, tác phẩm nghệ thuật của 32 nghệ sĩ Đức từ thập niên 60 - 70 về chống chiến tranh Việt Nam hay những tác phẩm điêu khắc, video art mới được nghệ sĩ Việt như Nguyễn Hoàng Giang, Nguyễn Mạnh Hùng, Sung Tiêu, Nguyễn Phương Linh, Nguyễn Trinh Thi, Oanh Phi Phi, Trương Tân, Trương Thiện... sáng tạo gần đây được sắp đặt lại với ý niệm mới, chuyển tải những thông điệp mới, cái nhìn mới về chiến tranh và Việt Nam.

Là giám tuyển chính của triển lãm này, bà Veronika Radulovic chia sẻ: Chiến tranh đã qua nhiều năm rồi. “Thế hệ 1968” nhắc đến Việt Nam bởi thế hệ họ đã từng xuống đường phản đối chiến tranh ở Việt Nam, nhưng còn thế hệ trẻ hôm nay họ vẫn có cái nhìn bảo thủ, cố hữu. Chúng ta cần phải thay đổi điều đó. Việt Nam đã được biết đến với rất nhiều bức ảnh nổi tiếng về chiến tranh, nhưng các bạn cũng cần được biết đến với những danh lam thắng cảnh, với đời sống hiện đại và với nghệ thuật đương đại.

Veronika Radulovic tại buổi nói chuyện

Veronika Radulovic đã kêu gọi những nghệ sĩ đem đến triển lãm những góc nhìn khác nhau về Việt Nam qua chiến tranh. Cũng theo chia sẻ của bà, ở Đức mọi người hầu như tiếp cận với chiến tranh Việt Nam qua con mắt của người Mĩ. Triển lãm này đã mang đến và phản ánh tiếng nói, góc nhìn của những người trong cuộc đã trải qua chiến tranh Việt Nam hoặc chứng kiến chiến tranh ở Việt Nam. Có những người châu Âu đến Việt Nam chỉ vì tò mò muốn biết Việt Nam của chiến tranh như thế nào. Veronika Radulovic nói: “Dường như đó mới là cuộc chiến không bao giờ chấm dứt trong suy nghĩ của họ. Công chúng đến xem triển lãm tranh vẫn còn có những luồng tư tưởng khác nhau. Nhưng tôi khuyên họ hãy cảm nhận mọi thứ theo cái cách mà các nghệ sĩ đã tạo ra”.

Có một cuộc chiến khác mà các nghệ sĩ và công chúng đang thực sự đương đầu. Đó là tư tưởng, là thẩm mĩ. Không chiến tranh, không Việt Nam sau cùng vẫn mong muốn hướng đến một thế giới của tự do và nhân văn thông qua nghệ thuật.

Nghệ sĩ Veronika Radulovic lần đầu tới Hà Nội vào đầu những năm 1990 để học sơn mài Việt Nam. Từ năm 1994 tới 2005 bà là giảng viên quốc tế đầu tiên tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Bà đã hợp tác và làm việc với nhiều học viện, bảo tàng ở Đức và đóng vai trò kết nối quan trọng giữa nghệ thuật đương đại Đức và Việt Nam. Hiện bà đang thực hiện ấn phẩm về bốn nghệ sĩ tiên phong trong nghệ thuật đương đại Việt Nam.

TUẤN LAM