Thứ Bảy, 25/08/2018 00:20

Cục Nhà trường - Bộ Tổng tham mưu: Thép đã tôi thế đấy...

Thưa đồng chí Trung tướng, GS.TS Trần Hữu Phúc, giáo dục luôn được xem là quốc sách, đầu tư cho giáo dục là đầu tư có chiều sâu, hướng đến tương lai, xin Trung tướng cho bạn đọc Tạp chí Văn nghệ Quân đội hiểu rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ, vai trò của Cục Nhà trường - Bộ Tổng tham mưu, từ lịch sử đến hiện tại.
Cục trưởng Cục Nhà trường
GS.TS Trần Hữu Phúc
“Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi thế giới” (N. Mandela). Nghĩ về giáo dục trong những ngày tháng Tám này, giữa những đổi thay to lớn của đất nước, những yêu cầu mới đặt ra đối với giáo dục, với con người, nhân sự kiện Cục Nhà trường - Bộ Tổng tham mưu được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước, các nhà văn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã đến chúc mừng và có cuộc đối thoại với đồng chí Trung tướng, GS.TS Trần Hữu Phúc, Cục trưởng Cục Nhà trường.
 
PV: Thưa đồng chí Trung tướng, GS.TS Trần Hữu Phúc, giáo dục luôn được xem là quốc sách, đầu tư cho giáo dục là đầu tư có chiều sâu, hướng đến tương lai, xin Trung tướng cho bạn đọc Tạp chí Văn nghệ Quân đội hiểu rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ, vai trò của Cục Nhà trường - Bộ Tổng tham mưu, từ lịch sử đến hiện tại.
Trung tướng, GS.TS Trần Hữu Phúc: Xin chào các nhà văn! Tôi cứ mong có dịp này để có thể gặp gỡ các nhà văn, để được tâm sự đôi điều về cuộc sống và công việc. Tôi yêu và thường xuyên đọc Văn nghệ Quân đội ngay từ những ngày đầu nhập ngũ. Những bài thơ, những truyện ngắn, những bút kí hay trên tạp chí đã là một phần đời sống tinh thần của tôi (và không chỉ riêng tôi, đó còn là đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trong quân đội ta). Nếu như xét từ góc độ giáo dục, chắc các nhà văn sẽ hiểu rõ hơn tôi về chức năng giáo dục của văn chương. Như thế, Văn nghệ Quân đội hay Cục Nhà trường, chúng ta cùng đang tham gia vào công tác giáo dục, hàng ngày hàng giờ. Trở lại với câu chuyện chính về chức năng, nhiệm vụ của Cục Nhà trường, trên những nét lớn, Cục Nhà trường có chức năng: Thứ nhất, tham mưu với Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu để tham mưu cho Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Quân ủy Trung ương ban hành các nghị quyết, chỉ thị, chiến lược, đề án, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục, đào tạo trong quân đội; phát triển hệ thống nhà trường quân đội; xây dựng quy trình, nội dung, chương trình đào tạo; bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lí giáo dục; tổng kết thực tiễn, biên soạn giáo trình, tài liệu, nghiên cứu khoa học; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo cho các trường quân đội. Thứ hai, quản lí nhà nước về công tác giáo dục, đào tạo trong quân đội, gồm: quản lí nội dung, chương trình đào tạo; quản lí tổ chức đào tạo; quản lí công tác kiểm tra, phúc tra, kiểm định chất lượng đào tạo; quản lí xây dựng nhà trường chính quy, rèn kỉ luật.

PV: Từ tiền thân là Ban Chỉ đạo Nhà trường, đến nay Cục Nhà trường - Bộ Tổng tham mưu đã trải qua 63 năm xây dựng và trưởng thành. Nhìn lại lịch sử, xin Trung tướng khái quát những mốc son vẻ vang, những thành tích đáng tự hào trong quá trình phát triển của Cục Nhà trường?
Trung tướng, GS.TS Trần Hữu Phúc: Trong suốt 63 năm xây dựng và trưởng thành, Cục Nhà trường đã lập nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và bạn bè quốc tế tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý. Nhìn lại lịch sử vẻ vang ấy, chúng ta nhớ đến những mốc son như:
Ngày 14/10/1955, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 172/QĐ-QP thành lập Ban Chỉ đạo Nhà trường, tiền thân của Cục Nhà trường - Bộ Tổng tham mưu ngày nay.
Sang giai đoạn 1963-1975, đây là giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước của dân tộc ta, trước nguy cơ thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mĩ ồ ạt đưa quân viễn chinh và chư hầu vào miền Nam, tiến hành “Chiến tranh cục bộ” và mở rộng phá hoại bằng không quân ra miền Bắc. Cục Nhà trường đã kịp thời tham mưu cho Quân ủy Trung ương ban hành Nghị quyết số 39/QU-NQ, Nghị quyết số 40/QUTƯ lãnh đạo các trường quân đội chuyển phương thức đào tạo từ chương trình cơ bản có hệ thống, lâu dài sang đào tạo cấp tốc, ngắn ngày đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời chiến; tham mưu với Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành quyết định thành lập, đổi tên 35 trường; xây dựng kế hoạch và hướng dẫn các trường cử hàng nghìn cán bộ, giáo viên chủ chốt và bàn giao hàng vạn cán bộ, nhân viên chuyên môn kĩ thuật cho các chiến trường trực tiếp chỉ huy chiến đấu, tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Năm 1994, Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) ban hành Nghị quyết 93/ĐUQSTW về tiếp tục đổi mới công tác đào tạo cán bộ, nhân viên chuyên môn kĩ thuật và xây dựng nhà trường chính quy. Quán triệt tinh thần của Nghị quyết, Cục Nhà trường đã tham mưu với Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn các trường sĩ quan tiến hành nâng bậc đào tạo theo chương trình đại học, các học viện tiếp tục đào tạo cán bộ theo chương trình hoàn thiện đại học, đào tạo sau đại học, đưa hệ thống các trường quân đội hòa nhập với hệ thống giáo dục quốc dân.
Thực hiện Nghị quyết 86/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về công tác giáo dục, đào tạo trong tình hình mới, năm 2011, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt “Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong quân đội giai đoạn 2011-2020”. Cục Nhà trường đã và đang tham mưu với Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo xây dựng hệ thống các trường quân đội ngày càng phát triển cả về số lượng, quy mô, chất lượng giáo dục, đào tạo và xây dựng chính quy, rèn luyện kỉ luật, góp phần vào xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Các đồng chí thấy đấy, lịch sử 63 năm qua, với bề dày cống hiến, thành tích nào với bản thân tôi cũng như toàn hệ thống giáo dục quân đội cũng là quý báu, bởi đã được xây dựng trên biết bao xương máu, mồ hôi, tâm sức, trí tuệ của các thế hệ. Lịch sử luôn đồng hành cùng chúng tôi trên mỗi chặng đường hiện tại và tương lai.

 
DSC 3245
Tuổi trẻ nhà trường quân đội hội nhập tri thức và phát triển

PV: Chia sẻ riêng một chút, thành tích nào khiến đồng chí Trung tướng, Cục trưởng ấn tượng nhất, tâm đắc nhất?
Trung tướng, GS.TS Trần Hữu Phúc: Thành tích nào cũng đáng quý, đáng trân trọng các đồng chí ạ. Xét về mặt chức năng, nhiệm vụ được giao, tôi tâm đắc nhất với tinh thần, phương châm: Nhà trường luôn gắn liền với chiến trường, gắn với đơn vị. Cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Cục Nhà trường luôn bám sát thực tiễn nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của quân đội, kịp thời tham mưu có hiệu quả với Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và Quân ủy Trung ương quyết định những vấn đề lớn về công tác nhà trường.

PV: Những thành tích vẻ vang không làm chúng ta quên đi bao khó khăn trong quá trình xây dựng và phát triển. Đồng chí Cục trưởng có thể phân tích những khó khăn trong lịch sử cũng như hiện tại để thấy được nỗ lực cống hiến, dựng xây của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Cục Nhà trường?
Trung tướng, GS.TS Trần Hữu Phúc: Khó khăn cũng rất nhiều. Nhưng, tôi vẫn cho rằng, chính trong khó khăn mà chúng ta trưởng thành. Tôi nhớ nhân vật Pavel Korchagin trong tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy đã nhấn mạnh đến tinh thần tôi luyện con người trong “lửa đỏ và nước lạnh”. Đặt vào bối cảnh Việt Nam, từ lịch sử đến hiện tại, đất nước luôn đối mặt với muôn vàn khó khăn, nhưng chúng ta đã vượt qua và giành những thắng lợi hết sức to lớn, vẻ vang. Thế giới ngưỡng mộ Việt Nam chính ở một trong những điểm này. Trong lịch sử của Cục Nhà trường, hoàn cảnh đất nước sau 1954 còn nhiều khó khăn, tiếp đến cuộc kháng chiến chống Mĩ trường kì, gian khổ, khốc liệt nhiều lúc đã đặt công tác giáo dục, đào tạo, huấn luyện của quân đội vào tình thế có tính sống còn. Nhưng, với sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, sự đồng lòng, chung sức, tận tâm và ý chí kiên cường của người lính, chúng ta đã vượt qua và giành thắng lợi, ghi tên mình vào trang sử vẻ vang của dân tộc.
 Tình hình hiện tại, trong những diễn biến mau lẹ, phức tạp, khó lường của thế giới, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, toàn cầu hóa, các đe dọa an ninh phi truyền thống, sự dịch chuyển của các hệ giá trị,… vừa tạo ra vận hội nhưng cũng hình thành những khó khăn mới, buộc chúng ta phải thích nghi để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, nhiệm vụ thường xuyên thay đổi, yêu cầu ngày càng cao hơn, đặt ra cho đội ngũ cán bộ của Cục Nhà trường và các trường quân đội những khó khăn và thách thức, để rồi cùng quyết tâm vươn lên hoàn thành nhiệm vụ.

PV: Là người lính trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi xin chia sẻ với Trung tướng, Cục trưởng những khó khăn đó. Khó khăn là môi trường rèn luyện hữu ích. Tuy nhiên, chúng ta sẽ hình dung ở chiều hướng tích cực hơn, Cục Nhà trường có những điều kiện thuận lợi gì để vững vàng tiến bước, thưa Trung tướng?
Trung tướng, GS, TS Trần Hữu Phúc: Cảm ơn các đồng chí! Khó khăn nhiều, nhưng chúng ta không đơn độc. Công tác giáo dục, đào tạo trong quân đội được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm, coi trọng, thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo. Đồng hành cùng Cục Nhà trường còn có sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị các cấp trong quân đội với hệ thống nhà trường. Đặc biệt, trọng tâm, chủ thể của công tác giáo dục, đào tạo là người dạy và người học, chúng tôi có đội ngũ nhà giáo, cán bộ, nhân viên của các học viện, trường và của Cục Nhà trường được đào tạo cơ bản, có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức tốt, có trình độ học vấn, trình độ chuyên môn cao, dày dạn kinh nghiệm, có trách nhiệm, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Một điều rất quan trọng làm nên thuận lợi lớn của giáo dục đào tạo quân đội chính là lòng tin, sự yêu mến, che chở, giúp đỡ của nhân dân. Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, có thể nói là hành trình rộng lớn, sâu xa, có tính bền vững trong công tác giáo dục, đào tạo, huấn luyện của người cán bộ, sĩ quan quân đội.

 
IMG 4754
Cục Nhà trường trong tiến trình hòa nhập cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0

PV: Sản phẩm của giáo dục, đào tạo là con người. Những con người làm công tác giáo dục lại càng quan trọng, quyết định rất lớn đến người học. Trung tướng có thể làm rõ hơn về tiềm lực con người, đội ngũ nhà giáo, nhà nghiên cứu khoa học của Cục Nhà trường và hệ thống các nhà trường quân đội?
Trung tướng, GS.TS Trần Hữu Phúc: Đúng như vậy, con người là chủ thể của giáo dục. Giáo dục trong môi trường quân đội lại có những đặc thù hơn nữa. Sản phẩm của giáo dục là con người - những người cán bộ, sĩ quan quân đội, thực hiện nhiệm vụ chỉ huy, chiến đấu, bảo vệ, dựng xây đất nước. Do vậy, cùng với tri thức, kinh nghiệm, là phẩm chất và đạo đức cách mạng, tác phong công tác, lòng dũng cảm, ý chí kiên trung, sẵn sàng chiến đấu hi sinh bảo vệ Tổ quốc và nhân dân… Hơn ai hết, các thế hệ thầy, cô giáo - họ là tấm gương để các thế hệ học viên noi theo. Nhiều cán bộ của Cục Nhà trường đã chiến đấu và anh dũng hi sinh, bị thương trong các cuộc chiến tranh. Điều đó nhắc nhở những người đi sau không ngừng tiến lên. Trong điều kiện mới hiện nay, Cục Nhà trường và các trường quân đội đã từng bước xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, có đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lí giáo dục mạnh, cơ bản đủ về số lượng, chất lượng ngày càng cao. Hiện nay, 100% nhà giáo, cán bộ quản lí giáo dục của các học viện, trường sĩ quan có trình độ đại học, trong đó 40-60% có trình độ sau đại học (tùy theo từng trường), có nhiều giáo sư, phó giáo sư, chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực đáp ứng nhiệm vụ giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Hiện nay, chúng tôi có 105 Giáo sư, 782 Phó Giáo sư, 45 Nhà giáo Nhân dân, gần 1.000 Nhà giáo Ưu tú, 5.636 đồng chí đạt danh hiệu Giảng viên Giỏi, Giáo viên Giỏi cấp Bộ Quốc phòng,… Những con số với các nhà văn có vẻ khô cứng, nhưng là sinh mệnh chính trị của các nhà trường quân đội, là niềm tin của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu và nhân dân. Ông cha ta có câu:“Không thầy đố mày làm nên”, trong điều kiện giáo dục mới, chữ “Thầy” cũng cần được hiểu rộng hơn, vừa là người trực tiếp giảng dạy, vừa là những người giúp ta trưởng thành hơn, khắc phục những điểm yếu, hoàn thiện bản thân để đáp ứng các đòi hỏi cụ thể, phức tạp của đời sống.
Về phương diện nghiên cứu khoa học, chúng tôi cũng cho rằng, đó là biểu hiện của tấm gương người thầy, của tinh thần học hỏi, hướng đến tri thức. Một vài số liệu như: 6.280 đề tài cấp Nhà nước, Bộ Quốc phòng, 2.948 đề tài và 12.682 sáng kiến kinh nghiệm cấp Bộ Tổng tham mưu và nhiều giải thưởng của các cuộc thi cấp quốc gia, quốc tế cũng cho thấy tiềm năng và năng lực thực tiễn của hệ thống giáo dục quân đội, các thầy cô giáo, các nhà nghiên cứu trong quân đội.

PV: Nếu hiểu con người là chủ thể của giáo dục, các thế hệ cán bộ, học viên được đào tạo trong hệ thống nhà trường quân đội đã đáp ứng như thế nào trước tình hình, nhiệm vụ cụ thể của quân đội, của đất nước và thời đại?
Trung tướng, GS.TS Trần Hữu Phúc: Chúng ta phải sòng phẳng để nói với nhau rằng, chất lượng giáo dục được đánh giá bằng chính năng lực làm việc của người học trong thực tiễn sau khi ra trường. Trước hết cần phải khẳng định: Chất lượng đào tạo trong quân đội đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng nâng lên. Đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kĩ thuật tốt nghiệp ra trường cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đó là những cán bộ, nhân viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, với Tổ quốc, với Nhân dân; có phẩm chất đạo đức, ý thức tổ chức kỉ luật tốt; trình độ chuyên môn, kiến thức quân sự, chính trị, khoa học, xã hội, pháp luật, chuyên môn kĩ thuật ngày càng cao; tư duy sáng tạo, phương pháp, tác phong công tác khoa học, dân chủ; có tinh thần đoàn kết, thống nhất cao trong thực hiện nhiệm vụ, sâu sát, gần gũi cấp dưới và quần chúng nhân dân; biết phối hợp hiệp đồng với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ được giao; gắn thực hiện nhiệm vụ với làm tốt công tác dân vận; có sức khỏe dẻo dai và sự chịu đựng gian khổ trong thực hiện nhiệm vụ ở mọi tình huống. Đó vừa là mô hình đào tạo con người, cũng là thực tiễn chất lượng giáo dục, đào tạo mà các trường quân đội đã có được từ trong lịch sử đến hiện tại và tiếp tục giữ vững, phát huy.

PV: Bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa đã buộc chúng ta phải thích ứng với các điều kiện rộng lớn hơn. Vấn đề hội nhập quốc tế trong đào tạo của Cục Nhà trường đã được đặt ra như thế nào, thưa Trung tướng?
Trung tướng, GS.TS Trần Hữu Phúc: Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, thế giới phẳng đang là những khái niệm tác động mạnh đến quan điểm, cách thức tiếp cận giáo dục, đào tạo hiện nay. Theo đó, mô hình giáo dục cũng như sản phẩm, chất lượng giáo dục phải đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao để người học có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế… Để đáp ứng được xu thế đó, đối với giáo dục, đào tạo trong quân đội phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, nhưng trước mắt cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau: Đẩy mạnh hợp tác, tiếp cận mô hình, phương pháp giáo dục, đào tạo của các cơ sở giáo dục, đào tạo tiên tiến, hiện đại trong và ngoài nước. Tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đào tạo với các chuyên gia quân sự và các trường quân đội của nước ngoài trên lĩnh vực mà các bên cần quan tâm. Để thực hiện được điều đó, trước mắt phải tập trung nâng cao trình độ ngoại ngữ của đội ngũ nhà giáo, cán bộ nghiên cứu và học viên, nhằm đáp ứng cao nhất khả năng làm chủ trang thiết bị, vũ khí, khí tài, đối ngoại quân sự, quốc phòng và khả năng làm việc của cán bộ, học viên trong môi trường quốc tế,…

PV: Đồng chí Cục trưởng có thể phân tích, làm rõ hơn chiến lược - sách lược giáo dục đào tạo, huấn luyện của Cục Nhà trường và các nhà trường quân đội trước những diễn biến phức tạp của tình hình an ninh, quốc phòng trên thế giới và khu vực cũng như sự phát triển của khoa học - công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 như hiện nay?
Trung tướng, GS.TS Trần Hữu Phúc: Trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang tác động đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực quân sự, quốc phòng và giáo dục, đào tạo. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch đang thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” chống phá ta quyết liệt, đẩy mạnh “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ. Trước tác động đó, Bộ Quốc phòng có Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 04/5/2017 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ban hành kèm theo Quyết định số 737/QĐ-BQP ngày 13/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Bộ Tổng tham mưu đã ban hành Kế hoạch số 436/KH-TM về Kế hoạch hành động của hệ thống nhà trường quân đội trước tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TM ngày 23/3/2018; hiện nay chúng ta cũng đang triển khai thực hiện Đề án xây dựng “Nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0”. Thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp: Thứ nhất, tăng cường mở rộng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học đối với các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân và các nước tiên tiến trên thế giới. Thứ hai, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nguồn lực con người, chú trọng đào tạo chuyên gia đầu ngành để chủ động nắm bắt những vận hội, khắc phục những thách thức trước tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

PV: Không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới đều đang đối mặt với những nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống. Đồng chí làm rõ hơn điều này và ứng phó của giáo dục quân sự Việt Nam?
Trung tướng, GS.TS Trần Hữu Phúc: Những đe dọa an ninh phi truyền thống được hiểu một cách cơ bản là những đe dọa không đến từ các xung đột vũ trang. Nếu nhìn từ góc độ an ninh, rõ ràng những diễn biến của thiên tai, bệnh tật, ma túy, buôn người, tấn công mạng, khủng hoảng tài chính, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, thất nghiệp, bạo lực, tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, di dân… đang là những đe dọa rất lớn. Đó không phải là những đe dọa vũ trang như truyền thống, nhưng tác động sâu sắc, lâu dài, ảnh hưởng lớn đến an ninh quốc gia. Nhận thức rõ điều đó, giáo dục trong các nhà trường quân đội của Việt Nam đã đặt ra mục tiêu xây dựng con người vừa đáp ứng các yêu cầu về bản lĩnh chính trị, tư tưởng, đạo đức, tác phong, thể chất, trình độ năng lực - như đã nói ở trên, vừa tích cực đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình”, tham gia các hoạt động cứu trợ, giúp đỡ đồng bào lũ lụt, khắc phục hậu quả thiên tai, vận động quyên góp từ thiện giúp nhân dân những vùng khó khăn… vừa phải chủ động đối phó với các tình huống đe dọa an ninh phi truyền thống. Tôi cho rằng, trong điều kiện hiện nay, cần được xem là một trọng tâm trong nhiệm vụ giáo dục, đào tạo quân sự, quốc phòng không chỉ của Việt Nam.

PV: Thưa Trung tướng, được biết là song song với việc cử học viên đi đào tạo quân sự ở nước ngoài, chúng ta cũng đào tạo học viên quân sự của các nước gửi đến. Trung tướng có thể làm rõ hơn, những học viên quân sự nước ngoài  muốn học cái gì ở Việt Nam?
Trung tướng, GS.TS Trần Hữu Phúc: Một câu hỏi khá thú vị! Đúng là chúng ta có nhiều học viên quân sự từ các nước trên thế giới đến các trường quân đội của Việt Nam để học tập. Họ muốn tìm hiểu văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam. Lịch sử của Việt Nam là lịch sử chiến tranh, lịch sử đối đầu với những cường quốc lớn, và chúng ta đã chiến thắng. Muốn đi tìm câu trả lời, họ đã đến Việt Nam.

PV: Vậy, nhà trường quân đội của Việt Nam đã dạy cho họ điều gì?
Trung tướng, GS.TS Trần Hữu Phúc: Những nền giáo dục quân sự khác muốn tìm hiểu kinh nghiệm chiến tranh, đào tạo, huấn luyện quân sự của Việt Nam. Kinh nghiệm đó vừa rất rõ ràng, nhưng lại cũng vô cùng huyền diệu. Đó là nghệ thuật chiến tranh nhân dân - nguồn sức mạnh vô biên của dân tộc Việt Nam, của Quân đội nhân dân Việt Nam. Điều này, hẳn các nhà văn đều rõ, chúng ta đã chiến đấu bằng tất cả những gì có thể, từ gốc lúa bờ tre, từ đường làng ngõ xóm, từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến miền xuôi, già trẻ gái trai, mọi thành phần dân tộc, tôn giáo,… làm thành thế trận toàn dân. Cái mà chúng ta có thể chia sẻ để thế giới biết, đó chính là tinh thần, ý chí quật cường đã hun đúc nên sức mạnh Việt Nam, không chỉ ở thời hiện tại mà từ trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước, giữ nước của chúng ta.

PV: Với cương vị Cục trưởng, xin Trung tướng chia sẻ thêm với bạn đọc Văn nghệ Quân đội những trăn trở của mình trước nhiệm vụ giáo dục đào tạo đang đặt trên vai Cục Nhà trường - Bộ Tổng tham mưu?
Trung tướng, GS.TS Trần Hữu Phúc: Tôi năm nay đã 40 năm tuổi quân, cuộc đời binh nghiệp gắn bó trọn vẹn với công tác giáo dục, đào tạo của quân đội. Bốn mươi năm qua, chưa lúc nào tôi thôi trăn trở về việc cần phải nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, huấn luyện trong quân đội. Tôi quan niệm: “Toàn tâm, toàn ý cho công tác giáo dục, đào tạo” và “Con người là yếu tố quyết định”. Phải suy nghĩ đột phá trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm tổng kết từ thực tiễn. Cùng với đó, công tác đối ngoại, hội nhập trong giáo dục ở hệ thống nhà trường quân đội cũng cần được xem là trọng điểm. Đào tạo những cán bộ, sĩ quan có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đủ trình độ, năng lực để tham gia vào hoàn cảnh toàn cầu, làm việc trong môi trường quốc tế, để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và nhân dân,… là những điều tôi luôn tâm niệm và cố gắng thực hiện. Các đồng chí ạ, mảnh đất nhà trường quân đội rộng lớn và phong phú lắm, vì thế còn nhiều việc để làm, phải làm. Từ cuộc nói chuyện với các đồng chí hôm nay, tôi cũng có thể hình dung rằng, những tấm gương nhà giáo, học viên, những ngôi trường, học viện, những vấn đề của giáo dục đào tạo trong nhà trường quân đội sẽ đi vào trang văn, bài thơ, trở thành hình tượng nghệ thuật của các đồng chí. Như thế, công tác giáo dục đã lan tỏa nhiều hơn, rộng sâu hơn từ những mái trường quân đội.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Trung tướng, Cục trưởng! Xin chúc mừng những thành tựu mà Cục Nhà trường đã đạt được trong những năm chống Mĩ và mong rằng những thành tựu đó luôn được phát huy tốt trong nhiệm vụ giáo dục đào tạo của quân đội hôm nay.
 
PV