Thứ Hai, 23/09/2019 09:30

Phát triển văn hóa đọc

Đa dạng hóa nguồn lực

Trong những năm gần đây, chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa nói chung và hoạt động thư viện nói riêng của Đảng và Nhà nước đã và đang có những tác động tích cực tới nhiều mặt của đời sống xã hội.

Tại hội thảo “Các giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa nhằm phát triển văn hóa đọc” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chiều 20.9, các đại biểu cho rằng, xã hội hóa là một xu hướng và là một nguyên tắc quan trọng để phát triển văn hóa, giáo dục nói chung và thư viện nói riêng. Việc thu hút các cá nhân và tổ chức tham gia xây dựng phát triển văn hóa đọc và sự nghiệp thư viện góp phần huy động những đóng góp của xã hội vào phát triển sự nghiệp thư viện.

Tăng dần số lượng người thụ hưởng

Trong những năm gần đây, chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa nói chung và hoạt động thư viện nói riêng của Đảng và Nhà nước đã và đang có những tác động tích cực tới nhiều mặt của đời sống xã hội. Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập... Trong Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, việc đẩy mạnh xã hội hóa được xác định là một trong những nhiệm vụ giải pháp quan trọng.


Chỉ cần mang đến 3 cuốn sách, các em có thể được đọc hơn 1.000 cuốn sách hay có trong thư viện
Nguồn: thanhnien.vn

Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vũ Dương Thúy Ngà khẳng định: Sự chung tay của xã hội đóng góp về trí tuệ, về công sức, tài chính sẽ thúc đẩy văn hóa đọc phát triển. Đó là một nhiệm vụ, đồng thời cũng là một giải pháp để đẩy mạnh sự phát triển của văn hóa đọc. “Trong những năm qua, với việc đẩy mạnh xã hội hóa, văn hóa đọc nói chung và ngành thư viện Việt Nam đã có được sự hỗ trợ nhiều mặt như phát triển vốn tài liệu, nguồn lực thông tin, tăng cường cơ sở vật chất và công nghệ, nâng cao trình độ đội ngũ người làm công tác thư viện và hình thành một mạng lưới thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng trong cả nước”.

Theo bà Vũ Dương Thúy Ngà, để thúc đẩy xã hội hóa nhằm phát triển văn hóa đọc, cần thực hiện nhiều nội dung. Từ định hướng trong Đề án “Phát triển văn hóa đọc cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, ngành Thư viện đã xúc tiến một số dự án như: trang bị xe ô tô lưu động đa phương tiện cho các địa phương để mang sách đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tuy mới triển khai nhưng số lượng người được thụ hưởng rất nhiều; dự án nâng cao việc sử dụng máy tính công cộng, trang bị sách cho trường học, thư viện cộng đồng... để có thêm nguồn tài liệu phong phú.

Nhà nước và nhân dân cùng làm

Xã hội hóa các hoạt động thư viện được xem là biện pháp tích cực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà công tác thư viện, nhất là thư viện cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đang gặp khó khăn về kinh phí, chế độ chính sách đầu tư nhằm phát triển văn hóa đọc.

Giám đốc Thư viện Bình Định Võ Văn Nhiếng cho hay, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Thư viện Bình Định đã nỗ lực không ngừng trong việc vận động nguồn lực trong xã hội cùng chăm lo cho sự nghiệp phát triển văn hóa đọc, nâng cao dân trí, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân địa phương. Bước đầu công tác xã hội hóa đã tạo thêm nguồn lực cho 76 thư viện trong toàn tỉnh nâng cao chất lượng phục vụ. Tỉnh cũng huy động và có được sự đóng góp của các nhà xuất bản, các nhà khoa học biếu, tặng sách; các cá nhân, bạn đọc và các tổ chức tặng sách và đầu tư cho các thư việc/tủ sách cơ sở phục vụ người dân tích cực và hiệu quả.

Giải pháp huy động nguồn lực cho thư viện cũng được nhiều đại biểu đưa ra nhằm kích thích và đẩy mạnh phong trào đọc sách. TS Nguyễn Thị Ngọc Minh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội kể câu chuyện từ những ngày đầu ấp ủ dự án “Sách ơi mở ra”. Cách đây gần chục năm, trong quá trình giảng dạy tại trường, chị nhận thấy các sinh viên ngày càng ít đọc sách hơn. Do đó, một ý tưởng đã được chị vạch ra nhằm phát triển văn hóa đọc bắt đầu từ các em nhỏ. Ban đầu, số sách trong thư viện “Sách ơi mở ra” ở Hà Nội phần lớn là những cuốn sách thiếu nhi mà chị có. Sau đó, thấy chị mở thư viện, bạn bè, đồng nghiệp, thầy cô, phụ huynh, sinh viên, các nhà xuất bản cũng gửi tặng.

“Để có thể đọc sách tại chỗ hay mượn sách về nhà miễn phí, các em nhỏ sẽ phải mang đến thư viện 3 cuốn sách hay mà mình đã đọc. Đây là một nguồn bổ sung rất lớn cho thư viện. Chỉ cần mang đến 3 cuốn sách, nhưng các em có thể được đọc hơn 1.000 cuốn sách hay có trong thư viện”, chị Ngọc Minh cho biết. Dự án của chị còn thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm, cho các em có cơ hội được tới thăm những di tích lịch sử, văn hóa, kích thích trí tò mò của trẻ, từ đó lại giúp trẻ có hứng thú hơn với việc đọc: “Để thực hiện những ý tưởng của mình, tôi đã xây dựng một kế hoạch dài hơi, bài bản để có thể hướng dẫn trẻ trong một thời gian dài, thay vì những hoạt động bề nổi, mang tính thời vụ. Bởi để hình thành nên thói quen và kỹ năng không phải là việc có thể thực hiện một sớm một chiều, mà cần phải đi đường dài, phải có sự chung tay của toàn xã hội”.

“Xã hội hóa không nhất thiết phải là tiền mà còn là nhiều yếu tố khác”, câu nói của Giám đốc Thư viện TP Cần Thơ Phan Thùy Giang cũng phần nào cho thấy, hơn bao giờ hết, việc tranh thủ sự đầu tư từ các nguồn lực luôn là quan trọng. “Thư viện Cần Thơ đã và đang tiếp tục nghiên cứu nhiều hơn nữa các hình thức xã hội hóa hoạt động thư viện, từ việc kêu gọi sự đóng góp bằng tài liệu, trang thiết bị, đến mở rộng các hình thức đóng góp công lao động qua việc xây dựng và phát triển lực lượng tình nguyện viên tham gia vào các hoạt động của thư viện…”.

Nguồn: Đại biểu nhân dân (Hương Sen)