Thứ Tư, 08/01/2020 10:18

Di sản hội họa Trần Văn Cẩn và tâm nguyện dang dở

Trần Văn Cẩn là một trong số ít họa sĩ có sự thể nghiệm với nhiều chất liệu, thể loại khác nhau.

Là một trong “tứ danh họa”: Nhất Trí (Nguyễn Gia Trí), nhì Lân (Nguyễn Tường Lân), tam Vân (Tô Ngọc Vân), tứ Cẩn (Trần Văn Cẩn), họa sĩ Trần Văn Cẩn đã mang đến cho nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam một phong cách sáng tạo nghệ thuật riêng và giàu bản sắc. Đáng tiếc là, ông đã đi xa 1/4 thế kỷ, những người yêu nghệ thuật vẫn chờ đợi một cuốn sách về thân thế, sự nghiệp, cũng như có quỹ nghệ thuật mang tên họa sĩ.

Giữ trọn vẹn di sản hội họa

Năm 2020 kỷ niệm 110 năm ngày sinh họa sĩ Trần Văn Cẩn. Ông từng là Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam hơn 20 năm, Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam 15 năm. Theo nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương, trên danh nghĩa Hội hoặc Trường có thể đứng ra cùng gia đình, phối hợp với nhà sưu tập nhiều nhất tác phẩm của họa sĩ Trần Văn Cẩn để làm sách và xây dựng Quỹ Mỹ thuật Trần Văn Cẩn. Tuy nhiên, họa sĩ Trần Khánh Chương cũng lưu ý rằng, nguồn kinh phí của quỹ phải ổn định, lâu dài với quy chế chặt chẽ để duy trì trao thưởng hàng năm.

Trần Văn Cẩn là một trong số ít họa sĩ có sự thể nghiệm với nhiều chất liệu, thể loại khác nhau. Và ở chất liệu hay thể loại nào, từ sơn dầu, sơn mài, lụa hay khắc gỗ, ông cũng có tác phẩm thành công. Trong đó, ký họa của ông đã trở thành ký ức, những câu chuyện cảm động trong việc phản ánh hiện thực cuộc sống. Ông cũng là họa sĩ đi đầu trong thể nghiệm, sáng tạo từ chất liệu sơn ta để làm tranh sơn mài, đưa sơn mài thành chất liệu hội họa nổi tiếng, mang đặc trưng nghệ thuật của hội họa Việt Nam.

Có bút pháp độc đáo, trữ tình và lãng mạn, mang dấu ấn cá nhân đậm nét trong nền mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Trần Văn Cẩn đã để lại cho nền mỹ thuật nước nhà những tác phẩm tiêu biểu, có giá trị cao về nghệ thuật và giàu tính nhân văn. Nhiều tác phẩm của ông được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và các bảo tàng, bộ sưu tập cá nhân trong, ngoài nước.

Không chỉ vậy, tại tư gia của ông vẫn còn lưu giữ số lượng lớn tác phẩm. Ngày 26.10.1990, trước 4 năm lìa đời, họa sĩ Trần Văn Cẩn di chúc lại cho người bạn đời là nhà điêu khắc Trần Thị Hồng toàn bộ tài sản: Tranh do ông sáng tác, đồ sinh hoạt cá nhân và các tài sản khác, với mong muốn bà “gìn giữ, bảo vệ những tác phẩm, đồ nghề cũng như tất cả tài liệu, sách vở của tôi, như khi tôi đang còn sống”.

Tranh của họa sĩ Trần Văn Cẩn được trưng bày tại tư gia trước kia Ảnh: Lê Vinh

Bà Hồng từng có ý định hiến những tác phẩm tranh của họa sĩ Trần Văn Cẩn tại tư gia cho Nhà nước, nhưng chưa thực hiện được bởi nhiều lý do. Bà cũng cân nhắc ý định lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp có tâm, có tầm, có tiềm lực tài chính để kết hợp thực hiện lưu trữ và trưng bày tranh của họa sĩ, làm sách, cũng như thành lập quỹ nghệ thuật Trần Văn Cẩn để góp phần phát triển sự nghiệp mỹ thuật và nghệ thuật, theo nguyện vọng của người chồng quá cố... Nhưng tất cả dự định ấy chưa thực hiện được thì bà bị bạo bệnh.

Sau khi nhà điêu khắc Trần Thị Hồng qua đời ngày 12.2.2017, do không có di chúc cũng như ủy quyền, khối tài sản của họ, đặc biệt là khối lượng tranh giá trị lớn, là mục tiêu của những cuộc tranh giành giữa các bên liên quan, nguy cơ bị chia năm xẻ bảy. Với lòng kính trọng nhân cách, trí tuệ, tài năng của thầy Hiệu trưởng - họa sĩ Trần Văn Cẩn và tình bạn với nhà điêu khắc Trần Thị Hồng, nhóm bạn học Lớp Sơ trung 7 năm thứ nhất, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, đã vào cuộc chủ động liên hệ với cơ quan công an, văn hóa và động viên các em bà Hồng ở Đồng Tháp ra, cùng đấu tranh, bảo vệ, gìn giữ gần như toàn vẹn di sản tranh của danh họa và tài sản của hai người. Trong biên bản kiểm kê di sản tranh, tài sản của danh họa Trần Văn Cẩn và bà Trần Thị Hồng tại nhà ở Lạc Long Quân và Nguyễn Thượng Hiền, ngày 25.2.2017, số lượng tranh là: 51 tranh sơn dầu, 2 tranh sơn mài, 1.570 tranh giấy kích thước khác nhau cùng tài sản lên tới hàng chục tỷ đồng...

Ứng xử phù hợp với pháp lý, đạo lý

Theo quy định của luật pháp, 8 người em cùng cha khác mẹ của bà Hồng tại Đồng Tháp, do ông Trần Việt Hồng đại diện, là người thừa kế hợp pháp toàn bộ di sản tranh và tài sản trên. Tuy nhiên, họa sĩ Nguyễn Lê Vinh, bạn học với nhà điêu khắc, nhà giáo Trần Thị Hồng cho biết: Từ đó đến nay, vào giữa năm 2018, ông Trần Việt Hồng đã bán toàn bộ số tranh và kỷ vật của danh họa Trần Văn Cẩn cho một nhà sưu tập trong nước với giá trị cả trăm tỷ đồng. Kế hoạch bảo quản và trưng bày một cách tốt nhất ngôi nhà và số tranh của danh họa, việc làm sách và lập Quỹ Mỹ thuật Trần Văn Cẩn vẫn chưa được thực hiện. Đáng lẽ, sau khi hoàn thành nhận thừa kế theo pháp luật, việc đầu tiên và ý nghĩa nhất các em bà Hồng cần làm là tri ân họa sĩ Trần Văn Cẩn và nhà điêu khắc Trần Thị Hồng.

Khi còn sống, bà Hồng tâm niệm phải gìn giữ tranh của danh họa để sau này công chúng thưởng thức cũng như tạo lập quỹ mỹ thuật Trần Văn Cẩn. Các họa sĩ Nguyễn Lê Vinh, Lê Đức Biết chia sẻ: “Chúng ta không nên nhìn nhận di sản tranh và tài sản của họa sĩ Trần Văn Cẩn và chị Hồng chỉ để thụ hưởng. Đây là di sản vừa có giá trị lớn về vật chất, vừa có ý nghĩa lớn về văn hóa - nghệ thuật và xã hội. Di sản này cần được ứng xử trong tiếp nhận và sử dụng sao cho phù hợp với pháp lý, đạo lý cũng như về cả tâm linh đối với những người để lại di sản. Người thụ hưởng di sản có trách nhiệm và nghĩa cử đền đáp công ơn lớn lao của họa sĩ Trần Văn Cẩn và chị Hồng, bằng việc trân trọng và quan tâm thực hiện tốt di nguyện của hai người”.

Họa sĩ Trần Huy Oánh, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, cũng là học trò và thường xuyên nói chuyện với họa sĩ Trần Văn Cẩn khi ông còn sống, bày tỏ: “Tôi vừa buồn vừa cảm thấy tiếc nuối khi biết về di sản tranh của họa sĩ Trần Văn Cẩn. Cũng may là có nhóm học sinh gắn bó với trường, với thầy Cẩn cố gắng giữ gìn toàn vẹn di sản tranh để chuyển giao lại cho người thừa kế. Nếu những người thừa hưởng di sản đồ sộ ấy lập được quỹ và làm cuốn sách về danh họa Trần Văn Cẩn, những học trò như chúng tôi cũng yên tâm. Chúng tôi vẫn tin là mọi việc sẽ tốt đẹp với thầy Cẩn và Hồng”.

Nguồn: Đại biểu nhân dân (Thảo Nguyên)