Thứ Ba, 10/08/2021 15:06

Điểm tựa cho bảy mảnh đời ở bản Chênh Vênh

Bản Chênh Vênh có 7 trẻ em mồ côi. Nhờ sự đùm bọc của những người lính biên phòng, chính quyền, và các mạnh thường quân nên cuộc sống của các em đã bớt chênh vênh phần nào. (Thực hiện: Thanh Trúc

Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi có dịp đến bản Chênh Vênh 1 nằm dưới chân đèo Sa Mù thuộc xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị. Trong những điều được “mắt thấy, tai nghe”, ai cũng ấn tượng với câu chuyện người lính Đồn Biên phòng Hướng Phùng, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị chung tay xây “mái ấm biên cương” cho trẻ em mồ côi người Vân Kiều nơi đây. Từ chỗ không nơi nương tựa, nay các em có nơi che mưa nắng, sống trong tình thương, sự đùm bọc của mọi người.

Chuyển về nhà mới đã được hơn 2 tháng nhưng nhiều lúc 3 chị em Hồ Thị Được, Hồ Văn Đen và Hồ Văn Đạ vẫn cứ ngỡ mọi chuyện không phải là sự thật. Mọi chuyện xảy ra quá nhanh. Tháng 2/2021, Hồ Thị Được mới 15 tuổi bỗng nhiên vừa phải làm cha, làm mẹ cho 2 đứa em Hồ Văn Đen (7 tuổi) và Hồ Văn Đạ (6 tuổi) vì bố mẹ lần lượt mất bởi căn bệnh ung thư. 3 chị em sống côi cút trong căn nhà thưng nứa đã dột nát. Chẳng còn cách nào khác, Được quyết định nghỉ học, lên rẫy kiếm cái ăn nuôi 2 em nhỏ. Thế nhưng, các thầy cô giáo ở trường, các cô chú ở UBND xã và Đồn Biên phòng Hướng Phùng đã mang gạo, thức ăn đến cho ba chị em, động viên cùng cố gắng. Tháng 4/2021, Đồn Biên phòng Hướng Phùng, UBMTTQ Việt Nam huyện Hướng Hóa và Trường Tiểu học, Trung học cơ sở xã Hướng Phùng đã vận động các mạnh thường quân được 100 triệu đồng để xây nhà cho 3 chị em Hồ Thị Được. Để tiết kiệm chi phí, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Hướng Lập cử cán bộ, chiến sĩ đến tham gia ngày công xây dựng. Tiền công chủ thầu “trả” bằng nguyên vật liệu nên ngôi nhà vì thế mà khang trang hơn và dư thêm tiền mua vật dụng sinh hoạt. Sau hơn 1 tháng thi công, 3 chị em Được, Đen và Đạ vui sướng chuyển vào ở căn nhà mới.

Từ lâu, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Phùng đã trở thành người thân của 3 chị em Hồ Thị Được.

Cách nhà của 3 chị em Hồ Thị Được không xa là nhà căn nhà xây khang trang của 4 anh em ruột Hồ Văn Nội, Hồ Thị Hà, Hồ Văn Nam và Hồ Thị Trà My. Năm 2015, khi Hồ Văn Nội đang học lớp 5 thì bố mất. Chưa đầy 3 năm sau, mẹ cũng bỏ lại 4 anh em vì tai nạn giao thông. Lúc ấy Nội mới học lớp 8, em Hồ Thị Hà lớp 6, Hồ Văn Nam lớp 5 và em út Hồ Thị Trà My còn chưa vào lớp 1. Bố mẹ mất, Hồ Văn Nội trở thành chỗ dựa duy nhất cho 3 đứa em thơ dại trong căn nhà lụp xụp. Ông bà nội, ngoại cũng đã mất từ lâu nên 4 anh em chỉ biết nương tựa vào nhau sống qua ngày với những bữa cơm mà thức ăn chỉ có măng rừng chấm muối ớt.

Thương cảm trước hoàn cảnh của 4 anh em, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Phùng bằng các mối quan hệ của mình đã kêu gọi các tổ chức, mạnh thường quân cùng chung tay giúp đỡ. Theo đó, UBMTQ Việt Nam thành phố Đông Hà, Đoàn doanh nghiệp xã hội VICARIC Hà Nội, Dự án Tầm nhìn thế giới huyện Hướng Hóa, Câu lạc bộ Đường 9 Xanh ủng hộ được180 triệu đồng. Mọi người quyết định xây nhà cho 4 anh em bởi: “Những đứa trẻ nhất định phải có một chỗ ở đàng hoàng rồi mới tính được chuyện khác”. Cũng với cách “đổi ngày công xây dựng lấy nguyên vật liệu” nên chỉ với số tiền 180 triệu nhưng việc xây nhà rất thuận lợi. Sau 2 tháng, căn nhà xây lợp tôn khang trang đã được hoàn thành. Những vật dụng sinh hoạt hàng ngày cũng được các mạnh thường quân chung tay giúp đỡ để những đứa trẻ mồ côi có cuộc sống đầy đủ hơn, phần nào bù đắp cho thiệt thòi mà các cháu đã và đang chịu.

Những lúc rảnh rỗi, cán bộ Đồn Biên phòng Hướng Phùng lại kèm cặp việc học cho Hồ Văn Nội.

Chúng tôi khá bất ngờ vì bố mẹ mất đã lâu, một mình phải chăm sóc 3 em nhưng hiện Hồ Văn Nội vẫn theo học lớp 11 Trường THPT Hướng Phùng. Hóa ra, sau khi lo chỗ ăn ở đã tạm ổn, mọi người lại chung tay việc học hành để những đứa trẻ không vì mồ côi cha mẹ mà phải dở dang việc học tập. Thực ra, không ít lần Hồ Văn Nội xin nghỉ học. Nhà trường, chính quyền địa phương và cán bộ Đồn Biên phòng Hướng Phùng đã đến động viên em tiếp tục đến trường. Một mạnh thường quân ở Quảng Bình cũng nhận Hồ Thị Hà đưa ra thành phố Đồng Hới nuôi, tạo điều kiện ăn học đến nay đã vào cấp 3. Đối với 3 chị em Hồ Thị Được và 4 anh em Hồ Văn Nội, nhà trường, các mạnh thường quân luôn quan tâm, chung tay từ bộ đồng phục, quyển vở, cái bút, phía nhà trường cũng miễn giảm các khoản đóng góp. Khi được hỏi cảm nghĩ về việc được mọi người giúp đỡ, Hồ Văn Nuôi không giấu nổi xúc động: “Bố cháu mất sớm nhưng nhờ có sự giúp đỡ của mọi người mà chúng cháu có nhà để ở, có cơm để ăn và được đến trường. Cháu rất biết ơn và sẽ cố gắng học tốt để không phụ công giúp đỡ của mọi người và để lo cho các em nữa”.

Bỗng chốc mất cả cha lẫn mẹ, bảy đứa trẻ không còn nơi nương tựa, cuộc sống trở nên bế tắc, chênh vênh như tên gọi của bản mà các em đang sống. Thế nhưng, suốt thời gian qua, nhờ sự đùm bọc của những người lính Biên phòng, chính quyền địa phương và các mạnh thường quân, những đứa trẻ mồ côi ở bản Chênh Vênh đã có mái ấm và thêm động lực để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

.Thanh Trúc