Điện Biên Phủ - cuộc đấu trí đầy cân não

Tướng De Castries cùng bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống. Ảnh tư liệu

Tháng 9-1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp bàn hoạch định về hoạt động quân sự Đông Xuân 1953-1954. Mục đích của đợt hoạt động này là nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, làm thất bại kế hoạch Navarre của Pháp; tạo nên bước chuyển biến mới cho cuộc kháng chiến. Kết thúc hội nghị quan trọng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Lấy Tây Bắc làm hướng hoạt động chính, các hướng khác là hướng phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hoạt động có thể thay đổi. Phép dụng binh là phải thiên biến vạn hóa”. Điều đáng lưu ý là trong đề án hoạt động quân sự Đông Xuân 1953-1954 của ta và cả trong kế hoạch Navarre của Pháp cho đến thời điểm này đều chưa nhắc đến cụm từ “Điện Biên Phủ”. Trong khi hướng tiến công chiến lược của ta đã được xác định là Tây Bắc thì bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp vẫn đinh ninh “mùa khô 1953, Việt Minh sẽ tập trung quân về đồng bằng”. Chính vì vậy mà chúng đã tập trung phần lớn lực lượng cơ động (40 tiểu đoàn) về vùng châu thổ sông Hồng để chuẩn bị đối phó với các cuộc tiến công của đối phương.

Chỉ đến trung tuần tháng 11-1953, khi phát hiện chủ lực của Việt Minh đang tiến lên Tây Bắc thì bộ chỉ huy quân Pháp mới giật mình. Ngày 20-11, chúng mở cuộc hành quân Castor nhảy dù xuống Điện Biên Phủ nhằm mục đích cứu nguy cho Lai Châu và bảo vệ Thượng Lào. Và rồi trong quá trình diễn biến của tình hình chiến sự mùa đông năm 1953, Điện Biên Phủ dần trở thành tâm điểm của kế hoạch Navarre. Trong thời gian rất ngắn, bộ chỉ huy quân Pháp đã nhanh chóng biến địa bàn này thành một tập đoàn cứ điểm mạnh giữa vùng rừng núi Tây Bắc. Việc chiếm Điện Biên Phủ và chấp nhận giao chiến với chủ lực của Việt Minh ở đây, như Navarre thừa nhận “là một lối thoát xấu nhưng có thể chấp nhận được. Dẫu sao nó cũng hơn Nà Sản, Lai Châu và Luang Prabang”. Mặc dù đã đoán định trước những bất lợi về mặt quân sự khi đem quân nhảy dù xuống lòng chảo Điện Biên, song, cái mà Navarre và bộ chỉ huy quân Pháp tin tưởng đặt cược vào “canh bạc Điện Biên Phủ” chính là so với tập đoàn cứ điểm Nà Sản trước đó thì tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mạnh hơn gấp nhiều lần cả về binh, hỏa lực lẫn hệ thống công sự. Theo họ, Quân đội Việt Nam đã không thành công khi đánh Hòa Bình và Nà Sản thì không thể nào đánh được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954. Tại cuộc họp này, Tổng Quân ủy đề đạt: “Tuy hiện nay chưa thể khẳng định nhưng muốn bảo đảm thực hiện được quyết tâm của Trung ương là giải phóng Lai Châu và phối hợp với bạn giải phóng vùng Phongsali thì phải nhằm trường hợp địch tăng cường Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mà chuẩn bị”.

Ngay trong đợt đầu của Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, Bộ Tổng tư lệnh đã chỉ thị mở liên tiếp 5 đòn tiến công: Đòn thứ nhất nhằm vào Lai Châu, buộc Navarre phải cấp tốc đổ thêm quân lên Điện Biên Phủ; đòn thứ hai ở Trung Lào; đòn thứ ba ở Hạ Lào; đòn thứ tư ở Bắc Tây Nguyên; đòn thứ năm ở Thượng Lào, đập tan phòng tuyến sông Nậm Hu, giải phóng Phongsali.

Có thể nói, với những nước cờ chiến lược sắc sảo, ta đã buộc bộ chỉ huy quân Pháp phải phân tán 50% lực lượng quân cơ động đưa lên vùng rừng núi; làm cho kế hoạch tập trung quân và bình định vùng Đồng bằng sông Hồng của chúng đứng trước nguy cơ phá sản. Đây là thời cơ để bộ đội ta bước vào cuộc đọ sức mới với quân Pháp trên chiến trường Điện Biên Phủ.

Ngày 20-12-1953, đề án quân sự của Tổng Quân ủy đã được Bộ Chính trị thông qua. Ngày 1-1-1954, Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ được thành lập. Trước ngày lên đường ra mặt trận, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đến Khuổi Tát chào Bác Hồ. Tại buổi gặp này, Bác đã căn dặn Đại tướng: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh”. Về sau này, Đại tướng cũng nhiều lần cho biết quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ xuất phát từ những lời căn dặn của Bác lần ấy.

Ngày 14-1-1954, tại hang Thẩm Púa, Bộ chỉ huy Mặt trận triệu tập hội nghị cán bộ chiến dịch để phổ biến kế hoạch tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tại hội nghị này, bộ phận tiền trạm của Bộ Tổng Tham mưu và cố vấn Trung Quốc đều cho rằng địch vừa mới đổ quân xuống còn “lạ nước lạ cái”, binh lực chưa nhiều, công sự còn sơ sài, bố phòng còn sơ hở… trong khi đó, bộ đội ta còn sung sức, hừng hực khí thế, vì vậy cần tranh thủ thời gian, lợi dụng khai thác những hạn chế nêu trên của địch, thực hiện phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh”. Với cách đánh này, thời gian diễn ra chiến dịch sẽ được rút ngắn, công tác bảo đảm sẽ thuận lợi hơn, bộ đội đỡ mệt mỏi hơn. Hội nghị nhất trí tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ theo phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh”. Tuy nhiên, tình hình tại Mặt trận Điện Biên Phủ diễn biến rất nhanh từng ngày. Một tuần trước ngày ta dự định mở màn chiến dịch, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã không còn ở trạng thái phòng ngự lâm thời nữa. Nếu đánh theo phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” thì khó bảo đảm “chắc thắng”. Chính vì vậy mà sau khi bàn bạc, trao đổi cùng trưởng đoàn cố vấn Vi Quốc Thanh, với tinh thần trách nhiệm trước Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị, trước sinh mệnh của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề xuất Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch thay đổi phương châm từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Hay nói đúng hơn là quay trở về phương châm đã được xác định trong tờ trình của Tổng Quân ủy gửi lên Bộ Chính trị ngày 6-12-1953.

Quyết định thay đổi phương châm tác chiến phản ánh một quá trình tư duy quân sự sắc sảo và xử lý thực tiễn linh hoạt, sáng tạo, trước hết là của chỉ huy trưởng, của tập thể Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch.

Điện Biên Phủ từ chỗ không được nhắc tới trong kế hoạch chiến lược của cả hai phía, trong Đông Xuân 1953-1954 đã chứng kiến cuộc đấu trí với những nước cờ đầy cân não của hai bộ chỉ huy. Nó trở thành "điểm hẹn lịch sử" mang tính quyết định đối với cuộc chiến.

Đại tá, PGS, TS TRẦN NGỌC LONG

Nguyên Phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

Nguồn: QĐND