Thứ Hai, 03/06/2019 23:27

Đoàn cựu chiến binh tham gia giải phóng Cánh đồng Chum thăm lại chiến trường xưa

Đoàn cán bộ chiến sĩ của Binh trạm 13 và các đơn vị tham gia chiến dịch giải phóng Cánh đồng Chum năm 1972 lịch sử đã về thăm lại chiến trường xưa tại đường 7A và Cánh đồng Chum (Lào).

Vừa qua, đoàn cán bộ chiến sĩ của Binh trạm 13 (BT13) và các đơn vị tham gia chiến dịch giải phóng Cánh đồng Chum năm 1972 lịch sử đã về thăm lại chiến trường xưa tại đường 7A và Cánh đồng Chum (Lào). Đoàn gồm 25 cán bộ chiến sĩ trực tiếp chiến đấu và tham gia chiến đấu nhiều năm trên chiến trường nước bạn.

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm

Đoàn xuất phát từ Hà Nội và đi qua các địa danh đã từng là nơi đóng quân, chiến trường xưa và thăm lại tuyến đường 7A huyền thoại với những trọng điểm chiến đấu ác liệt như: Nậm Cắn, Nọng Hét, Dốc Đá, Đèo Chuối, Nâm Tiền, Nậm Mật, Đỉnh Đam, Bản Ban, Phu Nok cok, Cánh đồng Chum… Mỗi đỉnh núi, con đường như còn lưu giữ rất nhiều kỉ niệm và chiến công của các cán bộ chiến sĩ trong đoàn.

Tại Thủ đô Viên Chăn, đoàn thăm quan đã cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và chính phủ Lào, Việt Nam tham dự Lễ ra mắt Công ti Jagro và Lễ khởi công xây dựng trang trại bò sữa Organic tại Xiêng Khoảng - một dự án tại cánh đồng Chum. Trang trại là dự án liên doanh giữa các đối tác Lào - Nhật - Việt trên diện tích 5.000 héc ta, trong đó Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk chiếm 51% vốn.

Phát biểu trong buổi lễ, Đại tá Nguyễn Phú Nho xúc động nói: Tình cảm của hai nước Việt – Lào đã được khẳng định từ nhiều năm nay và hôm nay, lễ khởi công này là một dấu mốc lớn để thêm một lần nữa minh chứng cho tình cảm, hợp tác và hữu nghị của hai nước, đúng như lời căn dặn của Bác Hồ đã từng nói: “Việt- Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long”.

Tham gia đoàn công tác gồm các đồng chí: Đại tá Nguyễn Phú Nho, nguyên Phó chủ nhiệm chính trị BT13, Chủ nhiệm chính trị Tổng cục Hậu cần (TCHC); Đại tá Hoàng Anh Phúc, nguyên Tiểu đoàn trưởng D11 chiến đấu tại Bản Ban, PhuNok Cok, Cánh đồng Chum; Đại tá Lưu Vĩnh Cường, nguyên Cục trưởng Cục Xăng dầu – TCHC; Đại tá Nguyễn Xuân Bộ, nguyên sĩ quan Sư đoàn 316 trực tiếp giải phóng cánh đồng Chum; Đại tá Phạm Nhật Đoàn, sĩ quan Sư 316 giải phóng Cánh đồng Chum; Đại tá Dư Thị Hạnh Phúc, con gái Chính ủy BT13 Dư Cao; Đại úy Ngô Quốc Lập, nguyên sĩ quan Tuyên huấn BT13, nguyên chiến sĩ công binh D4 Phunokcok; nhà văn Châu La Việt, nguyên chiến sĩ cao xạ pháo tiểu đoàn 11 trực tiếp chiến đấu tại Bản Ban và Phu Nốc Cốc, nguyên cán bộ Tuyên huấn BT13; Đại tá Thái Kế Toại, nguyên chiến sĩ pháo cao xạ D11 chiến đấu tại Đèo Đất, Bản Ban; Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, nguyên chiến sĩ pháo cao xạ D11; Trung tá Trần Nhương; Trung tá Kim Quốc Hoa, nguyên sĩ quan chính trị Tổng cục hậu cần; Nghiêm Xuân Thép, nguyên chiến sĩ lái xe C53 BT 13; Đinh Trọng Tuấn, nguyên chiến sĩ Sư đoàn 341 QK4... Đoàn cũng bao gồm một số nhà thơ quân đội: Đại tá Vương Trọng, Đại tá Mai Nam Thắng…

TRIỆU PHONG