Thứ Bảy, 28/07/2018 00:05

Đoàn kết là sức mạnh vô địch, chân lí ấy không bao giờ thay đổi

“Ơi Huế của ta… ta có Huế tự hào còn vang chiến công… Huế đi lên kiên cường...”, những ca từ trong bài hát Huế tình yêu của tôi của nhạc sĩ Trương Tuyết Mai từ bao giờ đã quá đỗi quen thuộc với người dân cả nước. Nhắc đến Huế còn là nhắc đến đất Thần Kinh (kinh kì thần bí), nhắc đến miền di sản, nhắc đến xứ mộng mơ…
062
Đại tá Nguyễn Hồng Sơn
“Ơi Huế của ta… ta có Huế tự hào còn vang chiến công… Huế đi lên kiên cường...”, những ca từ trong bài hát Huế tình yêu của tôi của nhạc sĩ Trương Tuyết Mai từ bao giờ đã quá đỗi quen thuộc với người dân cả nước. Nhắc đến Huế còn là nhắc đến đất Thần Kinh (kinh kì thần bí), nhắc đến miền di sản, nhắc đến xứ mộng mơ…
Vào một ngày tháng 6, khi dư âm của Festival Huế 2018 còn đọng lại, phóng viên (PV) Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện cùng đồng chí Đại tá Nguyễn Hồng Sơn, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, để cùng ôn lại những chiến công của Lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Thừa Thiên Huế trong quá khứ, cùng nhận diện những lợi thế và bất lợi của cán bộ, chiến sĩ Thừa Thiên Huế hôm nay trong việc “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.
 

PV: Đồng chí Chỉ huy trưởng có thể thuyết minh ngắn gọn về vùng đất Thừa Thiên Huế?
Đại tá Nguyễn Hồng Sơn: Thừa Thiên Huế là mảnh đất có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời và truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng vẻ vang. Trong lịch sử, Thừa Thiên Huế là “phên giậu thứ tư về phương Nam” của nước Đại Việt, là thủ phủ của xứ Đàng Trong và là kinh đô của đất nước dưới thời Quang Trung - Nguyễn Huệ và triều Nguyễn (1802-1945), là miền địa linh nhân kiệt gắn liền với những tên tuổi lớn trong lịch sử dân tộc. Nơi đây luôn giữ vị trí chiến lược quan trọng trong các phong trào yêu nước, là vùng đất đóng vai trò cầu nối giữa hai miền Nam - Bắc. Từ cuộc đấu tranh chống giặc Minh đầu thế kỉ XV, đến hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ xâm lược ở thế kỉ XX, vùng đất này đã để lại biết bao sự kiện, địa danh, con người với những chiến thắng vĩ đại và hào hùng trong lịch sử dân tộc. Vượt qua những khó khăn sau chiến tranh, Thừa Thiên Huế đã không ngừng nỗ lực để bắt kịp nhịp độ phát triển của cả nước. Những bài học thành công và hạn chế đều kết tinh thành nghị lực, hành trang cho Thừa Thiên Huế bước vào kỉ nguyên Đổi mới với tất cả niềm tin tưởng, quyết tâm xây dựng quê hương đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, xứng đáng với công lao của tiền nhân đã dày công vun đắp nên mảnh đất anh hùng nhưng cũng rất đỗi hào hoa với những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và một quần thể di tích được công nhận là di sản văn hóa của nhân loại.

PV: Xin đồng chí Chỉ huy trưởng điểm lại một số thành tích tiêu biểu, nổi bật của LLVT tỉnh Thừa Thiên Huế trong kháng chiến chống Pháp?
Đại tá Nguyễn Hồng Sơn: Cách mạng tháng Tám thành công, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, ngày 5/9/1945, tại thành phố Huế, Chi đội giải phóng quân Trần Cao Vân - đơn vị vũ trang tập trung đầu tiên của tỉnh - được thành lập, với gần 2.000 chiến sĩ đủ các thành phần, giai cấp trong xã hội, đông đảo nhất là thanh niên, học sinh.
Những ngày đầu còn non trẻ, nhưng với lòng khát khao độc lập, tự do, với quyết tâm “Thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, dưới sự lãnh đạo của Thường vụ Tỉnh ủy, sự đùm bọc, yêu thương của các tầng lớp nhân dân, LLVT tỉnh đã cùng với toàn dân bước vào cuộc chiến đấu đầy cam go nhưng rất đỗi tự hào. Chiến công đầu tiên của Chi đội là mai phục bắt 6 lính Pháp nhảy dù xuống Hiền Sĩ và bắt 3 lính Pháp đổ bộ lên cửa Thuận An. Khi tiếng súng kháng chiến toàn quốc vang lên, đêm 19/12/1946, cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân Thừa Thiên Huế bắt đầu. Với 50 ngày đêm chiến đấu giữ thành phố Huế vô cùng dũng cảm, giành giật với địch trên từng con đường, góc phố, LLVT tỉnh đã chiến đấu gan dạ, ngoan cường, mặc dù mới ra đời, vũ khí trang bị còn thô sơ. Nhiều tấm gương hi sinh anh dũng đã để lại hình ảnh cao đẹp về anh Vệ quốc quân vì nhân dân quên mình. Sau này Chi đội Trần Cao Vân phát triển thành Trung đoàn chủ lực 101 danh tiếng trong Đại đoàn 325, không chỉ chiến đấu bảo vệ quê hương mà còn chi viện, phối hợp chiến đấu trên chiến trường Bình-Trị-Thiên, Trung và Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia. Lịch sử còn mãi in đậm những chiến công vang dội với những trận đánh tiêu biểu làm cho địch kinh hoàng như Miếu Đại Càn, Khách sạn Morin, Hộ Thành, Đất Đỏ, Thanh Hương, Thanh Lam Bồ..., góp phần cùng với quân và dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ luân lưu Quyết chiến, Quyết thắng.

PV: Tuy nhiên, những chiến công vang dội nhất của LLVT tỉnh Thừa Thiên Huế phải là ở cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước, đúng vậy chăng thưa đồng chí Chỉ huy trưởng?
Đại tá Nguyễn Hồng Sơn: Đúng vậy. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, nhưng đất nước vẫn tạm bị chia cắt làm hai miền. Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế lại cùng với cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, LLVT tỉnh tiếp tục chiến đấu và trưởng thành, trở thành lực lượng nòng cốt cùng toàn quân, toàn dân đánh giặc, lần lượt đánh bại các cuộc chiến tranh chiến lược của địch trên chiến trường Thừa Thiên Huế, từ “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, đến “Việt Nam hóa chiến tranh”. Chiến công nối tiếp chiến công, LLVT tỉnh là nòng cốt trong phong trào đồng khởi ở miền núi năm 1960, đồng khởi ở đồng bằng năm 1964, đập tan quốc sách “ấp chiến lược” của Mĩ - Ngụy, phá thế kìm kẹp, tạo thế cho nhân dân nổi dậy đấu tranh chính trị ở nông thôn, đồng bằng. Trong những năm 1965-1968, LLVT tỉnh trở thành nòng cốt trong phong trào chiến tranh nhân dân; các đơn vị chủ lực tỉnh đã bám trụ ở đồng bằng Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền để hoạt động đánh địch.
Chiến tranh nhân dân phát triển đã giành nhiều thắng lợi to lớn, cơ bản, tạo tiền đề cho cao trào tiến công, nổi dậy. Đúng 2 giờ ngày 31/1/1968, những loạt đạn pháo kích mở đầu cho trận tấn công lịch sử Mậu Thân vào thành phố Huế. Huế đồng loạt nổi dậy và tiến công dồn dập, đánh địch từ các căn nhà, góc phố, đánh trên bộ, trên sông, đánh bộ binh, xe tăng và cả máy bay, đánh bằng tất cả các lực lượng. Huế trở thành một pháo đài kiên cố đánh địch, chốt giữ làm chủ thành phố Huế 26 ngày đêm ngoan cường. LLVT tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong ba ngọn cờ đầu của chiến tranh nhân dân ở miền Nam diệt Mĩ, được Uỷ ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”.
Trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, quân và dân Thừa Thiên Huế đã liên tiếp tấn công địch trên khắp cả ba vùng chiến lược với các trận đánh ở chi khu quân sự Nam Hòa, Hương Trà, đánh tuyến giao thông trên đường số 1. Sư đoàn 324 và Trung đoàn 6 bộ đội chủ lực kết hợp với lực lượng địa phương ta bao vây và tiến công địch ở Động Tranh (Bình Điền) trên đường 12 và cao điểm 372, pháo binh đánh vào các hậu cứ ở Mang Cá, sân bay Tây Lộc, ấp 5 Phú Bài. Cùng với thắng lợi của nhân dân miền Nam, chiến công của quân và dân Thừa Thiên Huế đã góp phần to lớn trong việc buộc Mĩ phải ngồi vào đàm phán, kí Hiệp định Paris (27/1/1973) lập lại hòa bình ở Việt Nam, làm phá sản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mĩ.
Mùa xuân năm 1975, với tinh thần “thần tốc, táo bạo”, LLVT nhân dân Thừa Thiên Huế tham gia Chiến dịch Trị-Thiên-Huế, tiến công giải phóng hoàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 26/3/1975. Với thắng lợi oanh liệt đó, quân và dân ta đã đập tan tấm lá chắn mạnh nhất của địch ở phía Bắc Quân khu 1 và Vùng 1 chiến thuật, giáng một đòn mạnh vào âm mưu co cụm chiến lược của địch ở ven biển miền Trung, đẩy quân Ngụy vào thế khốn đốn suy sụp không gì cứu vãn nổi, tạo đà cho đại quân ta thần tốc, táo bạo, bất ngờ tiến công giải phóng Đà Nẵng và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

 
2
Lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế và lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh Salavan - Lào rước hài cốt liệt sĩ, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh tại Lào về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố Huế - Ảnh: T.Quyên

PV: “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” chắc hẳn không còn là khẩu hiệu mà đã trở thành hành động của mỗi một cán bộ, chiến sĩ đứng chân trên địa bàn Thừa Thiên Huế. Xin đồng chí Chỉ huy trưởng cho biết sức lan toả của cuộc vận động này ở LLVT tỉnh nhà…
Đại tá Nguyễn Hồng Sơn: Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” do Thường vụ Quân ủy Trung ương phát động. Trong những năm qua, cuộc vận động này đã được các cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên, quần chúng trong LLVT tỉnh Thừa Thiên Huế phấn khởi hưởng ứng và đã trở thành một hoạt động chính trị thường xuyên, sâu rộng tại các cơ quan, đơn vị… Nhờ đó, chất lượng thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được hiệu quả thiết thực trên tất cả các mặt công tác.
Với quan điểm xuyên suốt là thực hiện cuộc vận động một cách đồng bộ, nghiêm túc, hiệu quả, không phô trương, hình thức, các cơ quan, đơn vị đã thường xuyên đổi mới phương pháp, cách làm phù hợp với yêu cầu của cuộc vận động và sự phát triển của thực tiễn. Một trong những yếu tố góp phần thực hiện thắng lợi cuộc vận động ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đó là đã phát huy tốt vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là, thực hiện tốt quy định về trách nhiệm nêu gương đối với các đồng chí cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị.
Với những nỗ lực, khắc phục khó khăn, đến nay việc thực hiện cuộc vận động ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế đã gặt hái được những kết quả hết sức khả quan. LLVT tỉnh đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, điển hình như: “Một nâng cao, hai tích cực, ba gương mẫu, bốn đi đầu” của Ban Chỉ huy Quân sự A Lưới; phong trào góp quỹ “Nghĩa tình đồng đội” của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phong Điền; phong trào “Tiết kiệm chi tiêu vì ngày mai lập nghiệp” của Trung đoàn 6… Qua thực hiện cuộc vận động, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị được nâng cao; tỉ lệ cán bộ, đảng viên, quần chúng vi phạm kỉ luật đã được giảm thiểu rõ rệt. Không chỉ vậy, các cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh còn làm tốt việc tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự - quốc phòng địa phương. Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh đã tích cực tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, tích cực tham gia xây dựng cơ sở địa phương vững mạnh; phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị, xã hội vận động, giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh… Qua đó, góp phần làm sáng đẹp thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân.

PV: So với mặt bằng chung của cả nước thì Thừa Thiên Huế chưa phải là tỉnh giàu, địa hình lại tương đối phức tạp. Điều này chắc hẳn gây không ít bất lợi trong công tác xây dựng LLVT tỉnh ngày càng vững mạnh toàn diện, thưa đồng chí Chỉ huy trưởng?
Đại tá Nguyễn Hồng Sơn: Những năm qua, phát huy truyền thống anh hùng, LLVT tỉnh Thừa Thiên Huế đã đoàn kết thống nhất, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện; từ tỉnh đến cơ sở luôn được quan tâm kiện toàn các tổ chức, đầu tư xây dựng, mua sắm, làm mới; đời sống của cán bộ, chiến sĩ được nâng lên; quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, an ninh biên giới được giữ vững, không để xảy ra bất ngờ, không có “điểm nóng”. Tuy nhiên, đúng như các đồng chí nhận định, Thừa Thiên Huế vẫn còn là tỉnh đang phát triển, địa bàn lại rộng, đa dạng (núi, đồng bằng, đầm phá, biển…), bất tiện về giao thông. Ngày trước từ trung tâm tỉnh lị muốn đi A Lưới phải vòng ra Quảng Trị mới vào được huyện miền núi này, tức là phải đi qua tỉnh bạn mới vào được tỉnh mình (!) Những năm gần đây, kinh tế tỉnh nhà tuy có phát triển nhưng vấn đề tạo việc làm tại chỗ cho thanh niên toàn tỉnh nói chung, bộ đội xuất ngũ nói riêng còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu lao động cho thanh niên địa phương, nên một số lớn thanh niên đi làm ăn xa, khó khăn cho việc đăng kí, quản lí huấn luyện tổ chức xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ, Dự bị động viên và công tác tuyển chọn, gọi thanh niên lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ở cơ sở. Hàng năm tình hình mưa lũ diễn biến thất thường, gây thiệt hại nặng đến đời sống nhân dân. Tôi còn nhớ có những năm mưa nhiều từ hai đến ba tháng triền miên xen lẫn những cơn bão lớn, lụt trắng đồng, trâu bò không có rơm, cỏ để ăn, nhân dân thì không có việc làm vì mưa lũ kéo dài, nhìn mà đau lòng lắm. Đời sống nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Nam Đông, A Lưới) còn gặp nhiều khó khăn. Hiện tại toàn tỉnh vẫn còn 19 xã nghèo (A Lưới 17 xã, Nam Đông 2 xã). Chúng tôi đã tổ chức nhiều đợt công tác, đưa cán bộ, chiến sĩ về vùng trũng, lũ, vùng khó khăn vừa làm công tác vận động quần chúng, vừa giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

PV: Chúng ta luôn nói đến việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với việc phát triển toàn diện, bền vững của địa phương. Với Thừa Thiên Huế, vấn đề này được đặt ra và giải quyết như thế nào?
Đại tá Nguyễn Hồng Sơn: Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân đồng thời với việc chủ động luyện tập thuần thục các phương án, là điều kiện thuận lợi để kịp thời tham mưu phối hợp với các lực lượng nắm chắc tình hình, xử lí đúng, dứt điểm các tình huống ngay từ cơ sở, không để xảy ra bất ngờ, giữ vũng ổn định chính trị tại địa bàn.
Vấn đề xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân bền vững đang đặt ra yêu cầu rất cao đối với LLVT tỉnh Thừa Thiên Huế. Tỉnh có thành phố Huế là một trung tâm đào tạo đại học đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, có quy mô đào tạo lớn nhất khu vực miền Trung và Tây Nguyên, là một trong những trung tâm tôn giáo lớn của cả nước, là nơi hội tụ tầng lớp trí thức, nghệ sĩ đến từ nhiều vùng miền, địa bàn tỉnh như đã nói lại rộng, đa dạng… Nói vậy để thấy tỉnh tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhạy cảm, nếu công tác điều hành, quản lí, giáo dục chính trị không tốt thì dễ gây ra điểm nóng. Nhận thức được vấn đề, với quyết tâm chính trị của mình, Đảng ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng công an, biên phòng, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn để làm tốt công tác dân vận, tạo dựng lòng tin, chặn ngay từ gốc những nguy cơ tiềm ẩn.
Trong quá trình xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, LLVT tỉnh luôn xác định, xây dựng về chính trị, tư tưởng là vấn đề quan trọng hàng đầu, nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, năng lực quản lí điều hành của chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở.
Một trong những nội dung quan trọng được LLVT tỉnh quan tâm là lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh. Đây là vấn đề vừa cấp bách, vừa có ý nghĩa cơ bản, lâu dài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nói gì thì nói, tình đoàn kết quân - dân phải không ngừng được tăng cường, thế trận lòng dân phải ngày càng vững chắc. Những năm qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng 100% khu căn cứ chiến đấu các huyện, thị thành, 100% các xã, phường, thị trấn có chi bộ quân sự, nhà trực dân quân, bảo đảm công tác huấn luyện và trực sẵn sàng chiến đấu.

PV: Đến với Thừa Thiên Huế còn là đến với miền di sản vô cùng đặc biệt. LLVT tỉnh nhà đã và đang dự phần vào công tác bảo tồn, phát huy những di sản vùng đất Cố đô như thế nào?
Đại tá Nguyễn Hồng Sơn: Thừa Thiên Huế đang gìn giữ kho tàng văn hóa phong phú, đa dạng, đặc sắc trong dòng chảy văn hóa Việt Nam, với gần 1.000 di tích bao gồm di tích lịch sử cách mạng, di tích tôn giáo, di tích lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó, Quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (năm 1993) và Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn được UNESCO công nhận là kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại (năm 2003).
Thừa Thiên Huế có hơn 500 lễ hội bao gồm lễ hội cung đình, lễ hội dân gian truyền thống, lễ hội tôn giáo tồn tại cùng với truyền thống văn hóa lâu đời của mỗi vùng miền. Hiện nay, có hơn 100 lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống và hiện đại đã được các địa phương khôi phục và phát huy. Đặc biệt, Festival Huế được tổ chức định kì hai năm một lần vào các năm chẵn, Festival Nghề truyền thống Huế tổ chức hai năm một lần vào các năm lẻ đã trở thành một sinh hoạt văn hóa, lễ hội ấn tượng, đặc sắc, tạo nên nét độc đáo cho địa phương. Đây cũng là vùng đất lưu giữ những giá trị nghệ thuật ẩm thực với gần 1.700 món ăn cung đình và dân gian mang đậm bản sắc Cố đô.
LLVT tỉnh Thừa Thiên Huế là một tổ chức trong hệ thống chính trị của tỉnh nhà, cán bộ, chiến sĩ từ nhân dân mà ra, sinh sống, làm việc trên mảnh đất này, do đó đều phải có trách nhiệm bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa của quê hương. LLVT tỉnh luôn giáo dục, tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ ý thức giữ gìn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; tổ chức tham gia lễ hội, bảo vệ các lễ hội góp phần vào thành công của lễ hội.
Theo tôi, cần tạo nên một nhận thức chung về trách nhiệm bảo tồn di sản văn hóa trong mỗi người dân và cấp ủy, chính quyền các cấp; việc bảo tồn di sản văn hóa phải trở thành mối quan tâm chung và có sự tham gia mạnh mẽ của người dân vào việc hoạch định và thực thi các chính sách, các kế hoạch. Việc xây dựng các chiến lược phát triển, các quy hoạch, đề án, dự án ở bất cứ lĩnh vực nào cũng cần xem xét đồng thời với việc bảo tồn di sản, xác định việc bảo tồn “là một bộ phận hữu cơ của hệ thống cố kết các chính sách phát triển kinh tế và xã hội”. Những giá trị bền vững của di sản văn hóa Huế chỉ thực sự hấp dẫn và trở thành những sản phẩm văn hóa độc đáo, sản phẩm du lịch bền vững, nếu chúng ta biết phát huy những giá trị đích thực, những thế mạnh, mà không bị lôi cuốn vào xu thế thương mại hóa đơn thuần. Bảo tồn di sản văn hóa để những giá trị tốt đẹp vĩnh hằng của di sản truyền vào tâm thức từ thế hệ này sang thế hệ khác, giữ gìn những dấu ấn vật chất của quá khứ, mà hầu hết là sản phẩm đỉnh cao về nghệ thuật.

PV: Từ thực tiễn sinh động và những thành tích tiêu biểu của LLVT Thừa Thiên Huế, đồng chí Chỉ huy trưởng tâm đắc nhất điều gì? Người chiến sĩ Thừa Thiên Huế hôm nay cần tiếp tục phấn đấu như thế nào?
Đại tá Nguyễn Hồng Sơn: Tôi tâm đắc nhất đó là trong chiến tranh, LLVT và nhân dân Thừa Thiên Huế rất anh dũng, kiên cường, đóng góp sức người, của cải, vật chất vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày 27/7 đang đến gần, tôi muốn nhắc lại những con số sau. Trên đất lửa Thừa Thiên Huế có hơn 30.000 cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống, trong đó có hơn 19.000 liệt sĩ là con em trong tỉnh; có 204 tập thể và 58 cá nhân vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; 2.140 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện tại 93 Mẹ còn sống); hàng trăm đơn vị, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ được trao tặng huân chương, huy chương các loại và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng. Đội 192 không quản ngại khó khăn gian khổ đã tìm kiếm, quy tập hàng ngàn mộ liệt sĩ ở trong nước và trên đất bạn Lào về yên nghỉ ở nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh. Với thành tích của mình, Đội 192 được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kì Đổi mới. Đó là những bằng chứng sinh động về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế.
Để có được thành tích trong những năm gần đây, tôi thật sự tâm đắc với mối đoàn kết từ trên xuống mà LLVT tỉnh Thừa Thiên Huế đã gây tạo được. Không chỉ đoàn kết nội bộ lực lượng, mà còn là đoàn kết với Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp, đặc biệt là đoàn kết với nhân dân. Đoàn kết là sức mạnh vô địch, chân lí ấy không bao giờ thay đổi.
Để phấn đấu đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong tình hình mới, LLVT tỉnh tập trung xây dựng, củng cố lực lượng, tổ chức huấn luyện cho các đối tượng sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, tăng cường công tác huấn luyện cho lực lượng dân quân biển và đầu tư trang thiết bị cần thiết để thực hiện nhiệm vụ tác chiến trên biển. Nâng cao chất lượng tham mưu của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể địa phương, trong đó, cơ quan quân sự và công an các cấp giữ vai trò nòng cốt và là trung tâm phối hợp hiệp đồng. Ngoài ra, LLVT tỉnh xác định, cần phải chủ động luyện tập thuần thục các phương án, kịp thời tham mưu, xử lí đúng, trúng, dứt điểm các tình huống ngay từ cơ sở. Đi kèm với với việc luyện tập, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu thì củng cố nâng cao chất lượng hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh; kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, làm cơ sở, nền tảng tạo ra tiềm lực quốc phòng của khu vực phát triển thành phố, huyện, thị xã vững mạnh.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Chỉ huy trưởng.

PV