Thứ Bảy, 18/05/2019 11:16

Guitar Flamenco – vũ khí cho bình đẳng giới

Flamenco ra đời, như một kì tích nhân văn hiếm có của nhân loại. Nó hình thành ở Andalucia, Tây Ban Nha, nơi dân di gan, dân du cư với số phận kì lạ và điển hình, bị đuổi khỏi Ấn Độ, thế kỉ thứ 15, được dân bản địa đón nhận nhân từ.

Flamenco ra đời, như một kì tích nhân văn hiếm có của nhân loại. Nó hình thành ở Andalucia, Tây Ban Nha, nơi dân di gan, dân du cư với số phận kì lạ và điển hình, bị đuổi khỏi Ấn Độ, thế kỉ thứ 15, được dân bản địa đón nhận nhân từ.

Vũ điệu Flamenco thể hiện trên nền nhạc guitar.

Đồng thời, nhiều nhà thơ và ca sĩ đường phố châu Âu, chính trực và nhân bản, cũng tìm tới đó, để tránh bị khủng bố và ngược đãi. “Duyên kì ngộ” ấy chung đúc nên Flamenco từ những khát vọng, suy tư, cảm xúc và nhìn nhận cơ bản của cộng đồng đa sắc tộc đó đối với thế giới. Flamenco được coi như một con đường để các cộng đồng lớn nhỏ chung sống dung hòa. Vì vậy, Flamenco ngày càng lan tỏa. Năm 2010, Flamenco được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Nói theo ngôn ngữ hiện nay, Flamenco là một kiểu “diễn xướng” độc đáo bậc nhất, trong đó cây guitar vẫn là linh hồn. Từ khởi thủy, guitar Flamenco vẫn chỉ dành cho phái mạnh. Tuy vậy, người yêu thích Flamenco ngày một tăng, không phân biệt tuổi tác, dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, đặc biệt là giới tính. Phái đẹp không chấp nhận những đặc quyền riêng của nam giới ở loại hình nghệ thuật này. Họ kiên cường đòi quyền bình đẳng ở guitar Flamenco.

Adela Cubas - nghệ sĩ nữ tiên phong trong nghệ thuật Flamenco.

Lịch sử Flamenco có ghi lại một vài phụ nữ có tài guitar, nhưng bị gạt ra rìa. Cá nhân nổi bật đầu tiên của cuộc đấu tranh đó là Adela Cubas, hoạt động vào cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó nên bà sớm hiểu bổn phận giúp đỡ gia đình. Thế nhưng, khi đó bà lại say mê guitar Flamenco, một bộ môn nghệ thuật đầy chông gai. Khó khăn là vậy, Cubas vẫn kiên trì thẩm thấu kĩ thuật Flamenco. Dần dần, tài năng của bà được đón nhận. Một nhóm Flamenco chấp nhận bà tham gia trình diễn. Lao động nghệ thuật giúp bà có thu nhập giúp gia đình ổn định cuộc sống. Với tài năng và danh tiếng, tên tuổi bà ở thế kỉ 20 được báo chí thường xuyên đề cập. Dù vậy, tiếng lòng thăm thẳm của bà đã không, như hiện tại, đến được với công chúng toàn cầu. Bà đã tìm mọi cách nhưng vô vọng để tới Hoa Kỳ, một trong những xứ sở hâm mộ cuồng nhiệt Flamenco, như châu Âu và Nhật Bản.

Guitar Flamenco tiếp tục là vũ khí đấu tranh của phái đẹp, tiếp theo Adela Cubas là nghệ sĩ Antonia Jimenez.

Cuộc đấu tranh của những Adela Cubas được tiếp nối mạnh mẽ. Theo sau đó là Antonia Jimenez. Say mê Flamenco từ thuở nhỏ, Jimenez học đàn mọi lúc mọi nơi. Lớn lên, cô trình diễn khắp nơi ở quê nhà và được khán giả quê hương đón nhận. Năm 2000, khi 27 tuổi Jimenez tham gia thi tuyển vào đoàn Flamenco lưu diễn dài ngày ở Nhật Bản, cô vượt qua hơn trăm thí sinh nam giới để được nhận vào dàn nhạc. Trở về Tây Ban Nha, cô tự tin hơn, không bị những nghệ sĩ Flamenco thực thụ né tránh hay nghi ngại. Nhiều nghệ sĩ múa và hát muốn được biểu diễn cùng màn trình diễn guitar của cô. Hiện, Jimenez là cây guitar hàng đầu thế giới, cô tham gia trong ban nhạc tại trình diễn tại Corral de la Moreria ở thủ đô Madrid, Tây Ban Nha. Đây là điểm hẹn âm nhạc quen thuộc không chỉ của người dân xứ Bò tót mà còn là của các du khách nước ngoài. Họ nói: “Tới Madrid mà chưa thưởng thức Flamneco ở Corral de la Moreria, có nghĩa là chưa tới Madrid, chưa biết Tây Ban Nha”.

Một "đàn em" của Antonia Jimenez, Kati Golenko tiếp tục kiên trì trên con đường Flamenco.

Bên cạnh Antonia Jimenez, nhiều cô gái và bé gái, không chỉ ở Tây Ban Nha, mà còn ở nhiểu nơi trên trái đất, trong đó có Việt Nam, hăm hở chinh phục guitar Flamenco. Phong trào đòi bình đẳng trong guitar Flamenco cũng không chỉ bắt nguồn từ tiếng nói của phụ nữ. Rất nhiều nghệ sĩ guitar kì cựu là nam giới cũng lên tiếng ủng hộ bình quyền, trong số đó có Paco de Lucia, nghệ sĩ Flamenco Tây Ban Nha gạo cội. Ông nhắc lại nhiều lần rằng, vũ trụ Flamenco vẫn còn quá gia trưởng. Thiếu phụ nữ, nhất là trong nghệ thuật guitar, Flamenco sẽ nghèo đi trông thấy. Đấu tranh đòi bình quyền thực ra nhằm khiến Flamenco bộc lộ hết vẻ đẹp thánh thiện của nó. Và không chỉ trong guitar Flamenco, mà ở các lĩnh vực khác, tiếng nói bình quyền sẽ luôn vang lên để thế giới thật sự hài hòa và bình đẳng.

ĐÀM NHI LINH