Thứ Sáu, 16/08/2019 16:04

Hãy viết với dấu ấn của riêng mình

Tuy nhiên, nghệ thuật cần sự khác biệt ở chỗ, nghệ sĩ nói như thế nào về dân tộc mình, về đời sống, về con người... Đó mới là yếu tố làm nên cái hay và sự đổi mới.

 Sáng 16/8 tại Trụ sở Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội đã diễn ra tọa đàm: Định hướng sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới. Hội thảo này là một trong những hoạt động nhằm tăng cường công tác đào tạo văn nghệ sĩ và chú trọng đến các yếu tố đổi mới trong sáng tác văn học nghệ thuật của văn nghệ sĩ.

Có thể nói, dòng mạch chính của đời sống văn học nghệ thuật chính là chủ nghĩa yêu nước, sự gắn bó với dân tộc, nhân dân, phản ánh chân thực cuộc sống lao động, đấu tranh của nhân dân. Bên cạnh đó là những tìm kiếm, sáng tạo của cái tôi cá thể nhằm đưa đến một ý niệm hay tư tưởng cho sự phát triển của nghệ thuật đương đại hôm nay.

NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội phát biểu: các tác phẩm văn học nghệ thuật hôm nay vừa tiếp tục truyền thống tốt đẹp của văn học nghệ thuật trong thời kỳ chiến tranh cách mạng, đồng thời có nhiều tìm tòi về nội dung phản ánh, mở rộng phạm vi chiếm lĩnh hiện thực, phát hiện được những vấn đề nóng bỏng, thời sự của đời sống trên nhiều bình diện, nhiều góc cạnh khác nhau. Sự đa dạng về nội dung và phương thức thể hiện là một dấu hiệu đáng mừng.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Một dấu hiệu mới của đời sống văn học nghệ thuật những năm qua là khuynh hướng hiện đại hóa các hình thức biểu hiện, tích cực tìm tòi, thể nghiệm những cách diễn đạt mới. Gắn liền với khuynh hướng đó là sự phát triển của các thể loại, các sản phẩm nghệ thuật mang tính thể nghiệm được biểu hiện rõ trong văn học, âm nhạc, hội họa, nghệ thuật trình diễn, sắp đặt...

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn nhấn mạnh: Định hướng sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới là hãy viết với dấu ấn của riêng mình về những vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống, có thể hôm nay chưa được chấp nhận, nhưng nếu nó chân thành và ấn tượng, nhất định sẽ được mọi người yêu thích và truyền tay nhau thưởng thức, góp phần vào việc nâng cao đời sống tinh thần của chúng ta.

Nói về việc đã lâu nền văn học nghệ thuật nói chung chưa có những kiệt tác hay những tác phẩm xứng tầm được công nhận, nhà biên kịch Nguyễn Giang Phong bày tỏ: Dường như vô hình chung chúng ta đang “sợ bóng sợ vía” một điều gì mà chưa thực sự hết lòng với nghệ thuật. Định hướng trong sáng tác là cần thiết nhưng tác phẩm hay hay không không phụ thuộc vào định hướng mà cần có tài năng của các nghệ sĩ.

Nói về hiện thực của văn học nghệ thuật, thì số lượng người làm văn học nghệ thuật cũng như số lượng tác phẩm là không hề nhỏ, thậm chí là rất lớn. Tuy nhiên, chất lượng lại không tỉ lệ thuận với số lượng. Nhiều người đã nhận ra vấn đề này nhưng lại chưa/khó có giải pháp. Bởi điều quan trọng là cần nâng cao khả năng hưởng thụ, cảm nhận nghệ thuật của công chúng, cùng với đó là thúc đẩy các tác giả để có những tác phẩm tinh hoa. Đó mới là một đất nước yêu nghệ thuật thực sự. Vấn đề nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật cũng chưa được nhìn nhận một cách chính xác. Nghiên cứu phê bình cần phải gọi đúng và gọi trúng giá trị của nghệ thuật cũng như góp phần định hướng sáng tác.

Nhà thơ Vũ Quần Phương đã có những ý kiến đóng góp thẳng thắn: Chúng ta cũng như các nhà chức trách phải phát hiện ra những tài năng đích thực, tận dụng được mọi đóng góp của họ cho văn học nghệ thuật, cũng như tôn vinh một cách xứng đáng. Giới kinh tế, khoa học kỹ thuật làm được điều này, nghệ thuật tại sao không? Đừng để kẻ bất tài hạn chế đóng góp của những tài năng. Như vậy mới mong văn học nghệ thuật sẽ thực sự đổi mới và phát triển được.

Tọa đàm: Định hướng sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới nhận được nhiều tham luận, nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ. Đa số các ý kiến đều đồng thuận cho rằng, vấn đề định hướng là cần thiết, nhất là trong bối cảnh đất nước đang đứng trước nhiều cơ hội và thử thách thì văn nghệ sĩ cũng cần lên tiếng, đóng góp vào tiếng nói lớn lao của dân tộc. Tuy nhiên, nghệ thuật cần sự khác biệt ở chỗ, nghệ sĩ nói như thế nào về dân tộc mình, về đời sống, về con người... Đó mới là yếu tố làm nên cái hay và sự đổi mới.

CHI ANH