Thứ Năm, 03/10/2019 12:20

“Hồ Thiên Nga” phiên bản Việt

Vở ballet “Hồ Thiên Nga” sẽ xuất hiện với đầy đủ 4 màn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối 7/10.

Vở ballet “Hồ Thiên Nga” sẽ xuất hiện với đầy đủ 4 màn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối 7.10, trong phiên bản hoàn toàn của Việt Nam, với hơn 60 diễn viên múa và 60 nghệ sĩ dàn nhạc chơi trực tiếp.

Hướng tới chất lượng và chuyên nghiệp

Lần đầu tiên vở “Hồ Thiên Nga” được trình diễn một cách đầy đủ tại Việt Nam là năm 1985, dưới sự dàn dựng của chuyên gia Nga. Hơn 30 năm trôi qua, ballet Việt chưa thể trình diễn một cách đầy đủ “Hồ Thiên Nga” mà chỉ là những trích đoạn nhỏ lẻ hoặc mời đoàn ballet Nga sang trình diễn. Điều này khiến nhiều nghệ sĩ tâm huyết với ballet Việt ưu tư, lo lắng và tìm mọi cách dựng lại tác phẩm tuyệt hảo này. Kể từ khi về lãnh đạo Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB - từ tháng 3.2018), NSƯT Trần Ly Ly, quyền Giám đốc Nhà hát đã nung nấu ý định đưa toàn bộ “Hồ Thiên Nga” lên sân khấu Việt, với mong muốn có sản phẩm chất lượng để nâng cao giá trị, kỹ năng của diễn viên.

NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ: “Dựng vở ballet “Hồ Thiên Nga” phiên bản 2019 là một quyết định táo bạo đối với lãnh đạo và toàn bộ cán bộ, nghệ sĩ VNOB. Bởi lẽ không chỉ đòi hỏi đầu tư về tiền bạc, tác phẩm còn thể hiện sự tập trung cao độ của toàn bộ dàn diễn viên, nghệ sĩ nhà hát, trong đó 60 nghệ sĩ dàn nhạc chơi trực tiếp suốt vở diễn cùng hơn 60 diễn viên múa và thời gian tập luyện cũng kéo dài 6 tháng”.

Vở “Hồ Thiên Nga” nổi tiếng trên toàn thế giới trong 140 năm qua, được công diễn với những phiên bản khác nhau, phù hợp với khả năng và môi trường ở từng nơi, tuy nhiên vẫn giữ cốt cách, cấu trúc âm nhạc của nhà soạn nhạc Pyotr Ilyich Tchaikovsky. “Hồ Thiên Nga” phiên bản VNOB về cơ bản vẫn được dựng theo trường phái Nga. Tuy nhiên, theo đạo diễn - biên đạo múa Lê Ngọc Văn: “Hồ Thiên Nga của VNOB có sự xen kẽ, pha trộn những điểm nhấn riêng, tạo nên nét độc đáo của phiên bản Việt. Tôi đã tận dụng tối đa sự mềm mại của diễn viên, sự năng động và hoạt bát của các tài năng trẻ, cắt bỏ những phần rườm rà để tạo nên một “Hồ Thiên Nga” của người Việt”.

Vở vũ kịch “Hồ Thiên Nga” quy tụ nhiều nghệ sĩ múa thành danh như: NSƯT Đàm Hàn Giang (vai hoàng tử Siegfried), Thu Huệ, Thu Hằng (công chúa Odette), NSƯT Như Quỳnh (Odile) và có sự hợp tác của Học viện Múa Việt Nam. Là diễn viên Nhà hát Ballet Quốc gia Anh, nghệ sĩ Lê Ngọc Văn đã xin nghỉ 3 tháng về nước để cùng VNOB dàn dựng vở diễn. Anh cho biết: “Qua vở “Hồ Thiên Nga” chứng tỏ khả năng của ballet Việt Nam, khi các nghệ sĩ trụ được 4 màn diễn. Từ bước đầu này để tiếp tục có các chương trình chất lượng hơn, bởi chỉ có chất lượng và sự chuyên nghiệp của nghệ sĩ mới thu hút được khán giả”.

Ảnh: VNOB

Bảo vệ tối đa không gian sân khấu

Vở diễn “Hồ Thiên Nga” ra mắt nhân dịp Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. 60 năm xây dựng và phát triển, Nhà hát đã đạt nhiều thành tích lớn trên sân khấu trong nước cũng như quốc tế, và dịp này được Đảng và Nhà nước ghi nhận trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Dàn nhạc chơi trực tiếp gồm hơn 60 nhạc công, dưới sự chỉ huy của Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh. Nghệ sĩ Đồng Quang Vinh chia sẻ: “Nếu dùng nhạc đĩa, nghệ sĩ múa phải theo nhạc, nhưng chơi nhạc “sống” thì nhạc phải theo múa. Nhạc trưởng sẽ phải nhìn từng động tác của diễn viên múa để điều chỉnh âm lượng, độ dài - ngắn của âm thanh, độ nhanh - chậm của từng đoạn, khớp với nét mặt, động tác của nghệ sĩ múa”.

Để thực hiện vở diễn, ban đầu múa tập riêng, nhạc tập riêng. Riêng về nhạc, mỗi phiên bản ballet trên thế giới độ dài khác nhau, thứ tự cũng khác nhau, nghệ sĩ mất nhiều công sức nghiên cứu, rồi lo bản quyền, chia ra các tổ: Kèn đồng, hệ dây cao, dây trầm... để tập luyện. “Trong lịch sử nhạc vũ kịch Việt Nam và lịch sử VNOB, rất hiếm khi, và theo như tôi biết, chưa có phiên bản nào chơi đầy đủ 4 màn. 4 màn, có thể sẽ là 3 tiếng đồng hồ, chỉ nghỉ giữa một chút. Với người phương Tây, thể lực tốt, kỹ thuật được tôi luyện từ nhỏ, thì điều đó đơn giản, nhưng với người châu Á, lại là lần đầu tiên làm như thế, cần sự học hỏi và nền nảng kỹ thuật không phải ai cũng chơi được. Tchaikovsky viết rất đều, ông ưu ái sự khó cho từng bè, nhiều khi chúng tôi hay đùa là bị Tchaikovsky tra tấn, nhưng là sự tra tấn thú vị, bởi khi vượt qua thử thách mới thấy ông thâm thúy như thế nào với một tác phẩm khoa học, từ sự sắp xếp nhanh - chậm, buồn - vui, to - nhỏ… Tôi cảm thấy cực kỳ sung sướng khi trở thành một phần, được khám phá, mạo hiểm trong hành trình này. Tôi tin sự cố gắng hết mình của những người đi học nước ngoài về, với nhiệt huyết và sự chuyên nghiệp, vở diễn sẽ không có hạt sạn nào”.

Bên cạnh dàn nhạc, theo nghệ sĩ Trần Ly Ly, sân khấu lần này sẽ không ưu tiên dùng công nghệ. “Làm nghệ thuật đương đại nhiều, tôi không xa lạ với việc dùng công nghệ, nhưng trong ý tưởng và cách thể hiện của các vở sân khấu đặc trưng, “chất lừ” về opera và ballet, chúng tôi bảo vệ tối đa không gian sân khấu. Tuy nhiên, việc sử dụng ánh sáng, các khối bố cục về hình tượng, phông cảnh vẽ, khâu bằng tay, có những bức tượng cao 3m được làm công phu... góp phần tạo nên tính chân thật, và sẽ gây cảm động cho khán giả”.

Nguồn: Đại biểu nhân dân (Th. Nguyên)