Thứ Sáu, 23/10/2020 10:35

Hoạ sĩ Mộng Bích: Người khước từ sự cách tân

Người nghệ sĩ không thể, hay không làm gì khác được với số phận của mình, mà chỉ có thể vật chất hoá tất cả những cái không may mắn vào tác phẩm. Ở khía cạnh này thì bà đã thành công

 Tối 22/10 Viện Pháp tại Hà Nội - L'Espace đã giới thiệu triển lãm cá nhân đầu tiên của nữ họa sĩ Mộng Bích mang tên Đi giữa hai thế kỉ. Với 30 tác phẩm, bao gồm tranh lụa, màu nước và kí họa tiêu biểu xuyên suốt hành trình sáng tạo của bà trong hơn sáu thập kỉ, có thể nói Đi giữa hai thế kỉ là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của họa sĩ Mộng Bích.

Hoạ sĩ Mộng Bích tại buổi khai mạc triển lãm

Sinh năm 1931 tại Quảng Oai, Sơn Tây (nay là Sơn Tây, Hà Nội), hoạ sĩ Mộng Bích được biết đến là một trong số ít những nữ họa sĩ ở thời đại mình đạt được những giải thưởng hội họa quan trọng, trong đó có thể kể đến bức Mẹ và con (Giải Nhất tại Triển lãm Sở Văn hóa liên khu Việt Bắc, năm 1961) hay bức Bà già (Giải Nhất tại Triển lãm Hội Mĩ thuật Việt Nam, năm 1993)... Mộng Bích tốt nghiệp trường Cao đẳng Mĩ Thuật Việt Nam (nay là Đại học Mĩ Thuật Việt Nam) và là học trò của những tên tuổi lớn như Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Hoàng Lập Ngôn, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Đức Nùng... Bên cạnh những kiến thức về mĩ thuật, Mộng Bích còn thừa hưởng ở những người thầy tuyệt vời của mình một tình yêu thuần khiết đối với hội họa.

Nói về hoạ sĩ Mộng Bích, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng chia sẻ: Trong giới hoạ sĩ nữ ở Việt Nam, bà Mộng Bích được biết đến muộn hơn cả, mặc dù có cuộc đời rất dài, 90 năm, khi những người bạn của bà đã từ lâu nổi tiếng và đã từ lâu qua đời. Với những sự không may mắn của mình, Mộng Bích đã không nổi tiếng như những người bạn cùng thời. Và sau này thì dường như bà lại trở nên xa lạ với hội hoạ đương đại và bà lại lỡ nhịp một lần nữa. Người nghệ sĩ không thể, hay không làm gì khác được với số phận của mình, mà chỉ có thể vật chất hoá tất cả những cái không may mắn vào tác phẩm. Ở khía cạnh này thì bà đã thành công, đặc biệt qua chân dung những người bà gặp, chúng bộc lộ được số phận riêng, và tính chất xã hội của con người nói chung.

Bà già, màu nước trên lụa, 47.5 x 64 cm

Lặng lẽ và khép kín nhưng Mộng Bích lại rất tự tin, đầy cá tính và có sự tự thức nghệ thuật riêng. Một bà già ăn mày, một cô gái trẻ, một em bé, một quãng sông, một giàn bầu… đều là những đề tài khiến Mộng Bích rung động và say mê vẽ. Bà vẽ những ông bà già người Chăm đầy trang trọng và ẩn chứa một nền văn hoá đang bị lãng quên, vẽ những cô gái mạnh mẽ không ngại bộc lộ mình với thời đại… Họ hiển hiện một cách trực tiếp trong các bức hoạ chủ yếu trên lụa được vẽ một cách kĩ càng, vờn tỉa, chuốt và rửa nhiều lần. Như bà nói, đó là kĩ thuật mà thầy Nguyễn Phan Chánh dạy bà.

Nghệ thuật đích thực sẽ toả sáng và được ghi nhận. Trải qua nhiều thập kỉ, tranh của Mộng Bích đã chinh phục rất nhiều người xem cũng như giới chuyên môn. Với triển lãm Đi giữa hai thế kỉ, người xem được chiêm ngưỡng những bức chân dung đầy ám ảnh đã làm nên tên tuổi Mộng Bích cũng như qua đó sẽ được nghe những câu chuyện đằng sau mỗi bức tranh qua những nét vẽ sinh động, tỉ mỉ như thể chúng ta đang được nghe hoạ sĩ kể lại bằng cảm xúc của chính mình. Với một cuộc đời dài và từng trải qua nhiều biến cố, Mộng Bích đi nhiều, trải nghiệm nhiều, đó chính là chất liệu, là vốn liếng quan trọng cho hội hoạ của bà.

Mẹ và con, phác thảo chì trên giấy can, 64 x 52.5 cm

Ở tuổi 90, hoạ sĩ Mộng Bích vẫn chăm chỉ, say mê vẽ với cái nhìn trong trẻo đến lạ. Nhìn lại chặng được hội hoạ của mình, bà nói: Từ nhỏ tôi đã yêu thích hội hoạ và có mong muốn được trở thành hoạ sĩ. Nhưng mãi cho đến khi từ Việt Bắc trở về sau kháng chiến tôi mới được tiếp xúc với hội hoạ. Bây giờ tôi đã nhiều tuổi như những bà già ngày xưa tôi vẽ. Tôi cũng không đi được đâu xa nên gặp cái gì thì vẽ cái đó. Đối với tôi, bất cứ thứ gì khiến cho mình rung động, thấy đẹp, thấy hay thì đều có thể thành tranh cả.

Trải qua nhiều thập kỉ tác phẩm của bà vẫn đong đầy giá trị mĩ thuật và giá trị lịch sử. Những biến chuyển về thời cuộc, làn sóng đô thị hóa và toàn cầu hóa mạnh mẽ kéo theo nhiều sự đổi thay. Thế hệ hôm nay đang dần mất đi những mối liên kết với quá khứ. Tác phẩm của bà như một tấm vé đưa người xem ngược dòng thời gian để đắm mình trong thế giới ấy một lần nữa. Giáo sư Nora A. Taylor, Học viện Mĩ thuật Chicago nhận định: “Tranh của bà vượt thoát khỏi mọi phong trào mà hầu hết các thế hệ đều tham gia. Chúng là lời nhắc nhở đẹp đẽ về tính phổ quát của các giá trị nhân văn". Trong suốt cuộc đời mình, bà chưa bao giờ theo đuổi những trào lưu hội họa, tìm kiếm những phương thức biểu hiện mới lạ, cách tân hay cố gắng đáp ứng nhu cầu thị trường. Sự kiên trì, đức tính khiêm nhường và sự đam mê dành cho hội họa của bà chắc chắn sẽ là nguồn cảm hứng cho thế hệ họa sĩ trẻ ngày nay.

Chân dung hoạ sĩ Mộng Bích

Cũng nhân dịp này, cuốn sách Đi giữa hai thế kỉ được xuất bản và ra mắt bạn đọc. Đây là cuốn sách đầu tiên tập hợp những tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp hội họa của họa sĩ Mộng Bích. Thêm vào đó, những góc nhìn đa chiều của các họa sĩ, nhà nghiên cứu mĩ thuật, nhà hoạt động văn hóa về cuộc đời và tác phẩm của bà, sẽ giúp người xem hiểu rõ hơn về người nghệ sĩ tài hoa, cũng như về những số phận đặc biệt của mảnh đất Việt Nam, ở giữa hai thế kỉ.

Triển lãm kéo dài đến ngày 22.11.2020 tại Sảnh triển lãm L'Espace, 24 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

MỘT SỐ BỨC TRANH TRƯNG BÀY TẠI TRIỂN LÃM:

Một lớp xoá mù chữ của người Nùng, kí hoạ chì trên giấy, 52 x 36 cm
Phong cảnh Phủ Lý, kí hoạ chì trên trên giấy, 57 x 42 cm
Dệt thổ cẩm, màu nước trên lụa, 47.5 x 64 cm
Cháu tôi, màu nước trên lụa, 49 x 70 cm
Làng trẻ Võ Nhai, kí hoạ màu nước trên giấy, 51 x 34,5 cm
Một chiều ở vùng Chăm, màu nước trên lụa, 84.5 x 71 cm

TÙNG PHƯƠNG