Thứ Tư, 26/12/2018 14:10

Họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc: Người đi qua thời gian

Chiều 25/12/2018, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam và Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tổ chức lễ kỉ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc và khai mạc triển lãm tranh của ông.

Chiều 25/12/2018, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam và Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tổ chức lễ kỉ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc và khai mạc triển lãm tranh của ông.

Nguyễn Sỹ Ngọc là họa sĩ lớn của nền hội họa Việt Nam. Tên tuổi của ông gắn liền với phong cách hiện thực xã hội chủ nghĩa. Cho đến nay, ở Việt Nam giới chuyên môn vẫn đánh giá chưa có ai vượt qua ông ở phong cách này.

Khai mạc triển lãm tranh của họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc

Học sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc (1918 - 1990), sinh ra ở Thanh Trì, Hà Nội. Ông theo học Khoa Hội họa khóa XIII Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Trong suốt cuộc đời mình ông luôn gắn nghệ thuật hội họa với những hoạt động cách mạng, yêu nước. Ông vẽ nhiều về hình tượng lãnh tụ, người lính, tình quân dân, tinh thần chiến đấu và lao động của quân dân trong thời chiến. Tranh của Nguyễn Sỹ Ngọc luôn có màu sắc, đường nét, hình khối đặc trưng không bị hòa lẫn vào những tác phẩm mang tính chất cổ động, tuyên truyền. Hồn cốt của bức tranh luôn quyết định cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ. Những nhân vật trong tranh Nguyễn Sỹ Ngọc gây ấn tượng bởi tâm hồn, khí chất được toát lên từ nét vẽ. Điều đó cho thấy người họa sĩ phải thực sự thổi hồn mình vào bức tranh để những nét vẽ tưởng như cố định ấy lại trở nên sống động vô cùng.

Một số bức tranh của họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc trưng bày tại triển lãm

Họa sĩ Nguyễn Quân đã khẳng định, “Nguyễn Sỹ Ngọc là đỉnh cao của hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Tranh của ông không bay bổng mộng mơ hay trừu tượng, lí tưởng mà là một hiện thực với đầy đủ những bề mặt, chiều sâu như nó có. Vẻ đẹp trong tranh ông không đến từ sự tỉ mỉ, hoàn mĩ mà từ chính sự thô ráp, cực nhọc, gian nguy của đời sống. Những bức tranh nổi tiếng của ông như Du kích Cảnh Dương, Tình quân dân, Phụ nữ Tây Bắc, Đèo Lũng Lô, Vò lúa giã gạo... đã cho thấy một vẻ đẹp của đời sống được khắc họa chân thực, ấm áp, gần gũi vô cùng.

Bên cạnh vẽ tranh sơn mài, sơn dầu, họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc còn được biết đến là người vẽ kí họa, minh họa báo chí kì tài. Chỉ qua những nét bút đơn giản nhưng ông đã chọn những điểm nhấn, góc nhìn thực sự thu hút, ấn tượng để bức tranh trở nên đầy đặn, sinh động. Trong khi nhiều nghệ sĩ đi theo khuynh hướng lãng mạn, mộng mị hay hoài cổ thì Nguyễn Sỹ Ngọc khảng khái và dứt khoát đi vào đời thực để tìm ra vẻ đẹp mới của con người. Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Thị Hải Yến cho rằng, tranh Sỹ Ngọc ngổn ngang nhân vật, sự kiện khu trú trên một cảm thức nghệ thuật của riêng ông. Điều này làm nên tên tuổi và chỗ đứng của ông qua thời gian.

Một số minh họa của họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc trên báo Văn nghệ

Họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc cũng được biết đến là một nhà nghiên cứu mỹ thuật với những bài viết sắc sảo, gợi mở, định hình đường lối, phong cách của mỹ thuật. Trong các bài viết của mình, họa sĩ thường bàn về tính dân tộc, cái riêng của cá nhân nghệ sĩ và cách làm mới nghệ thuật. Ông khẳng định: “Nghệ thuật rõ ràng là việc chính yếu của mỗi dân tộc. Dù là của bạn cũng không thể vay mượn được, phải là của mình. Cũng như ở mỗi cá nhân, mỗi người đều phải có cái riêng trong cái chung”. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ, Nguyễn Sỹ Ngọc thăng hoa dọc đôi bờ hiện thực của đất nước và dân tộc. Đã khen chê là quả quyết, chân xác chẳng xoay lời. Cái hay, cái đẹp, cái mới, cái khác của nghệ thuật ngày ấy như cũng được duyên từ ông mà rộng cánh bay.

Sinh thời họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc được biết đến với nhiều cương vị khác nhau như: giảng viên Trường Mỹ thuật Kháng chiến, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Phó tổng thư kí Hội Mỹ thuật Việt Nam, công tác tại Báo Văn nghệ. Trong sự nghiệp hội họa của mình ông đã vinh dự được nhận nhiều giải thưởng  cao quý, trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000.

Triển lãm tranh của Nguyễn Sỹ Ngọc với hơn 70 tác phẩm sơn dầu, sơn mài, tranh nude, nghiên cứu, kí họa sẽ kéo dài đến hết ngày 30/12/2018 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

KIM NHUNG