Thứ Bảy, 16/02/2019 14:47

Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV

Sáng ngày 16/2/2019, tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô đã diễn ra Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV và Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III.

Sáng ngày 16/2/2019, tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô đã diễn ra Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IVLiên hoan thơ quốc tế lần thứ III.

Tiết mục Bài ca thần chim Lạc trong chương trình văn nghệ mở đầu Hội nghị.

Tới dự có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ, cùng các đại biểu đại diện cho các cơ quan, ban ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương.

Các nhà văn, nhà thơ từ mọi miền đất nước cùng gần 200 nhà văn, nhà thơ, dịch giả văn học nổi tiếng đến từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới cũng góp mặt trong sự kiện này.

Các đại biểu, nhà văn, nhà thơ trong nước và quốc tế tham dự Hội nghị.

Hội nghị được mở đầu bằng chương trình nghệ thuật đặc sắc với những tác phẩm trình diễn kết hợp ca, múa, nhạc được biên đạo, dàn dựng công phu: múa và hát Bài ca thần chim Lạc; múa Hồn việt; độc tấu đàn bầu Dòng kênh trong; vũ đạo Ngày hội Tây Nguyên; múa và hát Tình ca…

Hội nghị được tiếp nối bằng bàn thảo về sự phát triển chung của văn học thế giới và quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị.

Nhà thơ Hữu Thỉnh bày tỏ sự vui mừng trước những thành tựu đã đạt được: “Kể từ Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ I được tổ chức năm 2002 đến nay, đã có thêm nhiều tác phẩm văn học của Việt Nam được dịch và xuất bản tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, được đón nhận trân trọng. Trong đó có những tác phẩm được nhận giải thưởng tại các Hội sách quốc tế, của các nhà xuất bản hoặc các tổ chức văn học quốc gia. Các bài viết về văn học Việt Nam cũng xuất hiện trên các tạp chí văn học lớn trên thế giới, giáo trình về văn học Việt Nam cũng được giảng dạy ở các trường đại học lớn trên thế giới. Nền văn học Việt Nam cũng mở rộng tiếp nhận những giá trị văn học của nhân loại…”.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng, thông qua tổ chức Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam và Liên hoan thơ quốc tế, văn học Việt Nam sẽ có sự phát triển hài hòa hơn trong sự phát triển văn hóa dân tộc, hòa nhịp cùng văn học thế giới. Hội Nhà văn Việt Nam đã khởi động biên soạn các ấn phẩm: khái quát Mười thế kỉ văn học Việt Nam, tuyển thơ hiện đại Sông núi trên vai; tuyển truyện ngắn Một loài chim trên sóng và chuyên đề Nhà văn và tác phẩm.

Nhà thơ người Tây Ban Nha  Fernando Rendon tham luận tại Hội nghị.

Nhà thơ Fernando Rendon - Chủ tịch Liên hoan thơ quốc tế Medellin (Colombia), Phó tổng thư kí Hội Nhà văn Á - Phi và Mỹ La Tinh nhắc lại trang sử bi hùng của dân tộc Việt Nam, nhắc tới những tên tuổi nhà thơ, nhà văn thế giới đã chiến đấu và trưởng thành trong chiến tranh bảo vệ dân tộc. Ông thay mặt Hội Nhà văn Á - Phi và Mỹ La Tinh ủng hộ những sáng kiến hòa bình chống lại chiến tranh, vì công bằng và nhân quyền và kêu gọi: “Tất cả mọi người hãy đồng lòng gieo trồng và gặt hái những mùa màng trí tuệ, giống như những người nông dân trên đất đai thiêng liêng của mình.”

Đại biểu đến từ Liên bang Nga - nhà văn Vadim Terekhin khẳng định văn học đóng vai trò quan trọng trong việc đoàn kết các quốc gia, dân tộc: “Ngôn từ chứa sức mạnh to lớn nhưng cũng là con dao hai lưỡi. Nó có thể làm con người tổn thương và hủy diệt nhưng cũng có thể nâng cao con người, chấm dứt chiến tranh, mở ra hòa bình và cánh cửa cho nhân dân thế giới. Vì vậy các nhà văn, nhà thơ có trách nhiệm sử dụng tài năng được kí thác để sống với sứ mệnh ấy”.

Nhà văn Vadim Terekhin bày tỏ hi vọng quan hệ hai nước Nga - Việt sẽ ngày càng tốt đẹp và có những hoạt động văn học hỗ trợ lẫn nhau.

Nhà văn Lào Luangvanna kể lại những kỉ niệm đã sống và làm việc tại miền Bắc Việt Nam trước năm 1975. Bà cho rằng Việt Nam là đất nước rất say mê, yêu thích đọc sách nói chung, sách văn học nói riêng. Trong thời gian ấy, cô đã đọc và tìm hiểu về văn học Việt Nam, đánh giá cao tư tưởng, tình cảm, bút pháp, văn phong của các nhà văn Việt Nam, nhận thấy văn học Việt Nam có thể sánh với các nền thơ ca lớn trong khu vực và thế giới. Nhà văn cho rằng Việt Nam đã tổ chức các hoạt động quốc tế thành công như: Liên hoan thơ các nước châu Á - Thái Bình Dương, Lễ trao giải văn học Sông Mekong, Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam…, từ đó nhà văn ở các nước có thể học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm.

Ông Thomas Kane - Giám đốc Viện William Joiner UMASS, Hoa Kỳ khẳng định, Viện William Joiner sẽ tiếp tục thực hiện vai trò của mình là nghiên cứu những hậu quả về chiến tranh, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, cá nhân và xã hội bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Viện sẽ tiếp tục hợp tác với những nhà thơ, văn nghệ sĩ, cựu chiến binh Việt Nam trong các hoạt động hội thảo thường niên. Bằng nhiều hình thức khác nhau, Viện sẽ ủng hộ sự hợp tác văn học, trao đổi văn hóa, các dự án dịch thuật, xuất bản, góp phần phản ánh cái hay cái đẹp của văn học thế giới và làm dịu đi vết thương chiến tranh…

Buổi chiều cùng ngày, các nhà thơ quốc tế và Việt Nam sẽ tham dự cuộc giao lưu và đọc thơ với sinh viên Việt Nam tại Đại học Văn hoá Hà Nội và Đại học Sư phạm Hà Nội, với chủ đề “Trên đôi cánh thơ ca”.

NGỌC HIÊN