Thứ Sáu, 25/01/2019 12:52

Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng năm 2018 và kết nạp hội viên mới

Việc để trống này tuy có nuối tiếc nhưng đó cũng là động lực để người sáng tác không ngừng tìm kiếm, kiến tạo nên những tác phẩm có giá trị nội dung, tư tưởng cũng như về mặt nghệ thuật, thẩm mĩ.

Sáng 25/1/2019, tại Bảo tàng Văn học Việt Nam (275 Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội), Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Lễ trao giải thưởng văn học năm 2018 và kết nạp hội viên mới.

Buổi lễ có sự hiện diện của nhà thơ Hữu Thỉnh - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, các nhà văn trong Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cùng đông đảo các văn nghệ sĩ trong cả nước.

Năm 2018, Hội Nhà văn Việt Nam nhận được 208 tác phẩm của 141 tác giả gửi tham dự giải thưởng, trong đó văn xuôi có 67 tác phẩm, thơ có 102 tác phẩm, lí luận phê bình có 25 tác phẩm, dịch thuật có 14 tác phẩm. Trải qua các vòng sơ khảo, các tác phẩm được gửi lên Hội đồng chung khảo gồm: 3 tác phẩm thơ, 3 tác phẩm văn xuôi, 2 tác phẩm phê bình và 2 tác phẩm dịch thuật. Sau một thời gian làm việc nghiêm cẩn, chặt chẽ của Hội đồng chung khảo và Ban chấp hành thì chỉ có 3 tác phẩm được trao Giải thưởng 2018 của Hội Nhà văn Việt Nam, gồm 2 tác phẩm ở hạng mục dịch thuật và 1 tác phẩm ở hạng mục lí luận phê bình.

Nhà thơ Hữu Thỉnh trao Giải thưởng văn học 2018 cho các tác giả

Ở hạng mục dịch thuật, 2 dịch phẩm được vinh danh là Hoàng đế, tiểu thuyết của Ryszard Kapuscniski, bản dịch của Nguyễn Chí Thuật và Tương lai được viết trên đá cổ, thơ của Fernado Rendon, bản dịch của Phạm Long Quận. Ryszard Kapuscniski là nhà văn kiệt xuất Ba Lan, người đã xóa nhòa ranh giới của văn học hư cấu và phi hư cấu. Hoàng đế là tác phẩm thứ ba của ông được dịch ra tiếng Việt. Nguyễn Chí Thuật được đánh giá cao khi chuyển ngữ chính xác và chuyển tải được gần như toàn bộ tinh thần của nguyên tác. Tương lai được viết trên đá cổ là tập thơ được tuyển chọn từ những bài thơ hay nhất của Fernado Rendon. Tuy nhiên đây là tập thơ không dễ đọc, và càng không dễ dịch. Dịch giả Phạm Long Quận đã thể hiện sự vững vàng trong việc chuyển ngữ chính xác mà vẫn không mất đi chất thơ từ nguyên bản, giúp người đọc trong nước hiểu thêm về nền văn học Colombia và Mĩ Latinh đương đại.

Ở hạng mục lí luận phê bình, tác phẩm Văn học Nga hiện đại - những vấn đề lí thuyết và lịch sử của tác giả Trần Thị Phương Phương được trao giải. Đây là một công trình nghiên cứu công phu, tổng hợp được nhiều nguồn tư liệu quý, có nhiều phát hiện mới, có tính khoa học cao và thuyết phục về những vấn đề của văn học Nga đương đại. Công trình được viết với một quan điểm lịch sử đúng đắn và thái độ điềm tĩnh trước những vấn đề phức tạp của một thế kỉ phức tạp của văn học Nga. Cuốn sách cũng được đánh giá cao bởi văn phong trong sáng, mực thước.

Như vậy, cũng như năm 2017, năm 2018 Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam lại để trống ở chuyên ngành thơ và văn xuôi. Về điều này, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói: Chúng ta phải kiên trì chờ đợi những tác phẩm xứng đáng để gọi tên vào giải thưởng. Việc để trống này tuy có nuối tiếc nhưng đó cũng là động lực để người sáng tác không ngừng tìm kiếm, kiến tạo nên những tác phẩm có giá trị về nội dung, tư tưởng cũng như về mặt nghệ thuật, thẩm mĩ.

Nhà thơ Hữu Thỉnh trao quyết định kết nạp hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam

Lễ kết nạp hội viên mới cũng được đông đảo người viết, người đọc trong cả nước quan tâm. Theo thông tin từ Hội Nhà văn Việt Nam, năm nay tổng số đơn xin vào Hội là 702 người. Hội Nhà văn đã bình xét dựa trên các tiêu chí và sự cẩn trọng, kĩ lưỡng, tham khảo ý kiến của các hội đồng chuyên môn, các chi hội cơ sở và Ban chấp hành Hội. Kết quả, năm nay Hội kết nạp được 35 hội viên mới, trong đó, chuyên ngành thơ 16 hội viên, văn xuôi 15 hội viên, dịch thuật 2 hội viên, lí luận phê bình 2 hội viên. Đại diện Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: Hội đặc biệt quan tâm và khuyến khích các tác giả trẻ, cũng không quên những tác giả lão thành còn dồi dào sức sáng tạo, cũng như các tác giả ở xa xôi hay người dân tộc thiểu số; nhưng trên hết Hội vẫn phải đặt tiêu chí chất lượng văn học nghệ thuật lên hàng đầu khi xét kết nạp hội viên.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ niềm vui với những gì mà năm qua các tác giả trong và ngoài nước đã đóng góp vào đời sống văn học nước nhà, qua đó cho thấy sức sống và vẻ đẹp của văn chương. Chủ tịch Hội cũng bày tỏ mong muốn các tác giả là hội viên mới sẽ không ngừng phấn đấu, sáng tạo để tạo ra những mùa văn chương bội thu.

HOÀI PHƯƠNG