Thứ Bảy, 25/05/2019 19:03

Hội thảo quốc gia Nghiên cứu và giảng dạy văn học về đề tài lịch sử dân tộc

Nội dung các tham luận có thể hình dung trên ba bình diện quan trọng: Những nghiên cứu khái quát, Những nghiên cứu trường hợp, Những nghiên cứu bàn về một số vấn đề trong dạy học văn học về đề tài lịch sử.

Sáng 25/5, tại Thanh Hóa, Tạp chí Văn nghệ quân đội (VNQĐ) cùng Trường Đại học Hồng Đức phối hợp tổ chức Hội thảo quốc gia Nghiên cứu và giảng dạy văn học về đề tài lịch sử dân tộc.

Chủ trì hội thảo là đại diện của Đại học Hồng Đức và Tạp chí VNQĐ

Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng nhìn lại những thành tựu và giới hạn của các sáng tác văn học về đề tài lịch sử dân tộc; động viên, khích lệ và, ở một mức độ nhất định, định hướng cho người sáng tác, nhằm giúp cho văn học về đề tài này đến gần hơn với độc giả. Hội thảo cũng là dịp để các nhà giáo, nhà nghiên cứu khoa học giáo dục đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng dạy học đọc hiểu các tác phẩm văn học về đề tài lịch sử, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, góp phần bồi dưỡng tình yêu, niềm tự hào về lịch sử dân tộc.

Trong lời phát biểu chào mừng hội thảo, PGS.TS. Hoàng Thị Mai (Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hồng Đức) nhấn mạnh: Hội thảo diễn ra lần này nhằm mục đích đưa văn học về đề tài lịch sử đến gần hơn với độc giả cũng như tìm ra các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học đọc hiểu các văn bản văn học về đề tài lịch sử, góp phần bồi dưỡng tình yêu, niềm tự hào dân tộc của thế hệ trẻ.

Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Tổng biên tập tạp chí VNQĐ chia sẻ: “Với một số người, lịch sử có thể đơn giản chỉ là lửa đã cháy xong. Nhưng với trí thức, đặc biệt các nghệ sĩ, xem ra lịch sử phức tạp hơn, nó là thì tương lai của hiện tại, và là tương lai của mọi tương lai [...] Lịch sử không phải là lửa đã cháy xong, trái lại, lịch sử luôn có sức lung lạc và thao túng hiện tại. Ý thức được điều ấy cho nên chúng ta mới có mặt tại đây để tìm cách gia tăng sức lan tỏa tích cực của lịch sử vào đời sống xã hội thông qua các tác phẩm văn học”.

Hội thảo tập trung trao đổi thảo luận về một số vấn đề quan trọng của việc nghiên cứu và giảng dạy văn học về lịch sử như: Tiểu thuyết lịch sử bằng chữ Hán; Văn học viết về đề tài lịch sử từ đầu thế kỷ XX đến 1945; Văn học viết về đề tài lịch sử từ 1945 đến nay, nhất là giai đoạn từ sau 1986; Giảng dạy các tác phẩm văn học về đề tài lịch sử dân tộc ở tất cả các cấp học trước và sau đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13.

Toàn cảnh hội thảo

Nhìn chung, các tham luận đều hướng tới thể hiện những vấn đề học thuật mới, được thực hiện nghiêm túc, công phu và đầy tâm huyết. Nội dung các tham luận có thể hình dung trên ba bình diện quan trọng: Những nghiên cứu khái quát, Những nghiên cứu trường hợp, Những nghiên cứu bàn về một số vấn đề trong dạy học văn học về đề tài lịch sử. Tại phiên làm việc, các nhà nghiên cứu đã nghe và thảo luận 08 chủ đề*.

Ngay sau khi kết thúc các tham luận, hội thảo đã trao đổi, tranh luận nhiều vấn đề liên quan đến văn học lịch sử và việc giảng dạy nghiên cứu văn học viết về lịch sử trong nhà trường. Các ý kiến tập trung vào việc minh định lịch sử là gì, lịch sử trong văn học là gì, nhà văn viết về lịch sử như thế nào, giới hạn của tưởng tượng, hư cấu...

Kết thúc buổi hội thảo, trong báo cáo tổng kết, TS. Phạm Duy Nghĩa, Phó tổng biên tập tạp chí VNQĐ đánh giá: Hội thảo lần này là một dịp quan trọng và ý nghĩa để các nhà văn, các nhà nghiên cứu, thầy cô giáo và sinh viên hiểu thêm các vấn đề về văn học lịch sử, từ đó chúng ta có thêm những hi vọng về một tương lai rực rỡ hơn của văn học viết về lịch sử. Sự công phu kỹ lưỡng trong các tham luận, ý kiến trao đổi tâm huyết của các quý vị đại biểu đã cho thấy sự thành công của hội thảo, đồng thời là động lực cho những hoạt động văn học nghệ thuật, khoa học tiếp theo”.

NGUYỄN THANH TÂM

*08 tham luận bao gồm:

Truyện ngắn về đề tài lịch sử trong văn học Việt Nam từ 1986 đến nay – xu hướng và thành tựu nổi bật (PGS.TS. Đinh Trí Dũng – Nxb Đại học Vinh);

Đặc trưng thể loại tiểu thuyết lịch sử và các khuynh hướng tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đầu thế kỉ XXI (TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh – ĐHSP HN 2);

Diễn ngôn lịch sử trong tiểu thuyết Mình và họ và Xác phàm (PGS.TS. Hỏa Diệu Thúy – Đại học Hồng Đức);

Tiểu thuyết lịch sử - từ trường hợp nhà văn Hoàng Quốc Hải (Nhà văn Phùng Văn Khai);

Đề tài lịch sử trong văn học qua bộ sách giáo khoa Lagarde et Michard của Pháp và chương trình giáo dục phổ thông mới ở Việt Nam (PGS.TS. Đào Duy Hiệp – ĐHKHXH&NV Hà Nội);

Sáng tạo và diễn giải lịch sử trong tiểu thuyết Việt Nam hiện đại qua trường hợp nhân vật công chúa An Tư (TS. Đỗ Hải Ninh – Viện Văn học);

Lịch sử là hiện tại – nhìn từ tiểu thuyết Kẻ sĩ thời loạn (NNC Nguyễn Hoài Nam – Báo Nhân Dân);

Nguyễn Huy Tưởng – lịch sử và văn chương (NNC Bùi Việt Thắng).