Biến thách thức thành cơ hội

Dạo qua website của một loạt nhà xuất bản (NXB), nhà sách, dễ thấy những giao diện bắt mắt. Vào trang của Fahasa, thấy ngay dòng chữ: “Sale mạnh đến 60% từ ngày 10-4 đến 16-4”; “Chống dịch tại gia giao hàng tận nhà, siêu giảm giá tới 70%”; “Bé ngoan ở nhà không chơi la cà”… là những combo sách bán online để mọi đối tượng độc giả thỏa sức lựa chọn, kèm những phần quà thiết thực trong thời gian toàn xã hội cách ly phòng, chống dịch Covid-19 như nước xịt khuẩn, khẩu trang… Chị Thùy Vân, nhà ở Times City (Hà Nội) cho biết, con trai chị học lớp 5 rất thích đọc sách. Trước đây, mỗi dịp cuối tuần, ngày nghỉ, mẹ con chị thường tới phố sách, nhà sách để chọn mua sách. Thời gian này con trai nghỉ ở nhà tránh dịch, chị Vân thường xuyên cùng con sử dụng dịch vụ mua sách online. Bởi theo chị, mua online rất tiện, có thể đọc thử vài trang giới thiệu, thấy ổn mới mua; đã vậy lại hay có chương trình giảm giá, giao hàng nhanh.

Hướng đi mới cho sách
Bạn đọc tham gia Ngày sách Việt Nam năm 2019.

Theo bà Lê Thị Hoài An, đại diện Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A, hiện nay dịch vụ bán sách online là giải pháp hữu hiệu. Từ nhiều năm nay, Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A đã mở dịch vụ bán sách theo hình thức này. Tuy nhiên, trong tình hình khó khăn do dịch Covid-19, để thu hút độc giả, ngoài việc thường xuyên có chính sách ưu đãi giảm giá 30-50% (tùy theo đầu sách), thì hình thức giới thiệu sách, quảng bá sách sao cho hấp dẫn trên mạng cũng được công ty chú trọng. Cách làm của Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A cũng là hướng đi của nhiều công ty. Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc NXB Văn học cho biết: "Trước đây, NXB Văn học chưa quan tâm đến phát hành online, vẫn phụ thuộc chủ yếu vào đối tác phát hành cũ nên doanh thu của NXB giảm rất mạnh. Nay chúng tôi đã và đang chủ động xây dựng kênh bán sách online của riêng mình”.

Điều dễ nhận thấy là nhiều bạn đọc đã lựa chọn hình thức mua sách qua mạng, giúp kênh phát hành sách online tăng mạnh. Theo ghi nhận của Tiki, đơn vị lớn nhất trong bán sách online hiện nay, thì trong hai tháng đầu năm 2020, tỷ lệ tăng trưởng mặt hàng sách tăng 150% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 5 mảng sách bán chạy nhất là văn học, kỹ năng sống, thiếu nhi, kinh tế và truyện tranh. Một số đơn vị khác như Fahasa, Anfabook, Nhã Nam, Phương Nam... đều ghi nhận sự tăng trưởng từ 20 tới hơn 70%. Sự tăng trưởng đột biến của phát hành sách online ít nhiều bù đắp một phần doanh thu cho các đơn vị, giúp các đơn vị có thêm cơ hội duy trì hoạt động.

Cùng thị trường sách online, thị trường sách điện tử cũng tăng mạnh. Waka-đơn vị duy nhất trong khối phát hành sách được cấp phép phát hành sách điện tử, doanh thu tăng khoảng 20-30% trong tháng 2; lượng người truy cập vượt 15.000, trong đó đối tượng bạn đọc VIP tăng đáng kể. Ông Nguyễn Anh Vũ nhận định, việc chuyển từ thị trường sách truyền thống sang thị trường sách điện tử là một thời cơ mở ra trong hoàn cảnh hiện nay, cho dù tận dụng thời cơ này cũng còn nhiều khó khăn nếu thiếu sự hỗ trợ từ nhà nước. Ví dụ, Hàn Quốc cần quãng thời gian 5-7 năm với sự hỗ trợ, kích cầu của nhà nước qua cơ chế tài trợ giá. Với Việt Nam, sách điện tử chưa được các NXB, nhà sách mặn mà quan tâm. Lý do chính là doanh thu còn thấp, nguy cơ xâm hại bản quyền cao.

Không để lỡ cơ hội vàng

Năm nay, không còn những hội sách lớn tổ chức vào tháng 4 mừng Ngày sách Việt Nam, diễn ra ở hầu khắp các tỉnh, thành phố. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hội sách 2020 chuyển sang hình thức mới-Hội sách online kết nối người làm sách với bạn đọc sẽ được tổ chức. TS Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sách Thái Hà (Thái Hà Books) cho hay: “Trong cái khó, thách thức đã mở ra hướng đi hội nhập cho ngành xuất bản, phát hành Việt Nam. Đây là sân chơi thời 4.0, là bước ngoặt vào kinh tế số, đồng thời thay đổi thói quen của bạn đọc. Trong thời cách ly này, nhiều người chọn đọc sách. Hội sách online là cơ hội vàng đưa bạn đọc và tác giả lại gần nhau, kéo các đơn vị làm sách và phát hành gần nhau hơn, tạo khí thế và cảm hứng đọc sách cho bạn đọc hơn. Thông qua đó, văn hóa đọc, để nâng lên một tầm mới, rõ ràng không chỉ cần có nhiều sách mà sách phải hay, phải hấp dẫn. Điều này buộc tư duy sáng tạo, tư duy cạnh tranh của các đơn vị xuất bản, phát hành phải thay đổi. Như vậy “vấn nạn” sách lậu, sách vi phạm bản quyền, kém chất lượng sẽ dần bị loại bỏ”.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) đánh giá: “Doanh thu online cao hơn nhiều so với các năm trước. Và quan trọng nhất, ngay khi biết tin có Hội sách online, nhiều đơn vị xuất bản và phát hành đã lập tức “nhảy” vào cuộc. Ngoài ra, Hội Xuất bản Việt Nam và các doanh nghiệp đang gấp rút họp bàn với hội xuất bản các nước ASEAN, nhằm tổ chức hội nghị online Hiệp hội Xuất bản khối ASEAN ngay trong tháng 4 này để chia sẻ kinh nghiệm của các nước; tiến đến cả 10 nước trong khối ASEAN có thể tổ chức Hội sách online”.

Cũng theo ông Nguyễn Nguyên, để giải quyết những khó khăn đã nêu, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã đề xuất nhiều giải pháp lâu dài mang tính chiến lược, như: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có luật khuyến đọc để đưa sách vào trường học, hình thành thói quen đọc sách của trẻ; xây dựng luật cơ chế giá sách (các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức... đều có luật này để khống chế việc giảm giá sách, tránh độc quyền trên thị trường); đẩy mạnh phát triển xuất bản điện tử; phát huy lợi thế Ngày sách Việt Nam, triển khai tốt giải thưởng sách để lan tỏa sách hay, sách tốt tới bạn đọc.

Hội sách online chào mừng Ngày sách Việt Nam lần thứ 7 diễn ra từ ngày 19-4 đến 20-5-2020 tại sàn Book365.vn (NXB Thông tin và Truyền thông). Lần đầu được tổ chức, mục tiêu của Ban tổ chức là đưa Hội sách online đến ít nhất 10.000.000 lượt bạn đọc, đạt 500.000 người truy cập, cung cấp 10.000 đầu sách cho người đọc.

Nguồn: QĐND (Châu Xuyên)