Thứ Hai, 26/04/2021 07:15

Huyền thoại những bờ vai con gái

Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái như một góc của cuộc chiến tranh, khiến cho thế hệ trẻ hôm nay thấu hiểu hơn những hi sinh xương máu của bao chiến sĩ cách mạng cho nền hòa bình thống nhất đất nước

Cảm xúc luôn bao trùm cả khán phòng rộng với gần 1000 sinh viên Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh và Đại học An ninh Nhân dân trong buổi giao lưu giới thiệu cuốn sách Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái của nhà văn Trầm Hương. Nhất là khi có sự hiện diện của 20 cựu Thanh niên xung phong (TNXP) đường 1C tham dự. Cuốn sách như một góc của cuộc chiến tranh, khiến cho thế hệ trẻ hôm nay thấu hiểu hơn những hi sinh xương máu của bao chiến sĩ cách mạng cho nền hòa bình thống nhất đất nước.

Nhà văn Trầm Hương tại buổi giao lưu giới thiệu cuốn sách. Ảnh: PV

Nhà văn Trầm Hương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh) là tác giả có nhiều thành công trong các tác phẩm đề tài chiến tranh cách mạng và người lính. Tác phẩm Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gáicủa chị đã đoạt giải Khuyến khích trong cuộc thi tiểu thuyết, truyện, kí về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ 4 do Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2020. Tác phẩm là một thành công nữa của Trầm Hương khi chị đã đưa được những “huyền thoại” vào trang sách.

Buổi giao lưu giới thiệu cuốn sách được tổ chức bởi Nhà xuất bản Công an Nhân dân, Cục Truyền thông Công an Nhân dân phối hợp cùng Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh và Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh nhân dịp Kỉ niệm 46 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021).

Năm 1966, để vận chuyển vũ khí từ miền Bắc chi viện cho miền Nam theo đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ trước đó chỉ đến miền Đông Nam Bộ, nay đã thông suốt đến tận mũi Cà Mau chính bởi tuyến đường 1C. Tuyến đường máu lửa này đã ghi nhận sự đóng góp của những nhân chứng đặc biệt: Những cô gái thanh niên xung phong. Với quân số hơn 800 người, trong đó 2/3 là nữ, đều ở lứa tuổi 14- 20, và họ đã dâng trọn tuổi xuân, làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, lương thực, đón bộ đội từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Tây Nam bộ.... trong gần 10 năm từ năm 1966 đến tháng 4/1975.

Đôi bàn chân con gái băng đồng, lội sông, vượt rừng, xông qua bão lửa đạn bom, mùa khô cõng trên lưng số hàng hoá gấp đôi trọng lượng cơ thể; mùa mưa lội sình, bùn, đẩy, kéo, bơi xuồng... chuyên chở vũ khí, phương tiện chiến tranh về các tỉnh miền Tây Nam Bộ, đưa đường cán bộ, bộ đội ngược xuôi khắp các chiến trường miền Tây, đồng thời chiến đấu chống địch, bảo vệ kho tàng, căn cứ... Vượt qua bao gian khổ không chùn bước, những người con gái 1C đã “gánh sông núi trên vai”, cho huyền thoại con đường bắt đầu.

"Đường 1C huyền thoại"- Tác phẩm đoạt giải của nhà văn Trầm Hương. Ảnh: TL

Từ huyền thoại” đường 1C lịch sử

Đây là một tác phẩm văn học phi hư cấu, được nhà văn Trầm Hương kể lại một cách chi tiết về con đường “Trường Sơn giữa Đồng bằng” mang mật danh 1C, từ ngày ra đời cho tới tháng 4/1975. Kể lại những gian khổ của lực lượng thanh niên xung phong, họ đã vượt qua cam go khốc liệt trong đạn bom hủy diệt, hi sinh tuổi thanh xuân trên con đường huyền thoại này…

Bộ Chỉ huy Liên quân Việt - Mĩ và vùng 4 chiến thuật của Quân đội Ngụy phát hiện ra con đường 1C này là “sinh mệnh” của chiến trường miền Tây, nên đã dốc toàn lực đối phó bằng những loại vũ khí mang tính sát thương và hủy diệt cao. Đồng thời, đối phương đã huy động hàng sư đoàn với các binh chủng phối thuộc bằng phương tiện hiện đại tràn ngập chiến trường, nhằm hủy diệt con đường 1C bằng mọi giá.

Một cuộc chiến không cân sức đã diễn ra giữa sức người và bom đạn… Địch tập trung phi pháo, các binh chủng kĩ thuật và chất độc hóa học kết hợp với sử dụng thám báo, biệt kích, quyết liệt đánh phá ngày đêm xuống tuyến đường 1C. Các chiến sĩ TNXP quê ở các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Cần Thơ, Trà Vinh, Rạch Giá, đã đem hết nhiệt huyết thanh xuân, chiến đấu và hi sinh trên tuyến đường lửa máu - nơi mà “sắt thép đều tan ra”.

Khu lòng chảo tuyến đường Vĩnh Tế- Tám Ngàn- Cái Sắn- Bảy Núi, Ba Hòn mà trung tâm là những cánh rừng với những địa danh Vĩnh Điều, Tràm Dưỡng, Đồng Cừ, Gộc Xây... đã hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn. Mùa mưa, nơi đóng quân nước ngập ngang lưng, không một gò đất khô, suốt ngày phải ngâm mình dưới nước. Mùa khô, địch đốt rừng, bắn phá, ném bom ác liệt, phong tỏa gắt gao. Có đợt các đơn vị đóng quân ở Cô Tô 27 ngày liền không có gạo.

Biết bao thành tích và chiến công của tuổi trẻ trong các đại đội TNXP mang tên Nguyễn Việt Khái - Mai Thanh Thế - Tây Đô - Hòn Đất... đã ghi tạc những trang sử kì lạ nhất của một thời quên mình chiến đấu để miền Nam thân yêu được giải phóng. Hàng trăm anh chị em đã hi sinh nằm rải rác khắp địa bàn dọc tuyến đường, từ hai bờ biên giới kinh Vĩnh Tế, qua mấy cánh rừng về Cái Sắn, đến Kiến Phong, Đồng Tháp, rồi Lung Bọt Thưa, Gộc Xây Nhỏ, Sóc Chuối, Tràm Dưỡng, Tràm Chuối, Tà Leng, Bảy Núi, Vĩnh Tế, Nam Thái Sơn… tập trung nhiều nhất là vùng núi Mo So, Ba Hòn, Hà Tiên, Cô Tô..., nơi nào cũng có hài cốt chiến sĩ TNXP đường 1C.

Suốt gần 10 năm liền sau khi hình thành, lực lượng TNXP đường 1C đã cùng chính quyền, du kích địa phương liên kết nhau, bám địa bàn, bền bỉ thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hàng chục ngàn tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh, đưa đường cho cán bộ, bộ đội ngược xuôi qua tuyến đường. Họ đã làm nên huyền thoại con đường 1C lịch sử.

Những con người bước ra từ trang sách

Cả khán phòng gần 1000 người xúc động trước sự hiện diện của các cô chú cậu dì tóc ngả bạc, có chú đi xiêu vẹo vì di chứng các vết thương, có dì bước chân run run thận trọng từng bậc thang, trong màu áo xanh TNXP, ngực đầy huân chương, gương mặt ai cũng sáng rỡ, ánh mắt lấp lánh một niềm vui.

Nhà văn Trầm Hương cùng các nhân chứng lịch sử giao lưu với khán giả. Ảnh: PV

20 TNXP từ các tỉnh Cà Mau, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng…, đại diện của hơn 800 TNXP, những người đã sống cả phần đời của hơn 400 liệt sĩ đường 1C huyền thoại đã về dự buổi giao lưu. Họ là những nhân chứng lịch sử bước ra từ những trang viết của nhà văn Trầm Hương. Họ kể những câu chuyện của họ, cả những câu chuyện đã được ghi lại và cả những câu chuyện chưa có trong sách, họ kể về đồng đội, kể về những gì họ từng trải qua, hầu hết đều là những câu chuyện “vượt ngưỡng” suy nghĩ, hình dung của thế hệ trẻ hôm nay.

Cô Lê Thị Út Mãnh, người con gái tham gia lực lượng TNXP tuyến đường 1C khi mới 16 tuổi, Đại Đội trưởng Đại đội Hòn Đất, Kiên Giang xúc động nói: “Không ai nhớ và ghi chép hết, cũng không bút mực nào viết hết sự gian khổ, hi sinh của TNXP 1C…”.

Bắt đầu bằng những câu chuyện vui nghe vừa buồn cười vừa thương, từ cách học “mã” các loại hàng hóa như: Súng đạn là “hàng X”, các loại phương tiên thông tin liên lạc gọi là “mắm”, máy móc hay tài liệu gọi là “hàng C”, dụng cụ y tế thuốc men gọi là “hàng BVK”, tiền vàng gọi là “hàng CD” hay “thuốc độc”… đến những việc như, vì điều kiện tác chiến trong địa bàn vừa rừng vừa sông nước…, nếu đề tóc dài sẽ gặp khó khăn khi cần cơ động, cả đơn vị nữ TNXP, hi sinh mái tóc dài.

Chúng tôi không dám soi gương, cũng không dám nhìn mình dưới mặt nước, bởi vì chúng tôi quá xơ xác, tàn tạ…”- cựu TNXP Nguyễn Thanh Hồng (Cà Mau) nhớ lại. Và câu chuyện cười ra nước mắt, trùm bao bố cột lại để che mắt một TNXP nam vì sợ ngó lén các nữ TNXP tắm (vì không có nhà tắm), đến nỗi anh phải xin ra đơn vị chiến đấu vì sợ cái cảnh bị trùm bao bít bùng…

Từ câu chuyện của cô gái Trần Thị Kim Thoa, 15 tuổi, ở đội Mai Thanh Thế, trong lúc đơn vị đi làm nhiệm vụ, một mình ở nhà, trực thăng địch đổ quân đánh chiếm doanh trại, đã dũng cảm, mưu trí đánh địch, đẩy lùi cả đại đội địch do 6 trực thăng đổ quân xuống; hay chuyện của cô y tá Lê Thị Hương kể về những lần cứu chữa đồng đội, và cắn răng bất lực khi vết thương quá nặng, không có thuốc.., kể về việc chồng xác đồng đội xếp lớp trên những chạc cây vào mùa nước nổi… đã được kể lại.

Cựu TNXP Tuyết Thu đã kể lại câu chuyện cùng đồng đội chờ đêm tối, bò ra khỏi hang Hòn ở phía mé biển, khéo léo kéo chiếc vỏ lãi được giấu sẵn từ trước, chất xong vũ khí đã được gói kĩ, cô cho chất đầy dưa hấu lên ghe, trên cắm cờ ba sọc, hai chiếc ghe chở 3.5 tấn vũ khí ung dung lướt qua những tàu tuần tra của địch về Hòn Đất an toàn. Cả hội trường xúc động khi nghe cô kể, chồng cô hi sinh khi cô mới 20 tuổi, rồi cô cứ ở vậy nuôi con, thủy chung với người chồng liệt sĩ.

Rồi chuyện về cô Hồ Thanh Hồng, sử dụng cối 82 và 61 li cùng các cô Hai Xuyến, Ba Huệ bắn cháy xe tăng M113 của địch càn vào trong trận bảo vệ kho hàng 500 tấn ở núi Bang Hang. Hay chuyện các cô lúc đó ráng vận chyển hàng hóa vũ khí để “kiếm” cái giấy khen “Dũng sĩ vận chuyển hàng” mà phần thưởng là tấm hình đám cưới anh hùng Nguyễn Văn Trỗi và chị Phan Thị Quyên- những biểu tượng anh hùng cách mạng - thần tượng của tuồi trẻ miền Nam lúc bấy giờ.

Và hậu chiến….

Cuốn sách gồm 9 chương: Mẹ ơi, đường 1C là gì? Họ là ai, họ từ đâu đến?; Những người con gái không có tuổi, sức chịu đựng gian khổ; Những chiến công huyền thoại; Voi, trâu, bò cùng vào trận; Những “chiến sĩ áo trắng” trên tuyến đường 1C; Những cái chết đau thương; Những tấm gương anh hùng; Những mảnh đời sau chiến tranh; Tấm lòng đồng đội. 10 năm con đường viết nên huyền thoại trong chiến tranh, thì cũng là 10 năm nhà văn Trầm Hương ròng rã “nuôi” ý tưởng và thực hiện hàng trăm cuộc gặp gỡ, lần tìm, dò hỏi, và trở đi trở lại bao lần trên cung đường 1C ngày xưa để tìm lại những nhân chứng, hình dung ra con đường…

Tôi sắp xếp mọi thứ cần thiết chuẩn bị cho chuyến đi về miền Tây để gặp gỡ các nhân chứng tuyến đường 1C huyền thoại. Vậy mà giải thích đường 1C là gì, tôi không biết phải bắt đầu từ đâu để nói lên tầm vóc to lớn của tuyến đường mà chính những người trong cuộc đã thốt lên: “Chắc chắn không ai nhớ và ghi chép xuể, cũng không bút mực nào tả hết sự gian khổ, hi sinh của lực lượng TNXP trên tuyến đường huyền thoại này”- Nhà văn Trầm Hương chia sẻ tại buổi giao lưu giới thiệu cuốn sách.

Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái dành hai chương cuối để nói về thời hậu chiến của những TNXP đường 1C. Sau chiến tranh, họ trở về, niềm vui hòa bình quá lớn, họ trở về sống cuộc đời bình dị trong nhiều thiếu thốn, nghèo khó mà không than vãn, không đòi hỏi… cũng không hề nghĩ đến công lao, sức lực đã cống hiến. Họ thấy được sống đã là hạnh phúc.

Câu chuyện của các nữ TNXP mang lại nhiều xúc cảm cho buổi giao lưu giới thiệu cuốn sách. Ảnh: PV

Trong tác phẩm cũng có những trang viết đầy xúc động về các cô các dì như Tuyết Thu, Út Mãnh… đi tìm đồng đội, đi qua đi lại các cung đường 1C xưa kia, ngắm từng cái cây, gò đất, từng bờ sông rạch…, để nhớ lại ngày xưa nơi đồng đội mình nằm lại, và quy tập về nghĩa trang liệt sĩ quê hương. Có những ngôi mộ tập thể đồng đội đồng chí nằm bên nhau mãi mãi.

Sau bao năm, những TNXP đường 1C đã được tri ân, những đóng góp của họ đã được ghi nhận, tôn vinh. Qua sự kết nối của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, từ bà Bảy Huệ- Phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, 100 căn nhà tình nghĩa trị giá 5 tỉ đồng do một doanh nhân cựu chiến binh hỗ trợ đã đến với những TNXP đường 1C.

Đặc biệt, từ buổi giao lưu này, những cựu TNXP đường 1C đã truyền cảm hứng đến thế hệ trẻ hôm nay qua những câu chuyện về một phần đời gắn với con đường huyền thoại. Phát biểu tại buổi giao lưu giới thiệu cuốn sách, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Tấn Phát khi nói về lực lượng TNXP đường 1C đã tóm gọn trong 6 chữ: Cảm phục- Ghi nhớ- Biết ơn.

Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái như một góc của cuộc chiến tranh, khiến cho thế hệ trẻ hôm nay thấu hiểu hơn những hi sinh xương máu của bao chiến sĩ cách mạng cho nền hòa bình thống nhất đất nước để càng thêm trân trọng nền độc lập hôm nay, đồng thời thấy được trách nhiệm công dân của mình với Tổ quốc.

HOÀI HƯƠNG