Dịp kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2020), Ban Thường vụ Thành đoàn TP Hồ Chí Minh cùng Câu lạc bộ Truyền thống Thành đoàn thực hiện ấn phẩm sách “Thành Đoàn cùng quân và dân Sài Gòn-Gia Định tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Với 5 chương, hơn 500 trang, sách tập hợp các bài viết của những nhân chứng lịch sử là các cán bộ Thành Đoàn, đoàn viên thanh niên… trong thời kỳ kháng chiến. Đó là những câu chuyện, lời kể, hồi ký sâu sắc, cảm động, chân thực của các quần chúng ưu tú giác ngộ cách mạng.

Đồng chí Hoàng Đôn Nhật Tân (bí danh Sáu Triều), trực tiếp tham gia phong trào của tuổi trẻ thành phố trong kháng chiến và trực tiếp biên soạn sách, cho biết: “Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, Thành đoàn Thành phố khẩn trương và bí mật triển khai lực lượng phụ trách 5 điểm khởi nghĩa, nổi dậy giành chính quyền tại các khu vực nội thành gồm: Khu vực Ngã Bảy-Bàn Cờ-Vườn Chuối (quận 3), khu vực Cầu Kiệu (quận Phú Nhuận), khu vực Khánh Hội-Xóm Chiếu (quận 4), khu vực Cầu Bông-Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), khu vực Tân Phú-Tân Hương-Tân Thái Sơn-Tân Kỳ-Bà Quẹo (quận Tân Phú). 5 điểm khởi nghĩa nêu trên có vị trí chiến lược phù hợp ý đồ chỉ đạo của Bộ chỉ huy tiền phương vừa tiếp cận trung tâm đầu não chỉ huy của địch như Dinh Độc Lập, Tòa đại sứ”.

Khắc ghi truyền thống hào hùng của tuổi trẻ
Bìa cuốn sách.

Cũng theo đồng chí Hoàng Đôn Nhật Tân, lực lượng nòng cốt tham gia của tuổi trẻ thành phố là học sinh, sinh viên, thanh niên, công nhân lao động… Ngôi nhà số 115 đường Bàn Cờ (quận 3) chính là điểm treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đầu tiên, đồng thời là điểm chỉ huy chung của 5 khu vực khởi nghĩa nội thành do Thành đoàn phụ trách. Ông Tân nhớ lại: “Để chuẩn bị đón Quân Giải phóng vào thành phố, các đoàn viên tổ chức những cơ sở nắm tin tức thường xuyên, thành lập đội cứu thương lưu động, đội vận động quần chúng, nắm tình hình từng gia đình… Nhiều gia đình là cơ sở cách mạng nuôi giấu cán bộ cốt cán trong phong trào học sinh, sinh viên các trường: Cao Thắng, Petrus Ký, Gia Long... Có gia đình âm thầm may cờ, khẩu hiệu cả ngày đêm”.

Từng chương của cuốn sách giúp người đọc hiểu thêm về những cánh quân khác có lực lượng Thành đoàn phối thuộc tham gia khởi nghĩa và phát động nhân dân nổi dậy giành chính quyền mùa Xuân năm 1975. Các mũi nhọn vũ trang tiến công từ vùng ven nông thôn, các cánh quân từ căn cứ Thành đoàn tiến vào nội đô, cơ sở nội tuyến và lực lượng tù chính trị nổi dậy giải phóng các nhà giam… Mỗi câu chuyện là bài học sâu sắc về vai trò quần chúng, nhất là của tuổi trẻ thành phố trước các cột mốc lịch sử, trước những vận mệnh chung của đất nước, dân tộc, về tinh thần hòa hợp dân tộc. Đồng chí Phan Thị Thanh Phương, Phó bí thư Thường trực Thành đoàn Thành phố nhận định: “Nhìn lại những trang sử vẻ vang đó, thế hệ trẻ ngày nay vô cùng tự hào và cảm phục thế hệ cha anh. Tuổi trẻ thành phố được vinh dự góp phần cống hiến trong giờ phút cuối cùng giành thắng lợi hoàn toàn. Qua những bài viết trong sách đã thể hiện trang sử vẻ vang của tuổi trẻ Thành phố mang tên Bác, góp phần tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố đi lên cùng cả nước, vì cả nước”.

Nguồn: QĐND (Thư Lê)