Thứ Tư, 07/04/2021 16:47

“Khắc Hân, Khắc Gỗ” - Một triển lãm đồ họa mãn nhãn

Nhìn xa, rất dễ nhầm với tranh khắc lõm, thậm chí là tưởng các tác phẩm digital art, rất khó để đoán họa sĩ dùng thủ pháp gì. Nguyễn Khắc Hân dường như đã nâng tầm nghệ thuật khắc gỗ truyền thống lên một bước mới.

Các tác phẩm đồ họa thường khó đem lại cho người xem những cảm xúc thăng hoa mãnh liệt, nhưng triển lãm của Nguyễn Khắc Hân đã làm được điều này. Những tác phẩm đồ họa khổ lớn công phu của anh đã đem lại một cảm giác choáng ngợp cho người xem. Triển lãm có tên "Khắc Hân, Khắc Gỗ", diễn ra tại Art Space (42 Yết Kiêu, Hà Nội).

Họa sĩ Nguyễn Khắc Hân tại triển lãm. Ảnh: PV

Triển lãm trưng bày 15 bức tranh khắc gỗ khổ lớn, trong đó có vài bộ 3 đã đoạt giải trong nước và quốc tế của họa sĩ Nguyễn Khắc Hân. Nội dung chính của triển lãm khắc họa khoảng trời tuổi thơ đang ngày càng bị thu hẹp trước cuộc sống đô thị hóa. Với một câu chuyện khá thời sự mang tính “phản biện xã hội” như vậy nhưng tác giả đã thành công khi truyền tải đến người xem bằng ngôn ngữ mĩ thuật đạt đến độ rung cảm.

Có thể nội dung này không phải mới nhưng cái mới ở đây chính là cách kể chuyện. Nguyễn Khắc Hân đã nâng tầm khắc gỗ truyền thống lên một ngưỡng mới, đó là anh diễn tả thành công Khối và Độ, hai yếu tố còn hạn chế bởi chất liệu khắc gỗ. Hình trong không gian rất mềm, tựa như vẽ bằng bút sắt vậy. Sắc độ và độ chuyển cũng rất phong phú, êm bởi sự gia tăng nhiều nét nhỏ. Khối nổi bung và rất chính xác theo lối tả thực. Đó là những cảm nhận về các tác phẩm trưng bày tại triển lãm.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam tại triển lãm của Nguyễn Khắc Hân. Ảnh: PBC

Điều thú vị ở mỗi tác phẩm đó là độ tinh xảo của chúng. Nhìn xa, rất dễ nhầm với tranh khắc lõm, thậm chí là nhầm tưởng là các tác phẩm digital art, rất khó để đoán họa sĩ dùng thủ pháp gì. Nguyễn Khắc Hân dường như đã nâng tầm nghệ thuật khắc gỗ truyền thống lên một bước mới. Như để trả lời cho những thắc mắc này, họa sĩ đã bày mấy tấm gỗ MDF và 3 con dao khắc trong triển lãm như những vật chứng cho quá trình tạo tác của mình.

Bên cạnh kĩ thuật tranh khắc gỗ dường như đã đạt tới đỉnh cao, Nguyễn Khắc Hân cũng bộc lộ khả năng sáng tác tranh bộ. Các bức vẽ khắc từ 3, 5, 6 bức ghép lại đã tạo ra ấn tượng mạnh mẽ về thị giác và cho thấy sự công phu trong ý tưởng và thực hiện ý tưởng của họa sĩ. Những tác phẩm như Hạnh phúc bên ô cửa (70cm x 100cm x 3 tấm), Đánh cắp giấc mơ (70cm x 100cm x 3 tấm), Trong bóng tối (70cm x 100cm x 6 tấm), Biến dạng (70cm x 70cm x 5 tấm), Nhà hộp (30cm x 109cm x 5 tấm), Tập bắn (70cm x 100cm x 5 tấm)… đã mang lại sự ngạc nhiên cho người xem cũng như sự nể phục của người trong giới.

Rất nhiều lớp cùng hiện diện một cách tinh xảo đã làm nên sự phong phú và mềm mại cho một bức tranh khắc gỗ.  Ảnh: PBC

Sự mới mẻ ở bộ tranh này không phải là chất liệu mới, kĩ thuật mới mà chính là sự "vượt ngưỡng", khắc phục được những hạn chế cố hữu, với sự diễn tả không kém hội họa mà và vẫn có cái đặc trưng của đồ họa là sự mạnh mẽ, cô đọng. Nguyễn Khắc Hân đã tạo tiền đề mới cho tranh khắc gỗ Việt Nam.

Họa sĩ Khắc Hân sinh năm 1978 tại Bắc Ninh. Triển lãm “Khắc Hân, Khắc Gỗ” đánh dấu 10 năm lao động nghệ thuật của anh với những tìm tòi sáng tạo với tranh khắc gỗ đen trắng.

Cũng trong dịp triển lãm này Nguyễn Khắc Hân đã ra mắt cuốn sách Khắc Hân khắc gỗ gồm 92 trang khổ 23,5cm x23,5cm giới thiệu gần như đầy đủ các tác phẩm quan trọng của họa sĩ sáng tác trong hơn 10 năm qua với lời giới thiệu của PGS.TS Nguyễn Nghĩa Phương, Trưởng khoa Đồ họa trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Một số hình ảnh tác phẩm khắc gỗ của Nguyễn Khắc Hân tại triển lãm:

Những bức tranh ghép khổ lớn đã tạo ra sự choáng ngợp. 
Tác phẩm "Một mình - 1" mô tả một cậu bé chơi xe ô tô nhựa trên một nền đen, xung quanh họa sĩ khắc các hình ảnh về văn hóa dân gian truyền thống kì công, tạo cảm xúc mạnh cho người xem. 
Điều thú vị là sau đó tác phẩm đã được bổ sung các chi tiết.
Những hình tượng từ tranh dân gian Việt Nam được thể hiện công phu, tinh xảo chỉ bằng dao khắc trên gỗ đúng như tên gọi "tranh khắc gỗ".
Khán giả nhí xem tranh.

Họa sĩ Phạm Bình Chương