Thứ Ba, 06/10/2020 12:45

Khám phá cuộc đời thiên tài vật lí Stephen Hawking

Câu chuyện về một trong những nhà vật lí có ảnh hưởng nhất trong thời đại chúng ta - Stephen Hawking, đã chạm đến trái tim của hàng triệu người.

Câu chuyện về một trong những nhà vật lí có ảnh hưởng nhất trong thời đại chúng ta - Stephen Hawking đã chạm đến trái tim của hàng triệu người. Nhớ lại gần hai thập kỉ của mình với tư cách là cộng tác viên và là người bạn của Hawking, Leonard Mlodinow đưa "người đàn ông phức tạp này" trở thành tâm điểm của một chân dung cá nhân độc đáo và sâu sắc có tên Stephen Hawking: A Memoir of Friendship And Physics (tạm dịch: Stephen Hawking: Hồi kí về tình bạn và ngành Vật lí).

Bìa cuốn hồi ký. Ảnh: Amazon.

Hầu hết chúng ta đều biết đến những câu chuyện nổi tiếng về nhà vật lí thiên tài Stephen Hawking: những năm đại học của ông tại Oxford; chẩn đoán gây sốc về bệnh thần kinh vận động khi ông 21 tuổi; sự suy giảm chậm chạp của cơ thể ông trong nửa thế kỉ; tình yêu và hai cuộc hôn nhân của ông; nghiên cứu của Stephen Hawking về bản chất của các lỗ đen đã giúp ông trở thành một trong những nhà khoa học lỗi lạc nhất trong thế hệ của mình; và tất nhiên là việc xuất bản cuốn Lược sử thời gian, cuốn sách đã biến ông thành một biểu tượng, một thiên tài trên xe lăn.

Sau này có rất nhiều cuốn tiểu sử dựa trên cuộc đời và sự nghiệp phi thường của ông được viết như: My Brief History (tạm dịch: Lịch sử tóm tắt của tôi) hay bộ phim tiểu sử The Theory of Everything (Thuyết Vạn vật) với sự tham gia của diễn viên Eddie Redmayne trong vai giáo sư Hawking. Nhưng cuốn sách mới Stephen Hawking: A Memoir of Friendship And Physics rất thú vị và khác biệt.

Hồi kí dài 240 trang này vắng mặt những lời ca tụng vẫn thường thấy khi đứng trước một tài năng và tâm hồn xuất chúng, hay những con người chiến thắng nghịch cảnh, mà sách là những câu chuyện dịu dàng, đầy tình cảm chân thành và tập trung cao độ vào Stephen Hawking: tính cách, đời sống, những khó khăn của ông, của người vợ hay những người chăm sóc ông phải đối mặt.

Tác giả Leonard Mlodinow là một nhà vật lý và là một nhà văn khoa học, là bạn bè đồng nghiệp đã cộng tác với Hawking trong nhiều năm. Họ đã đồng viết hai cuốn sách bán chạy nhất: A Briefer History of Time (Lược sử thời gian) và The Grand Design (Bản thiết kế vĩ đại). Quá trình hợp tác viết hai cuốn sách đó đã tạo nên bối cảnh cho cuốn hồi kí mới nhất này.

Nếu nhiều người khi gặp Hawking lần đầu tiên đều cảm thấy có những khoảng lặng khó xử khi họ chờ ông soạn các câu trả lời trên máy tính, cũng có một số người thân thiết với ông, có thể diễn giải suy nghĩ và câu trả lời của ông bằng nét mặt: sự di chuyển ánh mắt, nhăn mặt, nhướng mày hay mỉm cười; thì Mlodinow kể lại cuộc gặp gỡ đầu tiên với Hawking siêu thực hơn.

Khi đến gặp mặt Hawking tại văn phòng của nhà vật lí này ở Cambridge, Mlodinow quan sát má của Hawking co giật, lập tức cảm biến từ xa được tích hợp trong kính Hawking chuyển thành chuyển động của con trỏ nhấp vào màn hình máy tính. Sau một thời gian dường như xác nhận thuyết tương đối của Einstein, giọng nói trên máy tính của Hawking đã thốt lên hai từ: “Quả chuối”. Hóa ra Hawking đang nói chuyện với Sandi - người chăm sóc của mình đang ngồi trong phòng. Sau khi cô đi khỏi để lấy đồ ăn nhẹ cho mình, Hawking mới soạn dòng chữ mà Mlodinow mong đợi: “Chào mừng đến với DAMTP” (khoa toán học ứng dụng và vật lí lí thuyết nổi tiếng của Cambridge).

Stephen Hawking trải nghiệm tình trạng không trọng lực trong một chuyến bay qua Đại Tây Dương năm 2007. Ảnh: Zero G / Getty Images

Hồi kí cũng đề cập đến những sự kiện nổi bật có ảnh hưởng tới học vấn, sự nghiệp và cuộc đời của nhà thiên tài vật lí Hawking. Như chúng ta biết, năm 17 tuổi, Hawking được nhận vào học chuyên ngành vật lí ở Đại học Oxford và học lên cao học chuyên ngành vũ trụ học ở Đại học Cambridge năm 1963. Ở tuổi 21, Hawking bị chẩn đoán mắc một dạng bệnh về tế bào thần kinh vận động hiếm gặp hay còn gọi là bệnh Lou Gehrig: căn bệnh dần phá hủy các tế bào thần kinh vận động từ não đến tủy sống và các cơ.

Khi ông chuẩn bị cưới người vợ đầu tiên Jane Wilde, các bác sĩ cho rằng Hawking không thể sống quá hai năm, song sau này Hawking đã kiên cường sống với nó hơn năm mươi năm. Dù vậy, Mlodinow khắc họa, Hawking luôn nghĩ rằng cái chết đã đến gần. Ông không có thời gian để lãng phí. Khi còn trẻ, ông là kẻ ngông nghênh, thiếu tập trung. Mlodinow viết: “Một số người trong hoàn cảnh của ông ấy có thể tìm đến Chúa, Stephen đã tìm đến và thấy vật lí. Ông ấy quyết định hoàn thành chương trình tiến sĩ và thấy ngạc nhiên nhận ra rằng mình thích công việc này”.

Hawking đã chọn vũ trụ học, đề tài rất ít nhà vật lí lí thuyết khác quan tâm. Ông đã đạt được bước ngoặt lớn đầu tiên vào giữa những năm 1960 khi đưa ra những ý niệm mới về sự phát triển của vũ trụ. Từ đó, ông bắt đầu nghiên cứu về các hố đen. Phần lớn điều chúng ta biết về những hiện tượng bí ẩn đó ngày nay bắt nguồn từ chính sự dày công nghiên cứu của Hawking.

Hồi kí cũng cho thấy nhiều tính cách thú vị của Hawking. Ông là người lí trí, phi tôn giáo, thiếu kiên nhẫn, say mê khoa học. Dù ốm yếu và sức khỏe hao mòn dần, ông cũng ham thích giao lưu, dự tiệc và đi du lịch khắp thế giới. Ông cũng thích pháo hoa và bố trí những màn trình diễn khổng lồ, đắt tiền. Cuốn sách viết: “Đôi khi có ai đó gọi cảnh sát, họ đến và bảo ông dừng lại. Sau khi cảnh sát rời đi, Stephen sẽ cho bắn pháo hoa trở lại”.

Tại một thời điểm khi viết Bản thiết kế vĩ đại, Hawking muốn tuyên bố một điều chắc chắn sẽ gây tranh cãi, rằng "triết học đã chết" - ngụ ý rằng vật lý lý thuyết giờ đây đã thay thế nó như một phương tiện mà bây giờ chúng ta có thể trả lời những câu hỏi sâu sắc nhất về bản chất của thực tế. Mlodinow muốn làm mềm tuyên bố này bằng một sắc thái khác “như một cách để hiểu thế giới vật chất, triết học đã chết". Nhưng Hawking kiên quyết nói rằng, câu nói mới mà Mlodinow đề nghị không mang lại một “tiếng nói lớn”, “không có đòn giáng mạnh”. Hawking biết rằng tuyên bố của ông sẽ khiến nhiều người tức giận, nhưng Mlodinow nói, Hawking vẫn theo cách liều lĩnh “thích gây xôn xao” đó và cuối cùng, tất nhiên ông đã chứng minh được con đường mình đi.

Stephen Hawking cùng với Leonard Mlodinow - tác giả cuốn sách. Ảnh: inews

Hawking nổi tiếng với lòng dũng cảm. Sự bướng bỉnh và tinh quái của ông cũng không phải là những phát hiện mới. Nhưng chúng ta không thường nghe về tính dễ bị tổn thương của ông. Bị mắc kẹt bên trong cơ thể, dù là một thiên tài vật lý, nhưng ông không có khả năng làm những việc đơn giản mà tất cả chúng ta đều cho là đương nhiên, chẳng hạn như gãi ngứa hay lau mồ hôi… Do vậy, ông luôn tự cảm thấy thương chính bản thân mình và tâm hồn dễ bị tổn thương bởi những yếu tố bên ngoài...

Hawking có đời sống riêng về tình yêu và hôn nhân trải qua nhiều sóng gió. Kết hôn với Jane được hơn 20 năm, ông bất ngờ dành tình yêu nồng nhiệt cho một y tá, người chăm sóc ông là Elaine để rồi li dị Jane đến với Elaine. Khi hơn 60 tuổi, Hawking lại yêu Diana, nhưng không kết hôn vì các con của ông không chấp thuận. Cả ba người phụ nữ trong cuộc đời ông đều rất sùng đạo, trái ngược với Hawking. Tất cả những câu chuyện này đều được Mlodinow kể lại trong cuốn hồi ký một cách chân thực và đầy cảm xúc.

Cuốn hồi kí cũng đề cập tới chuyện tiền bản quyền sách và sự nổi tiếng tiếng sau này của Hawking đã mang lại cho nhà vật lí hàng triệu USD. Ông đã dùng số tiền này chi cho những người thân, những người chăm sóc và phụ giúp công việc mà ông cần. Mối quan hệ của họ với Hawking, theo Mlodinow kể lại, đôi khi hỗn loạn, nhưng chủ yếu vẫn quy củ với các thói quen hàng ngày của nhà vật lí, từ đó cho độc giả thấy những điều chưa từng biết đến trong cuộc sống của ông. Câu chuyện này, được kể một cách hài hước và thú vị.

Stephen Hawking: A Memoir of Friendship And Physics là cuốn sách tuyệt vời cho thấy một tình bạn đẹp đẽ, sự trân trọng, yêu quý của tác giả đối với người bạn tài năng của mình; đặc biệt hơn là câu chuyện giúp độc giả khám phá rõ ràng, gần gũi, sống động và giàu cảm xúc hơn về con người và cuộc sống của Stephen Hawking – một nhà vật lí thiên tài đáng ngưỡng mộ và khâm phục!

BÌNH NGUYÊN theo The Guardian, Thetimes và publishersweekly