Thứ Hai, 09/07/2018 09:53

Khẳng định tầm vóc và bài học lịch sử Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh 1968

Sáng 9/7, tại Nghệ An, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo khoa học “Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh 1968 - Tầm vóc và bài học lịch sử” nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đường 9-Khe Sanh 1968.

Sáng 9-7, tại Nghệ An, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo khoa học “Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh 1968 - Tầm vóc và bài học lịch sử” nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đường 9-Khe Sanh 1968.

Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì hội thảo.

Dự hội thảo có Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Tư lệnh Quân khu 4; các đồng chí lão thành cách mạng, tướng lĩnh, anh hùng LLVT nhân dân, đại biểu lãnh đạo bộ, ban ngành Trung ương và các địa phương; đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài quân đội.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu đề dẫn hội thảo


Báo cáo đề dẫn do Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày tại hội thảo đã khái quát: Cách đây tròn 50 năm, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam; Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh đã quyết định mở Chiến dịch tiến công Đường 9 - Khe Sanh, nhằm nghi binh chiến lược, thu hút, giam chân, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận chủ lực quân Mỹ-Ngụy.

Đòn nghi binh chiến lược Đường 9 - Khe Sanh đã giành thắng lợi to lớn, cả về chính trị và quân sự; góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, làm thay đổi cục diện chiến trường, đập tan ý chí xâm lược của Mỹ, đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam sang giai đoạn mới. Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh 1968 là kết quả của đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; tiêu biểu cho trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đặc biệt là các lực lượng trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong suốt chiến dịch; thể hiện sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa hậu phương với tiền tuyến; đồng thời, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Trải qua hơn 170 ngày đêm chiến đấu gian khổ, quyết liệt, ngày 15-7-1968, Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh kết thúc thắng lợi; ta đã phá tan hệ thống phòng thủ chiến lược của Mỹ trên Đường 9, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), giữ vững tuyến đường chi viện Bắc - Nam; tạo điều kiện cho hướng tiến công chiến lược chủ yếu đánh vào các thành phố, thị xã trên toàn miền Nam.

Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh thể hiện ý chí quyết tâm cao của quân và dân Việt Nam trước quân đội nhà nghề của Mỹ được trang bị hiện đại. Lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân ta mở chiến dịch tiến công hiệp đồng quân binh chủng, đột phá trực tiếp vào tuyến phòng ngự mạnh của quân Mỹ, đánh bại các sư đoàn thủy quân lục chiến, kỵ binh không vận của quân đội viễn chinh Mỹ, buộc chúng phải tháo chạy khỏi Khe Sanh.

Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh Xuân - Hè 1968 mang tầm vóc và ý nghĩa chiến lược quan trọng, gây chấn động nội tình nước Mỹ và thế giới, viết nên “một câu chuyện thần kỳ”, góp phần đảo lộn thế chiến lược của địch trên chiến trường, giáng đòn nặng nề vào ý chí xâm lược của giới cầm quyền Nhà Trắng, trở thành biểu tượng sức mạnh, ý chí quyết tâm và lòng tự hào của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Thượng tướng Lê Chiêm phát biểu tại hội thảo


Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Lê Chiêm khẳng định: Năm thập niên đã trôi qua, nhưng Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh Xuân - Hè 1968 vẫn mãi là biểu tượng sáng ngời của ý chí kiên cường, tinh thần quật khởi, quyết tâm chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhằm khẳng định tầm vóc, ý nghĩa to lớn của Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh Xuân - Hè 1968, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Chiến thắng Đường 9-Khe Sanh 1968 - Tầm vóc và bài học lịch sử”. Ban Tổ chức đã nhận được gần 80 báo cáo, tham luận của các cơ quan Trung ương, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các địa phương, các tướng lĩnh, sĩ quan, nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội. Các tham luận khoa học đã đề cập một cách toàn diện, phong phú, sâu sắc xoay quanh chủ đề Hội thảo.

Đoàn chủ tịch hội thảo
 

Thượng tướng Lê Chiêm đề nghị, tại hội thảo, các tham luận cần tập trung làm sáng tỏ một số vấn đề về tình hình quốc tế và trong nước, âm mưu, thủ đoạn của Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ”; ý đồ xây dựng hàng rào điện tử McNamara và thiết lập tập đoàn phòng ngự Đường 9 - Khe Sanh của Mỹ; khả năng, biện pháp ứng phó của Mỹ và chính quyền Sài Gòn trước đòn tiến công của quân và dân ta. Các tham luận cũng cần đi sâu khẳng định chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bộ Tổng Tư lệnh, trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Quân ủy Trung ương - nhân tố quan trọng và có ý nghĩa quyết định thắng lợi của Chiến dịch tiến công Đường 9 - Khe Sanh Xuân - Hè 1968; phân tích làm rõ quá trình chuẩn bị, đảm bảo tác chiến hiệp đồng quân binh chủng của các lực lượng; sự chi viện của hậu phương miền Bắc; đóng góp của quân và dân trên địa bàn chiến dịch; tái hiện diễn biến Chiến dịch tiến công Đường 9 - Khe Sanh; nêu bật nét đặc sắc của nghệ thuật tổ chức và điều hành chiến dịch, trình độ chỉ huy, hiệp đồng tác chiến quân binh chủng, khả năng cơ động và thực hành chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ; sự phối hợp hiệp đồng chiến đấu và phục vụ chiến đấu giữa các lực lượng trên chiến trường; phân tích tác động, ảnh hưởng của Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh đến thế và lực của ta trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968… Trên cơ sở đó, đưa ra những nhận định, đánh giá đầy đủ, sâu sắc hơn về tầm vóc, ý nghĩa, giá trị lịch sử cũng như những thiếu sót trong chỉ đạo và thực hành Chiến dịch.

 Các đại biểu về dự hội thảo


Hội thảo cần nghiên cứu bổ sung làm rõ thêm những kinh nghiệm có giá trị lý luận và thực tiễn từ Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh Xuân - Hè 1968 để vận dụng và phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, củng cố quốc phòng an ninh trong tình hình mới, đồng thời giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, phê phán các quan điểm, tư tưởng sai trái, bảo vệ thành quả cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta.

Với quan điểm khách quan, khoa học và phương pháp tiếp cận mới, Thượng tướng Lê Chiêm tin tưởng rằng Hội thảo khoa học: “Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh 1968 - Tầm vóc và bài học lịch sử” sẽ thành công tốt đẹp. Kết quả của hội thảo góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước và Quân đội trong năm 2018; nâng cao niềm vinh dự và tự hào về lịch sử, truyền thống hào hùng của dân tộc ta, củng cố niềm tin và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nguồn: QĐND (Tiến Đạt, Trần Hoài)