Thứ Bảy, 13/10/2018 15:26

Không đơn thuần thị giác

Tháng thực hành nghệ thuật năm 2018 với chủ đề “Hữu hình - Vô hình” được tổ chức tại Heritage Space, số 28 Trần Bình, Hà Nội, gồm hai giai đoạn: Sáng tác nghệ thuật và hoạt động trao đổi từ ngày 1.10 - 10.11; triển lãm từ ngày 10.11 - 9.12.
Nếu chỉ nhìn bằng đôi mắt, thế giới sẽ vĩnh viễn tồn tại trong họ như những vật thể hữu hình. Tháng thực hành nghệ thuật năm 2018 sẽ để các nghệ sĩ cảm thụ cuộc sống xung quanh bằng cách tiếp cận hoàn toàn khác.
 

Hữu hình và vô hình

Nghệ sĩ lãng mạn tiền phong Đức Novalis từng nói “Chúng ta gắn bó với vô hình hơn là với hữu hình”, bởi vô hình từ muôn đời nay vẫn được xem là đối tượng của tưởng tượng, của tò mò, của sáng tạo. Nếu như với người này vô hình được hiểu như không tồn tại thì với nhiều người khác, vô hình hiện diện ngay trong cuộc sống thường nhật. Và nếu như ai đó chưa một lần trong đời biết đến vô hình, nhiều người đã viết hoặc vẽ, hoặc kể lại nó như một điều quen thuộc. Ở nơi này là những chuyện giấu vào bên trong, là không gian rỗng phía sau chiếc mặt nạ, thì ở nơi khác lại là chiếc áo mặc ngoài, biến hình kỳ ảo. Phía sau những nụ cười gượng ép, phía sau lớp ngôn từ đẹp đẽ mà trống rỗng sẽ là gì nếu không phải vô hình? Còn những kỷ niệm, ký ức... tuy vô hình nhưng lại hoàn toàn cụ thể đến mức có thể chạm tới, thấy được, làm người ta vui sướng hay đau đớn một cách rõ ràng. Những cái vô hình vì vậy, có thể biến đổi nhiều cuộc đời, thay đổi cả xã hội.
 

Cái nhìn trực diện về hai thế giới song song ấy được đưa ra cho Tháng thực hành nghệ thuật năm 2018. Với chủ đề “Hữu hình - Vô hình”, các nghệ sĩ tham gia sẽ tìm cách diễn đạt bằng thị giác những cảm nhận về cái vô hình, thông qua hành trình đi tìm trong cuộc sống và cảnh vật Hà Nội, trong chính bản thân mình. Các nghệ sĩ phải đi xa hơn dáng vẻ bề ngoài để tiếp cận những câu chuyện chẳng thể nhìn thấy, phải tìm cách biểu lộ cái vô hình bằng những phương tiện hữu hình của nghệ thuật.
 

Theo nghệ sĩ Trần Trọng Vũ, người khai sinh và dẫn dắt Tháng thực hành nghệ thuật suốt 3 năm qua, không gian được tạo ra là nơi quy tụ những con người đến từ các nền văn hóa khác nhau, các nền địa lý riêng biệt. Họ mang theo hành lý là những câu chuyện cá nhân, những ký ức chẳng nhìn thấy. Họ thuộc về những thế hệ cách xa nhau, có kinh nghiệm cuộc đời và nghề nghiệp chẳng thể nào đồng nhất. Họ đến với Hà Nội hôm nay, có vẻ giống như nhiều thành phố đông dân khác ở thế kỷ XXI, nơi đầy chặt những vấn đề hữu hình, những vận động không ngừng và những âm thanh cụ thể, nơi có vẻ giấu đi phía sau tiếng ồn những câu chuyện im lặng chẳng hề nhìn thấy. Nhưng quá khứ bất động ở đó có vẻ được thấy ngay trên những tín hiệu thị giác di động.
 

Lựa chọn mệnh đề mở, có tính chất hai mặt để khơi cảm hứng sáng tác cho nghệ sĩ, Tháng thực hành nghệ thuật muốn nhấn mạnh yếu tố cấu thành nên tác phẩm đích thực: Một phần được nhìn thấy và một phần chỉ có thể cảm nhận cùng tạo nên sự toàn diện, để người xem được thưởng thức nghệ thuật trọn vẹn. Bởi vậy, môi trường tạo tác chúng không hề có giới hạn, nói cách khác, không một bức tường nào xây cất lên để phân chia địa hạt vô hình và hữu hình, cũng chẳng có yếu tố nào chỉ dẫn cái này vô hình, cái kia hữu hình. Tuy nhiên, Trần Trọng Vũ cho rằng, nghệ sĩ sẽ bộc lộ qua công việc của mỗi người cách nhìn về thế giới hiện thực, thông qua các mối quan hệ giữa vật chất và tinh thần, giữa da thịt và tư tưởng, giữa cảm thấy và cụ thể...
 

08 khong don 40011102018

Với tháng Thực hành nghệ thuật 2018, nghệ sĩ phải tạo dựng một thế giới nghệ thuật bằng cách
tiếp cận không đơn thuần thị giác

 

Không gian văn hóa mở

Tháng thực hành nghệ thuật năm nay có sự tham gia của 7 nghệ sĩ thành danh nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Phần Lan, Đức...) và 7 nghệ sĩ trẻ Việt Nam. Đặc biệt, sự có mặt của 5 chuyên gia nghệ thuật là những giám tuyển, học giả, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ giàu kinh nghiệm làm việc trên môi trường quốc tế nhằm làm giàu hoạt động trao đổi học thuật và chất lượng chuyên môn của dự án. Các hoạt động thực hành sáng tạo nghệ thuật, thảo luận và trao đổi giữa nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế, đối thoại nghệ sĩ với công chúng, chương trình công chúng của nghệ sĩ thiết kế và thực hiện với các đối tác là những tổ chức, nhóm cộng đồng ở Hà Nội... hướng đến tạo dựng không gian mở cho sáng tạo.

“Thông qua môi trường kết nối nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế, kết nối nghệ sĩ và công chúng sẽ tạo nên nền tảng thúc đẩy nghệ thuật đương đại phát triển” - Giám đốc Nghệ thuật Heritage Space Nguyễn Anh Tuấn nhận định. Điều này càng cần thiết trong bối cảnh Việt Nam, khi công việc giáo dục nghệ thuật ở các trường nghệ thuật chưa thực sự thấu đáo, nhất là kiến thức về lý luận, lịch sử nghệ thuật không đầy đủ.

Các gương mặt nghệ sĩ tham gia Tháng thực hành nghệ thuật đều đã định hình, song mỗi người đều trăn trở về sự có mặt của nghệ thuật đương đại đất nước mình trên bản đồ thế giới. Làm việc bên nhau trong cùng không gian, chia sẻ cùng chủ đề và điều kiện sinh hoạt, họ đồng thời phải ý thức cao nhất về những đặc trưng và xung đột văn hóa không thể tránh khỏi. Với nghệ sĩ trẻ Đặng Thùy Anh, đây là cơ hội để học hỏi và so sánh sự khác biệt giữa các nền văn hóa. Tương tự với nghệ sĩ Nhật Bản Ryusuke Ito, cơ hội cũng đặt ra thách thức để vừa cọ xát học hỏi mà không ảnh hưởng nền văn hóa khác, vừa khám phá sâu sắc văn hóa của chính mình mà nghệ thuật vẫn có thể vươn xa.
 

Tháng thực hành nghệ thuật năm 2018 với chủ đề “Hữu hình - Vô hình” được tổ chức tại Heritage Space, số 28 Trần Bình, Hà Nội, gồm hai giai đoạn: Sáng tác nghệ thuật và hoạt động trao đổi từ ngày 1.10 - 10.11; triển lãm từ ngày 10.11 - 9.12.



Nguồn: Báo Người đại biểu nhân dân (Thái Minh)