Thứ Hai, 06/05/2019 05:34

Kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2019)

Kiên cường “Dũng sĩ Đồi Xanh”

Không khí hào hùng của một thời khói lửa cùng đồng đội làm nên chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ đã sống lại qua những câu chuyện của Đại tá Đặng Đức Song.

Gặp lại Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Đặng Đức Song vào một buổi sáng đầu hạ, trong không khí chuẩn bị kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Chiến sĩ Điện Biên năm xưa nay đã bước sang tuổi 86 nhưng hồi ức về những trận đánh khu vực Đồi Xanh và khoảnh khắc mong manh giữa sự sống và cái chết… như mới hôm qua.

Xung phong lấy gọn đồn địch

Không khí hào hùng của một thời khói lửa cùng đồng đội làm nên chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ đã sống lại qua những câu chuyện của Đại tá Đặng Đức Song. Đó là những ngày cuối năm 1952, rời quê hương Nam Sách, tỉnh Hải Dương, chàng trai Đặng Đức Song gia nhập quân đội khi vừa tròn 19 tuổi, được biên chế vào Tiểu đội trung liên thuộc Đại đội 28, Tiểu đoàn bộ binh 439, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316. Vì nhỏ bé nên Đặng Đức Song không được giữ súng mà chỉ làm nhiệm vụ vác đạn, cùng đơn vị hành quân lên giải phóng Tây Bắc. “Trận đầu, đơn vị đánh đồn Bản Trại vào đêm 14.10.1952. Ở đây mùa đông đến sớm, trời rất rét. Đại đội 28 chúng tôi xung phong lấy gọn đồn địch trong 40 phút. Đánh xong, đơn vị dừng lại ăn cơm, chia nhau chút ít thịt ngựa chiến lợi phẩm. Bữa ăn đó diễn ra tại bốt của địch” - Đại tá Đặng Đức Song nhớ lại.

Sau trận Bản Trại, đơn vị ông tiếp tục tham gia một số trận và làm doanh trại để chỉnh huấn cải cách ruộng đất. “Đợt học tập cải cách ruộng đất, tôi được bầu là Chiến sĩ thi đua của Trung đoàn và được đề bạt làm Tiểu đội phó xạ thủ trung liên”, ông Song kể.


Vợ chồng Đại tá Đặng Đức Song

Khoảng cuối năm 1953, đơn vị ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và giữ chốt khu vực Đồi Xanh (còn gọi là đồi 781) cạnh bản Tà Lèng. Gọi là Đồi Xanh vì trên đồi này có rất nhiều cây xanh tốt. Khi đơn vị vào phòng ngự Đồi Xanh và sau gần 10 ngày đào hầm, hào công sự, sáng 3.3.1954, địch bắt đầu giội bom, pháo kích làm cây cối, đất đá đổ xuống, lộn nhào. Đồi Xanh biến thành màu đỏ tưởng không gì có thể sống sót nổi sau đợt đánh phá ấy. “Khi địch kéo đến cách chừng 40 - 50m, cả trận địa nhất loạt nổ súng. Địch ngã rạp ngay từ những loạt đạn đầu tiên, những tên còn sống chạy chối chết. Sau khi củng cố đội hình, chúng lại tổ chức bao vây. Địch bò lên sát công sự, âm mưu chọc thủng trận địa phòng ngự của ta. Tôi lúc đó là tiểu đội phó kiêm xạ thủ trung liên, trấn giữ một mỏm đồi, bình tĩnh bắn cầm chừng tiết kiệm đạn, bắn chi viện cho đồng đội. Cứ mỗi lần tiếng trung liên vang lên là địch lại rúc đầu xuống trốn”.

Đến 4 giờ chiều, địch thổi kèn thu quân, tiểu đội Đặng Đức Song điểm lại quân số thấy 4 người hy sinh, 5 người bị thương mất sức chiến đấu, chỉ còn ông và một đồng chí nữa. Hôm sau, địch ném bom dữ dội, có quả rơi cách chiến hào chỉ vài mét tạo thành một cái phễu lớn. Mỗi khi nhào lên, chúng lại vướng phải cái phễu này buộc phải quay xuống. Hai bên giằng co suốt ngày hôm đó.

Ngày 5.3.1954, địch lại dùng 3 - 4 xe tăng cùng 2 tiểu đoàn đánh chiếm Đồi Xanh. “Hôm ấy, chúng tôi đánh lui 6 - 7 đợt tấn công của địch. Để rồi sau hôm đó, địch có lẽ chùn bước không đánh lên Đồi Xanh nữa. Tổng kết trận phòng ngự trên Đồi Xanh, đơn vị đã đánh lùi 24 đợt xung phong, diệt 255 tên địch. Tôi được Trung đoàn trưởng Vũ Lăng cùng Chính trị viên Tiểu đoàn Đào Văn Xuân gắn Huân chương Chiến công ngay trong chiến hào, đồng thời được Chính ủy Đại đoàn 316 quyết định tặng Danh hiệu “Dũng sĩ Đồi Xanh””.

Hào hùng trận đánh cứ điểm

Kết thúc trận Đồi Xanh, ông Song tiếp tục tham gia trận đánh điểm C1. Cuối tháng 3.1954, ông được Đại đội điều sang xung kích mũi nhọn và làm Tiểu đội trưởng. “Mũi nhọn phải đi đầu, khi có việc quan trọng là phải chiến đấu, biên chế phải nghiêm chỉnh, chọn những người khỏe mạnh và dũng cảm. Những tổ mũi nhọn được nhắc đến khi mở màn một trận đánh hay những lúc gay cấn”.

Chiều 31.3.1954, Đại đội trưởng gọi Đặng Đức Song lên và giao nhiệm vụ đi quan sát xem điểm C1 đã bị địch chiếm thế nào. Nhận lệnh xong, ông cùng 3 đồng đội từng ở hậu địch quen với súng đạn lên thăm dò. Đường lên C1 rất khó đi và để lên được an toàn, phải dùng xẻng gập thay nhau vừa cuốc vừa đi. Đến nơi, thấy địch chưa chiếm được hết C1, ông quay về thông báo và được lệnh đưa Tiểu đội lên đánh lấy lại.

“Chấp hành lệnh, tôi dẫn đầu và yêu cầu mỗi người cách nhau 5 - 8m. Đến một ngách nhỏ gặp một đồng chí bị thương cả hai chân, tay lăm lăm cầm hai quả lựu đạn “chày” đưa cho tôi và thều thào nói: “Địch ở lô cốt Cột Cờ”. Tôi bò vào cách địch 15 - 16m, ra hiệu cho đồng đội bắn trung liên, đồng thời ném 2 quả lựu đạn lên lô cốt Cột Cờ. Khẩu trung liên của địch tung lên. Tôi ném tiếp một quả lựu đạn, khói nổ mù mịt rồi hô xung phong, vừa chạy vừa bắn tiểu liên. Lấy lại được C1, chúng tôi bàn giao lại cho một đơn vị khác của ta lên thay”.

Đợt tiến công thứ ba vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ rất mau lẹ. Đại tá Đặng Đức Song cho biết, riêng đơn vị ông tiến đánh cứ điểm C2 gặp nhiều khó khăn hơn. Suốt đêm 6.5.1954, anh em chiến đấu rất anh dũng trong vòng vây. Tới sáng 7.5.1954, nhờ có pháo 105 của ta bắn yểm trợ, Trung đoàn trưởng Vũ Lăng hạ lệnh xung phong. Anh em trong đơn vị lớp lớp trào lên, áp đảo, đè bẹp sức kháng cự của kẻ thù, 600 tên địch đã phải đầu hàng. Thừa thắng tiến công, toàn trung đoàn tiến thẳng vào Mường Thanh. Trước khí thế như vũ bão của quân ta cùng với tiếng loa gọi địch đầu hàng, những tốp cờ trắng xuất hiện ngày càng nhiều.

Đúng 17h30 ngày 7.51954, De Castries cùng toàn bộ sĩ quan tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đầu hàng. Trong thung lũng Điện Biên Phủ, rừng cờ trắng trải ra khắp các cứ điểm, hàng binh địch lũ lượt ra khỏi hầm...

Nguồn: Đại biểu nhân dân (Hồng Hà)