Thứ Hai, 01/03/2021 13:03

“Kiều @”: Mới lạ có làm nên chiến thắng?

Liệu “Kiều @”, bộ phim điện ảnh được làm với kĩ thuật one - shot mới mẻ và đã bị trì hoãn vài lần vì kinh phí cũng như dịch bệnh, vừa ra mắt có làm nên chuyện?

Tương tự như thời điểm sau đợt dịch trước, ngay khi các phòng chiếu được phép hoạt động trở lại, “Ròm” của đạo diễn Trần Thanh Huy đã khai trương phòng chiếu và gặt hái thành công lớn, tiếp đó đến “Tiệc trăng máu” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng đã làm nên chuyện với doanh thu vượt xa cả "Ròm". Đầu năm 2021, ngay khi đợt dịch mới lắng lại, bộ phim “Kiều @” của đạo diễn Đỗ Thành An đã có buổi ra mắt báo chí ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội khi chính thức ra rạp. Nhưng liệu “Kiều @” - bộ phim thực hiện với kĩ thuật one - shot mới mẻ được làm trong dịp kỉ niệm 200 năm ngày mất của tác giả “Truyện Kiều”, đã bị trì hoãn vài lần vì kinh phí và do dịch bệnh có làm nên chuyện?

Poster phim "Kiều @". Ảnh: ĐLP

Những lí do để kì vọng

Điểm nổi bật nhất ở "Kiều @" đó là đạo diễn đã dũng cảm đánh cược với một cách làm phim mới mẻ, chịu chơi và tốn kém - phim one - shot ở dạng cú máy tiếp diễn - cách làm mà ngay cả đạo diễn thế giới cũng ít người dám lựa chọn vì sự tốn kém và độ mạo hiểm. Theo thông tin đoàn làm phim giới thiệu thì đây là phim one - shot thứ 31 của thế giới có độ dài trên 90 phút. Lí do là phải có kịch bản phù hợp, và quan trọng hơn là làm phim kiểu này vô cùng tốn kém, ngốn lượng kinh phí gấp mười lần một bộ phim quay theo cách thông thường, thường rơi vào cỡ 30-40 triệu USD theo cách làm của các nhà làm phim trên thế giới. Vậy mà một đạo diễn "con nhà nghèo" Việt Nam với nền điện ảnh chưa phát triển lại dám "chơi lớn". 
Trong buổi ra mắt, Đỗ Thành An đã lặng giọng khi chia sẻ, vì theo đuổi bộ phim ròng rã suốt ba năm qua mà anh cảm thấy có lỗi với người thân, mọi thứ đổ vào phim khiến gia đình gần như trắng tay dù đã tính toán để chi phí thấp nhất có thể. Rất may là anh đã gặp được những nhà đầu tư dũng cảm, nhìn thấy tâm huyết và tin bộ phim sẽ hoàn thành.

Dù chỉ lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều” của Nguyễn Du nhưng không thể phủ nhận, khán giả suốt quá trình xem phim luôn phải đối chiếu với “Truyện Kiều” để liên tưởng đến các nhân vật cũng như cách kể trong phim. Đạo diễn cũng rất thông minh khi chọn một tiết tấu nhanh, không diễn lại những gì bộ phim tương đồng với nguyên tác cũng như giữ một khoảng cách vừa đủ giúp khán giả có thể buông neo vào đó để lần theo câu chuyện trong những môi tương quan, đối sánh.

Tuy không nói gì nhiều trước quan khách và báo giới và có vẻ không được hoạt ngôn trước đám đông nhưng đạo diễn Đỗ Thành An đã chia sẻ khá nhiều và sâu về bộ phim và cách làm phim mới này ở ấn phẩm kèm theo nói về quá trình thực hiện “Kiều @”. Những người thực hiện bộ phim đã tóm lược kĩ thuật quay mà bộ phim vận dụng và gọi đó là “cú máy linh hồn”, vì ở "Kiều @", đạo diễn chọn cách mô phỏng theo góc nhìn của một linh hồn tạm thoát xác để nhìn nhận mọi việc, phá vỡ cách làm phim quen thuộc với chủ yếu trên cơ sở 3 khung hình cận - trung - toàn cảnh. Tham vọng lớn hơn, đạo diễn muốn phá vỡ cách làm phim lâu nay, đem lại định nghĩa mới cho cách làm phim one - shot với “cú máy linh hồn” để thay đổi điểm nhìn, giống như cách tạo ra những khác biệt để đem lại đột phá cho những kịch bản phù hợp, kiểu như “American shot” là một cách gọi những bộ phim sử dụng khuôn hình trung cảnh kiểu Mĩ vốn được các nhà làm phim Hollywood sáng tạo ra để vận dụng cho những bộ phim đề tài cao bồi nhằm lột tả các cuộc đấu súng, họ đã hạ thấp trung cảnh xuống dưới bao da đựng súng thay vì tuân theo lí thuyết trung cảnh chỉ lấy từ thắt lưng trở lên và đã được thế giới hứng thú đón nhận. Theo đó, “cú máy linh hồn” sẽ là cú máy không bao giờ đứng yên. Và từ nay những người làm điện ảnh Việt sẽ có thêm một khái niệm mới về góc máy linh hồn. “Tác phẩm nghệ thuật cần tạo ra một sự khác biệt, bởi nếu không có sự khác biệt thì sẽ không có nghệ thuật đúng nghĩa”, đạo diễn Đỗ Thành An cũng như đơn vị bảo trợ thông tin là Báo Thể thao & Văn hóa, do nhà thơ Lý Đợi đại diện đều khẳng định như vậy.

Đạo diễn Đỗ Thành An, Hoa hậu - diễn viên Phan Thị Mơ, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú và nhà thơ Lý Đợi tại lễ ra mắt "Kiều @". Ảnh: ĐLP

Tín hiệu ban đầu

Tuy là buổi chiếu giới thiệu ở phạm vi hẹp cho giới làm điện ảnh, khách mời và báo chí nhưng “Kiều @” đã nhận được những nhận xét khá tích cực. Dù trời mưa nhưng khán phòng Nhà hát lớn Hà Nội gần như kín chỗ cả tầng dưới và trên gác.

Có mặt tại buổi chiếu ra mắt với khá nhiều khách mời trong giới văn học, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, đồng thời là một biên kịch điện ảnh đã có những lời khen dành cho phim. Bà cho rằng, “Kiều @” đã lấy chuyện đời xưa để nói đời nay rất khéo. Bà cũng dành lời khen cho cách kể với tiết tấu nhanh - chậm pha trộn hợp lí và cho rằng đây là một bộ phim công phu, các nhân vật đều được diễn viên thể hiện rất tốt để kể một câu chuyện hiện đại mang dáng dấp “Truyện Kiều”, một bi kịch đau lòng trong xã hội hiện đại.

Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát đến dự và phát biểu tại lễ ra mắt. Ảnh: ĐLP

Còn nhà sử học Dương Trung Quốc thì nhận xét, phim đã nói được vấn đề của thời hiện đại với một cách làm hấp dẫn. “Dù trong thời đại nào cũng có những bi kịch của nó, nhưng bộ phim đã để lại thông điệp nhân văn”. Ông Dương Trung Quốc cũng cho rằng, bộ phim sẽ đến với không chỉ giới trẻ mà với bất kì ai gắn bó với “Truyện Kiều”. “Kiều hiện đại đau đớn, bi kịch hơn Kiều ngày xưa. Những cô Kiều như thế này bây giờ vẫn còn nhiều lắm”, nhà sử học Dương Trung Quốc nói thêm.

Tại buổi chiếu ra mắt, một vài vị khách lớn tuổi ngay trong ngành điện ảnh cũng bày tỏ sự “khó xem”, có lẽ là bởi tiết tấu quá nhanh, lướt, nhấn rất tốc độ ở 31 phút đầu của phim cũng như có thể người xem chưa được cập nhật kiến thức về kĩ thuật làm phim mới mẻ mà bộ phim vận dụng. Tuy nhiên, phần đông đều có cảm nhận tốt về “Kiều @”.

PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Giám đốc nghệ thuật kiêm thiết kế mĩ thuật của bộ phim khẳng định với báo giới, việc chọn cách làm phim one - shot của đạo diễn không phải để khoe kĩ thuật hay làm nổi mà thực sự cần thiết với bộ phim, có thể nói là cách làm tốt nhất với một kịch bản như “Kiều @”. Và ngược lại, Kiều @” cũng được đạo diễn đồng thời là tác giả kịch bản viết ra theo hướng làm phim one - shot từ khát vọng thực hiện một bộ phim Việt Nam đầu tiên như vậy. Sau khi Phấn - nhân vật phảng phất hình bóng của Thúy Vân trong Truyện Kiều bị ngưng tim, linh hồn của cô tạm rời xa thể xác bay lên với biết bao chất chứa trong lòng đi tìm lời giải cho những câu hỏi bấy lâu nay về chị gái. Phim được kể từ góc nhìn của linh hồn này. Bởi thế, góc máy không bao giờ đứng yên mà liên tục chuyển động, từ trên cao nhìn xuống, len vào từng ngõ ngách hay lướt trải dài trên một khung cảnh lớn, tất cả đều diễn ra liên tục xuyên suốt trong một cú máy dài có khi lên đến vài chục phút không ngừng nghỉ. Theo góc nhìn của hồn ma này, những người làm phim đã rất vất vả, tốn kém, và dễ nản lòng trong quá trình thực hiện.
Nhìn nhận tổng thể về bộ phim, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú nói: “Có thể khi xem phim sẽ có nhiều người rơi nước mắt. Nhưng phim hay không phải là phim làm cho người ta rơi nước mắt, phim hay là phim phải chạm đến trái tim”. Và ở phần chia sẻ sau đó, nhiều khán giả là những diễn viên điện ảnh, những nhà viết kịch bản và cả giới quản lí điện ảnh nói rằng, Kiều @ đã chạm được đến trái tim của họ.

Đại diện các thành phần của dự án phim "Kiều @" giao lưu và trả lời báo giới. Ảnh: ĐLP

Hoa hậu Phan Thị Mơ, diễn viên chính đảm nhận vai Hương - hiện thân của Thuý Kiều thời hiện đại chia sẻ, cô đã rất liều khi nhận lời tham gia bộ phim vì không biết khán giả đón nhận như thế nào. “Tôi sợ khán giả kêu xem đau đầu”. Điều lo lắng của Phan Thị Mơ không phải là không có cơ sở bởi ngay từ đầu người xem đã bị cuốn tuồn tuột theo câu chuyện với một tiết tấu chẳng khác gì đang xem một trailer phim dài. Trả lời câu hỏi, “chị có sợ những cảnh nóng trong phim sẽ bị lợi dụng đưa lên mạng xã hội cho những ý đồ xấu?”, hoa hậu Phan Thị Mơ nói, cô vốn từ trước xây dựng hình ảnh theo hướng nghiêm túc, trong sáng chứ không vướng vào các chuyện thị phi hay scandal nhưng vì vai diễn cô sẵn sàng hi sinh. Và cô cho rằng, cảnh nóng có thể là lí do kéo một bộ phận khán giả đến rạp nhưng quan trọng hơn vẫn là nội dung bộ phim. “Nó cũng giống như một bộ phim về trường học thì sẽ có cảnh dạy học, về thể thao thì sẽ có cảnh luyện tập thể thao, và đây là một bộ phim về một người làm nghề như vậy thì không thể không có những cảnh nói về nghề đó”, cô nói. Phan Thị Mơ cũng mong khán giả sẽ hiểu và “thương nhân vật mà thương người đóng”.

Tuy vậy, những cảnh được cho là nhạy cảm trong “Kiều @” cũng được đạo diễn hết sức tiết chế, kết hợp với dùng kĩ xảo xử lí tinh tế, tránh lạm dụng, được đánh giá tốt và nghiêm túc, tạo mĩ cảm cho người xem. 

Cần cho khán giả một cách tiếp cận

Có thể nói dù là phim cảm hứng từ “Truyện Kiều”, một tác phẩm quen thuộc, nhưng để xem “Kiều @” khán giả đại chúng cần có những hiểu biết nhất định về phương cách bộ phim được thực hiện để thuận lợi hơn trong việc tiếp cận. Lí do cho điều này là bởi điểm nhấn mạnh mẽ nhất, khác biệt và tiên phong nhất ở “Kiều @” chính là cách thức làm một bộ phim chưa từng được làm ở Việt Nam, và gần như nó hoàn toàn mới mẻ với công chúng Việt. Trước khi “Kiều @” được giới thiệu thì khái niệm phim one - shot hầu như chưa được biết đến. Ngay khi phim sắp ra rạp thì mọi người cũng chỉ biết đây là bộ phim được thực hiện theo phương pháp one - shot đầu tiên của Việt Nam và phim 31 của thế giới, còn cụ thể như thế nào thì rất ít người tường tận.

Lễ ra mắt phim "Kiều @" tại Hà Nội diễn ra tối 28/2/2021 tại Nhà hát lớn. Tối 1/3, đoàn làm phim sẽ tổ chức lễ ra mắt tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: ĐLP

Có lẽ đã nhận thức tốt điều này nên bộ phận truyền thông của “Kiều @” đã làm khá đúng hướng khi tích cực giới thiệu về cách thức làm phim mới mà bộ phim áp dụng, đây không phải là nhấn mạnh để pr mà nó thực sự cần thiết, bởi ngay cả nhiều nhà báo cũng như người trong nghề, nhiều người còn chưa hiểu rõ về kĩ thuật làm phim one - shot - cú máy tiếp diễn mà bộ phim áp dụng.

Đoàn làm phim cũng khá chịu chơi và công phu khi thực hiện hẳn hai cuốn sách, một cuốn in lại “Truyện Kiều” của Nguyễn Du từ bản in gốc của Duy Minh Thị năm 1872 và một cuốn giới thiệu về bộ phim, kĩ thuật one - shot cũng như những hình ảnh hậu trường khi thực hiện “Kiều @” để tặng khách dự lễ ra mắt và những người quan tâm.

Bởi thế, với tất cả những điều trên, dù doanh thu phòng vé là điều chưa thể khẳng định ở “Kiều @”, và cũng chưa hẳn là mục tiêu lớn nhất mà đạo diễn hướng đến, nhưng những gì Đỗ Thành An đã làm được rất đáng ghi nhận và trân trọng. Chắc chắn, “Kiều @” sẽ ghi dấu ấn trong lịch sử điện ảnh Việt Nam.

Một số hình ảnh tại Lễ ra mắt phim "Kiều @":

Khách mời được đo thân nhiệt, sát khuẩn tay và phát khẩu trang nếu chưa có để đảm bảo công tác phòng dịch.
Được tặng bộ sách do Đoàn làm phim thực hiện.
Hai cuốn sách, một cuốn in lại "Truyện Kiều" của Nguyễn Du và một cuốn nói về bộ phim đã được thực hiện trong khuôn khổ dự án.
Bộ sách như một sự đồng hành với khán giả xem phim khi giới thiệu khá kĩ về cách làm phim one - shot.
Được trưng bày đẹp và trang trọng.
Hoa hậu Phan Thị Mơ cùng xem phim với khách mời.
Và giao lưu chia sẻ về quá trình tham dự bộ phim với vai Hương - nhân vật đối thoại với Thúy Kiều của Nguyễn Du.
Đại diện dự án phim "Kiều @" tại lễ ra mắt. 
Dù trời mưa, khách mời vẫn đến đông đủ.
PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú trả lời báo chí về bộ phim. Ông cho rằng, kĩ thuật one - shot là cần thiết với kịch bản của "Kiều @" chứ không phải là sự chơi trội hay làm màu của đạo diễn.
Dàn người đẹp tham dự lễ ra mắt. 
Bộ phim đã khiến người xem rơi nước mắt, tuy nhiên, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú nói rằng, một bộ phim hay không chỉ khiến khán giả rơi nước mắt mà cần phải chạm tới trái tim khán giả". 

(Ảnh do PV thực hiện và đoàn làm phim cung cấp)

DƯƠNG TỬ THÀNH