Thứ Sáu, 26/02/2021 00:04

“Klara and the Sun”- Tiểu thuyết mới nhất của Kazuo Ishiguro sau giải Nobel

Nhà văn đoạt giải Nobel 2017 đã chia sẻ câu chuyện: giải Nobel đến với ông như thế nào, câu chuyện gia đình và tiểu thuyết mới của ông về “người bạn nhân tạo” và những vấn đề của thế giới hiện đại.

Nhà văn đoạt giải Nobel 2017 đã chia sẻ câu chuyện: giải Nobel đến với ông như thế nào, câu chuyện gia đình và tiểu thuyết mới của ông về “người bạn nhân tạo” và những vấn đề của thế giới hiện đại.

"Các nhà văn đã giành giải Nobel vào những năm 60 tuổi cho công việc họ đã làm ở độ tuổi 30. Bây giờ điều đó có lẽ áp dụng cho cá nhân tôi", nhà văn Ishiguro nói.

Đối với gia đình Ishiguro, ngày 5 tháng 10 năm 2017 là một ngày trọng đại. Sau nhiều tuần cân nhắc, vợ của nhà văn, Lorna, quyết định thay đổi màu tóc của mình. Cô đến salon tóc không xa Golders Green ở London, nơi họ đã sống nhiều năm, tất cả đều rạng rỡ và liếc nhìn điện thoại của mình. Bỗng có một tin tức bất ngờ. “Tôi xin lỗi khi tôi sẽ phải dừng việc này lại,” cô nói với người thợ làm tóc đang đợi. “Chồng tôi vừa đoạt giải Nobel văn học. Tôi có thể phải giúp anh ấy."

Khi Kazuo Ishiguro dùng bữa ăn sáng muộn tại nhà thì người đại diện của ông gọi tới thông báo về việc đoạt giải Nobel. Tin tức ấy với ông “như một tia chớp kì lạ trong xanh”. Trong nửa giờ, đã có một hàng kí giả xếp hàng dài ngoài cửa nhà. Ông gọi cho mẹ mình: “Con đã đoạt giải Nobel.” Mẹ ông nói: “Mẹ nghĩ sớm muộn gì con cũng sẽ giành được nó.” Mẹ của ông qua đời ở tuổi 92 cách đây 2 năm. Cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông - Klara and the Sun, một phần nói về lòng sùng kính của người mẹ và cuốn sách đầu tiên của ông kể từ khi đoạt giải Nobel, được dành tặng cho bà. “Mẹ tôi đã làm rất nhiều việc khiến tôi nỗ lực trở thành một nhà văn.”

Chúng tôi đang trò chuyện trên Zoom; ông ấy đang ở trong một phòng ngủ đơn sơ, những cuốn sách đại học của con gái Naomi trên giá. Phòng làm việc riêng của ông rất nhỏ, chỉ đủ kê hai chiếc bàn, một chiếc để máy tính của ông, chiếc còn lại để tài liệu, không ai vào đây cả. Với sự hài hước, ông ấy so sánh buổi phỏng vấn với một buổi thẩm vấn. Tuy vậy ông “phục tùng” câu hỏi một cách hài hước, vui vẻ, chu đáo chính xác trong vài giờ về cuốn tiểu thuyết của mình.

Ishiguro, chụp tại giải thưởng Man Booker năm 1989, khi giành chiến thắng cho The Remains of the Day. Ảnh: PA

Theo thuật ngữ Nobel, ở tuổi 62 Ishiguro là một người tương đối trẻ và kiêu ngạo. Tài năng thiên bẩm là một phần của huyền thoại Ishiguro: ở tuổi 27, ông là người trẻ nhất nằm trong danh sách những tiểu thuyết gia người Anh xuất sắc nhất do Granta bình chọn vào năm 1983 (gồm: ông, Martin Amis, Ian McEwan, Julian Barnes và cộng sự)…

Ông từng nhận được bốn đề cử của Man Booker Prize và giành giải năm 1989 với tiểu thuyết The Remains of the Day (tạm dịch: Tàn tích của ngày). Khẳng định của ông rằng, hầu hết các tiểu thuyết hay được viết bởi các nhà văn ở độ tuổi 20 và 30 đã trở thành một phần của huyền thoại văn học. “Chính Martin Amis là người lặp lại điều này, không phải tôi,” Ishiguro cười và nói. Nhưng ông vẫn cho rằng tuổi 30 là những năm quan trọng để viết tiểu thuyết: “Bạn cần một chút sức mạnh não bộ đó” (Thật may mắn cho Naomi con gái ông, ở tuổi 28 cũng đã có cuốn tiểu thuyết đầu tiên, Common Ground, ra mắt trong tháng này, khiến ông rất vui.) Bất cứ khi nào có ai đặt câu hỏi về giải Nobel, câu nói tiêu chuẩn của ông thường là: “Các nhà văn đã giành giải Nobel vào những năm 60 tuổi cho công việc họ đã làm ở độ tuổi 30. Bây giờ điều đó có lẽ áp dụng cho cá nhân tôi,” người đàn ông 66 tuổi ghi chú.

Ông hiện vẫn là người sáng tạo quyền năng về những thế giới khép kín (nhà ở nông thôn, trường nội trú), các nhân vật của ông thường bị cô lập dưới một số hình thức; ông chú tâm tỉ mỉ với các chi tiết thường ngày với phong cách phẳng, tối giản bù đắp cho cốt truyện hư cấu, kì ảo và cường độ cảm xúc dồn nén. Và Klara and the Sun (tạm dịch: Klara và mặt trời) cũng không ngoại lệ.

Lấy bối cảnh ở một nước Mĩ không xác định, trong một tương lai không xác định, tiểu thuyết nói về mối quan hệ của con người với người bạn nhân tạo. Josie là người chủ tuổi teen của người máy đó. Robot (AFs) đã trở nên phổ biến như máy hút bụi, chỉnh sửa gen và những tiến bộ công nghệ sinh học đã tái tạo những con người độc đáo. “Đây không phải là một loại tưởng tượng kì lạ,” ông nói. "Chúng chỉ chưa được đánh thức với những gì xảy ra ngày hôm nay. Trong thời đại dữ liệu lớn, chúng ta có thể xây dựng lại tính cách của ai đó dù sau khi họ chết đi, họ vẫn có thể tiếp tục phiên bản sống khác để đặt món đồ trực tuyến, chọn buổi hòa nhạc mình thích, trò chuyện ở bàn ăn nếu ta đọc cho họ những tiêu đề mới nhất.”

Klara là một dạng cha mẹ người máy, “giống kẻ hủy diệt với quyết tâm chăm sóc Josie”, nhưng cô cũng là một đứa trẻ thay thế tiềm năng: khi Josie bị ốm, Klara sẽ được lập trình để thế chỗ. "Điều gì sẽ xảy ra với những điều như tình yêu trong thời đại mà chúng ta đang thay đổi quan điểm của mình về cá nhân con người và sự độc đáo của mỗi cá nhân?" Ông tiếp tục hỏi: “Tôi có câu hỏi này có vẻ hơi khoa trương về tâm hồn con người: liệu chúng ta có thực sự có một linh hồn hay không?”

Klara and the Sun xem xét lại nhiều ý tưởng đằng sau Never Let Me Go (Mãi đừng xa tôi), cuốn tiểu thuyết năm 2005 về ba người nhân bản tuổi teen bị mổ lấy nội tạng, dẫn đến cái chết chắc chắn trước tuổi 30: “Chỉ một chút phóng đại về tình trạng con người, tất cả chúng ta đều phải mắc bệnh và chết vào một lúc nào đó,” ông chia sẻ. Cả hai cuốn tiểu thuyết đều đưa ra khả năng rằng cái chết có thể bị hoãn lại hoặc bị đánh bại bởi tình yêu đích thực, điều này cần phải được thử nghiệm và chứng minh theo một cách nào đó. Hi vọng này, ngay cả đối với những người không tin vào thế giới bên kia, "là một trong những điều tạo nên con người chúng ta". “Điều đó có thể khiến chúng ta trở nên ngu ngốc. Có lẽ đó là rất nhiều tình cảm. Nhưng đó là sức mạnh lớn lao trong con người.”

Nhà văn chia sẻ, ông không tiếc nuối, hối tiếc vì việc đã trích dẫn, lặp lại ý tưởng của các đạo diễn làm phim vĩ đại (ông là một người đam mê điện ảnh), thậm chí ông còn chia sẻ, ba cuốn sách đầu tiên của ông cơ bản là viết lại trên ý tưởng người tiền nhiệm. “Các nhà văn luôn đề phòng việc lặp lại. Tôi nghĩ điều đó hoàn toàn hợp lí: nhưng bạn có thể tiếp tục làm điều đó cho đến khi việc đó ngày càng gần với những gì bạn muốn nói.” Đối với ông, lựa chọn thể loại cũng như chuyến du lịch khám phá, và ông đã thử sức ở nhiều thể loại khác nhau ở: When We Were Orphans (tạm dịch: Khi chúng ta là kẻ mồ côi; tiểu thuyết trinh thám); The Remains of the Day (tạm dịch: Tàn tích của ngày; phim truyền hình dài tập); The Unconsoled (tạm dịch; Không khoây khỏa; truyện ngụ ngôn có tính Kafka); Never Let Me Go (khoa học viễn tưởng) và The Buried Giant (Người khổng lồ bị chôn vùi; giả tưởng Tolkienish). Còn hiện tại với Klara and the Sun gợi ý, ông lại muốn ghé thăm nơi mà ông gọi là “vùng đất truyện của trẻ em.”

Keira Knightley, trái, và Carey Mulligan trong bộ phim chuyển thể từ năm 2010 của Never Let Me Go. Ảnh: Allstar / Fox Searchlight

Dựa trên một câu chuyện ông kể cho con gái hồi nhỏ, Klara and the Sun ban đầu dự định là bước đột phá đầu tiên của ông vào thị trường trẻ em. “Cha đã có một câu chuyện rất ngọt ngào,” ông nói. “Cha nghĩ nó sẽ phù hợp với một trong những cuốn sách minh họa đáng yêu đó. Tôi lướt qua Naomi và con bé nhìn tôi rất nghiêm mặt và nói: 'Cha không thể cho trẻ nhỏ nghe một câu chuyện như thế. Lũ trẻ sẽ bị chấn thương.'” Vì vậy, ông đã quyết định viết nó cho người lớn.

Ông luôn ngạc nhiên trước phản ứng của mọi người đối với công việc của mình. Chẳng hạn khi mọi người phát hiện Never Let Me Go có cốt truyện ảm đạm. Ông từng nhận tấm bưu thiếp từ Harold Pinter trên đó viết: “Tôi thấy nó đẫm máu kinh hoàng... Đáng lẽ ra nó phải là cuốn sách vui vẻ…”

Tại nhà, vợ và con gái luôn là những độc giả đầu tiên, đồng thời là biên tập viên của ông. Ông chia sẻ, một khi một nhà văn đã có vị trí nhất định, các biên tập viên không muốn đụng đến tác phẩm của họ, vì lo lắng rằng họ sẽ “hừng hực khí thế” đến nhà xuất bản khác. "Vì vậy, tôi rất biết ơn vì tôi đã có những thành viên khá nghiêm khắc trong gia đình làm điều đó cho tôi." Khi ông giành được giải thưởng nào đó, ngay cả giải Nobel, ông nói khi ông đang ngồi trong phòng làm việc để viết về điều gì đó, ông luôn có ý thức thời điểm nào mình thành công và thời điểm nào mình thất bại.

Ông dành thời gian cho mỗi cuốn tiểu thuyết khoảng 5 năm: quãng thời gian nghiên cứu và suy nghĩ, sau đó mới đến bản thảo đầu tiên. Đó là một quá trình mà ông so sánh với cuộc đấu kiếm của samurai: “Hai người nhìn chằm chằm vào nhau trong nhiều thời điểm, thường là khi cỏ cây thổi bay cao và bầu trời thì xa vắng và ủ rũ. Khi bạn đang suy nghĩ mọi lúc thì điều bất ngờ xảy ra trong tích tắc. Các thanh kiếm được rút ra. Chà, chà. Một trong số họ ngã xuống,” ông giải thích, cầm một thanh kiếm tưởng tượng lên màn hình. “Bạn phải làm cho tâm trí mình hoàn toàn sáng suốt và sau đó khi bạn rút thanh kiếm ra, bạn sẽ thực hiện: Wham! Phải là một vết cắt hoàn hảo.”

Mẹ của Ishiguro là một người yêu thích văn chương và là một người kể chuyện tài ba về những câu chuyện trong chiến tranh. Bà có ảnh hưởng đến nhà văn, là người thuyết phục, giới thiệu đến ông những tác phẩm kinh điển và hứa hẹn những giá trị ẩn sau những tác phẩm ấy. Gia đình ông từ Nhật Bản chuyển đến Guildford vào năm 1959 khi Ishiguro mới 5 tuổi; cha của Ishiguro – Shizu là một nhà hải dương học nổi tiếng, đã có hợp đồng nghiên cứu hai năm với chính phủ Anh. Ishiguro mô tả cha mình là sự pha trộn kì lạ giữa tài năng khoa học và ngô nghê như con trẻ ở những điều khác, điều mà ông chắt lọc để tạo ra tính cách của Klara. Sau khi cha ông nghỉ hưu, chiếc máy dự đoán sóng dâng của cha sau nhiều năm nằm ở nhà kho, đến năm 2016 được Bảo tàng Khoa học ở London dùng để trưng bày tại Phòng trưng bày toán học mới, cùng với việc con gái Naomi trở thành một nhà văn, đó là những điều khiến ông rất tự hào.

Anthony Hopkins và Emma Thompson trong bộ phim chuyển thể năm 1993 của The Remains of the Day.

Ishiguro là người sớm có hoài bão. Khi bố mẹ mua cho ông chiếc máy đánh chữ cầm tay đầu tiên năm ông 16 tuổi, bấy giờ ông đã có “kế hoạch chắc chắn để trở thành một ngôi sao nhạc rock vào năm 20 tuổi”. Đặc biệt, ông mong muốn trở thành một ca sĩ kiêm nhạc sĩ, giống như “người anh hùng vĩ đại” Bob Dylan mà ông thần tượng, người đã viết hơn 100 bài hát trong phòng ngủ của mình. Ông vẫn viết lời, hợp tác với ca sĩ nhạc jazz người Mĩ Stacey Kent, và ngày nay sở hữu không dưới chín cây đàn. (Ishiguro nhận bằng danh dự của Đại học St Andrews vào năm 2003 chỉ vì cơ hội được gặp anh hùng của mình, người cũng đã được trao một tấm bằng đó - “Tôi sẽ ở trong một căn phòng màu xanh lá cây để mặc áo choàng với Bob Dylan!”) Khi Bob Dylan nhận được Giải Nobel văn học 2016, Ishiguro đã rất vui mừng. “Chắc chắn anh ấy nên nhận được giải thưởng ấy,” ông nói. “Tôi nghĩ những người như Dylan, Leonard Cohen và Joni Mitchell là những nghệ sĩ văn học cũng như nghệ sĩ trình diễn, và tôi nghĩ thật tốt khi giải Nobel công nhận điều đó.”

Bài thuyết giảng khi nhận giải Nobel của ông, “Buổi tối thế kỉ 20 của tôi và những đột phá nhỏ khác”, kết thúc với một lời kêu gọi phá vỡ những khuôn khổ của nghệ thuật, để đa dạng văn học nói chung. “Chỉ xem xét câu hỏi về sắc tộc là chưa đủ,” ông muốn thấy sự đa dạng hơn không chỉ về sắc tộc, mà còn về giai cấp. Như ông chỉ ra, ông là trường hợp khá khác thường trong số những người cùng thời với mình khi chỉ theo học một trường trung học cấp tiểu bang và một trong những trường đại học cơ sở mới.

Luôn là bậc thầy về cách nói lịch sự “không” với các yêu cầu của báo chí, ông thận trọng về việc trở thành con mồi của “hội chứng Nobel” về việc làm thống soái trên thế giới. Ông tự mô tả mình là “một nhà văn kiệt sức, thuộc một thế hệ kiệt quệ về trí tuệ”. Con gái ông buộc tội ông và các đồng nghiệp có tư tưởng tự do của ông, đã tự mãn về tình trạng khẩn cấp về khí hậu. “Tôi thú nhận về điều đó,” ông nói. “Tôi luôn nói với con gái rằng một phần nằm ở sức lực, những người ở độ tuổi của tôi đã dành quá nhiều thời gian để lo lắng về tình hình thời hậu chiến, về cuộc chiến giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa toàn trị, phân biệt chủng tộc và nữ quyền, chúng tôi quá mệt mỏi để tiếp nhận vấn đề này. Klara and the Sun là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông đề cập đến cuộc khủng hoảng, nhưng không tham gia quá sâu vào điều đó.

Lần đầu tiên, ông bắt đầu lo sợ cho tương lai, không chỉ là hậu quả của biến đổi khí hậu, mà còn các vấn đề khác được đặt ra ở Klara: trí tuệ nhân tạo, chỉnh sửa gen, dữ liệu lớn - “rất tiếc khi phải nói về điều này” - và ý nghĩa đối với bình đẳng và dân chủ. Ông nói: “Bản chất của chủ nghĩa tư bản đang thay đổi mô hình của nó. "Tôi lo lắng rằng chúng ta không còn kiểm soát được những thứ này nữa."

Tuy nhiên, ông hi vọng rằng Klara and the Sun sẽ được đọc như một “cuốn tiểu thuyết vui vẻ, lạc quan”. Cuối cùng, như mọi khi với Ishiguro, mọi sự an ủi nào cũng có thể thực hiện được. "Bằng cách mô tả một thế giới đầy khó khăn, bạn có thể thể hiện độ sáng, bạn có thể thể hiện ánh nắng mặt trời."

BÌNH NGUYÊN dịch