Thứ Tư, 04/09/2019 17:07

Lễ đặt tượng cố Đại tá, nhà văn Xuân Thiều tại Hà Tĩnh

Sáng ngày 4/9 tại Xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh đã diễn ra buổi Lễ đặt tượng cố Đại tá, nhà văn Xuân Thiều trong khuôn viên trường tiểu học Nguyễn Xuân Thiều.

Sáng ngày 4/9 tại xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh đã diễn ra buổi Lễ đặt tượng cố Đại tá, nhà văn Xuân Thiều trong khuôn viên trường tiểu học Nguyễn Xuân Thiều. Đây là hoạt động ý nghĩa, nhằm tôn vinh những đóng góp quan trọng của Đại tá, nhà văn Xuân Thiều với quê hương Hà Tĩnh nói riêng và nền văn học nghệ thuật Việt Nam nói chung.

Các đại biểu cắt băng khánh thành tại buổi lễ

Đến dự buổi lễ có đại diện Hội Nhà văn Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Bí thư – Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ, đại diện Cục Điện ảnh,... cùng các cơ quan ban ngành trong huyện, xã, cùng các thầy cô giáo và các em học sinh trường tiểu học Nguyễn Xuân Thiều.

Sinh ra trong gia đình thuần nông ở xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, ông sớm tham gia cách mạng. Tháng 2/1947, ông nhập ngũ vào bộ đội địa phương, rồi năm 1951, ông đi chiến trường. Cuối năm 1959, ông về Tổng cục Chính trị, sau đó về Tạp chí Văn nghệ Quân đội và từng giữ chức Phó Tổng biên tập. Năm 1987, ông được biệt phái sang Hội Nhà văn làm Phó ban Hội viên kiêm Chánh văn phòng.

Từ trong những tác phẩm của ông như: Đôi vai, Một người lính, Chiến đầu trên mặt đường, Mặt trận kêu gọi, Từ một cánh rừng, Khúc hát mở đầu, Gió từ miền cát, Xin đừng gõ cửa, Huế - mùa mai đỏ… có thể nhận ra những quan niệm bền bỉ của ông về cái tốt, cái đẹp, sự lương thiện và lẽ phải. Ở đó, cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa các giá trị đối nghịch luôn diễn ra, nhưng cái thiện, cái tốt đẹp sẽ giành chiến thắng. Đó là niềm tin để ông chiến đấu và giữ vững ngòi bút của mình.

Trường tiểu học xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh mang tên Đại tá, nhà văn Nguyễn Xuân Thiều từ năm 2011. Năm 2019, được sự thống nhất của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng có liên quan, bức tượng nhà văn Xuân Thiều được đặt trang trọng trong khuôn viên nhà trường.

Bức tượng Đại tá Nguyễn Xuân Thiều trong khuôn viên trường tiểu học mang tên ông

Đánh giá về ý nghĩa của hoạt động này, trung tá, nhà văn Phùng Văn Khai – Phó Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội đã nhấn mạnh: “Đây là một cử chỉ hết sức đáng kính trọng. Điều này không chỉ khích lệ tinh thần, tôn vinh một người con quê hương cụ thể, mà còn cho thấy tầm nhìn xa trông rộng về văn hóa của những người lãnh đạo. Thực tế cho thấy, ở đâu hệ thống lãnh đạo quan tâm, trân trọng, phát huy những giá trị văn hóa, văn nghệ thì có thể nói ở đấy người dân được hưởng hạnh phúc. Đó cũng là mong muốn của các nhà văn, trong đó có nhà văn Xuân Thiều”.

Trong lời phát biểu đáp từ, đồng chí Võ Công Hàm, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ nhấn mạnh đến cuộc đời, sự nghiệp đầy ý nghĩa của Đại tá, nhà văn Xuân Thiều. Từ những thành tựu kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng, giáo dục của huyện Đức Thọ, đồng chí Võ Công Hàm cũng bày tỏ tầm quan trọng của những tấm gương tiền bối, những bậc danh nhân, chí sĩ, anh hùng, những bậc trung liệt đã làm nên truyền thống quê hương Đức Thọ - Hà Tĩnh.

LÊ PHONG