Thứ Năm, 08/10/2020 23:38

Louise Glück có tài năng “biến nước thành máu”

“Rất ít nhà văn chia sẻ tài năng biến nước thành máu của bà", nhà phê bình Adam Plunkett nhận xét về chủ nhân Giải Nobel Văn học 2020.

Chủ nhân của Nobel Văn học 2020, Louise Glück, sinh năm 1943 ở New York (Mĩ), bà là tác giả của 12 tuyển tập thơ, 1 tiểu luận về thi ca. “Rất ít nhà văn có tài năng "biến nước thành máu". Những điều nổi bật từ tập thơ mới này bao quát toàn bộ sự nghiệp của một nhà thơ đã phát xuất rất nhiều “nọc độc” nhưng hiện đang viết với một mạch nhẹ nhàng hơn”, nhà phê bình Adam Plunkett nhận xét.

Louise Glück gặp Brack Obama tại Nhà Trắng năm 2015. Ảnh: AP

Những bài thơ của Glück trong các tập thơ Firstborn (1968), The House on Marshland (1975), The Garden (1976), Descending Figure (1980), The Triumph of Achilles (1985), Ararat (1990) và The Wild Iris (1992) đưa độc giả vào một cuộc hành trình nội tâm bằng cách khám phá những cảm xúc sâu kín nhất, gần gũi nhất của họ. Khả năng sáng tạo thơ khiến nhiều người có thể thấu hiểu những trải nghiệm của Glück một cách mãnh liệt, hoàn toàn bắt nguồn từ ngôn ngữ và giọng thơ thẳng thắn đến khó tin của bà.

Năm 1968, Glück phát hành tập thơ đầu tiên – Firstborn (tạm dịch: Đứa con đầu lòng), "nhanh chóng được ca ngợi như một trong những nhà thơ nổi bật của văn học đương đại Mĩ" - theo Viện Hàn lâm.

Vì những đổ vỡ từ cuộc hôn nhân đầu tiên, sự nghiệp viết lách của bà ngưng trệ vài năm. Năm 1971, khi bắt đầu giảng dạy về thơ ở Đại học Goddard, bà sáng tác lại và ra mắt tập thơ thứ hai bốn năm sau đó - The House on Marshland (tạm dịch: Ngôi nhà trên đầm lầy). Các chuyên gia văn học Mĩ đánh giá tác phẩm mang tính đột phá, với cách diễn đạt không thể trộn lẫn.

Tập thứ ba của Glück, Descending Figure, xuất bản năm 1980. Tác phẩm thành công về mặt doanh thu nhưng nhận một số chỉ trích về cách diễn đạt và chủ đề. Nhà thơ Greg Kuzma đã buộc tội Glück là "kẻ ghét trẻ em" bởi bà sáng tác bài The Drowned Children (tạm dịch: Những đứa trẻ chết đuối). Cùng năm, nữ tác giả gặp biến cố vì một trận hỏa hoạn thiêu trụi ngôi nhà và toàn bộ tài sản của bà.

Sau biến cố, khuynh hướng sáng tác của bà thay đổi, thể hiện qua tuyển tập The Triumph of Achilles (1985). Nhà phê bình Liz Rosenberg nhận xét ngôn từ của bà "rõ ràng, tinh tế, sắc sảo hơn" các tác phẩm trước. Trên tờ The Georgia Review, nhà phê bình Peter Stitt nhận xét bà là "một trong những nhà thơ quan trọng của thời đại chúng ta". Bài thơ Mock Orange của bà được các chuyên gia ví von là bài ca về nữ quyền, được giảng dạy ở nhiều trường đại học. Nhà phê bình Holly Prado bình luận The Triumph of Achilles (1985) rằng thơ của Glück “có một giọng hát không thể nhầm lẫn, nó vang lên và đưa vào thế giới đương đại của chúng ta quan niệm cũ rằng thơ và tầm nhìn gắn liền với nhau”.

Wendy Lesser lại đánh giá tập thơ này trên Washington Post Book World, nhấn mạnh “trực tiếp” là từ tác dụng ở đây: ngôn ngữ của Glück rất thẳng thắn, gần gũi với cách nói thông thường. Tuy nhiên, lựa chọn cẩn thận của nhà thơ về nhịp điệu và sự lặp lại; và tính cụ thể của ngay cả những cụm từ mơ hồ mang tính thành ngữ, mang lại cho thơ bà có sức nặng khác xa thông thường”. Lesser tiếp tục nhận xét rằng “sức mạnh của giọng nói đó phần lớn bắt nguồn từ tính tự trọng của nó - theo nghĩa đen, vì những từ ngữ trong bài thơ của Glück dường như đến trực tiếp từ chính con người tác giả”.

Bởi Glück viết rất hiệu quả về sự thất vọng, bị từ chối, mất mát và cô lập, nên những người phê bình thường gọi thơ của cô là “ảm đạm” hoặc “đen tối”. Don Bogen của The Nation cảm thấy rằng "mối quan tâm cơ bản" của Glück là "sự phản bội, cái chết, tình yêu và cảm giác mất mát đi kèm với nó... Nhà thơ có trái tim như một thế giới sa ngã”.

Cái chết của người cha trở thành chủ đề để Glück sáng tác tập thơ Ararat (1990). Nhà phê bình Dwight Garner gọi tác phẩm là "cuốn sách tàn bạo, đau khổ nhất của thơ ca Mĩ được xuất bản trong 25 năm qua". Trong tập The Wild Iris (1992), Glück nói về thiên nhiên thông qua ba cuộc trò chuyện trong khu vườn của ba giọng nói: những bông hoa nói với người làm vườn-nhà thơ, người làm vườn-nhà thơ, và một vị thần về bản chất của cuộc sống. Tác phẩm giành giải Pulitzer năm 1993, giúp bà trở thành nhà thơ đương đại xuất chúng của Mĩ.

Meadowlands (1996), tác phẩm mới đầu tiên của Glück sau The Wild Iris, lấy động lực từ thần thoại Hi Lạp và La Mã. Cuốn sách sử dụng giọng nói của Odysseus và Penelope để tạo ra “một loại thử nghiệm hùng biện cao - thấp trong nghiên cứu hôn nhân”, theo Deborah Garrison trên New York Times Book Review.

Vita Nova (1999) đã mang về cho Glück giải thưởng Bollingen của Đại học Yale. Mặc dù chủ đề bên ngoài của tập thơ là hậu quả của một cuộc hôn nhân tan vỡ, xong bên trong, Vita Nova tràn ngập các biểu tượng nói lên những giấc mơ cá nhân và các nguyên mẫu thần thoại cổ điển.

Tập thơ tiếp theo của Glück, The Seven Ages (2001), bao gồm bốn mươi bốn bài thơ viết về những vấn đề cá nhân và huyền thoại trải dài trong suốt cuộc đời tác giả, từ những kí ức đầu tiên đến chiêm nghiệm về cái chết. Cuốn Averno (2006) lấy huyền thoại về Persephone làm nền tảng. Các bài thơ trong tập xoay quanh mối quan hệ giữa những người mẹ và con gái, nỗi sợ hãi về sự già đi và một câu chuyện kể về một Persephone thời hiện đại. Trên tờ New York Times, Nicholas Christopherghi nhận sự quan tâm đặc biệt của Glück trong việc “khai thác các nguồn gốc của thần thoại, tập thể và cá nhân, để thúc đẩy trí tưởng tượng của mình, và với sự rõ ràng hiếm có và tính nhạc tinh tế, để đấu tranh với nỗi sợ hãi lâu đời nhất, khó chữa nhất của chúng ta - cô lập và lãng quên, sự tan vỡ của tình yêu, sự suy tàn của trí nhớ, sự già đi cơ thể và tàn phá của tinh thần”.

Sự kiện khủng bố ngày 11/9/2011 thôi thúc bà viết tập thơ October. Trong đó, bà dựa trên thần thoại Hi Lạp để nói về những vết thương, sự đau khổ. Thập niên 2000 và 2010, bà xuất bản các cuốn Averno (2006), A Village Life (2009), Faithful and Virtuous Night (2014). Tuyển tập gần nhất của bà mang tên American Originality, ra mắt năm 2017.

William Logan gọi A Village Life (2009), của Glück "một sự xuất hiện ấn tượng của một nhà thơ mang nhiều ý nghĩa hơn những gì nhà thơ ấy có thể nói”. Cuốn sách là một sự khởi đầu mới của Glück dựa trên những dòng dài để đạt được hiệu ứng tiểu thuyết hoặc truyện ngắn.

“Rất ít nhà văn chia sẻ tài năng biến nước thành máu của bà. Nhưng những điều nổi bật từ tuyển thơ mới toàn diện này, đã bao quát toàn bộ sự nghiệp của một nhà thơ đã phát xuất rất nhiều “nọc độc” nhưng hiện đang viết, một cách xuất sắc, với một mạch nhẹ nhàng hơn” - Adam Plunkentt.

Tuyển thơ của Glück 1962-2012 (2012) nhận được sự hoan nghênh rộng rãi của công chúng. Nhà phê bình Dwight Garner của New York Times vừa nhấn mạnh nỗ lực làm việc một cách “khốc liệt” cũng như “cường độ đạo đức cao độ” của Glück, tuyển thơ này cho độc giả thấy được quá trình phát triển theo các chặng đường của Glück. Khi xem lại các bài thơ của Glück, Adam Plunkett nói: “Rất ít nhà văn chia sẻ tài năng biến nước thành máu của bà. Nhưng những điều nổi bật từ tuyển thơ mới toàn diện này, đã bao quát toàn bộ sự nghiệp của một nhà thơ đã phát xuất rất nhiều “nọc độc” nhưng hiện đang viết, một cách xuất sắc, với một mạch nhẹ nhàng hơn”.

Năm 2003, Glück được vinh danh là Nhà thơ Hoa Kì thứ 12. Cùng năm đó, bà được bổ nhiệm làm giám khảo cho Loạt bài thơ trẻ của Yale, một vị trí mà bà giữ cho đến năm 2010. Cuốn sách gồm các bài luận Proofs and Theories (tạm dịch: Lí thuyết và Chứng minh; 1994) của bà đã được trao Giải thưởng PEN/ Martha Albrand cho Sách phi hư cấu. Ngoài các Giải thưởng Pulitzer và Bollingen, bà đã nhận được nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quý cho tác phẩm của mình: Giải thưởng Văn học Lannan cho Thơ, Giải Tưởng niệm Sara Teasdale, Huy chương Kỉ niệm MIT, học bổng từ Tổ chức Guggenheim và Rockefeller... Năm 2008, bà được trao Giải thưởng Wallace Stevens và năm 2015, bà được cựu Tổng thống Mĩ Brack Obama trao Huân chương quốc gia về Nghệ thuật và Văn học năm 2015.

Glück hiện là nhà văn, làm việc tại Đại học Yale và sống ở Cambridge, Massachusetts.

BÌNH NGUYÊN dịch tổng hợp theo poetryfoundation, Nytimes