Thứ Năm, 08/04/2021 15:08

Luận "Kiều" cổ trang của Mai Thu Huyền

Mối tình của Kiều với Thúc Sinh thổn thức nhân gian cùng cái ghen “thường tình” nhưng thuộc hàng “kinh điển” của Hoạn Thư hơn 200 năm nay được tái hiện trên màn ảnh rộng bằng những hình ảnh vừa quen vừa lạ.

Sau khi phim điện ảnh “Kiều @” của đạo diễn Đỗ Thành An ra mắt nhận được những khen chê trái chiều và không đạt hiệu ứng về phòng vé, đến lượt "Kiều" làm theo lối cổ trang của đạo diễn Mai Thu Huyền chuẩn bị trình làng. Cũng lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều”, phim "Kiều" lựa chọn khai thác mối tình của Thúy Kiều với Thúc Sinh làm câu chuyện chính với cách làm phóng tác mang hơi hướng huyền ảo. Hai sắc thái, hai cách làm trái ngược nhau, liệu "Kiều" cổ trang có mang lại những hiệu ứng tươi sáng hơn cho số kiếp nàng Kiều vốn long đong lận đận từ văn chương đến điện ảnh? Bài viết của nhà văn Hoài Hương sau khi chị xem suất chiếu sớm tại TP Hồ Chí Minh trước khi "Kiều" ra rạp.

Poster phim "Kiều" với tạo hình 3 nhân vật Thúy Kiều - Thúc Sinh - Hoạn Thư.  Ảnh: ĐLP

“Lửa tâm càng dập càng nồng,

Giận người đen bạc ra lòng trăng hoa."

Mối tình của Kiều với Thúc Sinh thổn thức nhân gian cùng cái ghen “thường tình” nhưng thuộc hàng “kinh điển” của Hoạn Thư hơn hai trăm năm nay được tái hiện trên màn ảnh rộng bằng những hình ảnh vừa quen vừa lạ, vừa cổ điển vừa tân thời mang chút phong cách fantasy trong phim cổ trang “Kiều”…

90 phút không thể kể hết 15 năm lưu lạc của Thúy Kiều, thế giới nhân vật của “Truyện Kiều”- Đại thi hào Nguyễn Du rất phong phú và nhiều tình tiết, chọn góc độ nào để làm phim, không hề đơn giản và cũng không thể làm một phim minh họa, sẽ cầm chắc thất bại, nên sự lựa chọn “thông minh” của nhà sản xuất là mối tình của nàng Kiều với Thúc Sinh mang tính lãng tử nồng nhiệt và cơn ghen đóng dấu ấn như một “thương hiệu” mang tên Hoạn Thư, ở góc độ nào lại có vẻ phù hợp nhất, gần với cuộc sống nhất, đời nhất, người nhất, và cả “hiện đại” nhất.

Bi kịch của mối tình này cũng thật” hơn, dễ hiểu và đồng cảm hơn, nhất là trong xã hội hiện tại những mối tình “tiểu tam” đang có chiều hướng như một trend trong phim gia đình.

Các anh tài và “đoạn trường” khá truân chuyên

Phim “Kiều” do đạo diễn Mai Thu Huyền, một đạo diễn trẻ trong nghề, nhưng có phía sau một đội ngũ sản xuất chuyên nghiệp giàu kinh nghiệm của Tincom Media (là nhà sản xuất của phim điện ảnh nghệ thuật Lạc Giới, Giấc Mơ Mỹ) sát cánh. Điều hành sản xuất là Trần Bửu Lộc, từng là đạo diễn phim ăn khách Cô Ba Sài Gòn. Tác giả kịch bản kiêm đạo diễn hình ảnh là NSƯT Phi Tiến Sơn (đạo diễn phim Lưới Trời).

Thiết kế phục trang là nhà thiết kế Thủy Nguyễn chuyên về phim cổ trang; Giám đốc âm nhạc do nhạc sỹ Huy Tuấn đảm nhận (từng làm nhạc cho phim Mỹ Nhân Kế, Những Nụ Hôn Rực Rỡ). Họa sĩ thiết kế Vi Ngọc Mai (thiết kế phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Sống Trong Sợ Hãi); Huấn luyện diễn xuất là diễn viên giàu kinh nghiệm Kathy Uyên.

Vai Nàng Kiều do Trình Mỹ Duyên đảm nhiệm. Duyên là thí sinh thuộc team huấn luyện viên Lan Khuê tại The Face 2017, danh hiệu Người đẹp áo dài trong cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2017. Vai Thúc Sinh do Lê Anh Huy đóng. Anh là người Mĩ gốc Việt, gương mặt góc cạnh mang nét đẹp nam tính, cổ điển, cùng chiều cao 1m91, đã có thời gian dài hoạt động nghệ thuật người mẫu, ca sĩ và diễn viên tại Mĩ, năm 2013, đoạt giải Nam vương tại cuộc thi Mr. American International. Vai Hoạn Thư được giao cho Cao Thài Hà, là gương mặt quen thuộc của điện ảnh Việt với những vai diễn ấn tượng trong các bộ phim truyền hình như: Tiếng sét trong mưa, Đồng tiền quỷ ám, Hậu duệ mặt trời (phiên bản Việt), Bão ngầm, Vũ khí sắc đẹp… Đặc biệt, với vai diễn Diệu Ngọc trong phim Bán chồng, Cao Thái Hà đã được giải Cánh diều vàng nằm 2019, Nữ diễn viên phụ xuất sắc. Đặc biệt, gần đây nhất chị đã tham gia vai Thúy Vân thời hiện đại trong một phim Kiều hiện đại khác, là vai Phấn trong phim điện ảnh “Kiều @” vừa ra mắt công chúng tháng 3/2021.

Ngoài ra còn các diễn viên “sao” nhiều thế hệ tham gia trong các vai diễn như: NSND Lê Khanh vai Hoạn Bà; ca sĩ Phương Thanh vai Tú Bà; Long Đẹp Trai vai Mã Giám Sinh; Hiếu Hiền vai Hiền Bá; siêu mẫu Lê Thu An vai Thị Liên; và một bất ngờ cho khán giả là vai hồn ma Đạm Tiên do chính đạo diễn Mai Thu Huyền đảm nhận.

Phim “Kiều” trước và trong quá trình sản xuất khá "đoạn trường" chuân chuyên với hành trình gồm 10 năm nhà đạo diễn ấp ủ “dư mưu”, 1 năm lên kế hoạch và triển khai sản xuất phim; 2 tháng quay phim nằm giữa hai đợt cao điểm dịch Covid-19; 3 đợt casting tại ba miền Bắc - Trung - Nam; 4 lần đặt hàng kịch bản; 5 lần khảo sát bối cảnh; 6 tỉnh thành có bối cảnh phù hợp: Cao Bằng, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế sau khi khảo sát tại 20 tỉnh thành; 7 lần chỉnh sửa kịch bản trước khi chính thức bấm máy; 8 tháng hậu kì; 9 tuần tập luyện diễn xuất cho diễn viên; Và hơn 100 con người đồng hành thực hiện trong suốt 60 ngày quay phim.

Ngay cả khi phim làm xong hậu kỳ, nhưng để ra rạp công chiếu, cũng là một “đoạn trường”. Không chỉ việc phải dời ngày công chiếu mấy lần, mà ngay cả khi phim mới đưa vài hình ảnh “show” đã bị nhiều ý kiến phản đối từ cách đề tên tấm biển "Lạc Uyển Lâu" được ghi bằng chữ Quốc ngữ trong phim, hay trang phục thiết kế không thuần cổ trang Việt…

Vai Thúy Kiều do Trình Mỹ Duyên đảm nhận. Ảnh: ĐLP

Lẩy qua về các nhân vật

Phim “Kiều” dần được mở ra sau chiếc kiệu đỏ buông rèm… Vẻ đẹp của Thúy Kiều chỉ được chấm phá với đôi nét ẩn hiện lúc nàng đang điểm trang và khép lại bằng khoảnh khắc Kiều quay lưng gảy đàn để lộ tấm lưng trần mong manh và bức tranh thiếu nữ bị bàn tay vò nhàu nát, tất cả đều như ngầm ám chỉ những giông bão vùi dập cuộc đời người con gái này.

Mỗi số phận nhân vật trong phim “Kiều” đều mang nỗi niềm ẩn khuất riêng. Từng lớp nhân vật xuất hiện trong phim “Kiều” không chỉ là các tác nhân cho những kịch tính xoay quanh chuyện tình tay ba đầy yêu thương, đầy đau đớn, đầy xót xa của Kiều - Thúc Sinh - Hoạn Thư, mà còn là Hoạn Bà, Tú Bà, Mã Giám Sinh và nhân vật hư cấu như Hiền Bá, Thị Liên… đều là những số phận đại diện phản ánh tâm hồn, tình cảm, tính cách và nhất là khát vọng tự do của con người ở mọi tầng lớp xã hội.

Là nàng Kiều bán mình chuộc cha, bị đẩy vào chốn mua vui cho khách làng chơi, cảm kích Thúc Sinh - người đàn ông muốn đưa nàng ra khỏi chốn đầy “cuộc say, trận cười”. Và rồi là chuyện tình nàng Kiều với Thúc Sinh từ niềm khao khát được tự do yêu thương, sống cuộc đời Kiều lựa chọn chứ không phải là phó mặc cho con tạo xoay vần theo kiểu gái lầu xanh.

Là Thúc Sinh cố gắng gây dựng sự nghiệp để thoát khỏi sự khinh bạc của mẹ vợ nhưng chẳng bao nhiêu là đủ khi trong mắt Hoạn Bà chàng rể vẫn chỉ mang kiếp “chó chui gầm chạn”. Phận làm rể nhà quyền quý khiến bản lĩnh đàn ông của Thúc Sinh bị mắc kẹt trước Hoạn Thư và gia đình vợ. Và tình yêu với Kiều, cuộc sống “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” dù ngắn ngủi nhưng đủ thấy khát khao được tôn trọng, được yêu thương, được sống tự do của Thúc Sinh.

Hoạn Thư mang tiếng ghen muôn đời khi ra tay hành hạ Kiều, nhưng ở một góc nhìn khác, tiểu thư họ Hoạn cũng đớn đau muôn phần khi bị giam cầm trong chính địa vị của mình. Hoạn Thư và Thúc Sinh là một cuộc sống nhạt nhẽo, lạnh lẽo, một bi kịch hôn nhân thầm lặng mà đầy xót xa. Vì thế ngoài mặt là cơn ghen cuồng nộ, nhưng trái tim thì nát tan bởi giấc mơ hạnh phúc không thành.

Cao Thái Hà vừa tham gia vai Thúy Vân thời hiện đại trong phim "Kiều @" vừa tham gia vai Hoạn Thư trong phim "Kiều". Ảnh: ĐLP

Là Kiều mà không phải Kiều

Bởi vì chỉ lấy “cảm hứng” và phóng tác nên nếu lấy thước đo nội dung “Truyện Kiều” mà so thì hơi khập khiễng, cho dù có đủ nhân vật từ Kiều, Mã Giám Sinh, Tú Bà, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Hoạn Bà... Nhưng câu chuyện đã được phóng tác theo hơi hướng fantasy có chút huyền ảo, với nhiều tình tiết hư cấu không có trong “Truyện Kiều”, như cảnh Thúc Sinh giúp Kiều đi trốn, rồi hai người dựng túp lều tranh, làm bạn với cỏ cây chim muông hoa lá, đàn sáo thanh nhàn như thần tiên nơi rừng hoang…

Phim cũng cho thêm nhân vật Hiền Bá giàu có mà tham lam, ham sắc dục, lại đầy tính xấu, đi xúc xiểm, đi ăn cướp… Thị Liên gái lầu xanh đáng thương mà tình nghĩa, vì bạn mà hi sinh. Thúc Sinh cũng hội tụ cả chất lãng mạn của Kim Trọng, chất trượng phu của Từ Hải, lại có võ nghệ cao cường. Những pha “cận chiến” của Thúc Sinh khi bảo vệ Kiều hay đánh bọn cướp là những cảnh hành động khá đẹp mắt, như trong phim kiếm hiệp, tạo không khí phim sinh động, tốc độ hơn.

Đặc biệt vai hồn ma Đạm Tiên là một sáng tạo của phim “Kiều”, mà trong nguyên bản “Truyện Kiều” không có những chi tiết này. Hồn ma Đạm Tiên “bám” theo Kiều, bảo vệ Kiều thoát những hành hạ khi ở lầu xanh, cảnh tỉnh Kiều đừng nên tin vào tình yêu của nam nhân, xúi giục Kiều “ân đền oán trả” giết Hoạn Thư… Hồn ma Đạm Tiên như một ước mơ có được sức mạnh chống lại cái ác trong một xã hội nhiều người ác…

Phim “Kiều” xoay quanh mối tình tay ba, không chỉ khẳng định “ghen tuông thì cũng người ta thường tình”, mà còn vun đắp quan niệm nhân ái “càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều” để học cách biết tha thứ và thương yêu. Để rồi kết thúc phim, Kiều không đâm nhát dao định mệnh vào Hoạn Thư, Thúc Sinh mà dang tay che chở Hoạn Thư, Hoạn Thư thì cay đắng nhận ra tình yêu không thể tranh giành bằng sân hận…

Âm nhạc trong phim ngoài những khúc lẩy Kiều cổ điển như một cách chú giải cho cảnh phim tạo sự liền mạch câu chuyện, thì khúc ca “Kiều mệnh khúc” ở cuối phim được ca sĩ Bùi Lan Hương hát với giai điệu nghe rất ma mị, ca từ đầy ẩn ý, về những ranh giới mong manh của được và mất, của niềm vui và nỗi buồn, tình yêu và tổn thương… Bàn tay thì nhỏ bé, lòng người thì rộng lớn và con tạo chưa bao giờ ngừng xoay vần, thế nên, không ai có thể níu giữ mãi thứ mình đang có…, tạo cho khán giả lắng lại xúc cảm“Nàng là Sen, loài hoa thanh khiết trắng ngần/ Từ bùn vươn mình lên đón nắng sớm mai”…,

Và một vài nuối tiếc

Phim “Kiều” lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều” nên dù các nhân vật có chút phóng tác nhưng vẫn giữ lại hồn cốt. Có thể thấy một Hoạn Thư - Cao Thái Hà diễn xuất tâm lí khá tốt, cái ghen ngùn ngụt tưởng chừng thiêu cháy cả khu rừng, sập cả ngọn núi, cạn khô cả con thác…, nhưng rồi lặn hết vào trong, để ngấm ngầm trả ghen hận “tiểu tam”, vừa rất con nhà quyền quý, vừa sâu cay đắng đót, vừa chấp nhận thua cuộc không thể có được trái tim của chồng…

Vai Thúc Sinh do Lê Anh Huy thể hiện còn nhiều tiếc nuối. Ảnh: ĐLP

Có chút tiếc vai Thúc Sinh của Lê Anh Huy diễn xuất nội tâm chưa sâu, nhất là những dằn vặt bên tình yêu với Kiều, bên tình nghĩa với Hoạn Thư. Hay vai diễn của Phương Thanh - Tú Bà chưa ra được cái nét “chủ chứa”, “chăn dắt” tham lam, độc ác, vùi hoa nát ngọc, mà trong phim chỉ thấy Tú Bà vui vui, trừ một cảnh “ác” nhất là sai đổ nến đang cháy vào tay một cô gái lầu xanh…

Một cái tiếc nữa là vai Kiều - Trình Mỹ Duyên. Để chọn cho ra một Thúy Kiều “Làn thu thủy, nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm liễu hơn kém xanh” quả thật là khó, lại phải diễn nội tâm trong một cảnh thậm khó trong phim là hầu rượu khảy đàn cho hai vợ chồng Thúc Sinh- Hoạn Thư hoan lạc… là thử thách với một diễn viên trẻ. Giá như cảnh này Kiều đánh đàn, và gửi hết nỗi đau đớn xót xa thân phận vào tiếng đàn“Bốn dây như khóc như than/ Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng/ Cùng chung một tiếng tơ đồng/ Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm”, thì hay hơn vừa đàn vừa khóc. Làm sao mà để diễn viên không khóc nhưng khán giả xem phim khóc thì mới là hoàn hảo.

Một điểm nữa, thì việc đạo diễn thoảng “đặt” những câu thơ trong “Truyên Kiều” cho nhân vật nói, hơi bi lạc so với văn cảnh và bối cảnh, nên có hơi lạc lõng.

Phim “Kiều” tuy chỉ “phóng tác” và lấy “cảm hứng” một quãng đời của nàng Kiều, nhưng vẫn thể hiện được tinh thần chính của “Truyện Kiều”, là giá trị nhân văn, khát vọng về quyền sống, khát vọng tự do, khát vọng tình yêu hạnh phúc… Được biết phim ngoài việc phát hành tại Việt Nam, nhà sản xuất có kế hoạch phát hành bộ phim này tại nước ngoài như: Mĩ, Australia... Phim chính thức công chiếu trên toàn quốc từ ngày 9/4/2021.

HOÀI HƯƠNG