Thứ Bảy, 21/09/2019 00:11

Mạch nguồn sáng tạo

Nói tới sáng tạo nghệ thuật là nói tới sự tưởng tượng và cảm xúc của nghệ sĩ. Tuy nhiên, một yếu tố vô cùng quan trọng khác, đó là thế giới hiện thực.

Trong thế giới phẳng, con người dễ chu du, tìm hiểu vô số nền văn hóa 5 châu. Tuy nhiên, với nhiều nghệ sĩ kỳ cựu, lịch sử, văn hóa quê hương, nơi nuôi dưỡng trưởng thành, nơi tình yêu đã ngấm vào máu thịt mỗi người, tiếp tục trở thành mạch nguồn bất tận trong các sáng tác của họ.

Thực tiễn là sức sống

Nói tới sáng tạo nghệ thuật là nói tới sự tưởng tượng và cảm xúc của nghệ sĩ. Tuy nhiên, một yếu tố vô cùng quan trọng khác, đó là thế giới hiện thực. Quá trình nghệ sĩ quan sát, cảm thụ thế giới hiện thực một cách nhạy cảm và tinh tế nhất, chi tiết, tỉ mỉ và toàn diện, chính là giai đoạn họ chuẩn bị chất liệu cho quá trình sáng tạo. Và một mảnh đất với môi trường văn hóa, xã hội, chiều sâu lịch sử nuôi dưỡng nên nghệ sĩ, thường mang đến cho họ cả vốn sống, chất liệu cho những sáng tác của mình.

Mới đây, khi nói về nghề viết, đặc biệt là từ quá trình sáng tác tiểu thuyết lịch sử “Từ Dụ thái hậu” nhà văn Trần Thùy Mai chia sẻ: “Huế khá thanh bình và thư giãn, sáng sáng văn nghệ sĩ thường ra sông Hương uống cafe, trò chuyện... Với người viết, gặp gỡ người quen cũng như người lạ, nghe tâm sự của họ là sự bổ sung cho vốn sống của mình. Từ khi tôi qua Mỹ, không có những buổi cafe, bạn hữu chia sẻ hiếm có, tôi bị hụt mất vốn sống ấy. Các bạn viết của tôi cùng hoàn cảnh cũng đều có tâm trạng về Việt Nam thì viết được, nhưng trong môi trường văn hóa khác, dù có hiểu có biết về trí tuệ, nhưng cảm xúc chưa sâu, chưa là văn hóa của mình, rất khó viết về nơi ấy”.

Trong quá trình tìm niềm vui của viết lách, nhà văn đã quay về với vốn lịch sử, văn hóa Việt Nam, và mang theo mình như hành trang không tách rời, dù đến bất cứ nơi đâu trên thế giới. “Tôi đã chọn viết về lịch sử triều Nguyễn. Đó là cái của mình. Triều Lý, Trần, tôi đọc sử cũng hiểu, nhưng không sống lâu ở miền Bắc, văn hóa, lịch sử ấy không thể sinh động trong đầu bằng những người sống nơi đó. Sinh ra và lớn lên ở Huế, nói tới triều Nguyễn tôi có thể cảm được những cung điện, đền đài, văn hóa, cách ăn mặc, suy nghĩ, và những nhân vật lịch sử đó rất gần gũi. Triều Nguyễn còn có nhiều tranh cãi về mặt lịch sử, chính ở đó, tôi có thể góp tiếng nói của mình”, nhà văn Trần Thùy Mai nói.

Còn với GS. TS. NSND Lê Ngọc Canh, người gắn bó với nghề múa trên 70 năm, có hàng trăm tác phẩm múa đủ các thể loại, đoạt được nhiều giải thưởng: “Sáng tạo tác phẩm múa phải đi từ thực tiễn, đi lên từ thực tiễn, thực tiễn là sức sống, là sự thành công lan tỏa của tác phẩm múa. Nhất là những tác phẩm múa dân gian, dân tộc, nhất thiết phải đến địa phương tộc người có múa để học múa trực tiếp nghệ nhân và phải ghi chép đầy đủ về lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán, nghi lễ, nghệ thuật tộc người. Từ đó nghiên cứu sáng tác có cơ sở lý luận, thực tiễn, khoa học... Chộp một vài động tác sáng tác thì sẽ khó có sự thành công”. Trong thực tế sáng tác, ông đã lựa chọn nhiều phương pháp, nhiều cách để xây dựng tác phẩm múa, thành công có, thất bại có, nhưng vẫn kiên trì theo một định hướng thực tiễn là hồn cốt, nguồn cảm hứng sáng tạo cho tác phẩm múa. Ông đúc kết kinh nghiệm sáng tạo của mình là: “Không ngồi bàn giấy để tưởng tượng, không ngồi ở Hà Nội để sáng tác mà đi điền dã thực địa để sáng tạo sẽ đem lại cho sự thành công. Tùy từng cá thể sáng tạo, từng tác giả sẽ có cách lựa chọn thực tiễn, tiếp cận thực tiễn khác nhau và sáng tạo độc lập khác nhau”.


Văn hóa, lịch sử mỗi vùng đất là mạch nguồn nuôi dưỡng sáng tạo nghệ thuật
Nguồn: ITN

Tích lũy vốn sống sâu, rộng

Với nhà thơ Vũ Quần Phương: “Hà Nội là bối cảnh của thơ tôi. Trong thơ tôi, chuyện gì cũng liên quan tới Hà Nội”. Thủ đô luôn đem lại những rung cảm mạnh mẽ để ông viết nên những vần thơ sâu nghĩa nặng tình. Tuy nhiên, nhà thơ cũng cho rằng, tác phẩm hay về Hà Nội phải bảo đảm 4 yếu tố: Trữ tình lịch sử, tinh tế trang nhã, trữ tình trí tuệ và nhân văn. Muốn đạt được 4 yếu tố đó, người viết cần có hiểu biết rộng và sâu về Hà Nội. “Đấy là kết quả của quá trình tìm hiểu Hà Nội trên thực địa. Tôi tự lấy làm tiếc vì đã không ý thức được việc này từ khi ít tuổi, nhưng dù ở tuổi nào thì sự bắt đầu vẫn có ích và còn kịp. Chính thực địa là nơi khơi nguồn sáng tác tốt. Hà Nội là nơi diễn ra nhiều sự kiện tiêu biểu của đất nước, nơi lưu giữ những giá trị truyền thống, nơi tiếp nhận những giá trị nhân loại. Tuy nhiên, Hà Nội đang chuyển mình từng ngày, có những thứ người viết tưởng biết rồi, nhưng thực tế lại rất bất ngờ. Cái bất ngờ ấy tạo sự mới mẻ trong sáng tác... Với những tác giả đang sống trên Hà Nội mà không sớm nhập thân vào công việc này thật sự là một lãng phí. Lãng phí cái công được sống của mình trên đất Thủ đô hơn nghìn năm tuổi”.

“Như nhà văn Marquez - tác giả tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn”, là một người viết hư cấu giỏi nhưng vẫn nói: “Thực sự không có câu nào tôi viết ra mà không có cơ sở thực tế. Muốn tạo được tác phẩm nghệ thuật hay, tác giả phải đi, quan sát, nắm bắt hiện thực và nung nấu phản ánh hiện thực ấy, khi nào đủ độ chín thì tự khắc ý tứ, câu chữ, phương pháp sẽ bật ra” - đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh tâm sự. Lời khuyên của ông dành cho người viết trẻ là viết những gì xảy ra với mình bao giờ cũng dễ hơn là kể một câu chuyện mình được nghe, đọc ở đâu đó.

Ngày nay, việc tra cứu từ internet, trong đó có mạng xã hội hỗ trợ khá đắc lực, làm thỏa mãn “cơn khát” tài liệu “cấp tính” của người viết. Tuy nhiên, theo nhà thơ Vũ Quần Phương, về lâu dài, ngoài việc tìm hiểu thực địa, đọc sách là cần thiết để tích lũy kiến thức lịch sử, văn hóa, xã hội, khoa học. Tất nhiên, chọn cho được một bộ sách hay tài liệu có ích, truyền cảm hứng là việc cần nhiều công sức và sự kiên trì... Mà dày công và kiên trì tích lũy là điều làm nên vốn sống của mỗi nghệ sĩ. Từ đó, từng chi tiết của đời sống, sự kiện được chọn lọc, sáng tạo và trở nên sinh động, đầy xúc cảm, hấp dẫn qua nghệ thuật.

Nguồn: Đại biểu nhân dân (Ng. Phương)