Thứ Ba, 28/04/2020 13:40

Marcus Aurelius đã đóng góp như thế nào cho chủ nghĩa khắc kỉ trong thời đại dịch?

“Thiền định” – một cuốn sách được viết bởi một hoàng đế La Mã đã chết trong một dịch bệnh, nói về cách để đối mặt với nỗi sợ hãi, đau đớn, lo lắng, bệnh tật và mất mát.

“Thiền định” (Tựa Anh: The Meditations) – cuốn sách được viết bởi một hoàng đế La Mã đã chết trong một dịch bệnh, nói về cách để đối mặt với nỗi sợ hãi, đau đớn, lo lắng, bệnh tật và mất mát.

 Tượng đồng của Hoàng đế Marcus Aurelius trên lưng ngựa tại thủ đô La Mã, Ý.

Marcus Aurelius Antoninus Augustus (sinh năm 121 – mất năm 180) là vị Hoàng đế thứ 16 trị vì Đế quốc La Mã từ năm 161 đến năm 180, là vị Hoàng đế cuối cùng trong thời đại Ngũ hiền đế, và cũng được xem là một trong những nhà hiền triết kiệt xuất của trường phái khắc kỉ nổi tiếng cuối cùng của thời cổ đại.

Trong suốt 14 năm cuối đời (từ năm 165 đến năm 180), ông phải đối mặt với một trong những bệnh dịch tồi tệ nhất trong lịch sử châu Âu. Dịch bệnh tồi tệ đó được gọi là đại dịch Antonine. Đại dịch này được đưa tới Đế quốc La Mã bởi lực lượng quân đội trở về từ các chiến dịch tại vùng Cận Đông. Các học giả đã nghi ngờ nó là bệnh đậu mùa, hoặc bệnh sởi gây ra. Dịch bệnh có thể đã lấy đi cuộc đời của một hoàng đế La Mã Lucius Verus - đồng nhiếp chính của Marcus Aurelius vào năm 169 và cái chết của chính Marcus Aurelius vào năm 180. Họ Antoninus của Marcus Aurelius đã được đặt tên cho dịch bệnh này. Dịch bệnh bùng phát, theo nhà sử học người La Mã Dio Cassius (155–235), gây ra tới 2.000 ca tử vong mỗi ngày ở Rome, tỉ lệ tử vong bởi dịch bệnh là 25%, giết chết 1/3 dân số ở nhiều vùng và tàn phá quân đội La Mã, các thị trấn, làng mạc bị hủy hoại nặng nề.

Ở giữa bệnh dịch này, Marcus đã viết một cuốn sách, được gọi là Thiền định, ghi lại những lời khuyên về đạo đức và tâm lý mà ông đã đưa ra cho mình vào lúc này. Ông thường xuyên áp dụng triết lí Stoics (khắc kỉ) để đối phó với những thách thức của bệnh tật, lo lắng, đau đớn và mất mát. Có thể xem Thiền định như một cẩm nang phát triển các kĩ năng phục hồi tinh thần cần thiết để đối phó với đại dịch.

Cuốn sách của Hoàng đế Marcus Aurelius.

Trước hết, Stoics (người thuộc trường phái triết học cổ đại của chủ nghĩa khắc kỉ) tin rằng những điều tốt đẹp thực sự của chúng ta nằm trong tính cách và hành động của chính chúng ta, nên họ sẽ thường xuyên nhắc nhở những điều gì có thể gây ảnh hưởng tới bản thân và những điều gì thì không. Stoics hiện đại có xu hướng gọi điều này là “sự phân đôi của kiểm soát” và rất nhiều người cảm thấy sự hữu ích của biện pháp này trong việc giảm bớt căng thẳng. Tất cả những điều xảy ra không bao giờ nằm trực tiếp dưới sự kiểm soát của chúng ta, không bao giờ phụ thuộc hoàn toàn chúng ta, nhưng những suy nghĩ và hành động của chúng ta thì có thể thay đổi điều gì đó. Đại dịch không thực sự nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta mà điều chúng ta có thể làm là cách hành xử để ứng phó với nó.

Nhiều, nếu không muốn nói là tất cả, mọi suy nghĩ của chúng ta phụ thuộc vào chúng ta. Do vậy, không phải sự kiện, hiện tượng tồi tệ khiến chúng ta thất vọng mà chính bởi những ý kiến của chúng ta về những sự kiện, hiện tượng đó. Cụ thể hơn, ý nghĩa của chúng ta cho rằng đó là một điều tồi tệ, khủng khiếp, thậm chí là thảm khốc đã gây ra sự đau khổ cho chúng ta.

Trên đây là một trong những nguyên tắc tâm lý cơ bản của chủ nghĩa khắc kỉ. Đó cũng là tiền đề cơ bản của liệu pháp hành vi nhận thức hiện đại (CBT), hình thức trị liệu tâm lý dựa trên bằng chứng hàng đầu. Những người tiên phong của CBT, Albert Ellis và Aaron T Beck, cả hai đều mô tả chủ nghĩa khắc kỉ là nguồn cảm hứng triết học cho cách tiếp cận của họ. Virus không phải điều khiến chúng ta sợ hãi, mà là ý kiến của chúng ta về chúng. Điều chúng ta sợ hãi cũng không phải vì những con người vô ý thức, đã bỏ qua các khuyến nghị cách ly xã hội, khiến chúng ta tức giận rất nhiều mà là cách chúng ta suy nghĩ, đánh giá về họ.

Trong cuốn Thiền định, chương mở đầu, Marcus liệt kê những phẩm chất mà ông ngưỡng mộ nhất ở những cá nhân khác: những người bạn, người thân trong gia đình hay người giáo viên của ông. Đây là một ví dụ mở rộng về một trong những thực hành trung tâm của chủ nghĩa khắc kỉ.

Marcus thích đưa ra câu hỏi cho mình, đức tính nào có thể giúp tôi đối phó với tình huống này? Điều đó tự nhiên dẫn đến câu hỏi: Làm thế nào để người khác đối phó với những thách thức tương tự? Stoics phản ánh sức mạnh của nhân vật như trí tuệ, sự kiên nhẫn và kỉ luật tự giác, có khả năng làm cho họ kiên cường hơn khi đối mặt với nghịch cảnh. Họ cố gắng thể hiện những đức tính này và đối mặt với những thách thức họ gặp phải trong cuộc sống hàng ngày, trong một cuộc khủng hoảng như đại dịch. Họ học hỏi từ cách người khác đối phó. Ngay cả các nhân vật lịch sử hoặc nhân vật hư cấu cũng có thể đóng vai trò là hình mẫu.

Những điều mà cuốn sách mang lại như một khẩu hiệu phổ biến và dễ hiểu hơn của chủ nghĩa khắc kỉ là: nỗi sợ làm chúng ta tổn hại nhiều hơn những điều mà chúng ta sợ. Điều này áp dụng cho những cảm xúc không lành mạnh nói chung, mà thuật ngữ của Stoics là Pass Passions - từ các mầm bệnh. Đó là sự thật, trước hết, theo nghĩa hời hợt. Ngay cả khi bạn có 99% cơ hội hoặc nhiều hơn sống sót sau đại dịch nhưng nếu bạn quá lo lắng và ám ảnh, chúng sẽ là nguyên nhân hủy hoại dần dần cuộc sống của bạn và khiến bạn phát điên. Trong trường hợp cực đoan, một số người thậm chí tự kết liễu đời mình.

Một câu nói cũng có ý nghĩa sâu sắc đối với Stoics. Virus chỉ có thể gây hại cho cơ thể bạn, điều tồi tệ nhất nó có thể làm là giết chết bạn. Tuy nhiên, nỗi sợ xâm nhập vào cốt lõi đạo đức của chúng ta, có thể phá hủy nhân tính của chúng ta nếu chúng ta đầu hàng nó. Đối với chủ nghĩa Stoics, thì đó là một số phận tồi tệ hơn cái chết.

Cuối cùng, trong một đại dịch, bạn có thể phải đối mặt với nguy cơ, khả năng về cái chết của chính mình. Kể từ khi được sinh ra, sinh mệnh bạn vốn đặt trên cái cân của số mệnh. Chúng ta sống trong sự phủ nhận sự thật hiển nhiên rằng cuối cùng tất cả chúng ta đều chết. Những con người theo chủ nghĩa khắc kỉ tin rằng, khi chúng ta đối mặt với cái chết của chính mình và nắm bắt được ý nghĩa của nó, sẽ làm thay đổi quan điểm của chúng ta về cuộc sống. Cuộc sống bất toàn, ai trong chúng ta cũng có thể ra đi bất cứ khi nào.

Có thể đây là những điều Marcus đã nghĩ về cái chết của ông. Theo ghi chép của một sử gia, bạn bè người thân của Marcus trở nên quẫn trí trước nghịch cảnh. Marcus vẫn bình tĩnh hỏi tại sao họ khóc vì ông, thay vì nên hiểu rằng bệnh tật và cái chết là điều không thể tránh khỏi. Đó là một phần của tự nhiên và của nhân loại. Ông lặp lại chủ đề này nhiều lần trong Thiền định.

Tất cả những gì xảy ra với cuộc sống, theo Marcus Aurelius, kể cả bệnh tật và cái chết, cũng trở nên quen thuộc như hoa hồng nở trong mùa xuân và trái cây của mùa thu. Marcus Aurelius, qua nhiều thập kỉ mài giũa về chủ nghĩa khắc kỉ, đã tự dạy mình cách đối mặt trước cái chết với sự bình tĩnh ổn định của một người đã đối mặt với nó rất nhiều lần trong quá khứ.

HỮU BẮC theo The Guardian