Thứ Hai, 27/01/2020 06:24

Một chuyện có thật

Người phụ nữ ngã ngay sau thang cuốn, ngã hẳn xuống sàn đá hoa cương, đập đầu vào bệ tượng hoành tráng tạc hình một nữ công nhân, có lẽ là thợ dệt vì trong tay cầm cái guồng sợi.

Nhà văn Olga Tokarczuk (sinh ngày 29/1/1962 tại Sulechów, Ba Lan), nổi tiếng về những tiểu thuyết phức tạp nhảy qua giữa các thế kỉ, nơi chốn, viễn cảnh và huyền thoại. Bà được nhận giải Nobel văn chương 2018 (trao năm 2019) vì “bằng lối tự sự đầy tưởng tượng với niềm đam mê mang tính bách khoa đã thể hiện sự băng qua các biên giới như một hình thức của cuộc sống”. Là tác giả có sách bán chạy tại Ba Lan hàng chục năm qua, nhưng Tokarczuk được biết đến ngoài đất nước khi bà là nhà văn Ba Lan đầu tiên được giải Man Booker Quốc tế 2018 cho tác phẩm Những người thích đi (Bieguni - bản dịch tiếng Anh là Những chuyến bay), cuốn tiểu thuyết thứ sáu của bà.

Có bố mẹ là nhà giáo, Tokarczuk lớn lên trong một gia đình trí thức tiến bộ. Bà học ngành tâm lí học ở Đại học Warsaw, nơi bà quan tâm đến các công trình nghiên cứu của nhà tâm lí học nổi tiếng thế giới Carl Jung. Sau khi tốt nghiệp năm 1985, Tokarczuk làm nghề bác sĩ tâm lí tại bệnh viện nhưng ít lâu sau thấy chán công việc. Bà đi du lịch và làm những việc lặt vặt ở London (Anh) trước khi quay lại Ba Lan và xuất bản tập thơ vào năm 1989. Năm 1993 bà viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên Hành trình của sách - người (Podróz ludzi ksiegi) lấy bối cảnh song song ở Pháp và Tây Ban Nha thế kỉ XVII. Nó được trao giải sách đầu tay xuất sắc của Hội xuất bản Ba Lan. Cuốn tiểu thuyết thứ ba của bà Thời nguyên thủy và những thời khác (Prawiek i inne czasy, 1996) xác lập Tokarczuk như một tác giả hư cấu và một tiếng nói mạnh mẽ trên văn đàn Ba Lan. Cuốn sách này mô tả những người dân của một làng Ba Lan huyền thoại qua mấy thế hệ trong thế kỉ XX. Năm 1998 Tokarczuk công bố tác phẩm Nhà ngày, nhà đêm (Dom dzienny, dom nocny), đây là cuốn đầu tiên trong những cuốn bà gọi là “tiểu thuyết chòm sao” - những tác phẩm kể những chuyện tưởng như rời rạc.

Các tác phẩm của Tokarczuk sau năm 2000 gồm tập truyện ngắn Chơi nhiều trống cùng lúc (Gra na wielu bebenkach, 2001); Những người thích đi (Bieguni), bộ sưu tập những câu chuyện của những người thích dịch chuyển; và Hãy lật lưỡi cày trên xương những người chết (Prowadz swój plug przez kosci umarlych, 2009), một câu chuyện thần bí về sự hủy hoại môi trường. Năm 2008 bà được giải thưởng Nike uy tín nhất Ba Lan cho cuốn Bieguni và đến năm 2015 lại được giải thưởng này cho cuốn Sách của Jacob (Ksiegi Jakubowe, 2014). Thông qua điểm nhìn của các nhân vật khác nhau, đó là cuốn truyện biên niên về cuộc đời của Jacob Frank, một lãnh tụ giáo phái ở Ba Lan thế kỉ XVIII đã hô hào các tín đồ Do Thái của mình cải sang đạo Hồi và đạo Thiên Chúa. Sự quan tâm soi xét lịch sử Ba Lan của Tokarczuk đã khiến bà trở thành một nhân vật gây tranh cãi ở nước mình và bị các nhà dân tộc chủ nghĩa cánh hữu phê phán kịch liệt.

Bên cạnh viết văn, Tokarczuk còn viết kịch bản cho bộ phim Vết chân thú (Pokot, 2017) dựa theo cuốn tiểu thuyết của mình Hãy lật lưỡi cày trên xương những người chết. Bà còn lập ra lễ hội văn học hàng năm từ 2015 tổ chức vào mùa hè cạnh ngôi nhà của mình ở Silesia, miền nam Ba Lan.

 

Người phụ nữ ngã ngay sau thang cuốn, ngã hẳn xuống sàn đá hoa cương, đập đầu vào bệ tượng hoành tráng tạc hình một nữ công nhân, có lẽ là thợ dệt vì trong tay cầm cái guồng sợi.

Vị giáo sư nhìn thấy việc đó xảy ra khá là cụ thể, lúc ấy ông đứng ở giữa thang cuốn đang đi xuống. Đám đông vội vã thoáng chốc chững lại, vài ba người đứng gần hơn thì cúi xuống người bị nạn nhưng rồi lại bước ra xa vì bị những người đang vội đi ra tàu xô đẩy. Có thể nói dòng người không để ý đến người vừa ngã xuống cứ cuốn theo dòng tiếp tục đi. Những đôi chân của khách bộ hành khéo léo vòng qua cái thân thể nằm đó, chỉ đôi khi có ai đó đá phải chiếc áo bông trên sàn nhà. Vị giáo sư đến cạnh người phụ nữ, ngồi xổm xuống, đưa mắt xác định tình trạng của chị theo khả năng mà một người không phải là bác sĩ có thể làm trong trường hợp này. Hóa ra việc đó cũng không đơn giản bởi vì khuôn mặt của người phụ nữ bị che lấp một phần bởi cái khăn trùm đầu đang dần thấm máu, còn thân thể thì cuộn trong những tấm vải màu nâu tơi tả và bẩn thỉu, nó bó lấy thân thể như những cuộn băng to buộc không chặt; từ dưới chiếc váy nâu đầy vết bẩn nhô lên cặp chân đi tất dệt kim dày màu thịt và đi đôi giày bị giẫm nát, chiếc áo bành tô nâu không cúc được buộc bằng thắt lưng da - kiểu cách ăn mặc quá mức đối với mùa hè. Giáo sư kéo khăn trùm đầu ra. Phía dưới nó lộ ra một khuôn mặt đẫm máu méo xệch vì đau đớn. Người phụ nữ thở dốc, cặp môi của chị ta mấp máy - trên môi đọng nước miếng trộn máu.

- Cấp cứu! - giáo sư kêu lên hoảng hốt và cởi áo vét của mình ra kê đầu cho người bị nạn. Ông cố nhớ xem ở nước này cái từ “cấp cứu” là gì nhưng mọi thứ cứ tuột khỏi đầu ông, ngay cả câu chúc một ngày tốt lành trên máy bay.

- Hilfe, help! - ông buột ra hai từ tiếng Đức và tiếng Anh trong tâm trạng kinh hoàng. Dưới đầu người phụ nữ đã có một vũng máu nhưng dòng người vẫn khéo léo thay đổi quỹ đạo chuyển động để né qua. Vệt máu mỗi lúc một to lên khiến cảnh tượng thêm hãi hùng, còn cái thân thể bị biến dạng khi ngã đột nhiên khiến ông nhớ tới bức tranh của Melchior d’Hondecoeter, một bức tĩnh vật vẽ theo lối tự nhiên chủ nghĩa chiến lợi phẩm đi săn - một con thỏ chết.

Vị giáo sư đến thành phố khoáng đãng, nhiều gió và lạnh lẽo này từ hôm kia, bây giờ sau cuộc đi dạo một mình ông đang trở về khách sạn, nơi sẽ diễn ra bữa tiệc chiêu đãi kết thúc cuộc hội nghị mà ông có đọc báo cáo. Hội nghị bàn về quan hệ của các khoa học chính xác với văn học nghệ thuật, còn bản báo cáo của vị giáo sư đề cập tác động của việc dùng đạm động vật đến sự cảm nhận màu sắc. Ông chứng minh rằng sự hưng thịnh của hội họa Hà Lan trùng hợp một cách chính xác với sự hưng thịnh của ngành chăn nuôi và bước nhảy vọt trong việc tiêu thụ thực phẩm có hàm lượng đạm cao dưới dạng các sản phẩm sữa. Axit amin có trong pho mát tác động đến sự phát triển của những phần cấu trúc não gắn với sự nhìn màu. Bản báo cáo được đón nhận một cách thiện ý, thậm chí có thể nói là nhiệt tình. Sau bữa trưa no đầy mà khi ăn mọi người còn bàn luận về hội họa ảo giác, giáo sư uống một cốc cà phê rồi quyết định không đi cùng nhóm của mình đến thăm một bảo tàng lớn danh tiếng, nơi ông đã từng đến; thay vào đó ông thấy tốt nhất là tự mình đi vào trung tâm thành phố để hít thở bầu không khí tươi mới và nhìn ngắm cuộc sống của một đô thị lớn.

 

*

* *

Ông đi thong thả, sải dài những bước chân của mình - giáo sư người khá cao và gầy - và do không khí xung quanh bỗng ấm lên và vầng mặt trời màu đồng ló ra khỏi đám mây nên ông cởi áo vét vắt hờ qua vai. Trên phố mọi người đổ ra đi dạo, họ lấy làm ngạc nhiên thấy thời tiết đột nhiên trở ấm, mắt họ hút vào những tủ kính bày đầy các hàng hiệu được xếp đặt khéo léo, tinh tế trông như những tác phẩm nghệ thuật. Những ô cửa sổ lớn lôi kéo sự chú ý rời khỏi những mặt tiền trang trí quá sặc sỡ không mấy hứng thú. Con phố đi bộ cổ gợi nhớ tới đấu trường xưa, nơi mọi người rốt cuộc có thể nhìn thấy nhau, xác định được vị trí của mình đối với người xung quanh, cũng như tin chắc họ được hòa hợp rất tốt vào cái thế giới đang tồn tại. Còn để mua hàng hóa họ sẽ đến những chỗ khác, vào các trung tâm thương mại lớn nằm ở vùng ven, nhưng vị giáo sư không có ý đến đấy. Ông cũng như những người khác thấy bằng lòng với mình, thỏa mãn với cuộc đi, với thời tiết và thậm chí với thành phố này, cái nơi mà mới hôm kia ông còn thấy là thù địch và ghê tởm. Bây giờ khi lượng adrenalin đã giảm và tâm trạng lâng lâng vì công việc đã xong ông thấy cả cơ thể trở nên ấm áp - ông vui với mặt trời, mỉm cười với khách qua đường với ý nghĩ dễ chịu rằng không ai ở đây biết ông nên ông có thể làm bất cứ cái gì cũng được, dù ông không định làm gì. Nhấm nháp trước cảm giác là chốc nữa ông sẽ ở an toàn trong lòng khách sạn, ăn những món ngon và uống vodka để lạnh mà ở đây được uống thoải mái, giáo sư cảm thấy mình gần như là một người hạnh phúc.

`Ông cố ý không bắt taxi mà đi về phía ga metro theo con phố chính rộng rãi nhưng xe cộ chạy trên đó thường bị ùn tắc. Thỉnh thoảng lại có một chiếc xe mang đèn nháy luồn lách giữa chúng. Giáo sư sải những bước đều đặn, cơ thể cảm thấy vui thích được chuyển động sau nhiều giờ ngồi trong phòng họp kín gió. Ông mặc một chiếc sơ mi trắng điểm thêm một cái cà vạt đeo khá lệch do vợ chọn. Mặt trời sưởi ấm, giáo sư thấy nhẹ nhõm dễ chịu, dù mong muốn hít thở không khí tươi mới trong cuộc đi dạo này là ảo tưởng. Bởi những luồng khí thải bay lơ lửng trên đường phố, xộc vào mũi những khách bộ hành hiếm hoi. Ông nhận thấy một người có khuôn mặt châu Á đeo một cái khẩu trang trắng.

Giáo sư đi theo phía bên trái của đường phố nhộn nhịp gần một cây số, nhưng khi nhìn qua bản đồ thấy phải đi theo phía bên kia ông lo lắng tìm “ngựa vằn” (khoảng vạch dưới đường dành cho người đi bộ băng qua). Không thấy nó đâu, ông nghĩ dưới một con phố đông đúc nhộn nhịp thế này chắc phải có những lối qua ngầm nhưng chúng cũng không có. Giáo sư phân vân có nên đợi một khoảng trống giữa dòng xe cộ vùn vụt rồi thử băng qua phần đường dành cho người đi bộ nhưng chợt nhớ lại câu chuyện với ý ngăn ngừa được nghe trong lúc giải lao hội nghị về một anh nghiên cứu sinh người Đức mấy năm trước cũng tại một hội nghị như thế này đã thử - vì người Đức vốn tin vào các quy định đã được xác lập - qua đường trên lối dành cho người đi bộ khi đèn xanh bật và đã bị một chiếc xe chạy như điên tông chết.

Minh họa: Chiết Tô

Vì vậy ông bỏ ngay ý định qua đường và nhẫn nại đi tiếp lên trước khoảng gần hai cây số nữa cho đến khi nhìn thấy bậc thang dẫn xuống lối đi dưới đất; thế là ông đã sang được bên kia đường, ở đó lặng lẽ và tiện lợi hơn, ít người hơn. Ông nhìn mọi người đang hối hả đi ngang qua. Trông họ mệt mỏi, tất bật, trống vắng. Xách những túi nhựa lớn đựng hoa quả thấy nhô lên những nhánh rau mùi tây và những bó hành đã nẫu. Lúc sau ông đã thấy nơi xuất xứ của các thực phẩm đó - cạnh một bãi đất nhỏ có một cái chợ con bán rau quả và các loại hàng Tàu. Chỉ có một lần ông nhận thấy những người không vội vã đi đâu: hai ông lão ngồi chăm chú chơi cờ bên cái đài phun nước không hoạt động. Cửa kính của các cửa hiệu trông không đẹp, giá các mặt hàng được viết đậm bằng bút dạ. Giáo sư cố chuyển chúng sang thứ ngoại tệ quen thuộc hơn nhưng cứ nhầm lẫn lung tung nên cuối cùng đành thôi, nghĩ nó chẳng liên quan gì đến mình vì ông không định mua bán gì ngoài phố cả. Quà cho vợ thì ông đã mua một chiếc vòng hổ phách ở quầy hàng trong khách sạn. Có lẽ là ông đã mua quá đắt, nhưng món hàng đó ông thấy đẹp đến mức không cần phải đắn đo mặc cả. Thời chúng ta tìm được thứ đồ vật thấy thích ngay không phải là dễ. Cuộc dạo lúc này qua các cửa hàng gợi nhớ sự đào bới trong đống rác nhiều hơn.

Mặt trời từ từ nghiêng xuống hoàng hôn và đột nhiên đường phố sáng bừng lên. Mặt tiền các ngôi nhà trở nên đỏ rực và một bóng nâu như được vạch bằng thứ mực vẽ màu khói tối vợ ông hay dùng giờ đây phủ lên từng chi tiết một, ngay cả chi tiết tồi tàn nhất. Giáo sư đột nhiên cảm thấy tất cả những cái đó chứa đầy ý nghĩa và những kí hiệu bí ẩn như trong hội họa của Herri met de Bles, đối tượng nghiên cứu gần đây của ông. Ông vui sướng thấy mình đang ở khu vực dễ chịu hơn của thành phố, có lẽ là nơi dành cho khách du lịch, bởi vì ở đây có những quán cà phê bày những bộ bàn ghế nhỏ ra đường và thậm chí có cả những mái quán che bằng các tấm vải sọc. Ông thích thú ngồi vào một chiếc bàn như vậy và gọi một li cognac và cà phê. Còn lâu nữa mới đến bữa tiệc chiêu đãi và ông sung sướng được có khoảng thời gian ở một mình, bên ngoài cuộc hội nghị ồn ào nhiều thứ tiếng với cái cảm giác muôn đời là “tôi biết người này từ đâu đến”. Cognac hảo hạng. Những tia sáng đỏ của mặt trời chiếu vào khuôn mặt của giáo sư - chúng mềm mại, âu yếm, hơi âm ấm; có cảm giác nếu uống được chúng thì chúng sẽ có vị của rượu hoa tầm xuân. Lưỡng lự giây lát giáo sư gọi thêm một li nữa và một gói thuốc, dù ông đã bỏ hút từ lâu; nhưng bây giờ ông cảm thấy rằng đây là lúc phải lùi lại phía sau. Rằng ông đang ở trong một không gian lạ lùng, nơi mà các hành động không chứa đựng gì cả, nguyên nhân không đến trước hậu quả và mọi thứ đông lại trong một trạng thái lơ lửng thần tiên - đây chính là khoảnh khắc mà bản chất của nó chỉ những nhà thơ hết sức vĩ đại mới biết cách truyền đạt và những họa sĩ thiên tài mới biết tìm ra những màu sắc thích hợp cho nó. Giáo sư không biết, ông chỉ là một người bình thường, đứng đắn, dù là có học vấn; ông chỉ có thể thấm lấy khoảnh khắc này, ngập vào nó, lòng đầy sự tin cậy to lớn, hầu như không tưởng tượng nổi. Khi ông thấy đã đến lúc quay về thì trời bắt đầu tối. Mặt trời đã lặn bất ngờ, chìm sau những khung hình lớn của các tòa nhà với hàng nghìn ô cửa. Ông hiểu rằng nếu đi bộ thì sẽ muộn giờ nên bước thẳng đến ga metro gần nhất. Nhìn vào tấm bản đồ rối rắm ông nhận ra khách sạn ông ở chỉ cách có hai ga. Ông mua vé ở máy bán vé tự động và lúc sau đã nhập vào đám đông đi làm về với dáng vẻ mệt mỏi trầm lặng. Không ai nhìn ông, một giọng âm vang đều đều nhắc tên các ga bằng thứ tiếng ông không hiểu, mà thực ra ông cũng không cố hiểu, nó quá xa lạ với ông. Giáo sư dừng lại nhìn quanh để xem đi theo hướng nào rồi lưỡng lự cùng đám đông tiến về phía thang cuốn. Cái đám đông ấm áp và như ông cảm thấy là thân thiện ấy xô đẩy ông về phía cái thang cuốn dài vô tận và giờ ông phải chui xuống dưới, xuống mặt đất, nơi chễm chệ những hình khối cẩm thạch khổng lồ với các đặc điểm nghề nghiệp khác nhau - những bức tượng khiến ông sợ hãi.

Ông thở phào nhớ là ở khách sạn trên giường ông đã có chiếc áo sơ mi sạch sẽ chuẩn bị cho bữa tiệc đang đợi ông.

Chính khi đó, lúc đang đứng giữa thang cuốn, giáo sư đã nhìn thấy người phụ nữ ngã xuống, thậm chí ông còn nghe thấy tiếng đập đầu đánh cộc vào bệ tượng. Bây giờ ông đang quỳ xuống cẩn thận nhấc cái đầu chị ta đang gối vào cái áo vét cuộn tròn của ông lên.

- Cấp cứu, cấp cứu! - ông lại hét vào đám đông mà nhìn lên mắt ông chỉ thấy chân và bụng - Gọi xe “Cấp cứu” ngay!

Một cậu bé nắm tay người lớn ghé nhìn qua vai giáo sư nhưng nó bị kéo giật lại ngay. Giáo sư túm lấy vạt áo của một người đàn ông nhưng người này đã khôn khéo giằng ra.

- Cấp cứu! - giáo sư kêu lên tuyệt vọng.

Đám đông cứ tràn qua từng đợt như sóng, trong sự quả quyết của vị giáo sư có cái gì đấy điên loạn, như thể ông với người phụ nữ ngã xuống quyết bắt trái đất ngừng quay quanh mặt trời. Người phụ nữ đột nhiên bắt đầu co giật và giáo sư ôm lấy chị ta sợ chị ta chết mất. Chiếc áo lanh màu trắng mặc bên trong của ông đã thấm đầy máu, cả tay và mặt cũng vậy.

- Cảnh sát! - ông kêu lên tuyệt vọng và chỉ sau cái từ ai cũng hiểu đó mới có một người đàn ông dừng lại bên, rồi thêm một người nữa. Nhưng họ chỉ đứng vậy, không động tĩnh gì, đứng nhìn việc diễn ra bằng vẻ mặt kín bưng.

- Cảnh sát, cảnh sát! - những kẻ vô công rồi nghề bắt đầu nhắc lại, đám đông dường như chuyển động nhanh hơn và cáu kỉnh hơn. Giáo sư nghĩ người ta có thể coi ông là kẻ giết người khi thấy ông ngồi bên cạnh người phụ nữ ngã xuống thế này. Ông cố đứng lên và lảng đi, nhưng ai đó đã xô vào ông, và giáo sư ngã xuống ngay vũng máu đen sẫm.

Một đám người quan sát cảnh này khi có hai cảnh sát bắt đầu chen vào chỗ giáo sư và người phụ nữ. Họ khoác ngoài bộ sắc phục một chiếc áo gile phản quang khúc xạ nhấp nhánh ánh sáng nhân tạo khiến hai viên cảnh sát trông như hai thiên thần - giáo sư cảm nhận họ chính là như thế. Người phụ nữ không động đậy nữa. Giáo sư đứng lên và khi thấy người mình đẫm máu thì tin cậy nhìn hai nhân viên bảo vệ pháp luật. Nhưng vẻ mặt họ lạnh lùng tàn bạo - hai viên cảnh sát nhìn ông hăm dọa, hoàn toàn bỏ mặc nạn nhân. Giáo sư hiểu ngay rằng họ coi ông là kẻ có tội trong việc này. Mà rõ là thế, bởi vì một cảnh sát đã nắm lấy tay ông siết thật đau rồi bẻ quặt ra sau lưng. Giáo sư kêu lên phẫn nộ trước thái độ ngờ vực quái đản được biểu lộ không che giấu. Lạ là hai viên cảnh sát không để ý gì đến người bị nạn, sau đó họ hỏi giấy tờ ông - ông cố dùng các cử chỉ ra hiệu cho họ biết là các giấy tờ ông để trong chiếc áo vét kê dưới đầu người phụ nữ. Giáo sư lấy tay chỉ vào chị ta - đầu người phụ nữ ngả sang một bên trên sàn nhà trơ trọi, cái áo vét và vệt máu đã khô. Lúc đó có ba nhân viên y tế lực lưỡng mang cáng đến. Giáo sư nhìn thấy những cái đầu cạo trọc và những cái gáy to bự của họ. Khi thấy ba nhân viên y tế rẽ dòng người tìm chỗ đặt cáng, hai viên cảnh sát bất giác nới tay kìm giữ ông. Nhưng đám đông đã lại xô lấn và có lẽ thế nên giáo sư mới rút được tay vào cổ tay áo dính máu. Ba nhân viên y tế đẩy giáo sư ra, ông bước lùi lại, quay đi và trong cơn hoảng loạn bất ngờ vùng bỏ chạy.

Thoạt đầu ông chui thẳng xuống những sân ga dưới đất, sau đó lao lên trên theo một thang cuốn khác, nhảy qua các bậc cấp và chen lấn mọi người, họ cũng tránh ông với vẻ ghê tởm và sợ hãi. Họ sợ máu vì máu khiến họ kinh hoàng. Nhìn thấy nó là họ biến sắc mặt quên mất rằng chính cái đó đang chảy trong huyết quản họ, ẩn dưới chính bề mặt làn da mềm mại và không được bảo vệ. Giáo sư hoảng hốt nghĩ vết máu có thể gây nguy hiểm chết người cho ông. Ông không biết gì về người phụ nữ đó. Chị ta có thể là một gái điếm, một con nghiện, dòng máu đen của chị ta có thể đã cuồn cuộn hàng triệu virus bệnh AIDS, chúng có lẽ đã tấn công cơ thể giáo sư qua những vết xước rất nhỏ. Ông nhớ là lúc sáng có cắt móng tay và làm xây xát ngón tay cái. Ông nhìn vào chỗ đó thấy nó đã phủ một vết máu khô… Giáo sư chạy lao lên phía trên, đám phụ nữ kêu ré lên và nhảy lùi lại bên tường thang cuốn, đám đàn ông chắc muốn tóm lấy ông và xử lí theo cách của mình, nhưng họ lại sợ chạm vào ông. Ông nhảy những bước dài đến cửa ra metro và khi đã ở trên phố ý nghĩ đầu tiên của ông là phải nhanh chóng rửa ráy, dù là ở chỗ đài phun nước gần nhất. Giáo sư đang đứng giữa một vườn hoa nhỏ và hoảng sợ nhìn quanh. Ông nghĩ đến nhà vệ sinh ở ga metro nhưng nhất quyết không muốn quay lại đấy. Giáo sư cố định hướng thật nhanh mình đang ở chỗ nào và ông nhẹ cả người khi nhìn thấy phía sau mái các tòa nhà cái bóng nhọn đầu của khách sạn ông ở. Không do dự một giây ông đi về hướng đó, đi gần như là chạy, hai tay dang ra trước, giống như một diễn viên đang diễn vai bóng ma trong một vở kịch trẻ con.

Trời đã tối hẳn. Để về được khách sạn phải băng qua một con phố đông đúc nữa. Giáo sư đã biết lối qua đường còn xa, vì thế ông định liều lợi dụng lúc ùn tắc các xe phải đi chậm lại ở chỗ này. Ông đợi đúng lúc để lao ra trước bánh xe của những chiếc ô tô buộc chúng phải dừng lại hoặc là bóp còi inh ỏi tìm cách vòng tránh ông. Giáo sư dùng cả hai tay dính máu đập vào nắp capo, vì thế càng khiến các tài xế nổi khùng. Một tài xế chiếc Land Rover màu đen có lẽ có phản xạ tốt hơn những người khác, bởi vì khi giáo sư chạy ngang qua thì cánh cửa xe phía khách ngồi bỗng bật tung ra tông mạnh vào sườn ông. Ông ngã xuống nhưng vội gượng đứng lên vì biết đang đùa với cái chết. Dòng xe đi chậm lại, khó khăn tìm cách tránh qua một người máu me đang nhổm dậy, còn cánh tài xế thì không tiếc lời chửi bới, nguyền rủa. Tự mình không biết đã sang được bên kia đường bằng cách nào, nhưng giáo sư nghĩ điều tồi tệ nhất đã lùi lại sau. Giờ chỉ còn việc băng qua vườn hoa nhỏ trước khách sạn và ông vui vẻ đi tới, nhưng rồi nhận ra đã mất đâu một chiếc giày. Có lẽ là khi ông bị cánh cửa xe Land Rover tông vào và ngã xuống đường. Thế là giáo sư đành đi tập tễnh một giày, lo lắng không biết bây giờ đến dự tiệc thế nào, bởi vì ông chỉ mang theo mình một đôi. Mà lại còn phải mua đôi tất mới nữa. Bữa tiệc thì có lẽ đã bắt đầu. Biết làm sao được, đằng nào cũng muộn rồi. Khi ông đến các bài phát biểu chắc đã xong.

Cứ đi cà nhắc với một chiếc giày như vậy ông cũng đến được những cánh cửa gương của khách sạn, nhưng tại đây một anh chàng gác cửa cao to vai rộng mặc bộ quần áo dấu trông như quân phục của một nhà nước phường tuồng nào đấy đã chặn đường ông. Anh ta đã gặp giáo sư mấy lần, kể cả sáng nay, nhưng vẻ như không nhận ra. Giáo sư không có ý lùi bước. Ông giải thích là mình ở phòng 1138 và đến đây dự hội nghị. Anh chàng gác cửa kiên định nghe ông nói tiếng Anh lưu loát đâm băn khoăn, do dự, nhưng vẫn kiên quyết hỏi hộ chiếu. Khi đó giáo sư mới hoảng hồn nhớ ra không còn áo vét, như vậy là cũng không có hộ chiếu. Để đề phòng ông lục lọi các túi quần, đầu tiên là túi sau, rồi đến hai túi trước, nhưng chỉ thấy một nắm tiền lẻ, một cái vé metro và một gói kẹo cao su vị chanh đã bóc ăn. Anh chàng gác cửa nhìn ông chế nhạo, khuôn mặt anh ta nở nụ cười thỏa mãn. Anh ta túm cổ giáo sư như một tên kẻ cắp và lôi xềnh xệch ra chỗ vườn hoa rồi đạp cho một cái vào phía sau khiến ông ngã dúi xuống hồi lâu không đứng lên được.

Vì đau đớn, nhục nhã và bất lực mắt giáo sư ướt đầm - ông không nén nổi tiếng nức nở. Ông đã không khóc trong nhiều năm và đã kịp quên mất rằng khóc được khiến người nhẹ nhõm. Nhờ khóc ông bình tâm lại - khi bơi trên biển nước mắt, con thuyền của ông đã cập được bờ và thôi tròng trành, có thể nói như vậy. Thế là ông đã neo lại được trong một hoàn cảnh mới hoàn toàn bất ngờ, và trước mắt ông trải ra một lục địa hoàn toàn chưa được biết đến. Cần phải bình tĩnh, làm chủ mình.

Ngồi trong bóng tối - vườn hoa tối đen như hầu khắp mọi nơi trong cái thành phố được chiếu sáng kém này - giáo sư suy tính giờ phải làm gì. Nếu không để lại chiếc áo vét chỗ người phụ nữ bị nạn thì ông có thể gọi điện, nhưng sổ điện thoại cũng đã biến mất cùng với hộ chiếu và thẻ tín dụng. Giáo sư quyết định đi sang phía khác của khách sạn, phía mà ông nghĩ là nơi tổ chức bữa tiệc. Có thể đến đó ông sẽ liên lạc được với các đồng nghiệp. Một ai trong số họ chưa bỏ thuốc lá và sẽ đi ra hiên, ra ban công, cũng có thể ra vườn… Ông bước tới, vừa đi vừa chăm chú nhìn những ô cửa sáng đèn. Hầu như toàn bộ tầng một, trừ đại sảnh, là nhà hàng, quán bar, phòng họp, nhưng phần lớn cửa sổ ở đó đều tối. Bên trái giáo sư thấy một nhóm đàn ông trẻ túm tụm dưới một trong mấy cái đèn chiếu sáng còn nguyên. Họ nói qua nói lại với nhau, hình như đang chơi trò gì đấy. Ông nín hơi, không muốn để lộ sự có mặt của mình, sau đó lặng lẽ lần đến bên bức tường, áp vào nó đi tiếp. Theo cách đó ông đến được phía đối diện của khách sạn và từ đấy thấy được những bức tường gương to sáng đèn của gian phòng diễn ra bữa tiệc.

Ông hồi hộp đến mức lại suýt khóc. Từ bức tường thì không thấy rõ mấy, nhưng lùi lại một chút vào sâu trong vườn hoa trồng một thứ cây bụi gai mới ra hoa chưa lâu còn để lại mùi hương khác thường pha lẫn mùi mật và mùi hôi chát, giáo sư có thể nhìn thấy được nhiều hơn. Bao bọc trong mùi thơm bụi gai ông thấy trước mắt một bức tranh hiện thực được đóng khung bằng những đường kẻ dọc của tòa nhà và lồng vào mặt tiền lắp kính. Đứng quanh những chiếc bàn con hẹp và cao trải khăn trắng là những con người ăn vận lịch sự; họ ăn uống và trò chuyện - những cái đầu nghiêng vào nhau, sau đó ngả ra sau, có lẽ kèm với cử chỉ này có tiếng cười vui vẻ, bàn tay chạm vai người đối thoại, vỗ vỗ thân thiện. Đi lại giữa các bàn là những người phục vụ mặc áo đuôi tôm khéo léo và gọn gàng, một tay chắp sau lưng, một tay nâng khay thức ăn. Hình ảnh chừng mực về mặt màu sắc này giáo sư thấy như ảo ảnh thu nhỏ trên tranh của Bruegel: những con người lăng xăng bận bịu tối ngày, phiên chợ bán những thứ đồ lặt vặt, sự toàn thắng của thói phù du trần thế… Giáo sư tuyệt vọng dõi mắt tìm kiếm những bóng người quen; ông không chắc đây đúng là bữa tiệc đó - khách sạn thì rộng, trong đó có thể có nhiều hội nghị như cuộc mà ông đã tham gia.

Ông bước sang một bên để xem những người rời khỏi bàn đi đâu. Thoáng chốc biến đi rồi họ lại hiện ra ở một chỗ trong góc có tường kính bên ngoài trông hơi giống thủy cung. Đó là phòng hút thuốc. Ở đó ông nhận ra giáo sư H., chuyên gia về các đối tượng lí tưởng và phi lí tưởng trong hội họa châu Âu thế kỉ XX. Giáo sư không phải bao giờ cũng tán thành với các luận điểm của ông ta, nhưng giờ đây rất vui mừng thấy đồng nghiệp. Đây là khuôn mặt quen đầu tiên sau mấy giờ qua. Ông H. hút loại xì gà nhỏ hở hai đầu, giáo sư biết thế, dù từ nơi ông đứng khó nhìn rõ các chi tiết như vậy. Ông chỉ thấy cử động vung tay của ông H. và cái đầu ông ta ngẩng lên nhả khói. Phải nhanh lên thôi, loại xì gà này cháy nhanh lắm. Giáo sư vội đi khập khiễng về phía đó và đứng lại đối diện “thủy cung” hi vọng mọi người nhìn thấy - nhưng vô ích, ông đứng quá thấp. Lại phải quay lại vườn hoa. Khi giáo sư cuối cùng tìm được chỗ đứng thuận tiện hơn thì ông H. đã hút xong điếu thuốc; ông ôm vai thân mật một đồng nghiệp và đi ra cửa. Giáo sư tuyệt vọng vớ ngay một hòn đá giang tay ném vào tấm kính. Nhưng khoảng cách quá xa. Đầy tức giận và quyết tâm, ông nghĩ phải thử xông tới cửa vào một lần nữa, nhưng ông đã không kịp đến ngay ngưỡng cửa đó. Anh chàng gác cửa bận chào đón một phụ nữ ăn vận sang trọng, đeo nữ trang, đi giày gót cao khủng khiếp, không để mắt tới ông, nhưng hai người bảo vệ có vũ trang đã kịp can thiệp: một người bẻ quặt mạnh tay giáo sư (thậm chí nghe cả tiếng khớp tay kêu răng rắc) rồi liền buông ra vẻ ghê tởm. Giáo sư ngã xuống, sau đó lại chui vào lùm cây gai. Ông biết phải bằng mọi giá thoát khỏi cái áo sơ mi thấm máu và tìm cách tắm rửa. Từ bụi cây nhìn ra ông thấy hai người bảo vệ đang kinh sợ rửa bàn tay dính máu và nghĩ: dù người phụ nữ ở ga metro có mang bệnh gì trong cơ thể thì bây giờ cái đó cũng đã thấm vào ông. Ông lấy chỗ ống tay áo còn sạch lau miệng và mắt. Nhớ ra lúc sáng từ cửa sổ nhìn ra thấy có một đài phun nước, ông quyết định đi tìm nó.

Tập trung nhìn quanh ông lên kế hoạch. Đi đến đài phun nước sẽ không dễ dàng - phải vượt qua khoảng sáng của các ngọn đèn chiếu vào tia nước, cũng như vòng qua mấy kẻ đáng ngờ ngồi trên tường đá chơi domino hoặc một trò đơn giản nào khác. Nhưng cần phải hành động thôi. Giáo sư cởi áo sơ mi giấu vào bụi cây. Ông thấy lạnh, như có kiến bò dọc sống lưng. Cố ẩn trong bóng tối ông bò bốn chân về phía đài phun nước và băn khoăn có nên dừng lại chỗ ranh giới rõ ràng phân chia khoảng sáng và khoảng tối. Ông chui đầu vào đấy và chắc mẩm là không ai nhận thấy. Co người lại ông nhảy một phát và thế là đến được đài phun nước. Giáo sư bước được xuống nước, lạnh cóng người. Ông bắt đầu vội vàng rửa hết vệt máu khô bám trên người, lấy hai tay kì cọ cái thân thể nửa trần truồng, cuối cùng tụt chiếc quần dài ra khiến cho nước nhuộm thành màu đỏ - cái đài phun nước đều đặn phun nước lên trời trở nên đen sẫm và dưới ánh sáng của những ngọn đèn chiếu cầu kì nó tỏa màu huyết dụ. Người trần truồng ướt át thấy từ xa những người bảo vệ căm tức đang chạy về phía mình, ông cũng nhận thấy mấy con bạc nhổm dậy chạy đến đài phun nước. Ông dang hai tay ra - ông muốn hét lên, muốn ném tiếng hét đó vào khối nhà sáng ánh đèn của khách sạn, nhưng cổ họng bị lạnh thít lại chỉ phát ra được những tiếng chút chít khào khào. Nhưng giáo sư cảm thấy như là ông đã hét lên, và tiếng hét trong sạch và mạnh mẽ đó được hàng nghìn kính cửa dội lại đã bay lên bầu trời úa vàng bẩn thỉu phía trên cái thành phố to lớn mà ông đang kêu gọi chỉnh đốn này.

Trong lúc đó những người bảo vệ đã chạy đến nơi, lôi giáo sư ra khỏi nước và ném quỳ xuống. Lúc này các con bạc cũng kịp tới - sao lại bỏ lỡ dịp đá vào một cơ thể rét cóng, trần truồng trơ trẽn như thế này một cái? Mà đây nó thậm chí không rên rỉ, chỉ bị mất giọng và co giật vì lạnh. Chúng nhìn ông bàn bạc một lúc rồi túm lấy tay kéo ông về chỗ dành cho ông.

 

Ngân Xuyên dịch từ tiếng Nga

theo bản dịch từ tiếng Ba Lan của Irina Evgenevna Adelgeim