Thứ Ba, 19/02/2019 19:19

Ngày hội thi ca thế giới trên đất Kinh Bắc

Ngày 19/02/2019 (Rằm tháng Giêng Kỷ Hợi), tại đền Xương Giang (thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII “Người Kinh Bắc”.

Ngày 19/02/2019 (Rằm tháng Giêng Kỷ Hợi), tại đền Xương Giang (thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII “Người Kinh Bắc”.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện lớn do Hội Nhà văn Việt Nam tiến hành, gồm Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV, Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III và Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII diễn ra từ ngày 16-20/02/2019 tại 3 địa điểm là thành phố Hà Nội, thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) và thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang), đồng thời nằm trong chuỗi sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2019 với chủ đề “Khám phá vùng đất thiêng Tây Yên Tử”.

Đồng chí Lê Thị Thu Hồng - Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Bắc Giang - thắp lửa tại đền Xương Giang trước giờ khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII "Người Kinh Bắc"

Phát biểu khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII “Người Kinh Bắc”, đồng chí Lê Ánh Dương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - nhấn mạnh: Bắc Giang rất vinh dự lần đầu tiên được phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVII đúng vào Nguyên Tiêu Kỷ Hợi 2019, được đón tiếp các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, dịch giả nổi tiếng của Việt Nam và của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. “Sự hiện diện của các quý vị như cơn gió lành của mùa xuân, mang đến hương thơm của lòng người, tình hữu nghị, sự may mắn cho tỉnh Bắc Giang”…

Đồng chí Lê Ánh Dương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - phát biểu khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII "Người Kinh Bắc"

Bắc Giang là miền đất có bề dày lịch sử văn hóa, địa hình kết hợp giữa vùng đồng bằng với vùng núi cao, tạo nên những cảnh quan núi rừng hấp dẫn như khu danh thắng Tây Yên Tử với rừng nguyên sinh Khe Rỗ, suối Nước Vàng, cao nguyên Đồng Cao, khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, hồ Khuôn Thần, hồ Cấm Sơn, dãy núi Nham Biền… Văn hóa Bắc Giang phong phú, đa dạng với 2.237 di tích trải khắp toàn tỉnh, trong đó 711 di tích đã được xếp hạng với 101 di tích cấp quốc gia và 583 di tích cấp tỉnh tiêu biểu như chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế, di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang… Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể với nhiều làng quan họ cổ, ca trù, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm… cùng nhiều nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhiều làng nghề truyền thống ở Bắc Giang được lưu giữ, bảo tồn và phát triển đến ngày nay.

Bắc Giang tự hào là “địa linh” sản sinh ra các “nhân kiệt” như tiến sĩ Thân Nhân Trung (tác giả của bài văn bia nổi tiếng Hiền tài là nguyên khí của quốc gia), tiến sĩ Ngô Văn Cảnh…, các trạng nguyên Đào Sư Tích, Giáp Hải, Đoàn Xuân Lôi…, các bậc trí thức, nhà thơ, nhà văn thời kì hiện đại Nguyễn Khắc Nhu, Tương Phố, Bàng Bá Lân, Anh Thơ, Hoàng Cầm, Đỗ Chu…

Trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII “Người Kinh Bắc”, lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam cùng lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã làm lễ dâng hương tại đền Xương Giang, tổ chức lễ rước lửa từ chùa Vĩnh Nghiêm về thắp trên đài lửa tại sân đền. Các đại biểu trong nước và quốc tế, đông đảo nhân dân và công chúng yêu thơ của tỉnh Bắc Giang đã được thưởng thức những “đặc sản” văn hoá văn nghệ của địa phương, đặc biệt là những thi phẩm đặc sắc của các tác giả Bắc Giang, Việt Nam và thế giới.

Màn múa lân rồng do các nghệ sĩ là người Kinh Bắc trình diễn 

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - phát biểu: Đền Xương Giang nằm trong quần thể khu di tích chiến thắng Xương Giang là một địa danh lịch sử tiêu biểu của Bắc Giang và cả nước. Vì vậy Hội Nhà văn Việt Nam chọn nơi đây làm một trong những điểm mở đầu cho Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII trong toàn quốc, coi Ngày thơ Việt Nam tại Bắc Giang là một điểm nhấn quan trọng đối với toàn bộ Ngày thơ Việt Nam 2019 trong cả nước. Xương Giang được ví như Điện Biên Phủ ở thế kỷ XV của quân dân nhà Lê anh dũng, đánh tan quân Minh, lập chiến công vang dội, giữ gìn nền độc lập của đất nước.

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - phát biểu tại lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII "Người Kinh Bắc"

Sự kiện này cũng nhằm bày tỏ với nhân dân cả nước là chúng ta cần phát huy truyền thống vẻ vang trong quá khứ kết hợp với sức mạnh lao động sáng tạo của toàn dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đưa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tiếp tục giành nhiều thành công hơn nữa. Mỗi địa phương có đặc điểm địa lý, lịch sử, thiên nhiên khác nhau. Bắc Giang là cái nôi của văn hóa Kinh Bắc nói riêng, văn hoá Bắc Bộ nói chung, thời nào cũng có những anh hùng, lập những chiến công vang dội cống hiến cho lịch sử vẻ vang của đất nước.

Có mặt tại đây là gần 200 nhà thơ, học giả, dịch giả nổi tiếng của thế giới và các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu trong nước. Vì vậy Ngày thơ Bắc Giang hôm nay, cũng như Đêm thơ Quảng Ninh hôm qua (18/02/2019), là một hình ảnh thu nhỏ của ngày hội thơ ca thế giới, kết hợp các giá trị của dân tộc với giá trị văn hóa nhân loại, nơi “gắn kết mọi lương tâm, đẩy lùi mọi hiểm hoạ, bắt đầu từ con người, vì con người, cho con người”.

Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII "Người Kinh Bắc" có thể coi là hình ảnh thu nhỏ của ngày hội thi ca thế giới

Lễ bế mạc Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV, Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III và Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII sẽ được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức vào tối ngày mai (20/02/2019) tại Hà Nội.

Bài: THI CẦM

Ảnh: ĐỖ QUYÊN, TUYẾT MAI