Thứ Ba, 23/02/2021 13:28

Ngày Thơ Việt Nam: Trao cho thơ những cơ hội - 2

Ngày Thơ Việt Nam đã thực sự lan toả cảm xúc của người viết và giá trị của thơ? Nó có thực sự là cầu nối giữa nhà thơ với công chúng? Bạn yêu thơ sẽ thu nhận được gì từ Ngày Thơ mỗi năm?

Bài 2: Ngày Thơ trong mắt các nhà thơ

Với những người làm thơ, không khí thơ ca trong Ngày Thơ Việt Nam ít nhiều đều làm nên những cảm xúc, mặc dù mỗi người đều có những quan điểm và cảm nhận riêng. Viết lách là câu chuyện của cá nhân nhưng khi tác phẩm ra đời, thì việc được đến với công chúng cũng là một niềm vui đáng kể. Ngày Thơ Việt Nam đã thực sự lan toả cảm xúc của người viết và giá trị của thơ? Nó có thực sự là cầu nối giữa nhà thơ với công chúng? Bạn yêu thơ sẽ thu nhận được gì từ Ngày Thơ mỗi năm? Trò chuyện với các nhà thơ chúng ta sẽ hiểu thêm những suy nghĩ, trăn trở và cả những kì vọng của họ về một ngày dành riêng cho thơ ca. 

Bài 1: Các nhà phê bình nghĩ gì về Ngày Thơ?

Bài 3: Những tiếng nói từ Sân thơ Trẻ

Bài 4: Chúng ta có một nghìn không trăm linh một cách để quảng bá thơ ca

Ngày Thơ Việt Nam diễn ra hàng năm thu hút đông đảo công chúng Thủ đô. Ảnh: Thành Duy

 

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Ngày Thơ là nhịp cầu nối nhà thơ với công chúng

Thưa nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, là một người gắn bó nhiều năm với sân thơ truyền thống trong Ngày Thơ Việt Nam hằng năm, ông có nhận định gì về không khí, cảm hứng mà Ngày Thơ mang lại với văn nghệ sĩ nói chung và cá nhân ông nói riêng?

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Sòng phẳng mà nói thì nếu không có Ngày Thơ Việt Nam thì nền thi ca nước nhà vẫn tồn tại như đã, đang và sẽ tồn tại. Thơ ca luôn biết lo liệu cho bản thân mình; còn ngôn ngữ tất yếu sẽ còn thơ ca như ai đó đã từng nói. Điều tôi muốn nhấn mạnh thêm, thơ Việt Nam từ xưa đến nay luôn biết gắn bó với đời sống tinh thần của dân tộc; đó là nơi lưu giữ tâm hồn dân tộc bền vững và sâu sắc nhất. Có lẽ cần diễn đạt cụ thể hơn một chút là thơ Việt Nam vừa đồng hành với lịch sử dựng nước và giữ nước bi tráng của dân tộc ta vừa chiếu xạ nhân tình thế thái ở tầng sâu tâm hồn, tính cách con người Việt. Và khi Ngày Thơ Việt Nam được đề xướng và tổ chức thì mặc nhiên nó được nhiều người yêu thơ chú ý, quan tâm, hưởng ứng. Không khí của Ngày Thơ Việt Nam mang tầm vóc, tinh thần của một sinh hoạt văn hóa tao nhã và sang trọng với ý nghĩa tôn vinh nhà thơ, nền thơ dân tộc, là nhịp cầu để nối gần hơn nhà thơ với công chúng trong sự giao lưu nồng nhiệt và trong sáng giữa người sáng tác với người thưởng thức.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý. Ảnh: FBNV

Là một người có nhiều năm ở trong Ban tổ chức, được phân công viết nội dung và dẫn chương trình, tôi cảm nhận được khá rõ cái hiệu ứng từ Ngày Thơ Việt Nam tác động tới các nhà thơ và công chúng. Đó là sự trân trọng, háo hức của nhiều người dành cho ngày hội thi ca đất nước. Thơ thực sự có chỗ đứng, vị thế, tâm thế trong đời sống tinh thần, tình cảm của dân tộc Việt Nam của thời hiện đại. Những eo xèo đó đây sau các Ngày Thơ không xóa lấp được những gì tươi tốt, lành mạnh mà nó mang lại một cách hồn nhiên cho người sáng tác và đông đảo công chúng. Tôi thấy Ngày Thơ Việt Nam có ý nghĩa tích cực với nền văn hóa đất nước trong tiến trình dựng xây và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Không chỉ trong nước mà nó còn được lan tỏa ra thế giới từ những Liên hoan thơ quốc tế được tổ chức cùng dịp với Ngày Thơ. Thơ trở thành nhịp cầu nối Việt Nam với bạn bè thế giới trong ý nguyện yêu quý, gìn giữ hòa bình, đề cao tình yêu con người, tình yêu cuộc sống…

Với tôi, Ngày Thơ Việt Nam để lại những kỉ niệm đẹp. Cảm giác háo hức xen lẫn hồi hộp khi được tham dự ngày hội thi ca vẫn còn lưu giữ sâu sắc trong tôi. Cái không gian chứa nhiều gam màu ấm, cái âm hưởng dào dạt do thi ca mang lại, cái sum vầy của bạn viết bạn đọc trong Ngày Thơ Việt Nam dễ gì quên được. Tôi tin nó vẫn còn lưu luyến trong hồi ức nhiều người vì cơ bản nó hay, nó đẹp. Hay và đẹp ở chiều sâu cuộc sống như bản chất của thơ vậy.

Hai năm 2020 và 2021 Ngày Thơ Việt Nam không được tổ chức do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Theo ông, liệu chúng ta nên có một hướng tiếp cận mới với Ngày Thơ theo cách nào đó nếu chúng ta không thể tổ chức như bình thường? Ông có thể đưa ra cách làm nào đó mà mình thấy phù hợp?

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Năm ngoái, mọi việc đã chuẩn bị rất chu đáo cho Ngày Thơ Việt Nam thì đùng một cái đại dịch Covid-19 như “cơn bão đen” càn quét ra toàn cầu trong đó có Việt Nam. Việc dừng Ngày Thơ lại là đương nhiên dù chúng ta có nuối tiếc đến bao nhiêu chăng nữa. Tuy nhiên, qua theo dõi tôi thấy Ngày Thơ Việt Nam vẫn diễn ra tự phát trên các trang facebook bằng nhiều cách thể hiện khác nhau. Đúng Nguyên tiêu Canh Tý, thơ được giới thiệu nhiều hơn trên các trang mạng cá nhân và những bức ảnh liên quan đến Ngày Thơ Việt Nam xuất hiện không ít. Năm nay, khi dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp thì Ngày Thơ Việt Nam thêm lần nữa bị dừng lại. Khác với năm trước, BCH Hội Nhà văn Việt Nam chủ động không tổ chức vì dự đoán tình hình đại dịch vẫn chưa ổn. Tôi được Hội VHNT tỉnh Quảng Bình mời tham gia viết lời và dẫn chương trình Ngày Thơ Việt Nam tại quê hương trong đêm Nguyên tiêu Tân Sửu 2021 nhưng rồi kế hoạch cũng phải hủy vì con siêu vi khuẩn quái ác Covid-19. Tiếc, nhưng thấy thế là đúng, là cần thiết với cộng đồng. Lâu dài, có lẽ chúng ta phải sống chung với sự biến đổi khí hậu và cả sự biến đổi của các chủng vi rút có hại thôi. Theo tôi, chúng ta vẫn phải giữ được tinh thần của Ngày Thơ Việt Nam, làm sao cho nó vẫn nóng ấm, lan tỏa trong lòng người yêu thơ. Có thể tổ chức Ngày Thơ Việt Nam theo kiểu trực tuyến với nhiều đầu cầu trên phạm vi toàn quốc hoặc quốc tế một cách hiện đại và tối giản. Ý tưởng là như thế, còn cụ thể ra sao thì chắc cần phải bàn bạc rất kĩ lưỡng.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý (trái) trong vai trò dẫn chương trình cùng nhà thơ Dương Dương Hảo (phải) và các nhà thơ tại Ngày Thơ Việt Nam (từ trái qua): Trần Đăng Khoa, Bằng Việt, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Hoàng Nhuận Cầm. Ảnh: FBNV

Trước nhiều biến động của cuộc sống, ông có cho rằng người làm thơ cũng cần phải chuẩn bị tâm thế nhập cuộc và ứng xử với những biến động ấy để thơ ca không bị xa vời với thực tại?

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Đương nhiên là thế rồi. Thơ cần phải bám riết vào cuộc sống trong những biến động không dễ lường trước được. Dù trong hoàn cảnh nào thì thơ cũng nên/cần là “điểm tựa” tinh thần đáng tin cậy cho con người. Trước hết với đông đảo nhân dân ta đang chịu đựng muôn vàn gian khó, thử thách trong công cuộc dựng xây đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Họ vừa là đối tượng sáng tạo, vừa là công chúng thưởng thức của thi ca. Thơ thực sự thấm nhuần tư tưởng yêu nước, thương dân trong thời đại mới. Thơ phải hay trong sự chuyển động mạnh mẽ và mới lạ.

Mỗi tác phẩm thi ca phải là kết tinh của sáng tạo nghệ thuật nghiêm cẩn và công phu. Tôi nghĩ, xu hướng thơ gần gũi với đời sống, có ích cho xã hội, hiện đại trên nền tảng truyền thống là việc nên khuyến khích. Mong rằng, thơ Việt ngày càng hay hơn trong những tầm kích mới, đa dạng trong thể hiện, tươi sáng trong thần thái, sâu sắc trong trí tuệ. Tóm lại, thơ phải là thơ để chiếm lĩnh bạn đọc trong nước và có cơ hội kết nối với bạn bè trên thế giới.

 

Nhà thơ Mai Văn Phấn: Hướng đến tư duy mới cho Ngày Thơ

Thưa nhà thơ Mai Văn Phấn, đây là năm thứ hai do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên Ngày Thơ Việt Nam không được tổ chức, rất nhiều người yêu thơ bày tỏ sự nuối tiếc về điều này. Là một người có nhiều gắn bó với sân thơ trong Ngày Thơ Việt Nam, chắc hẳn ông cũng có những chia sẻ của riêng mình?

Nhà thơ Mai Văn Phấn: Ngày Thơ Việt Nam được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức với mục đích tôn vinh và lan tỏa giá trị thơ ca. Ngày Thơ đầu tiên từ Tết Nguyên tiêu năm Quý Mùi (2003) đến nay, có lẽ chưa năm nào thoát khỏi đôi điều luyến tiếc của dư luận công chúng. Cá nhân tôi cũng thấy ái ngại khi lạc vào không khí náo nhiệt, linh đình, có phần ồn ào của lễ hội Thơ từng diễn ra. Mỗi lần bước vào các sân thơ, tôi đều có cảm giác lạ lẫm, buồn vui lẫn lộn, khó diễn tả. Dù là lễ hội, nhưng căn tính cũng như sự xuất hiện của thơ trước công chúng có lẽ cần một diện mạo khác, giản dị mà sang trọng hơn, tự nhiên và sâu lắng hơn chăng? Đại hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kì X vừa kết thúc (2020 - 2025), tôi hi vọng dàn lãnh đạo trẻ, năng động sẽ có tư duy mới/ khác cho các hoạt động của Hội, trong đó có Ngày Thơ Việt Nam sẽ được tổ chức sang trọng và chuyên nghiệp hơn.

Nhà thơ Mai Văn Phấn. Ảnh: NVCC

Vậy ông mong muốn Ngày Thơ Việt Nam diễn ra thế nào?

Nhà thơ Mai Văn Phấn: Ngày Thơ dĩ nhiên có phần lễ hội với cờ phướn, kèn trống…. Nhưng bản chất thơ ca là quyến rũ chứ không mời chào, lôi kéo, hay tiếp thị… Thơ luôn là vẻ đẹp tâm hồn và mỗi bài thơ là một định nghĩa riêng về thơ. Do vậy, Ngày Thơ cần làm sáng tỏ phong cách độc đáo, bản sắc của từng tác giả trong đa dạng những mạch nguồn của dòng chảy. Tôi chợt nghĩ, có lẽ nên giảm bớt phần hội hè, những thủ tục thưa gửi trong Lễ khai mạc. Thay vào đó là giới thiệu một số gương mặt thơ tiêu biểu cho các khuynh hướng, “trình diễn” các văn bản thơ, nhưng khác với những hình thức từ trước đến nay vẫn làm. Việc này Ban Tổ chức cần đầu tư thời gian và công sức để lên kế hoạch cho từng năm, theo từng chủ đề cụ thể.

Là nhà thơ Việt Nam được một số tổ chức văn học, quốc gia mời tham dự Liên hoan thơ quốc tế, ông có thể nói về một festival Thơ ấn tượng để gợi mở cho Ngày Thơ Việt Nam?

Nhà thơ Mai Văn Phấn: Tháng 10/2019 tôi được Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc (Literature Translation Institute of Korea) mời tham dự festival Thơ quốc tế tổ chức tại thủ đô Seoul. Năm trước nữa (2018) họ mời nhà thơ - nhà văn Nguyễn Bình Phương. Festival chỉ diễn ra trong vòng 10 ngày, nhưng gần một năm trước đó phía bạn đã gửi giấy mời, chuẩn bị các dữ liệu để giới thiệu các tác giả tới công chúng Hàn Quốc. Khách mời cũng không đông, có 14 nhà thơ đến từ các châu lục và 18 nhà thơ, nhà văn tiêu biểu của Hàn quốc. Trước ngày khai mạc, chúng tôi được Ban Tổ chức phát tài liệu, gồm một số tổng tập văn học Hàn Quốc bằng tiếng Anh cùng sách báo, tạp chí in tác phẩm của các nhà thơ, nhà văn tham dự festival 2019. Các nhà thơ được nghe tổng đạo diễn trình bầy ý tưởng, dặn dò. Tại các buổi đọc thơ, sách của các nhà thơ tham gia trình diễn được bầy bán ở cuối hội trường. Tôi đọc thơ bằng tiếng Việt, nhưng các bản dịch ra tiếng Hàn, Anh, Pháp, Tây Ban Nha được chiếu lên màn hình rộng để mọi người có thể cảm nhận cùng giọng đọc của tôi. Màu sắc của festival Thơ có thể khác với Ngày Thơ, nhưng tôi muốn khơi gợi để Ban Tổ chức hướng đến tư duy mới cho Ngày Thơ chúng ta.

Ngày Thơ cũng là dịp để giá trị đích thực của thơ ca trở nên lan tỏa hơn. Ông là một trong số ít nhà thơ Việt có tác phẩm được in và phát hành đến bạn đọc ở nước ngoài. Đó là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố hay là sự tự thân lan tỏa của thơ?

Nhà thơ Mai Văn Phấn: Khởi đầu sự lan tỏa như chị vừa nhắc, hơn mười năm trước tôi đã may mắn gặp những dịch giả và biên tập viên xuất sắc để có được văn bản tiếng Anh và tiếng Pháp sát với nguyên tác, giữ được gần như trọn vẹn thần thái và vẻ đẹp của thơ. Sách của tôi được Nhà Xuất bản uy tín của Anh quốc Page Addie Press biên tập, thiết kế bìa và nội dung, độc quyền phát hành tại một số nước châu Âu và trên mạng Amazon. 12/2012, tập thơ “Firmament Without Roof Cover” (“Bầu trời không mái che”) do nhà thơ – dịch giả Trần Nghi Hoàng dịch, nhà thơ - Giáo sư Frederick Turner (Hoa Kì) biên tập đã trở thành 1 trong 100 tập thơ bán chạy nhất của Amazon khi ấy. Vào 6/ 2014, tôi có thêm 3 tập thơ nữa vào top 10 trong 100 tập thơ châu Á bán chạy nhất trên Amazon. Từ khởi đầu thuận lợi, các nhà xuất bản một số quốc gia đã đặt các dịch giả chuyển ngữ thơ tôi sang các ngôn ngữ khác. Tiếp đó, một số quốc gia đã mời tôi tham dự festival thơ của họ. Có festival đã chọn nhà thơ tiêu biểu nhất của lễ hội để tiếp tục dịch tác phẩm in thành sách. Xin đơn cử trong năm 2020, tôi được trao Giải nhất trong Lễ hội Sáng tạo quốc tế “Đồng hành vào thế kỉ 21” tại Bun-ga-ri, và Giải thưởng mang tên đại thi hào Aco Karamanov của Cộng hòa Bắc Macedonia. Cũng tại Macedonia, tập thơ “Tắm đầu năm” của tôi, do nhà thơ - TS Daniela Andonovska-Trajkovska dịch sang tiếng Macedonia được Nhà Xuất bản Center of Culture "Aco Karamanov" Radovish ấn hành vào tháng 11/2020.

Vậy phải chăng chúng ta có quyền lạc quan về thơ Việt Nam đương đại khi hội nhập, và Ngày Thơ một số năm có kết hợp với Liên hoan thơ Châu Á - Thái Bình Dương là một cơ hội để các nhà thơ trong nước giao lưu chia sẻ với các nhà thơ nước khác để mở ra những cơ hội?

Nhà thơ Mai Văn Phấn: Đúng vậy! Tác phẩm của một số nhà thơ theo khuynh hướng cách tân nếu được tiếp tục dịch sang các ngôn ngữ khác đều có sức chinh phục mạnh mẽ bạn đọc quốc tế. Thế hệ 5X, 6X chúng tôi hiện đã không còn trẻ. Nhưng thế hệ thơ kế tiếp đã và đang xuất hiện với diện mạo khác, hiện đại và mạnh mẽ hơn, khác lạ và cũng quyến rũ hơn.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cùng với các nhà thơ nước ngoài tham dự Liên hoan thơ Châu Á - Thái Bình Dương tại Ngày Thơ Việt Nam. Ảnh: Thành Duy

 

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: Tôi không nghĩ những người ghét thơ lại mất công đến Ngày Thơ

Từng tham gia một số Ngày Thơ Việt Nam tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội và bằng quan sát cá nhân về Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức đến nay đã gần 20 năm, chị có cảm nhận gì với tư cách một người làm thơ và cả trong vai trò một “khách thơ”?

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: Tôi về dự Ngày Thơ Việt Nam ở Văn Miếu nhiều lần, với nhiều tư cách: người đọc thơ, người tham gia tổ chức, người đi giao lưu gặp gỡ bạn bè. Là người đọc thơ, khi trẻ thì đọc ở Sân thơ Trẻ, thêm ít tuổi nữa thì đọc ở sân chính. Là người tham gia tổ chức thì đưa đoàn đại diện cho Hội địa phương về tham gia trưng bày và giao lưu tại khu vực dành cho các địa phương. Còn là người đi chơi, đi gặp gỡ bạn bè thì nhiều. Ngoại trừ cuộc đưa đoàn địa phương về tham dự hoạt động sau đó thề là sẽ không có lần sau vì cách tổ chức yếu kém, luộm thuộm, thiếu tôn trọng các tỉnh của Ban tổ chức năm đó, thì về Văn Miếu Ngày Thơ để được gặp gỡ bạn thơ, được hoà vào không khí lễ hội văn chương nhiều sắc màu, vẫn luôn là niềm vui, niềm háo hức của tôi.

Nhà phê bình văn học Phan Tuấn Anh nói “thơ ca đích thực không phải của đám đông, không mang tính giải trí cộng đồng”. Tôi cũng đồng ý. Nhưng đám đông ở Văn Miếu ngày thơ là đám đông nhà thơ và người yêu thơ đấy chứ, vậy thơ không của họ thì còn của ai? Tôi không nghĩ những người ghét thơ lại mất công đến Ngày Thơ. Tôi thích cộng đồng “quấn áo chen chân” trong Văn Miếu mỗi Ngày Thơ. Thích những người ngồi im phăng phắc, lắng nghe các nhà thơ thể hiện thơ mình trên sân khấu. Tôi cũng thích cái hồ hởi tay bắt mặt mừng của những người di chuyển ồn ào xung quanh các sân thơ. Dù họ đến vì thơ hay vì người thì Ngày Thơ cũng là một điểm cộng nhiều cảm xúc trong đời sống văn chương nước nhà mỗi độ xuân về.

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh. Ảnh: NVCC

Ngoài Ngày Thơ Việt Nam do Hội nhà văn VN tổ chức hàng năm tại Văn Miếu thì các Hội VHNT địa phương cũng tổ chức Ngày Thơ của địa phương mình. Chị thấy nên tổ chức Ngày Thơ theo cách nào sẽ chuyên nghiệp và hiệu quả? Có cần một “fomat” thống nhất chung trong cả nước hay nên phát huy sự sáng tạo của từng địa phương thưa chị? Chị có thể cho một vài hình dung về Ngày Thơ Việt Nam diễn ra tại Thái Nguyên những năm qua?

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: Thái Nguyên tổ chức Ngày Thơ với quy mô khá lớn, nhiều người nói là chỉ sau Ngày Thơ ở Văn Miếu. Chúng tôi gọi là Lễ hội Thơ Nguyên tiêu Thái Nguyên. Lễ hội nhiều hoạt động lắm. Hàng năm, chỉ riêng chuyện nghĩ làm thế nào cho năm sau khác năm trước đã khiến chúng tôi ăn tết không ngon vì lo lắng. Cũng như ở Văn Miếu, chúng tôi có nhiều sân thơ dành cho các lứa tuổi. Chúng tôi còn có cả các hoạt động phụ trợ làm cho Ngày Thơ rộn ràng không khí lễ hội, có các cuộc thi thơ dành cho từng đối tượng riêng, được tổ chức trong khuôn khổ lễ hội thơ, như: trưng bày ảnh và thi đề thơ vào ảnh - dành cho tất cả mọi người; thi vẽ tranh theo thơ và trình diễn thơ dành cho học sinh sinh viên; và luôn có một cuộc thi thơ dành cho các câu lạc bộ.

Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức tại Thái Nguyên với chủ đề "Ước vọng xanh". Ảnh: TL

Năm nay chúng tôi có hẳn một cuộc thi thơ online với chủ đề “Tổ quốc và Mẹ”. Chúng tôi phối hợp với Diễn đàn văn chương “Quán Chiêu Văn” tổ chức trên phạm vi toàn quốc. Do dịch bệnh nên một số hoạt động của Lễ hội thơ Nguyên tiêu Thái Nguyên 2021 phải dừng tổ chức, nhưng cuộc thi thơ online vẫn diễn ra rất thành công, thu hút hàng trăm người yêu thơ trong và ngoài nước tham gia, hàng chục nghìn người theo dõi qua mạng xã hội. Chúng tôi sẽ tổng kết và trao giải theo hình thức trực tuyến vào ngày Rằm tháng Giêng này.

Đó là một trong những việc làm nhằm đổi mới cách thức tổ chức Ngày Thơ của chúng tôi, thích ứng với tình hình dịch bệnh và sự phát triển của đời sống văn chương hiện thời.

Suy cho cùng, Ngày Thơ hay lễ hội thơ chỉ diễn ra có một ngày trong năm, là một trong những cách thức để cho chúng ta thể hiện thái độ với thơ. Ngoài ra, nó còn làm cho cộng đồng xã hội biết trên đời có một thứ nghệ thuật luôn được nhiều người trân trọng. Vậy là tốt hay không tốt nhỉ, tôi nghĩ là tốt chứ. Còn việc lao động sáng tạo thơ, sự cô đơn của nhà thơ thuộc về 364 ngày còn lại ở bàn viết của mình.

Nhà thơ Khánh Chi. Ảnh: NVCC

Thật ra, năm ngoái, khi nghe đến việc hoãn Ngày Thơ, tôi nghe rất nhiều người reo mừng hỉ hả. Họ nói năm nào cũng tổ chức, năm nào cũng cố gắng um xùm, lòe loẹt, nên ngày càng nhàm rồi, thôi để lâu lâu tổ chức một lần đi còn có người quan tâm, ý nghĩa. Ý kiến này theo tôi thì cũng không đúng lắm. Bởi cái gì thành nếp, thành truyền thống, thành Lễ, thành Hội thì cũng nên được tổ chức thường xuyên, chứ Tết chẳng hạn, chẳng ai lại 5 năm tổ chức Tết một lần.

Có điều, đúng là tổ chức thế nào, chứ um xùm, lòe loẹt, hình thức thì… quả thật là ngán. Nhiều Ngày Thơ những năm qua, đến giờ thỉnh thoảng vẫn còn nghe mọi người nhắc lại chuyện này chuyện kia, nghe rất buồn cười. Ngày còn bé, tôi luôn tưởng tượng ra và được thấy nữa, ở các bậc cha chú những buổi đọc thơ, bình thơ, nghe thơ nhau… Nó tao nhã, thanh tịnh lắm. Chứ không ồn ào, phô trương như nhiều lễ hội Nguyên tiêu giờ tôi thấy.

Biết rằng khó, khó để có thể tổ chức một cái gì đẹp như thế, xứng với Thơ như thế. Tôi cũng chẳng nghĩ ra cái gì để mà góp ý nên thế này hay nên thế kia. Chỉ có điều vẫn mong có được một cái Tết Thơ cho thật đẹp, thật thanh, thật nhẹ.

Nhà thơ Khánh Chi (TP Hồ Chí Minh)

 

Nhà thơ Phan Hoàng: Ngày Thơ Việt Nam không chỉ dành cho các nhà thơ chuyên nghiệp

Thưa nhà thơ Phan Hoàng, nhân dịp Ngày Thơ Việt Nam, anh có thể chia sẻ với bạn đọc VNQĐ không khí Ngày Thơ ở Thành phố Hồ Chí Minh hàng năm mà anh cảm nhận được. Năm nay do sự phức tạp của dịch bệnh Covid-19 mà Ngày Thơ đã hoãn tổ chức trong cả nước. Theo cá nhân anh, điều này có ảnh hưởng gì đến sự lan toả của thơ không?

Nhà thơ Phan Hoàng: Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị sôi động với nhiều loại hình nghệ thuật, giải trí hiện đại. Điều ngạc nhiên là những loại hình văn hóa mang tính cổ điển, trong đó có thi ca vẫn tồn tại theo cách của riêng mình. Ngoài Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh thì tại Nhà Văn hóa Lao Động, Nhà văn hóa Thanh Niên cấp thành phố đến các quận huyện đều có câu lạc bộ thơ, thậm chí nhiều người làm thơ còn tự quy tụ, tự tổ chức các câu lạc bộ thơ để sinh hoạt với nhau rất thú vị.

Nhà thơ Phan Hoàng. Ảnh: NVCC

Từ sức sống thi ca đô thị ấy, Ngày Thơ Việt Nam không chỉ dành cho các nhà thơ chuyên nghiệp mà còn là lễ hội văn hóa đầy sinh khí để đông đảo những người yêu thơ hướng tới với niềm say mê tươi vui đầu xuân. Do tình hình dịch bệnh Covid-19, hai năm nay không tổ chức được Ngày Thơ đã phần nào làm hụt hẫng cảm hứng của các nhà thơ, nhất là những bạn thơ không chuyên ở các câu lạc bộ quận huyện, ảnh hưởng tới sự lan tỏa của thi ca trong đời sống. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng lặng giúp các nhà thơ và những người liên quan tới Ngày Thơ có dịp nhìn lại mình, hướng tới sự thay đổi tổ chức tốt đẹp cho Ngày Thơ về sau.

Cũng có nhiều ý kiến trái chiều về việc tổ chức Ngày Thơ Việt Nam trong các năm qua, theo anh thì chúng ta có cần phải nhìn lại và thay đổi gì để giữ gìn được truyền thống, tinh hoa của thơ, và Ngày Thơ thực sự là dịp để chúng ta tôn vinh những giá trị thơ ca đích thực?

Nhà thơ Phan Hoàng: Thơ là kết quả của sự cô đơn sáng tạo. Vẻ đẹp của thơ chủ yếu hướng nội chứ không hướng ngoại. Thơ đôi khi cũng không dành cho số đông hoặc cho việc trình diễn vang động như âm nhạc. Các nhà thơ cũng không có khả năng trình diễn tác phẩm của mình như đa số nhạc sĩ trên sân khấu.

Đối với tôi, ngoài ý nghĩa tôn vinh thơ thì Ngày Thơ Việt Nam chủ yếu là cơ hội để bạn thơ gặp gỡ, giao lưu đầu xuân, cả về phía người sáng tác lẫn bạn đọc. Nhiều năm được phân công làm Trưởng Ban tổ chức Ngày Thơ Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, tôi nhận thấy việc tổ chức thành công đúng nghĩa Ngày Thơ là khó vô cùng. Chưa nói đến chi tiết, chỉ việc chọn địa điểm, tập hợp lực lượng đã khó rồi vì Thành phố Hồ Chí Minh không có được địa lợi như Văn Miếu ở Hà Nội, núi Nhạn ở Phú Yên, núi Bài Thơ ở Quảng Ninh hay Văn Miếu Trấn Biên ở Đồng Nai, Tao đàn Chiêu Anh Các ở Hà Tiên,… Trong khi nhiều nhà thơ và bạn yêu thơ, nhất là lực lượng sinh viên về quê ăn Tết không kịp trở lại thành phố dịp diễn ra Ngày Thơ cũng là một trở ngại.

Các tác giả trẻ trình diễn thơ tại Ngày Thơ Việt Nam TP Hồ Chí Minh năm 2015. Ảnh: cand.ocm.vn

Không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh mà tôi nghĩ trên bình diện cả nước Ngày Thơ Việt Nam cần phải đổi mới phương thức tổ chức. Chẳng nhất thiết tỉnh thành nào cũng tổ chức Ngày Thơ hàng năm, mà cần liên kết nhiều địa phương lại để luân phiên tổ chức. Điều này giúp thu hút đông đảo bạn thơ các tỉnh thành trong khu vực quy tụ về một địa điểm. Đây cũng là dịp địa phương quảng bá văn hóa đến khách thơ bốn phương.

Địa điểm chính của Ngày Thơ Việt Nam cũng không nhất thiết cứ chọn Văn Miếu - Hà Nội, mà có thể luân phiên tổ chức ở những địa điểm có bề dày truyền thống và luôn thu hút đông đảo khách thơ ở các địa phương khác như núi Nhạn, núi Bài Thơ, Tao đàn Chiêu Anh Các… tôi đã nhắc ở trên. Tất nhiên, chương trình lễ hội thơ cần luôn đổi mới, ngoài việc tôn vinh các giá trị thơ và bên cạnh những tiết mục truyền thống thì cần phải kết hợp thơ với các loại hình nghệ thuật khác như mĩ thuật, âm nhạc, sân khấu… để sức hút và lan tỏa của thơ mạnh mẽ hơn.

TÙNG PHƯƠNG - BẢO AN thực hiện