Thứ Bảy, 02/02/2019 00:00

Nghệ thuật đích thực phải nâng đỡ tâm hồn con người

Năm 2018 đã khép lại với những thành tựu lớn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, và Chính phủ ta. Nhiều dấu ấn đã được ghi nhận, nhiều cột mốc đã được xác lập.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh

Năm 2018 đã khép lại với những thành tựu lớn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, và Chính phủ ta. Nhiều dấu ấn đã được ghi nhận, nhiều cột mốc đã được xác lập. Để có được thành quả ấy là sự nỗ lực rất lớn của toàn Đảng, toàn dân trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các lực lượng vũ trang nhân dân. Năm Kỷ Hợi 2019 mở ra với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, năm kỉ niệm 75 năm ngày truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam và 75 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân. Trước thềm năm mới, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã dành cho các nhà văn Văn nghệ Quân đội một cuộc gặp thân tình ấm áp. Thật bất ngờ và thú vị, câu chuyện đầu xuân lại được vị tướng bắt đầu từ kí ức gắn bó sâu sắc với ngôi nhà số 4 và những trăn trở đối với đội ngũ văn nghệ sĩ toàn quân...

Kí ức về Văn nghệ Quân đội

VNQĐ: Chúng tôi được biết từ nhỏ Thượng tướng đã có những kỉ niệm với Văn nghệ Quân đội thông qua người cha là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, người đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo Tạp chí từ ngày đầu thành lập. Nhân dịp Xuân Kỷ Hợi, xin Thượng tướng cho biết những kỉ niệm, ấn tượng khi ấy đối với Văn nghệ Quân đội?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Ba tôi đưa tôi đến Văn nghệ Quân đội từ khi còn nhỏ. Hồi đó, tôi hay được đi cùng ba đến một số đơn vị quân đội, và Văn nghệ Quân đội là nơi mà tôi thường được ba đưa theo đến nhiều nhất. Số 4, Lý Nam Đế là ngôi nhà cổ, kiến trúc Pháp, rất đẹp, thậm chí là đẹp nhất so với các biệt thự ở Hà Nội còn giữ lại được cho đến bây giờ. Ba tôi đề nghị cấp cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tôi hỏi ông: Vì sao các chú ấy lại ở ngôi nhà đẹp thế? Ba tôi cười: Văn nghệ là phải đẹp. Văn nghệ Quân đội lại càng phải đẹp.

Hồi ấy, Ba tôi rất bận, nhưng mỗi khi có thời gian rảnh, thường là chiều chủ nhật, ông lại đạp xe từ số 34 đến số 4, Lý Nam Đế. Ở đó, ông có nhiều bạn là văn nghệ sĩ - chiến sĩ, đặc biệt, có người đồng hương thân thiết là bác Thanh Tịnh. Hai người có thể gác chân lên nhau để kể chuyện quê hương. Bác Thanh Tịnh cũng thường qua nhà tôi, gọi bà nội tôi là mệ. Ba tôi đến thường không báo trước, nhưng khi ông có mặt, các bạn của ông trong Văn nghệ Quân đội gọi nhau về, một lúc sau là tụ tập đông đủ. Nhiều cán bộ Văn nghệ Quân đội quê ở miền Nam, tập kết ra Bắc, sống xa gia đình, nên giữa ba tôi với những nhà văn - chiến sĩ có sự đồng cảm lớn là nỗi nhớ quê hương. Trong những câu chuyện, không lần nào họ không nhắc về quê hương miền Nam, về những kỉ niệm đầy gian khổ, nhưng rất đỗi tự hào.

Trong trí nhớ của tôi, các buổi gặp nhau, thường chỉ có ấm nước chè với chiếc điếu cày, gói thuốc lào. Đôi khi có thêm vài điếu thuốc lá của ba tôi chia cho anh em. Nhưng chuyện trò thì rất sôi nổi, có khi đến tận khuya. Hai chủ đề họ thường nói, là chuyện về văn nghệ và chuyện đánh Mĩ. Họ trò chuyện, tranh luận rất say sưa với niềm đam mê vô tận về sự nghiệp kháng chiến chống Mĩ cứu nước cũng như hoạt động văn hóa, văn nghệ trong Quân đội. Tôi còn nhỏ, không hiểu nhiều về chiến trận, mà vẫn say mê ngồi nghe.

Qua những câu chuyện ba tôi và các văn nghệ sĩ trao đổi với nhau lúc “trà dư tửu hậu”, dù chưa hiểu mấy về văn hóa, văn học nghệ thuật, nhưng ấn tượng của tôi về các nhà văn ở ngôi nhà số 4 thời đó là những người tài hoa, nổi tiếng, rất nghệ sĩ, nhưng cũng rất lính. Họ nói rất hào hứng, rất nhiều về chiến trường, như những người lính vừa từ đó trở về, quân phục còn đượm mùi khói súng. Sau này tôi được biết, ngôi nhà số 4 lúc đó quy tụ các nhà văn, nhà thơ ưu tú nhất thời kì ấy. Nhiều cô, chú đã từ đây ra chiến trường, vừa viết vừa chiến đấu, có người đã hi sinh. Nhiều cán bộ, chiến sĩ trưởng thành ở chiến trường, trở về và trở thành nhà văn, nhà thơ xuất sắc của Văn nghệ Quân đội và của đất nước.

Đầu năm 1967, ba tôi chuẩn bị vào Nam. Những ngày ít ỏi cuối cùng ở miền Bắc, ông bận rộn với nhiều cuộc họp, tối nào cũng về nhà muộn. Nhưng ông vẫn dẫn tôi đến hai cuộc gặp với các cô, chú ở Văn nghệ Quân đội và sau đó là ở Báo Văn nghệ. Trong các lần gặp trước, ông thường nghe là chính, nhưng trong hai cuộc gặp này, ông nói nhiều hơn. Ông nói về cuộc chiến tranh chống Mĩ, kể những câu chuyện chiến trường. Ông đọc những vần thơ, đoạn văn từ miền Bắc gửi vào được phát trên Đài phát thanh Giải phóng, đăng trên các báo ở chiến trường. Ông muốn văn nghệ sĩ hiểu hơn về mối quan hệ giữa người chiến sĩ ở chiến trường với quê hương, gia đình: Điều quan tâm nhất của chiến sĩ trên chiến trường là lo hậu phương đói nghèo; lo hợp tác xã không đủ gạo chia cho xã viên, lo con không được đi học… Do đó, văn nghệ sĩ hãy viết về sự lớn mạnh của hậu phương miền Bắc, để người chiến sĩ thấy cuộc sống đang tốt đẹp dần lên ở quê nhà, để rồi họ yên tâm chiến đấu. Và ông nói nhiều về việc văn hóa, văn nghệ phải làm gì trước những biến động sắp tới của cuộc kháng chiến; làm gì để đóng góp, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho những cuộc chiến đấu quyết liệt sẽ xảy ra.

Có lẽ đấy là tình cảm và những điều ông mong đợi ở Văn nghệ Quân đội nói riêng, và ở văn hóa nghệ thuật nói chung trước giai đoạn lịch sử mới của cuộc kháng chiến chống Mĩ. Trong hành trang ông mang vào chiến trường miền Nam có phần rất lớn về văn hóa, văn nghệ. Bởi ông coi văn hóa, văn nghệ là sức mạnh to lớn, góp phần tạo nên chiến thắng trên chiến trường.

Từ kí ức về người cha, tôi không quên những điều học được về vai trò của văn hóa nghệ thuật. Có lần, tôi hỏi ông: Văn nghệ là gì ạ? Ông bảo, là văn hóa và nghệ thuật. Văn nghệ Quân đội là văn hóa và nghệ thuật của Quân đội. Trong hai cuộc gặp cuối cùng với Văn nghệ Quân đội và Báo Văn nghệ trước khi vào Nam năm 1967 như nhắc ở phần trên, tôi còn nhớ câu nói của ông với văn nghệ sĩ: Viết gì thì viết. Đừng viết cho riêng mình hay về những người xa lạ. Hãy viết về những người chiến sĩ, viết để người chiến sĩ có thêm lòng dũng cảm, thêm mưu trí, thêm quyết tâm đánh thắng kẻ thù trên chiến trường. Ông chỉ yêu cầu có thế thôi. Đó là sự tin tưởng và cũng là “đặt hàng” của ông, của chiến trường miền Nam đối với các nhà văn - chiến sĩ.

Đồng chí Lê Hai, sau này là Trung tướng Lê Hai - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, cũng là một người bạn thân thiết với các văn nghệ sĩ Quân đội. Từ trái qua phải: nhà văn Từ Bích Hoàng, đồng chí Lê Hai, nhà thơ Thâm Tâm, nhà thơ Vũ Cao, họa sĩ Mai Văn Hiến - Ảnh: TL

VNQĐ: Từ kí ức về Văn nghệ Quân đội, Thượng tướng có chia sẻ về vai trò của văn hóa nghệ thuật nói chung, văn hóa nghệ thuật Quân đội nói riêng?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Có thể nói Văn nghệ Quân đội là một trong những cuốn tạp chí đầu tiên tôi đọc khi bắt đầu biết chữ. Ba tôi để lại cho gia đình một tủ rất nhiều sách, trong đó không thiếu một số nào của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, từ số đầu tiên đến thời điểm ông qua đời, vào tháng 7 năm 1967. Tuy còn nhỏ, không hiểu gì nhiều, nhưng tôi vẫn đọc ngấu nghiến các cuốn tạp chí đó. Bây giờ tôi vẫn nhớ nguyên cảm nhận ngày xưa, sao Văn nghệ Quân đội hay đến thế. Văn hay, thơ hay, tranh đẹp, nhất là tranh kí họa chiến trường; phê bình văn học cũng hấp dẫn, có những bài đọc sách còn thích hơn cả cuốn sách được phê bình. Cứ vậy theo thời gian, sự quan tâm của tôi đối với Văn nghệ Quân đội lớn dần, nhất là những năm tháng trong quân ngũ sau này.

Những năm 60, 70, 80 thế kỉ XX, trong con mắt công chúng, giải thưởng của Văn nghệ Quân đội là danh giá nhất. Các tác phẩm của nhà văn Quân đội cũng vậy. Có thể nêu một số ví dụ như: Tiểu thuyết Mẫn và tôi của Phan Tứ, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu, Mẹ vắng nhà của Nguyễn Thi; rồi thơ, rồi nhạc, rồi họa... ở lĩnh vực nào cũng có tác phẩm vĩ đại, sống mãi với thời gian. Những tác phẩm đó cứ thấm dần, lôi cuốn, mê hoặc nhiều thế hệ, trong đó có thế hệ ba tôi và kéo dài mãi cho đến thế hệ tôi. Hình ảnh cao đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ được khơi gợi, nuôi dưỡng qua những trang văn đượm tinh thần nhân ái, khiến cho Văn nghệ Quân đội trở thành một nét văn hóa quân sự độc đáo. Cao hơn thế, đó là sự bồi đắp, nâng cánh cho tâm hồn người lính trong chiến tranh, gieo vào họ tình yêu quê hương, đất nước, tính nhân văn, lòng quả cảm; tạo được lòng tin yêu trong nhân dân đối với người chiến sĩ, cả ở hậu phương miền Bắc và tiền tuyến miền Nam. Thật xúc động khi trong ba lô để lại của người chiến sĩ hi sinh, có những quyển Văn nghệ Quân đội, có cuốn bị cháy sém do bom đạn, kẹp trong đó là bài thơ họ chép lại, chưa kịp gửi cho người thân, cho người yêu. Đối với tôi, vai trò của văn hóa, nghệ thuật là như vậy.

Với cách ứng xử như vậy của các bậc đi trước, của đội ngũ văn nghệ sĩ, làm cho tôi hiểu rằng, văn hóa, nghệ thuật thực sự là sức mạnh to lớn của dân tộc ta, nhân dân ta và Quân đội ta. Thực tiễn sinh động đúng như lời dạy của Bác, văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Đó là sự khái quát nhất về vai trò của văn hóa, văn học nghệ thuật. Các nhà lãnh đạo coi văn hóa, văn học nghệ thuật không phải là thứ để chiêm nghiệm cá nhân, để giải trí, mà là sức mạnh tâm hồn của mỗi người, từ đó kết tinh thành sức mạnh của cả dân tộc Việt Nam. Vì thế, Văn nghệ Quân đội phải luôn đóng một vai trò đặc biệt đối với đời sống tinh thần của người chiến sĩ, là cầu nối giữa người chiến sĩ với quê hương, đất nước và nhân dân.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, người ta nói nhiều về sức mạnh vật chất, kinh tế, về động lực của khoa học công nghệ thời cách mạng công nghiệp 4.0... Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Tôi nghĩ rằng văn hóa, văn học nghệ thuật mới là một động lực, là sức mạnh tiềm ẩn nhưng vô tận, có chiều sâu, bề dày của ngàn năm văn hiến. Thắng lợi của các cuộc kháng chiến, sự trường tồn văn hóa gắn liền với sự trường tồn của dân tộc là minh chứng sinh động về vai trò to lớn của văn hóa nghệ thuật.

Từ bầu trời với những khung hình như thế, liệu có thể mở ra những ô cửa sáng tạo để phục vụ nhân dân và Tổ quốc hay không? Đó là câu hỏi mà các thế hệ văn nghệ sĩ trong đó có đội hình văn nghệ sĩ Quân đội phải trả lời bằng những tác phẩm hữu ích nhất. Thật đáng tự hào, trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, trong thời bình hôm nay, câu trả lời luôn là những ô cửa tác phẩm mở rộng tới các chân trời mà người chiến sĩ và nhân dân đón đợi.

Tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc

VNQĐ: Cảm ơn Thượng tướng đã dành tình cảm đặc biệt cho Văn nghệ Quân đội. Thưa Thượng tướng! Chúng ta đã từng có truyền thống về sự sáng tạo, độc đáo, khác thường về vấn đề tư duy bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử. Như các võ công thời Hùng Vương, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, Ngô Vương Quyền, tiếp đến các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn và đặc biệt là thời đại Hồ Chí Minh thì vấn đề bảo vệ Tổ quốc luôn được đặt ra rất sâu sắc. Nhưng để thực hiện nhiệm vụ cao cả ấy trong tình hình hiện nay cần có những tư duy phù hợp. Xin Thượng tướng chia sẻ về vấn đề này?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Đảng ta đã chỉ rõ: Trong thời đại hiện nay, chúng ta phải bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy. Mục tiêu cao nhất là đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, bảo vệ hòa bình, và sẵn sàng đánh thắng khi đất nước bị xâm lược. Bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia dân tộc; Bảo vệ độc lập tự chủ; Bảo vệ nền hòa bình bền vững của đất nước; Bảo vệ ổn định chính trị, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân; Tích cực tham gia bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Đó là những nhiệm vụ rất toàn diện, và cũng hết sức nặng nề.

Có thể hình dung, đất nước ta có hai giá trị cơ bản nhất cần bảo vệ và phát triển, đó là toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, có thể ví như “phần xác” của cơ thể, thứ hai là độc lập tự chủ, đường lối phát triển của đất nước, có thể ví như “phần hồn”. Hiện nay chúng ta đã có những giá trị cơ bản đó, ví như một cơ thể khỏe mạnh, đầu óc minh mẫn, lạc quan, quan hệ tốt đẹp với bạn bè thế giới. Và muốn luôn mạnh, mạnh hơn nữa, thì điều kiện quan trọng nhất là hòa bình - hòa bình để phát triển, hòa bình để có thể ngăn chặn, răn đe và đánh thắng mọi nguy cơ làm tổn thương đất nước mình.

VNQĐ: Một Việt Nam hùng mạnh là ước mơ chính đáng của mỗi người Việt Nam chúng ta trong thời đại Hồ Chí Minh. Dẫu chính đáng như vậy thì những hành động cụ thể để hiện thực hóa ước mơ ấy cũng vô cùng khó khăn trong từng bước thực hiện. Xin Thượng tướng chia sẻ từ những thực tiễn của mình?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Một quốc gia hùng mạnh hay không, phụ thuộc nhiều yếu tố: về vị trí địa lí, về văn hóa, lịch sử, về tài nguyên thiên nhiên, về dân số… nhưng tất cả đều là tiềm năng. Muốn khai thác tiềm năng đó, phải giàu. Và muốn giàu, thì phải ổn định và hòa bình.

Có một số quốc gia có xu hướng chiếm đoạt để mạnh lên, và họ thích dùng đến chiến tranh, bạo lực, cường quyền. Một số quốc gia khác lại tìm kiếm hòa bình ổn định bằng cách thỏa hiệp, mà chúng ta hay gọi là “đu dây”. Còn chúng ta xây dựng một nước Việt Nam hùng mạnh, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình bằng sức mạnh tự vệ, không xâm hại ai, và cũng không cho ai xâm hại ta. Sức mạnh đó là sự ổn định chính trị, phát triển về kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa xã hội, có nền quốc phòng toàn dân vững chắc, và có một quân đội tinh gọn nhưng bất khả chiến bại. Làm được những điều đó khó lắm, nhưng ta đã làm được, và mỗi ngày sẽ làm tốt hơn, vững chắc hơn.

VNQĐ: Tư duy mới trong quan hệ quốc tế về Quốc phòng đang ngày càng gắn chặt với thực tiễn và quyền lợi cốt yếu của mỗi quốc gia, dân tộc. Điều này khẳng định sự trưởng thành của mỗi nước không thể tách rời với sự lớn mạnh toàn diện về tiềm lực quốc gia. Việt Nam mong muốn một nền hòa bình và luôn xác định rõ, để có được hòa bình phải có nội lực sâu rộng và bền vững, càng phải có sự hiểu biết và văn minh trong ứng xử quốc tế. Xin Thượng tướng chia sẻ để bạn đọc hình dung rõ hơn vấn đề trên?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Trong quan hệ quốc tế, thường chúng ta hay quan niệm: Quan hệ với ai tốt với mình, và quan vệ với những ai nhằm có lợi cho mình. Những quan niệm đó đúng, nhưng chưa đủ, thậm chí không còn phù hợp với thời đại hiện nay.

Chúng ta mở rộng quan hệ quốc tế trước hết để khẳng định mình, đó là vị thế của đất nước, lòng tự tôn dân tộc, nguyên tắc độc lập tự chủ, tinh thần hòa hiếu, luôn mong muốn hợp tác cùng có lợi. Thứ hai, chúng ta chủ động bảo vệ lợi ích chính đáng của đất nước trên các diễn đàn quốc tế, đồng thời sẵn sàng đóng góp cho hòa bình ổn định của khu vực và trên thế giới. Từ đó mà xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia, bằng nhiều nội dung, hình thức khác nhau, theo phương châm thêm bạn bớt thù. Trong tất cả các mối quan hệ ấy, phải vừa hợp tác vừa đấu tranh, mà mục tiêu cao nhất là lợi ích quốc gia dân tộc mình.

Xây dựng phẩm chất và hình ảnh của Anh Bộ đội Cụ Hồ trong tình hình mới hiện nay

VNQĐ: Trong Hội nghị Quân chính 2018 vừa qua, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần xây dựng phẩm chất và hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong tình hình mới. Chúng ta phải hiểu thế nào cho đúng và thực hiện như thế nào cho hiệu quả, đầy đủ nội dung chỉ đạo đó?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Thời đại Hồ Chí Minh là thời đại phát huy cao độ rất nhiều các giá trị cốt lõi nhân văn. Một trong những biểu hiện đặc sắc là hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Cả thế giới dường như chưa có được hình ảnh nào sâu sắc và gần gũi, nhân văn như thế. Vậy tư duy xây dựng con người mới về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong tình hình mới hiện nay phải như thế nào? Tổng Bí thư nói giản dị vậy nhưng là người chiến sĩ ai cũng trăn trở và mong muốn thực hiện thật tốt mọi nhiệm vụ để hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ mãi ngời sáng trong nhân dân. Người chiến sĩ hôm nay, Bộ đội Cụ Hồ hôm nay phải luôn xác định sâu sắc rằng người trước, súng sau. Đó là nhân tố quyết định mọi vấn đề. Bản chất của con người mới Bộ đội Cụ Hồ chính là con người mang văn hóa Việt Nam, văn hóa thời đại Hồ Chí Minh.

Chúng ta phải vừa khơi gợi vừa tin tưởng vào mỗi người chiến sĩ đã và đang làm tốt mọi nhiệm vụ để có được hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ. Người Việt Nam rất nhân văn. Người chiến sĩ càng giản dị sáng trong và rất kiên cường. Từ thực tiễn ấy, từ bầu trời và ô cửa ấy, các tác phẩm văn học nghệ thuật cần khai thác và biểu hiện thiết thực để góp phần tạo dựng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Dẫu còn phải phấn đấu nhiều, phấn đấu liên tục, nhưng tôi cũng tin tưởng nhất định, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ sẽ mãi là niềm cảm hứng để đội ngũ văn nghệ sĩ trong và ngoài Quân đội có những tác phẩm xứng với kì vọng của nhân dân.

VNQĐ: Các cơ quan văn học, nghệ thuật của Quân đội, trong đó có Tạp chí Văn nghệ Quân đội, đã được các đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Quân đội, của Tổng cục Chính trị quan tâm, trao gửi sự tin cậy từ rất sớm và cũng đã cống hiến xứng đáng với niềm tin ấy. Theo Thượng tướng, thế hệ những người làm công tác văn hóa, văn học nghệ thuật của Quân đội hôm nay cần tiếp tục phát huy truyền thống ấy như thế nào?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Thành tựu rất tự hào, cần kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp đó nhưng phải phát triển phù hợp với xu thế mới, điều kiện mới. Bây giờ người ta cho rằng thị hiếu thay đổi, văn hóa đọc suy giảm, bị cạnh tranh bởi nhiều phương tiện nghe nhìn; các ấn phẩm in không chạy kịp với thông tin cập nhật, nhanh nhạy gấp trăm lần trên mạng xã hội... Tôi cho là chưa chắc đúng - nếu có tác phẩm hay người ta vẫn đọc, vẫn ngâm, vẫn hát... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện nay, số lượng tác phẩm viết về người lính, về sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới ngày càng ít và chưa có nhiều tác phẩm xứng tầm.

Theo tôi, mỗi một thời có sự quan tâm, cách cảm thụ khác nhau, song những giá trị văn hóa cơ bản, nhân văn vẫn không hề thay đổi. Tôi không chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, nhưng cho rằng những tác phẩm nghệ thuật đích thực phải nâng đỡ tâm hồn con người, làm cho con người vươn tới tầm cao hơn, hạnh phúc hơn... Bất kể là tiểu thuyết, thơ, nhạc, hay họa, miễn là nó đúng và hay, là tác phẩm nghệ thuật đích thực, thì nó sẽ đọng lại lâu dài.

Các tác phẩm trước đây hay ở chỗ, chỉ nói về một người thôi - một người lính cụ thể, nhưng đọc thì thấy cả một dân tộc, “nhìn cây thấy rừng”. Bây giờ có hiện tượng vì rừng to quá, nên phải “vạch rừng tìm cây”, dừng lại ở từng con người đơn lẻ. Tôi nghĩ mỗi người là cụ thể, hữu hạn, nhưng 90 triệu người tổng hòa lại sẽ là cả dân tộc, là vô hạn. Và đấy chính là văn hóa, nghệ thuật, là giá trị chung của đất nước, của dân tộc, của nhân dân. Văn hóa Việt Nam, văn hóa quân sự Việt Nam là văn hóa không khuất phục, là văn hóa hòa hiếu và đặc biệt nhân văn. Chúng ta yêu, ghét bằng trái tim của mình, bằng cái đầu của mình, không theo ai, không chịu ép buộc bởi bất kì ai.

Hiện nay, chúng ta đang phải đối phó với một thế trận trong văn hóa văn nghệ rất khó khăn. Khi mà thông tin số phát triển, mạng xã hội lan tỏa với tốc độ không tưởng, khó theo kịp. Khi mà cỗ xe văn hóa văn nghệ có đặc điểm là lắng đọng, trầm tĩnh, từ từ lại phải chạy đua với cỗ xe thông tin mạng với vận tốc hàng nghìn kilô mét/giây. Cỗ xe văn hóa nghệ thuật sẽ phải chạy như thế nào? Tôi cho đây là vấn đề lớn cần xem xét kĩ lưỡng. Nhưng, quan trọng nhất, dù nhanh hay chậm, rộng hay hẹp, nếu tác phẩm hay, cả về nội dung và hình thức, dù là một bài thơ, một cuốn tiểu thuyết, bản nhạc, bức tranh... thì sẽ được bạn đọc đón nhận, hưởng ứng.

Một vấn đề nữa là, các thế lực thù địch sử dụng văn hóa, nghệ thuật để tiến hành chống phá mặt trận tư tưởng của chúng ta. Các nhà văn, nhà báo - chiến sĩ phải giữ vai trò tiên phong, tham gia tích cực phát huy vai trò của văn hóa, nghệ thuật trong cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên mặt trận văn hóa nghệ thuật. Tôi theo dõi Báo Quân đội nhân dân, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam,... thấy trên mặt trận này, chúng ta đã làm khá tốt. Nhưng cũng còn đôi điều cần bàn thêm. Trước hết là văn hóa, nghệ thuật cách mạng, quân đội chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” như thế nào? Đảng có Nghị quyết, Bộ Quốc phòng có chỉ thị mệnh lệnh, Báo Nhân dân có các bài chính luận, cơ quan an ninh thì điều tra, trừng phạt..., thì văn hóa, văn học nghệ thuật Quân đội phải chống những dòng chảy ngược, tư tưởng lệch lạc bằng cách của mình, phải bằng chính các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, các trang văn, bài thơ, bài hát, bản nhạc ca ngợi cái hay, cái đúng đắn, cái thủy chung son sắt.... Dùng văn hóa, văn học nghệ thuật đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu độc, với các trào lưu văn nghệ sai trái. Viết làm sao để người ta thấy hay, thấy hấp dẫn quả là khó. Song khó mà làm được mới tài, mới hòa nhịp với dân tộc, đất nước.

Trong tình hình phức tạp hiện nay, đừng bao giờ chủ quan và phải cẩn trọng, phải cố gắng nhiều lắm. Trong quá trình phát triển, không tránh được những cái đi ra ngoài, chệch hướng, lệch đường, gây hại cho đường lối phát triển chung, nên đừng chủ quan. Đặc tính của văn nghệ sĩ là ưa tìm tòi cái mới. Cái mới có thể chưa đúng ngay, thậm chí có thể sai. Sai lầm nào cũng có hại, nhưng sai về văn hóa nghệ thuật thì khó thấy, khó sửa hơn. Từ quá khứ và hiện tại, với những con người hôm nay, tôi tin rằng Văn nghệ Quân đội, các cơ quan văn hóa, văn học nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ toàn quân sẽ hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả của mình.

VNQĐ: Vâng! Thưa Thượng tướng. Từ đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống đang diễn ra sôi động, phức tạp hôm nay, lực lượng làm công tác văn học nghệ thuật trong Quân đội chắc chắn còn nhiều việc phải làm để góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, khơi dậy tiềm lực quốc phòng vững mạnh, tạo dựng nền tảng hòa bình lâu dài, vững chắc...

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Đã là người dân nước Việt, ai cũng mong muốn hòa bình để phát triển. Bây giờ là mơ ước để mình trở thành một nước giàu, nước mạnh, do vậy rất cần đến xây dựng nền văn hóa, nghệ thuật phát triển trong sáng, lành mạnh để góp phần xây dựng tiềm lực văn hóa tinh thần của đất nước. Nhớ lại trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, đội ngũ văn nghệ sĩ Quân đội đã rực sáng với những tên tuổi lớn trong văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, phim ảnh... Chính từ đó, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đã tỏa sáng và mãi lấp lánh trong tâm thức nhân dân. Bây giờ thì sao? Chúng ta đã gặp khó khăn gì mà chưa có được những tác phẩm lớn của các loại hình văn học nghệ thuật để phục vụ chiến sĩ và nhân dân, để đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước, góp phần khơi dậy tiềm lực quốc phòng? Câu hỏi này đội ngũ văn nghệ sĩ trong Quân đội phải trả lời và trả lời bằng chính những tác phẩm của mình để không phụ niềm tin của nhân dân. Bộ đội ta đẹp lắm chứ, nhân văn lắm, nhiều hành động trong thời bình cũng rất anh hùng là mảnh đất màu mỡ để các văn nghệ sĩ khắc họa và sáng tạo. Hãy tìm những gì thật bình dị để đồng hành, sẻ chia. Người chiến sĩ và nhân dân đang chờ các tác phẩm của chúng ta. Làm tốt điều đó chính là để góp phần khẳng định: Văn hóa nghệ thuật đóng góp đặc biệt quan trọng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

VNQĐ: Văn học nghệ thuật luôn mang trong mình sức mạnh tinh thần to lớn. Đó cũng là nội lực để phát triển. Đối với đội ngũ văn nghệ sĩ trong Quân đội, đó vừa là trọng trách, vừa là niềm tin để tiếp tục trau dồi, xây dựng cho mình một nền tảng tri thức sâu sắc trong sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho chiến sĩ và nhân dân. Nhân dân cũng chính là thước đo sự đóng góp của văn nghệ sĩ. Thượng tướng có nghĩ như vậy?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Làm thế nào để các tác phẩm văn học nghệ thuật của đội ngũ văn nghệ sĩ trong Quân đội có đóng góp nhiều hơn cho xã hội, cho Quân đội? Quan trọng nhất là phải đi được vào quần chúng nhân dân, đi được vào đời sống bộ đội. Các tác phẩm có đến được với đông đảo công chúng mọi tầng lớp hay không, có được nhìn nhận tích cực hay không chính là thước đo đối với mỗi văn nghệ sĩ. Trong thời kinh tế thị trường thì thẩm định cao nhất là của xã hội. Nhân dân rất công tâm. Những tác phẩm hay sẽ còn mãi đọng lại, soi rọi và khơi gợi sự nhân văn của con người, trong đó có người chiến sĩ.

Trong giai đoạn mới hôm nay, văn hóa, văn học nghệ thuật trong Quân đội phải là lực lượng chủ công trong xây dựng và bảo vệ trận địa tư tưởng vững chắc, tươi mới, hiện đại, phù hợp với xã hội hiện đại. Chỉ cần chạm vào trái tim nhân dân và chiến sĩ, lập tức văn học nghệ thuật sẽ có sức lan tỏa lớn gấp nhiều lần những loại hình khác. Hiện nay, vẫn còn thói quen chúng ta hay làm những gì mình thích mà chưa hướng đến cái mà xã hội thích, nhân dân và bộ đội thích, được đông đảo công chúng đồng thuận và tiếp nhận mới là đích đến cao nhất.

Văn hóa, văn học nghệ thuật của Quân đội trước hết phải là văn hóa cách mạng, đó chính là cái mới, cái tiến bộ, là ánh sáng. Chúng ta phải xây dựng những vùng sáng trong cuộc sống ngày hôm nay, để đẩy lùi bóng tối, để hướng tới chân lí bền vững. Tôi tin tưởng đội ngũ văn nghệ sĩ Quân đội sẽ luôn là lá cờ đầu trong xây dựng nền văn hóa, văn học nghệ thuật cách mạng như các thế hệ trước đã từng làm. Chúng ta sẽ làm tốt hơn trong hiện tại và tương lai, đóng góp to lớn hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hùng mạnh.

Cuối cùng, qua Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhân dịp Xuân Kỷ Hợi, thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, tôi xin gửi lời chúc mừng tới toàn thể cán bộ chiến sĩ trong toàn quân, nhất là các đồng chí đang làm nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo, các đồng chí tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc nơi ngoài vùng lãnh thổ Việt Nam một năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc.

VNQĐ: Xin cảm ơn Thượng tướng!