Thứ Sáu, 11/01/2019 09:42

Nghệ thuật không chỉ để nhìn ngắm

Họ đã khẳng định, sức mạnh của nghệ thuật nâng cao được nhận thức cho loài người, vì nghệ thuật không chỉ để nhìn ngắm mà còn phải suy nghĩ.

 Chiều 10/1/2019 tại Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, giáo sư, nhà nghiên cứu lịch sử mĩ thuật Gail Levin đã có buổi nói chuyện với chủ đề: Các nghệ sĩ Mĩ và cuộc chiến tại Việt Nam.

Giáo sư, nhà nghiên cứu mĩ thuật Gail Levin

Đó là câu chuyện về mối quan hệ giữa nghệ thuật và chính trị ở Mĩ trong suốt ba thập niên 50, 60 và 70 của thế kỉ XX. Trong những giai đoạn đó, cùng với những biến cố của chính trị, nghệ thuật cũng có những biến đổi, vận động mà mỗi nghệ sĩ có những lựa chọn của mình.

GS Gail Levin bày tỏ: “Như những nghệ sĩ đương đại ở Mĩ, tôi không có ý định đến Việt Nam như khách du lịch. Tôi là một trong những người trẻ ở Mĩ đã xuống đường biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam năm 1968. Tôi cũng đã từng dạy những điều này cho sinh viên của tôi trong suốt nhiều năm qua. Tôi luôn quan tâm đến vai trò và chính kiến của người nghệ sĩ”.

Trước cuộc chiến tranh Việt Nam, ở Mĩ các nghệ sĩ hầu hết theo đuổi nghệ thuật trừu tượng biểu hiện. Còn các nghệ sĩ hiện thực im lặng và giữ quan điểm cho riêng mình. Có một bức tranh mang tên Hội nghị vào ban đêm đã gây nên nhiều ám ảnh, sợ hãi, người Mĩ rất sợ những gì liên quan đến cộng sản sẽ bị buộc tội và mất việc.

Khoảng những năm 1950, các nghệ sĩ của trường phái trừu tượng đã cho rằng nghệ thuật không cần thiết phải liên quan đến chính trị. Đây cũng là cách để họ bảo vệ bản thân trước chính phủ.

Bức tranh Napalm của họa sĩ Leon Golub được vẽ năm 1969 để phản đối chiến tranh Việt Nam

Sang thập niên 1960 các nghệ sĩ Mĩ đã dũng cảm hơn. Rất nhiều người trong số họ đã lên tiếng phản đối chiến tranh ở Việt Nam đồng thời với việc lên án việc chính phủ đã chi tiêu quá mức cho quân đội, phụ nữ bị coi thường và lạm dụng, hay môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hóa chất. Jacob Lawrence đã vẽ bức tranh Những mục sư cầu nguyện vào năm 1962. Ý tưởng của bức tranh là, những mục sư cùng với các sinh viên đã tự gọi mình là những người du hành tự do để đi khắp nơi biểu tình phản chiến.

Điều đáng tiếc là các chính trị gia chưa bao giờ nghe lời khuyên cũng như linh cảm của giới nghệ sĩ. Vì vậy chiến tranh đã diễn ra vô cùng tàn khốc và gây tổn thất nặng nề cho cả hai bên. Các nghệ sĩ ở Mĩ đã thể hiện một trách nhiệm cao, nắm bắt quyền tự do biểu đạt của mình, đồng thời nhận thức đúng đắn về chính trị.

Các tác phẩm của các nghệ sĩ lúc bấy giờ đều được biểu đạt theo phong cách đương đại để góp phần làm nên sức mạnh. Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận rằng, có những nghệ sĩ đã không thể quan tâm đến cái đẹp của nghệ thuật mà căn bản là làm sao để tác phẩm có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến công chúng. “Họ đã khẳng định, sức mạnh của nghệ thuật nâng cao được nhận thức cho loài người, vì nghệ thuật không chỉ để nhìn ngắm mà còn phải suy nghĩ”, G.S Gail Levin nói.

Gail Levin là nhà nghiên cứu lịch sử mĩ thuật tại trường Đại học Thành phố New York (CUNY). Các nghiên cứu của Gail Levin gồm lĩnh vực liên ngành: lịch sử mĩ thuật nước Mĩ, nữ quyền, mĩ thuật Do thái, sự tương tác giữa nghệ thuật và đời sống.

TUẤN LAM