Thứ Hai, 03/06/2019 08:34

Nguồn gốc người Việt qua biểu tượng văn hóa

Tiếp cận vấn đề theo hướng dân tộc biểu tượng luận, các nhà nghiên cứu, các diễn giả lí giải hiện tượng đã ăn sâu trong tiềm thức của nhiều người Việt, đó là quan niệm về “con Lạc cháu Hồng” hay “con rồng cháu tiên” trong văn hóa Việt Nam.

Vấn đề nguồn gốc tổ tiên luôn là đề tài được bàn luận, quan tâm ở Việt Nam nhưng cho đến nay vẫn tồn tại rất nhiều nghi vấn đối với các học giả cũng như phần đông người Việt. Ngày 2/6, tại Hà Nội, Bảo tàng lịch sử Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Tìm hiểu nguồn gốc người Việt qua biểu tượng văn hóa”. Buổi tọa đàm có sự tham dự của hai nhà nghiên cứu văn hóa là PGS.TS Đinh Hồng Hải và TS Trần Trọng Dương.

Tiếp cận vấn đề theo hướng dân tộc biểu tượng luận, các nhà nghiên cứu, các diễn giả lí giải hiện tượng đã ăn sâu trong tiềm thức của nhiều người Việt, đó là quan niệm về “con Lạc cháu Hồng” hay “con rồng cháu tiên” trong văn hóa Việt Nam, vốn được sử dụng như một tiền đề để tìm hiểu nguồn gốc của dân tộc người Việt.

Dân tộc biểu tượng luận, theo nhà nghiên cứu Anthony Smith: “Các nhà dân tộc biểu tượng luận tìm kiếm nguồn gốc của sự hấp dẫn tinh thần dân tộc từ vô số thành tố mang tính biểu tượng khác nhau trong môi trường lịch sử và văn hóa được chia sẻ của họ - đó là huyền thoại và biểu tượng, hoặc những kỉ niệm, truyền thống và giá trị”. Theo đó, dân tộc biểu tượng luận coi các thành phần văn hóa như biểu tượng, huyền thoại, kí ức, giá trị, nghi lễ và truyền thống. Đặc biệt, các biểu tượng đó thiết lập và giữ vững các liên kết cộng đồng và ý niệm về bản sắc dân tộc.

TS Trần Trọng Dương và PGS.TS Đinh Hồng Hải (từ trái qua) tại buổi tọa đàm

PGS.TS Đinh Hồng Hải cho biết: Đây là một khuynh hướng lí thuyết mới, đề cập đến các vấn đề có liên quan đến chủ nghĩa quốc gia dưới góc nhìn mới. Như vậy, dưới góc nhìn của dân tộc biểu tượng luận, các “huyền thoại, kí ức, giá trị, nghi lễ và truyền thống” của người Việt đã được sử dụng tối đa trong các biểu tượng tập thể-yếu tố có thể “thiết lập và giữ vững các liên kết cộng đồng và ý niệm về bản sắc dân tộc”. Để hiện thực hóa mục tiêu này thì một “vị tổ” có thể tập hợp mọi thành phần dân cư trong xã hội là một hướng đi phù hợp nhất. Đây cũng là lí do ra đời của các vị vua tổ của người Việt.

Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên và Ngô Sĩ Liên là những người đã chính thống hóa nguồn gốc tổ tiên của người Việt vào sử liệu trong Đại Việt sử ký toàn thư. Bộ sử chính thống của nhà Lê ghi rõ nguồn gốc của tổ tiên người Việt chính là “con Lạc cháu Hồng”, và cho đến ngày nay, hầu hết các tài liệu lịch sử cũng như văn học cũng hướng đến quan niệm này, dù chưa thuyết phục được bằng khoa học. 

PGS.TS Đinh Hồng Hải cho rằng, cách khả dĩ nhất để lí giải điều này chính là việc xem xét chúng như những biểu tượng dân tộc. Bởi nếu coi “Lạc - Hồng” như là nguồn gốc của người Việt thì vô căn cứ, nhưng nếu đặt chúng vào vai trò của biểu tượng dưới góc nhìn dân tộc biểu tượng luận thì lại hoàn toàn hợp lí. Đây cũng là một góc nhìn mới để có thể tiếp cận một cách cụ thể nhất với đối tượng nghiên cứu có phần trừu tượng này.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Ở một góc nhìn và suy tư khác về lịch sử, TS Trần Trọng Dương đã có những trao đổi chuyên sâu về hình tượng của Lạc Vương - Hùng Vương từ việc tích hợp các yếu tố Phật giáo - Nho giáo trong văn hóa Việt Nam qua tín ngưỡng thờ Lạc vương và những ghi chép về Kinh Dương Vương.

Theo đó thì, các nghiên cứu đi đến một nhận định: Từ thời vua Lê Thánh Tông, lịch sử về đất nước dân tộc được chuyên chú. Để đảm bảo quyền lực chính trị cũng như chủ quyền dân tộc, người Việt cần có biểu tượng tổ tiên được tôn thờ. Trong khi tín ngưỡng thờ Lạc Vương mang đậm dấu ấn của Phật giáo - Nho giáo, tôn giáo chính thời cổ và trung đại. Như vậy, có thể Lạc Vương của huyền sử đã được nhà nước thời đó đưa vào chính sử và coi là nguồn gốc người Việt.

Nói về Kinh Dương Vương, nhân vật được coi là thủy tổ của người Việt Nam, TS Trần Trọng Dương cũng đặt ra giả thuyết, phải chăng chỉ là một ảo ảnh diễn hóa từ nhân vật Kinh Xuyên trong tiểu thuyết truyền kỳ của Trung Quốc? Bởi sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa suốt mấy nghìn năm là điều không phải tranh cãi, vậy nên những chi tiết, hình tượng tương đối giống nhau giữa hai nền văn hóa có thể là sự diễn hóa chăng?

Vẫn còn nhiều yếu tố cần được nghiên cứu và làm rõ về vấn đề nguồn gốc của người Việt. Buổi tọa đàm đưa ra những giả định nhằm cung cấp thêm những hướng tiếp cận mới, cách nhìn nhận khác cho những ai quan tâm đến vấn đề này.

HOÀI PHƯƠNG