Thứ Ba, 07/05/2019 09:29

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Tôi muốn truyền đam mê cho mọi người

Kỉ niệm 25 năm viết báo, Búi Thông thơ dại (truyện dài), Trong tận cùng hang ổ (phóng sự điều tra) và Ở lại với ngàn sao (du kí) đánh dấu 27 cuốn sách đã in của Đỗ Doãn Hoàng.

Nhắc đến Đỗ Doãn Hoàng, người ta nhắc đến những đề tài phóng sự điều tra gai góc, nhưng cũng ít người biết rằng, anh còn viết văn và mê khám phá những vùng đất mới. Ba cuốn sách ra mắt ngày 6/5, tại Hà Nội thuộc ba thể loại khác nhau đã phần nào khắc họa hình ảnh một nhà báo giàu lòng trắc ẩn.

Kỉ niệm 25 năm viết báo, Búi Thông thơ dại (truyện dài), Trong tận cùng hang ổ (phóng sự điều tra) và Ở lại với ngàn sao (du kí) đánh dấu 27 cuốn sách đã in của Đỗ Doãn Hoàng. Nói về nghề viết của đồng nghiệp, nhạc sĩ Thụy Kha miêu tả “Hoàng viết không chỉ là phóng sự báo chí mà còn là phóng sự văn chương”. Đây có lẽ là nhận xét nhận được nhiều đồng tình nhất về Đỗ Doãn Hoàng.

Hiếm có buổi ra mắt sách nào mà những nhân vật được nhắc đến trong sách xuất hiện để kể lại câu chuyện của mình và bày tỏ sự yêu quí của mình đối với tác giả - người đã minh oan, tìm sự thật và trả lại danh tính cho họ. Buổi giao lưu giới thiệu về ba cuốn sách mới nhưng mọi sự tập trung đều đổ dồn về câu chuyện của những nhân vật trong các bài phóng sự điều tra của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng.

Buổi ra mắt sách có tên gọi "Đỗ Doãn Hoàng - Hành trình vạn dặm" - Ảnh: Thành Duy

Từ lời nói chân thành

Không ngại ngần chia sẻ rằng lần đầu viết báo, nhuận bút là “một chỉ vàng” thật sự cuốn hút mình, Đỗ Doãn Hoàng chỉ thực sự lao vào mảng đề tài phóng sự điều tra khi nghe lời góp ý: “Cháu còn trẻ khỏe, hãy viết gì mạnh mẽ và có tính chiến đấu, cho ngòi bút nó nam tính, được không?”. Đó như lời thức tỉnh để anh bắt đầu lao vào mảng phóng sự điều tra.

Tự nhận mình là người kĩ tính trong công việc, anh nói: “Tôi sẽ không thể tha thứ cho bản thân nếu như chỉ làm nửa vời, không đến đầu đến đũa”. Do đó, các bài, vệt bài của anh luôn có những câu trả lời cho những con người oan khuất, những câu chuyện ngang trái. Những câu chuyện xuất hiện trong tập phóng sự điều tra Trong tận cùng hang ổ là những câu chuyện như thế. Những con người nhiều năm oan khuất, những câu chuyện chưa ai tìm đến, Đỗ Doãn Hoàng và đồng nghiệp phải thực hiện kéo dài 5-7 năm, hàng chục năm mới kết thúc. 

Từng tiêu diệt nhiều xe tăng, xe bọc thép, là xạ thủ B41, được khen thưởng ở đơn vị và hơn 40 năm chịu oan khuất khi bị coi là người đảo ngũ, ông Nguyễn Xước Hiện chia sẻ: “Năm 2010, anh Hoàng đến nhà thì tôi thấy anh là con người có nhiệt huyết, làm báo chân chính để tìm triết lí cho những người bị oan sai, không có ai nhìn đến”.

“Tôi không kể chiến công nhưng suốt 40 năm chịu oan của chú Hiện, trước khi chúng tôi đặt bút viết thì không ai để ý đến chú. Quá trình làm báo, quá trình đấu tranh để tìm lại công lí cho chú Hiện, tôi cũng đã có những buổi cãi nhau nảy lửa, một mất một còn với nhiều cơ quan ban ngành. Thậm chí tôi còn tuyên bố tôi sẽ đến gặp Bộ trưởng Đào Ngọc Dung để làm rõ trường hợp của bác Hiện” – Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng kể lại. Sau loạt bài của anh và đồng nghiệp, đến tháng 4/2018, bác đã được phong là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tham dự còn có nhà sử học Lê Văn Lan, người từng bị vu oan lấy ấn của Triều Trần và cũng là một nhân vật trong phóng sự điều tra của Đỗ Doãn Hoàng - Ảnh: Thành Duy

Truyền cảm hứng cho mọi người

Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ: “Cuối cùng, sau 25 năm, tôi cũng có một ngày dũng cảm làm một buổi ra mắt sách. Buổi ra mắt không phải là nơi tôi “khoe” về mình mà là nơi tôi muốn giới thiệu những con người như bà Triệu Mùi Chài, nhà sử học Lê Văn Lan, ông Nguyễn Xước Hiện,… với các chuyên gia như bác sĩ Trình Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt TƯ, nhà sử học Lê Văn Lan, Dương Trung Quốc. Tôi muốn kết nối những nhân vật trong các tác phẩm của mình để truyền cảm hứng cho mọi người đi ra ngoài thế giới và làm nghề với niềm đam mê”.

Trong buổi giao lưu có sự tham gia của bốn nhân vật trong các vệt bài: Cởi tiếng oan cho người anh hùng chịu nhiều tai tiếng, Những vị đầu bếp bất tử trong vụ “Hà Thành đầu độc”, Nhà báo và chiến dịch giải cứu những “sơn nữ mặt quỷ” ở Cao Bằng cùng vợ chồng nhà bảo tồn Tilo Nadler – người truyền cảm hứng về lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã cho tác giả.

Có cơ duyên đọc báo thấy cô “sơn nữ mặt quỷ” và muốn cứu giúp, GS.TS Trịnh Đình Hải đã liên hệ để đưa bà Chài từ Cao Bằng về Hà Nội, huy động kinh phí để mổ cho bà. Dù theo ông, đây là ca bệnh phức tạp, khối u không chỉ ở vùng mặt mà còn ảnh hưởng đến 1/3 hộp sọ, bà cũng cao tuổi và có nhiều bệnh lí. “Tôi ban đầu chỉ biết anh Hoàng qua bài báo hết sức thuyết phục và tôi rất ấn tượng khi thấy anh có trách nhiệm với xã hội” – Bác sĩ Hải chia sẻ.

Giới thiệu về Việt Anh, trưởng nhóm thiện nguyện Discovery Cao Bằng, Đỗ Doãn Hoàng cho rằng mình không thể làm nhiều điều với quê hương như Việt Anh. Bởi Việt Anh cùng nhóm của mình từng giúp rất rất nhiều trường hợp khó khăn ở những điểm sâu xa, heo hút của Cao Bằng như: dựng lại nhà, tặng lợn giống, đưa người đi chữa bệnh…

Bìa ba cuốn sách

Nói về truyền cảm hứng, cuốn sách du ký Ở lại với ngàn sao ghi lại cảm xúc của nhà báo khi đặt chân đến các vùng đất trên thế giới. Có Hoàng, đọc sách sẽ thôi thúc người ta đi và khám phá thế giới. Đó sẽ không chỉ là một địa danh đơn thuần mà là một nơi gắn với những câu chuyện lịch sử hay vấn đề của thời đại. Với anh, đi thật xa, thật cao để nhìn lại nơi mình vừa rời khỏi để có cách so sánh khách quan, nhân ái. Ở lại với ngàn sao sẽ đưa độc giả đến với vùng đất của nữ quỷ tóc rắn, Lục Địa Đen, ngắm đồng hồ thiên văn cổ Praha, kinh thành cổ tích…

Không được nhắc đến nhiều trong buổi ra mắt, nhưng Búi Thông thơ dại được coi như một tự truyện của tác giả viết về tuổi thơ ở xóm Búi Thông (Ba Vì). Đỗ Doãn Hoàng nói, mẹ anh thường không thể đọc được liên tục quá 2 trang, vì bà phải dừng lại để khóc. Đây là cuốn sách đẹp về lòng nhân ái, về giá trị của tình thương yêu bất tận với vùng đất đã nâng đỡ, đùm bọc quấn túm những tháng năm nghèo khó.

Nói về tác giả, nhiều bạn viết, đồng nghiệp sẽ không tiếc lời khen, nhưng để tóm lại một chân dung đầy đủ thì có lẽ nhận xét của nhà văn Nguyễn Quang Thiều khá trọn vẹn: “Đỗ Doãn Hoàng là một người đam mê. Anh lúc nào cũng như một chàng trai 17 tuổi sẵn sàng đi và viết. Một người trung thực và khác biệt với nhiều người khác vì anh còn là một nhà văn một nhà lịch sử trong một nhà báo đầy lòng trắc ẩn”.

THU OANH