Thứ Ba, 16/04/2019 13:05

Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ chỉ còn trong kí ức

Ngọn lửa đã lan rộng và thiêu cháy Nhà Thờ Đức Bà Cathédrale Notre - Dame Paris - biểu tượng lâu đời, độc nhất vô nhị và đặc biệt nhất của nước Pháp rạng sáng ngày 15/4/2019.

Bão lửa đã lan rộng và thiêu cháy Nhà Thờ Đức Bà Cathédrale Notre - Dame Paris - biểu tượng lâu đời, độc nhất vô nhị và đặc biệt nhất của nước Pháp rạng sáng ngày 15/4/2019.

Trái tim nước Pháp

Nhà Thờ Đức Bà Cathédrale Notre - Dame Paris

Toàn bộ cấu trúc kinh điển của nhà thờ danh tiếng nhất thế giới đã đi vào văn học và trở thành trái tim nước Pháp qua hai tác phẩm Những người khốn khổ, và Thằng gù nhà thờ Đức Bà Paris của đại văn hào Victor Hugo.

Nhà thờ Công giáo này là thắng cảnh nổi tiếng thế giới của Paris, có lẽ chỉ xếp sau Tháp Eiffel và thu hút tới 13 triệu khách du lịch mỗi năm. Với rất nhiều người dân Paris, công trình với hai tháp vuông kiểu Gothic nổi bật dọc sông Seine là trung tâm của đời sống văn hóa, tôn giáo của họ kể từ khi nó được hoàn thiện vào thế kỉ 14.

Nhà thờ được xây dựng từ năm 1163, khi thủ đô Paris nổi lên như một trung tâm quyền lực của nước Pháp dưới thời vua Louis VII (1120-1180). Khi ấy vua Louis VII muốn có một công trình tôn giáo xứng tầm với địa vị của Paris và mang ý nghĩa biểu tượng về sức mạnh kinh tế, chính trị, tri thức và văn hóa của nước Pháp.

Chính vì thế mà vị vua này đã quyết định chọn địa điểm xây dựng nhà thờ tại Île de la Cité, một trong hai cù lao trên sông Seine chảy qua thủ đô. Một đại giáo đường từ thời Trung cổ ở vị trí này đã bị phá hủy để nhường chỗ xây dựng công trình mới.

Dưới sự chứng kiến của Giáo hoàng Alexander III, lễ đặt viên đá đầu tiên khởi công nhà thờ có chiều dài 130 m, rộng 48 m diễn ra vào năm 1163, nhưng nước Pháp phải mất tới gần 200 năm với nhiều kiến trúc sư tài năng, xuất chúng như: Jean de Chelles, Pierre de Montreuil, Pierre de Chelles, Jean Ravy và Jean le Bouteiller… tham gia mới hoàn thành công trình vĩ đại đó. Sau này, nhà thờ cũng thường xuyên được chỉnh sửa trong những thế kỉ tiếp theo.

Khi hoàn thành vào năm 1345, nhà thờ Đức Bà Paris được coi là viên ngọc quý của kiến trúc Gothic thời trung cổ, nó có thể chứa tới hơn 6.000 tín đồ tới cầu nguyện cùng lúc và cũng là nơi chứng kiến những sự kiện lịch sử quan trọng. Đây được coi là nhà thờ chính tòa của toàn nước Pháp, nơi diễn ra các lễ cưới hoàng gia, nơi Napoleon Bonaparte lên ngôi hoàng đế và là địa điểm Joan of Arc được phong thánh.

Năm 1431, vua Henry VI của nước Anh đăng quang trở thành vua nước Pháp tại nhà thờ Đức Bà Paris, đây cũng là nơi diễn ra lễ cưới giữa vua Scotland James V và công chúa Pháp Madeleine năm 1537. Nhà thờ cũng đã từng tổ chức những lễ cầu siêu lớn cho các cố tổng thống Charles de Gaulle và Frncois Mitterrand của Pháp.

Hai tháp vuông cao 69 m ở mặt tiền phía tây được xây dựng vào đầu thế kỉ 13, trong đó tháp phía bắc có 387 bậc thang để du khách có thể trèo lên, còn tháp phía nam là nơi bố trí 10 chiếc chuông của nhà thờ. Nổi tiếng nhất trong số này là chuông Emmanuel, thường ngân lên mỗi khi diễn ra các sự kiện trọng đại trong lịch sử nước Pháp, như lễ đăng cơ của nhà vua, các chuyến thăm của giáo hoàng hay đánh dấu sự kết thúc của hai cuộc thế chiến.

Chuông Emmanuel cũng vang lên khi tòa tháp đôi ở New York, Mĩ sụp đổ trong vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Tháp chuông trên mái vòm của nhà thờ được xây dựng từ thế kỉ 13, nhưng bị gió lớn phá hủy vào thế kỉ 18.

Khi Cách mạng Pháp bùng nổ vào thập niên 1790, nhà thờ Đức Bà Paris bị lãng quên và xuống cấp nghiêm trọng. Sự xuống cấp của công trình vĩ đại này được nhà văn Victor Hugo đề cập trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà Paris xuất bản năm 1831.

Sau đó, nước Pháp đã tiến hành nhiều đợt trùng tu lớn vào giữa thế kỉ 19, điển hình là các năm 1963 và 1991. Tuy nhiên, trải qua mưa nắng của thời gian, nhà thờ Đức Bà Paris ngày càng xuống cấp, buộc nhà chức trách Paris phải khắc phục bằng cách phục hồi, tu sửa với quy mô lớn.

Biểu tượng nước Pháp bị thiêu rụi gần như hoàn toàn, cần khôi phục lại

Cháy trên nóc nhà thờ lan tới xung quanh

Đám đông người dân và khách du lịch bên bờ sông Seine rất bàng hoàng khi chứng kiến cảnh tượng Notre Dame chìm trong lửa chưa từng có, một số người hoảng hốt bật khóc, số khác đau đớn cầu nguyện. "Paris đã bị biến dạng. Thành phố này sẽ không bao giờ còn như trước kia được nữa", một người dân Paris vừa cầu nguyện vừa nức nở: "Đây thật sự là một thảm kịch kinh hoàng và không thể tưởng tượng được!”.

Các mái vòm cũng bị thiêu rụi

“Mọi thứ đang sụp đổ!” một viên cảnh sát gần đám cháy nói to như quát lên giống một tiếng than với phóng viên Reuters rằng toàn bộ phần tháp và mái của nhà thờ tiếp tục bị thiêu rụi hoàn toàn.

Phó Thị trưởng thành phố Paris Emmanuel Gregoire cho biết, các công nhân đang nỗ lực "cứu lấy tất cả những tác phẩm nghệ thuật có thể cứu được". Hiện chưa rõ số phận của các bảo vật vô giá và lâu đời được lưu giữ bên trong nhà thờ ra sao, nhưng hình như không cứu được bao nhiêu vì phần lớn được thiết kế gắn chặt vào tường và vì tốc độ cháy lan nhanh dữ dội cùng với sức nóng khủng khiếp.

Nhà Thờ Đức Bà Cathédrale Notre - Dame Paris chìm trong biển lửa

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải hủy buổi phát biểu trên truyền hình quốc gia dự kiến diễn ra vào tối 15/4 giờ Pháp, cùng Thủ tướng Édouard Philippe để đến ngay hiện trường.

Châu Âu và cả thế giới rúng động

Đăng tải trên Twitter, ông Macron thảng thốt chia sẻ: "Nhà thờ Đức Bà Paris của chúng ta đang bị cháy lớn. Tôi xin được cùng chia sẻ với tất cả các tín đồ Công giáo và toàn thể người dân Pháp. Cảm xúc như tất cả đồng bào, tôi rất đau buồn khi thấy một phần trong chúng ta bị thiêu rụi".

Tổng thống Mĩ Donald Trump xúc động phát biểu trên truyền hình trực tiếp CBSN ngay sau khi đám cháy diễn ra không lâu: “Tôi và toàn thể người dân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ vô cùng đau đớn khi tận mắt nhìn thấy biểu tượng văn hoá và Công giáo không chỉ của nước Pháp mà của cả nhân loại đang bị cháy rụi...”.

Những hình ảnh tường thuật trực tiếp cho thấy ngọn lửa bốc lên ngùn ngụt trên nóc nhà thờ cùng những cuộn khói bao phủ cả một vùng. Theo tìm hiểu của giới chức trách, vụ hoả hoạn này có liên quan tới hoạt động tu sửa đang được thực hiện tại đó với những dàn giáo vây chắn xung quanh.

Khi ngọn lửa được khống chế lúc 0h ngày 16/4, rất nhiều người dân Paris đã bật khóc chứng kiến "trái tim của thủ đô" trở nên hoang tàn. "Mất mát này không thể đo đếm được", Bertrand Delanoë, cựu thị trưởng Paris, không nén nổi xúc động khi phát biểu với báo giới. "Nhà thờ Đức Bà Paris cần phải sống vì nó đã là di sản của toàn nhân loại". Một du khách nước ngoài chia sẻ: "Tôi đã đến Notre Dame Paris lần đầu vào mùa hè năm 2002, ở rất lâu trong đó và vô cùng ấn tượng với kiến trúc lâu đời, tinh xảo của nhà thờ lâu đời nhất nước Pháp này. Lúc ấy tôi đã không thể tin được cách đây trên 800 năm mà con người có thể thiết kế xây dựng được một kiệt tác về kiến trúc đến như vậy. Bên trong nhà thờ chứa nhiều tác phẩm mĩ thuật vô giá được điêu khắc trên vòm mái và trải dài trên các thành tường của nhà thờ lung linh nến sáng. Và tôi dự định sẽ đến thăm lại nhà thờ danh tiếng này vào tháng 10 năm nay khi dự Hội chợ Sách Quốc tế Frankfurt Bookfair. Nhưng đã không còn kịp nữa rồi..."

Vụ hỏa hoạn đã gây ra thiệt hại rất lớn cho cấu trúc nhà thờ. Hầu như toàn bộ mái nhà bị sụp đổ. Bên cạnh đó, các cửa sổ hoa hồng cũng bị thiệt hại phần lớn. Tuy nhiên, khu vục hầm đá vẫn còn nguyên vẹn bên trong, theo như mô tả của một số người được liên quan được cho phép vào hiện trường thì "khu vực này không bị ảnh hưởng nhiều". Nhân viên cứu hộ đã tìm cách cứu các kiệt tác hội họa và thánh tích bên trong nhà thờ khi chiến đấu với ngọn lửa suốt nhiều giờ, trong đó có vương miện gai, được cho là vật mà Chúa Jesus đội trên đầu khi ngài bị đóng đinh trên thập giá; cây đàn organ từ thế kỉ 17; những bức tượng đồng từ thế kỉ 12 và 13 ở tháp nhọn...

Gần như ngay lập tức Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã công bố kế hoạch tái thiết lại nhà thờ để trấn an dân chúng.

Mặc dù sẽ có những biện pháp can thiệp, nhưng "trái tim của kinh đô ánh sáng" sẽ chẳng được như xưa. Người dân Pháp và thế giới đều bày tỏ sự đau xót, bàng hoàng và nói lời vĩnh biệt Notre Dame Paris vàng son...

BÌNH NGUYÊN theo Reuters